ĐẠM PHƯƠNG NỮ SỬ VÀ ÁNH XẠ TƯ TƯỞNG NỮ QUYỀN

Một viên ngọc sáng trong lịch sử nữ quyền của phụ nữ Việt Nam lâu nay bị lớp bụi thời gian che phủ vừa được phủi. Và hôm nay chúng ta đang lau chùi với ý thức trả lại cho viên ngọc ấy vẻ đẹp và ánh sáng thực của nó. Đó là trường hợp nữ sĩ Đạm Phương - người phụ nữ có đóng góp rất lớn trên phương diện văn hóa dân tộc trong vài ba thập niên đầu TK XX.

Hãy thử đi ngược lại bối cảnh lịch sử của quãng thời gian khi nữ sĩ Đạm Phương sinh ra và lớn lên. Đó là những năm thực dân Pháp đẩy mạnh công cuộc thôn tính nước ta. Vương triều nhà Nguyễn cực kỳ rối ren và gia đình thân phụ bà cũng ở trong tình cảnh đó. Bà sinh ra trong một danh gia vọng tộc và rồi làm dâu trong một gia đình quyền quý. Lúc bà còn rất nhỏ, 2 tuổi đầu, thân phụ, vốn gắn bó với vua Hiệp Hòa bị lật đổ, cũng phải long đong mất vài năm, sau đó lại được phục hồi chức tước cũ. Bà được nuôi dạy như mọi cô gái con vua cháu chúa khác. Nền giáo dục phong kiến, gia giáo hoàng tộc vào thời điểm mà cùng với chính sách cai trị về chính trị và kinh tế, là văn hóa Pháp du nhập vào nước ta, đã thẩm thấu vào bộ lọc tuyệt vời của một người phụ nữ hiếu học, thông minh, sắc sảo và để lại những những dấu ấn đặc sắc trong việc hình thành nhân cách, tri thức và bản lĩnh của bà. Bà lấy chồng, sinh con đẻ cái, nuôi dạy con như mọi bà mẹ khác nhưng nhanh chóng nhận ra được những hạn chế từ chính lễ giáo mà mình được nuôi dạy, bà tham gia vào các hoạt động xã hội với tư chất một con người ý thức về giải phóng giới. Bà chống lại sự hà khắc của lễ giáo phong kiến, nhưng cao hơn, bà hướng cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ đương thời hiểu đúng những mặt tích cực trong lễ giáo đó và người phụ nữ cần làm thế nào để có được một vị thế trong gia đình và xã hội. Bà cũng dành rất nhiều thời gian và tâm sức cho việc giáo dục cho trẻ thơ. Chưa đầy mười năm, từ 1918 đến 1926, bà đã viết hàng trăm bài báo nhằm cổ súy, giáo dục nữ giới, giáo dục nhi đồng xung quanh quan niệm đạo đức và vấn đề gia đình. Bà là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất ở nước ta vào thời điểm đó đã viết cho cùng một lúc cả ba tờ báo lớn nhất ở cả ba miền.

Ngoài ra, bà còn làm thơ, từ, câu đối, khảo cứu, thành lập Nữ công học hội. Ba cuốn tiểu thuyết chỉ là phần nhỏ trong di sản mà bà để lại: Kim Tú Cầu in trên Lục tỉnh tân vănTrung Bắc tân văn rải rác từ từ tháng 7-1922 đến 7-1923, Nữ lưu thư quán Gò Công phối hợp với nhà in Bảo Tồn xuất bản năm 1928, Hồng phấn tương tri do Nữ lưu thư quán Gò Công xuất bản năm 1929, Chung Kỳ Vinh đăng trên Lục tỉnh tân văn khoảng năm 1924-1925. Ba cuốn tiểu thuyết này nằm trong bộ Nhân tình ngẫu lục dự định gồm mười cuốn xuất bản theo kế hoạch của Nữ lưu thư quán ở Gò Công. Cuốn đầu tiên, Kim Tú Cầu, so với Tây phương mỹ nhân của Huỳnh Thị Bảo Hòa xuất bản năm 1928, nếu tính từ lúc đăng trên Lục tỉnh tân văn thì nó được in từ 22-7-1922, và sau đó in cả trên Trung Bắc tân văn cho đến tháng 7-1923, thì xem ra Đạm Phương là người phụ nữ đầu tiên viết tiểu thuyết. Mặt khác, bà xuất hiện trên báo từ năm 1918, giữ chuyên mục Văn đàn bà trên báo Trung Bắc tân văn ngót mười năm trời (từ 1918 đến 1929) nên khi tiểu thuyết của bà lần lượt được trích đăng thì cái tên Đạm Phương nữ sử chắc gây được sự chú ý nhất định đối với độc giả.

Nhìn về phương diện thể loại, vào những năm hai mươi của thế kỷ trước tiểu thuyết đã có những bước phát triển mới. “Nếu coi tiểu thuyết là công nghiệp nặng của một nền văn học thì có lẽ văn học hiện đại Việt Nam đã hình thành trong khoảng thời gian từ 1920 đến 1930 và năm 1925 là năm được mùa nhất”(1)...

Những cuốn tiểu thuyết của bà đã ra đời trong bối cảnh đó. Là người tinh thông ngoại ngữ, quốc ngữ, đọc nhiều sách báo và sớm tiếp cận với tư tưởng dân chủ, nhân quyền của các nhà các nhà tư sản dân chủ cùng thời từ hai nước Pháp - Trung nên Đạm Phương trở thành một trong số những người phụ nữ sớm có tư tưởng đổi mới. Hơn nữa, ở vị thế của bà, mối quan hệ giao lưu bè bạn, đặc biệt với Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, những thanh niên cách mạng, những chí sĩ yêu nước mang tư tưởng canh tân là một lợi thế để bà vừa mở rộng tầm nhìn của mình, lại có thể gây ảnh hưởng trong giới trí thức, trong xã hội, đặc biệt là cho sự thành lập, hoạt động của Nữ công học hội mà bà là người khởi xướng, phụ trách. Việc bà thay mặt Phan Bội Châu đọc điếu văn trong lễ truy điệu Phan Chu Trinh tại Nam Giao (Huế) và đôi câu đối phúng viếng cụ đã cho thấy được tầm ảnh hưởng không nhỏ của bà. Mặt khác, cũng phải thấy rằng, trước sau Đạm Phương vẫn là người phụ nữ của gia đình bởi sự bình đẳng với chồng trên nhiều phương diện và cũng là người tôn trọng các chí hướng của con. Đương nhiên, trong tiểu thuyết, quan niệm văn dĩ tải đạo đã được bà thực thi để chuyển tải những ý tưởng của mình. Mở rộng ra điều này, chúng tôi muốn nói đến những đóng góp của bà trên phương diện nội dung tư tưởng của tác phẩm, để có thể có cái nhìn công minh khi đặt chúng vào bối cảnh chung của sự phát triển thể loại. Bà từng quan niệm: “Xưa nay, người ta thường nói tiểu thuyết là để cảm xúc lòng người nhưng phần tôi thì tôi nói rằng: vì có cảm xúc thì mới làm ra tiểu thuyết; bao nhiêu những điều mắt thấy tai nghe, dầu vui hay buồn, thương hay ghét, khen hay chê, có quan hệ đến nhân tình, phong tục, há chẳng nên miêu tả những bức truyền thần, để lại làm chỗ ký ức cho mình, và cũng để góp phần suy nghiệm cho người đời”.

Xuất thân trong một gia đình phong kiến, bà hiểu rõ những hạn chế mà lễ giáo đó ràng buộc, trói chặt con người bằng những sợi dây vô hình mà nếu không di dời chỗ đứng của mình thì rất khó nhận ra, cũng như ta hiểu, nếu không phải là người thông minh và có bản lĩnh thì cũng khó lòng mà tìm ra phương cách hành động thích hợp. Trong văn học TK XIX nhiều truyện nôm nổi tiếng đã đề cập đến vấn đề hôn nhân và thân phận người phụ nữ. Vì thế, tìm ra cái mới trên đề tài quen thuộc là điều không dễ dàng. Nhưng “những người làm cha mẹ hủ bại đi tin thuật số, trọng sự danh lợi mà làm rối duyên con” là vấn đề không hề cũ. Bà phê phán xã hội “nếu thanh bình, pháp luật nghiêm minh, đâu có những sự trái phép, diễn ra giữa chốn tỉnh thành, gian cướp tứ tung mà quan gia không tìm phương nã trị, để một người đàn bà con gái con nhà trâm anh, vợ người chức tước mà tiền của mất sạch, thân thể phiêu lưu, không ai nhìn đến, có oan mà không chỗ kêu, bơ vơ sóng gió dập vùi, ở trong một cái hoàn cảnh hắc ám, phần thời gia đình chôn lấp, phần thời xã hội dày vò. Sinh thân người đàn bà con gái hồi bấy giờ, chẳng còn công lý, tự chủ gì hết thảy… Những người làm cha làm mẹ chẳng nên lấy đó mà làm gương hay sao?” thì ở phương diện nào đó vẫn là một lời cảnh tỉnh. Những vấn đề nhức nhối trong xã hội là cảm hứng để thông qua những hình tượng nghệ thuật, bà gửi gắm lý tưởng thẩm mỹ về tình yêu, hôn nhân của mình.

Trong xã hội kim tiền, giá trị của con người được đánh giá theo giá trị tiền bạc mà người đó có. Mối tình cảm trong sáng giữa Ngọc Lan và Kim Tú Cầu sẽ không đi đến kết thúc bi đát nếu như cha mẹ cô không ham giàu mà nài ép con để rồi gả cô làm vợ một ông quan luống tuổi, đẩy cô sớm rơi vào cảnh góa bụa. Rồi tính thực dụng của những kẻ chuyên bỡ đợ, cầu cạnh, những tiêu cực trong một xã hội kim tiền nhiễu nhương đã nhanh chóng đẩy số phận một cô gái ngoan con nhà dòng dõi vào bi kịch với kết cục bi thảm.

Thử đặt ngược lại vấn đề: nếu tử vi cô là sẽ lấy chồng làm quan thì lúc bấy giờ Ngọc Lan là một thư sinh nghèo nhưng về sau, khi học hành đỗ đạt, Ngọc Lan cũng đã được nhà nước bổ nhiệm. Mặt khác, cũng phải thấy rằng, khi mới về làm vợ ông quan già, Kim Tú Cầu cũng đã có một quãng thời gian yên ổn. Vấn đề cơ bản mà Đạm Phương muốn đặt ra ở đây: liệu đâu là cái gốc rễ của những bất hạnh trong cuộc đời Kim Tú Cầu. Lý do nào đã khiến đôi trẻ yêu nhau, không được lấy nhau mà không dám cưỡng lại ý cha mẹ. Vả chăng vì xã hội bất an mà nạn cướp bóc xảy ra tràn lan, không chỉ cướp của mà còn lừa cướp cả người khiến cho cùng đường, Kim Tú Cầu phải tự vẫn.

Vậy thì hạnh phúc của con người liệu có nên chỉ tính bằng cuộc sống vật chất. Và làm thế nào để người phụ nữ có được hạnh phúc.

Câu hỏi đó được bà tiếp tục tìm kiếm, thể hiện trong Hồng phấn tương tri, trong Chung Kỳ Vinh và hình tượng nhân vật như một câu trả lời đầy đặn: người phụ nữ muốn được giải phóng thì trước tiên phải tự giải phóng mình, sự giải phóng bao hàm việc người phụ nữ phải tự khẳng đình mình bằng năng lực, ý chí và ý thức. Bà không hề phủ nhận vai trò của tiền bạc và gia đình đối với hạnh phúc của người phụ nữ. Nhân vật Nam Châu từng nhắc lại câu nói của một danh sĩ Tây: ““Người đàn bà cốt phải có ba điều để tự vệ; một là chồng, hai là con, ba là của cải”. Ba điều ấy tuy vẫn tầm thường nhưng người nào cũng phải nương tựa vào trong cái bóng ấy mới có đủ sức mạnh chống cự với đời”. Quế Anh là nhân vật được bà xây dựng như là một biểu tượng của người phụ nữ mới. Là con gái trong một gia đình trâm anh, được học hành, Quế Anh mới chuyển về Đồng Hới được vài tuần thì “trong tỉnh đã nhiều người biết tiếng về tài sắc và đức hạnh”. Cô không thích sử dụng thời gian rỗi bằng thù tạc, bằng thú chơi bài bạc như nhiều quý bà thời ấy mà “thường nhật công việc nhàn hạ, không bao giờ rời quyển sách trên tay”. “Tôi nghe các bà già thuật lại chuyện về phong tục mình, đường nữ công rất lắm việc… sao các cô lại bảo là không việc”. Cô quan niệm “người đàn bà cốt giữ cái bổn phận của mình, từ việc trong cho tới việc ngoài, nhỏ có trọn vẹn, mới mong lớn được hoàn toàn”. Là người mực thước cô dành trách nhiệm cao nhất cho gia đình. Có thể vì thế mà Quế Anh nén lại những tình cảm riêng tư, cùng cha mẹ chăm lo cho việc học cho các em. Đây cũng là điểm mấu chốt tạo nên sự đồng điệu của hai tâm hồn Nam Châu - Quế Anh. Từ dửng dưng, cô dần dần yêu quý Nam Châu khi biết anh là người có chí hướng, biết lo toan cho công việc của cộng đồng. Rồi sau này khi có Nam Châu cùng ghé vai gánh vác trách nhiệm với mình, họ đã trở thành một cặp đôi hạnh phúc.

Trong quan niệm của bà, Quế Anh là người do biết ý thức về trách nhiệm của mình nên đã chủ động trong sự cắt đặt, sắp xếp công việc cho mình. Loại trừ hoàn cảnh gia đình, môi trường và những điều kiện xã hội, khác với Kim Tú Cầu, tính chủ động của Quế Anh được bà đề cao. Là người có học vấn, cô ý thức về mình trong cách nhìn về giới, về hôn nhân và tình yêu. Quế Anh là hình mẫu tiêu biểu cho người phụ nữ mới.

Quan niệm mới về người phụ nữ của Đạm Phương được bổ sung thêm qua những người phụ nữ xung quanh nhân vật Chung Kỳ Vinh trong tiểu thuyết cùng tên. Vốn xuất thân là con gái một công chúa, bà ngoại Chung Kỳ Vinh rất yêu chiều con rể. Nhưng rồi những việc làm ngang trái của ông chồng đã khiến mẹ anh sầu muộn, ốm đau mà mất. Bà công chúa đón hai đứa cháu ngoại là Chung Kỳ Vinh và Lan Khanh về nuôi. Hai người này được ảnh hưởng những phẩm chất tốt đẹp trong cung cách nuôi dạy con cái ở những gia đình hoàng tộc từ mẹ và bà mà lớn lên trở thành những người tính tình khác bố.

Mối quan hệ giữa Ngọc Yến và Chung Kỳ Vinh là mối quan hệ của tuổi học trò, rồi tiến đến quan hệ hôn ước của hai gia đình môn đăng hộ đối. Sẽ là bình thường với một đôi nam thanh nữ tú vốn sinh lòng cảm mến nhau từ nhỏ. Nhưng với một ông bố kiêu ngạo như Chung ông thì việc sa sút của kinh tế gia đình Nguyễn Công đã trở thành không bình thường nếu duy trì mối quan hệ đó. Những thử thách mới đặt ra trước đôi trẻ. Ngọc Yến vẫn giữ nếp sang trọng của con nhà khi nhẫn nại chịu đựng cách tiêu xài hoang phí mang tính sĩ diện của ông bố và có thái độ tự trọng trong quan hệ với gia đình Chung ông. Với Chung Kỳ Vinh cô mang tâm trạng “yêu không dám yêu, bỏ không dám bỏ”. Sau sự cố bị tai tiếng do Bảo Toàn muốn kết thân với nàng mà không thành, Ngọc Yến quyết định đi làm nghề nữ công: mở rộng canh cửi, thuê phụ nữ giúp việc tơ lụa. Nhờ sự giúp đỡ của bà dì, công việc thuận lợi và cô nguôi ngoai nỗi buồn.

Số phận đã mỉm cười với nàng khi Chung Kỳ Vinh, sau bao trắc trở lận đận, đã thi đỗ và không hề phôi pha mối tình cảm với nàng. Khi biết con gái mặc cảm mình giờ xuống sắc nên chỉ định ở nhà sống với bố chăn tằm dệt vải, Nguyễn Công đã khuyên con “làm trai không thể vì nhà mà bỏ nước, làm gái không phải lủi thủi ở nhà với cha mẹ trọn đời mới là nghĩa”. Việc Chung Kỳ Vinh quyết định mua lại khu vườn mà Nguyễn Công trước đây đã phải bán đi để làm giá trang cho nàng đã thể hiện tình cảm thủy chung, lòng hiếu thảo và độ tinh tế của tâm hồn anh. Sau khi cưới nhau một thời gian, Ngọc Yến muốn cưới thêm vợ cho chồng nhưng Chung Kỳ Vinh đã thuyết phục vợ với những lời lẽ mang quan niệm tiến bộ về hôn nhân gia đình.

Ba nhân vật nữ trong tiểu thuyết của Đạm Phương mang ba số phận của từng hoàn cảnh mà ở mỗi nhân vật là một sự gửi gắm tư tưởng của bà. Kim Tú Cầu là hình ảnh về một kiểu phụ nữ xưa. Cô cam chịu sự sắp đặt của bố mẹ, cam chịu mọi cay đắng mà mình đã gặp phải và cuộc đời kết thúc bi thảm. Phản ứng của cô chỉ vùng vẫy trong không gian chật hẹp của cõi lòng chứ không vượt ra khoảng rộng hơn. Kim Tú Cầu thuộc tuýp người phụ nữ trong văn học trung đại. Nhân vật là một cảnh báo đối các bậc cha mẹ áp đặt hôn nhân cho con cái, là sự phê phán đối với xã hội khi con người cá thể không được quan tâm.

Ngọc Yến là một hình mẫu khác. Cô được đặt vào những tình huống khá éo le mà nếu không có bản lĩnh thì chắc cũng khó để vượt lên số phận. Nhẫn nhịn chịu đựng một người bố quen với cảnh sống phong lưu khi gia cảnh đã sa sút, nhẫn nhịn chịu đựng khó khăn và nỗi buồn, Ngọc Yến biết chủ động bàn bạc với cha để tổ chức lại cuộc sống, gỡ khó cho bản thân và gia đình. Lòng kiên nhẫn, thủy chung, sự khẳng định mình trong khó khăn của cô đã được đền bù xứng đáng. Một tuýp khác - Quế Anh - có học hơn, lại càng chủ động hơn trong tình cảm, trong từng bước đi của đời mình. Có thể nói, với ba nhân vật nữ này, Đạm Phương đã cho thấy rõ tư tưởng nghệ thuật của bà: người phụ nữ muốn được giải phóng, trước tiên phải giải phóng mình và không thể để mình lệ thuộc hoàn toàn vào người khác.

Tư tưởng nữ quyền của bà còn được thể hiện ở một số nhân vật khác. Như Nam Châu (Hồng phấn tương tri) vốn là con người luôn sống lạnh lùng với phụ nữ nhưng sau khi gặp Quế Anh, trái tim chàng đã đập nhịp không bình thường… hẳn không vì Quế Anh xinh đẹp. Ban đầu là sự hờ hững đối với anh nhưng rồi dần dần sự khác thường của cô: cô không thích những cái mà quý cô quý bà thích (bài bạc) nhưng lại thích điều mà có thể người khác không thích: đọc sách, thích trao đổi về những vấn đề xã hội, kính trọng những người đàn ông có chí hướng, biết lo cho những người nghèo khổ, người gặp hoạn nạn... đã khiến Nam Châu thay đổi cách nhìn về phụ nữ. Tiêu chí hôn nhân, cách nhìn nhận về người phụ nữ của Nam Châu cũng thể hiện quan niệm mới của tầng lớp thanh niên có xu hướng tây học. Tố Minh có thể nhiệt tình và giàu có hơn, nhưng điều đó gần như không làm tan được băng giá lạnh lùng trong trái tim Nam Châu. Đạm Phương đã đặt Nam Châu và Quế Anh vào nhiều tình huống để thử thách tình cảm giữa họ, cũng là để thể hiện rõ hơn quan điểm nữ quyền của bà. Bà phê phán Chung ông chỉ biết hợm hĩnh trên sự giàu có của mình mà không để mắt đến con cái khiến gia đình rơi vào thế sa cơ lỡ vận (Chung Kỳ Vinh), phê phán mẹ Tố Minh muốn tìm người tử tế gả chồng cho con nhưng không được thì quay ra phá đám... Bà đề cao sự nhân nghĩa trong hành xử như một nét văn hóa. Mối quan hệ giữa Kim Tú Cầu - Ngọc Lan - Vi Văn - Thố Nhi, rồi tình cảm của Chung Kỳ Vinh đối với Ngọc Yến là vẻ đẹp của lòng chung thủy. Đây là những điểm nhấn tạo nên trường mỹ cảm đối với người đọc.

Lâu nay, người đọc biết đến Kim Tú Cầu vì số phận của cuốn tiểu thuyết này không đến nỗi lận đận như hai cuốn tiểu thuyết kia. Vấn đề mà tác giả đặt ra tuy không thật mới nhưng những thăng trầm trong cuộc đời éo le của nhân vật đã gây nên sự xúc động đối với độc giả. Với kết thúc tránh được lối mòn có hậu thường tình là những cuộc đoàn viên, giấc mơ của Ngọc Lan trong khi bị ngất trước tin dữ phần nào hóa giải được tâm thế nặng nề về cái chết đáng thương của Kim Tú Cầu. Có thể là do bà viết nhiều cho các báo ở Sài Gòn mà tác phẩm lại ra đời vào thời điểm giao thoa giữa hai dòng văn hóa Pháp - Hán: lối hành văn trung đại nhằm phục vụ cho lớp độc giả bình dân vẫn còn đang phổ biến trong khi văn hóa Pháp cũng đang từng bước lấn dần vào vùng đất thị thành. Vì thế, các tiểu thuyết này, cũng như phần nhiều các tiểu thuyết khác của các nhà văn Nam bộ như Hồ Biểu Chánh, Huỳnh Thị Bảo Hòa, Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Bửu Mộc..., còn chưa thoát khỏi biền ngẫu, lối nói, khác với lối hành văn của Hoàng Ngọc Phách, Phạm Duy Tốn ở ngoài Bắc. Trong Hồng phấn tương tri, Quế Anh còn có phần giản lược, mang tính khuôn mẫu so với Nam Châu được đi sâu hơn vào tâm lý. Chọn tình huống của Ngọc Yến để tuyên truyền cho Nữ công học hội, vào thời điểm đó là phù hợp. Chính Chung Kỳ Vinh, người có học, có chức tước đã thoái thác, phân tích cho vợ thấy được hôn nhân chỉ nên một vợ một chồng. Rồi Kim Tú Cầu hiện về trong giấc mơ báo cho Ngọc Lan nên chọn Thố Nhi làm vợ… Nếu xét về nghệ thuật tiểu thuyết thì Kim Tú Cầu được viết chắc tay hơn. Các hình tượng nhân vật trong từng tác phẩm đã dần lộ diện trong ý đồ chuyển tải tư tưởng nữ quyền của tác giả.

         Đạm Phương là một nhân vật lịch sử có đóng góp đáng kể trong đời sống văn hóa ở miền Trung và miền Nam, nhất là vào thập niên thứ ba của thế kỷ trước. Chủ yếu hoạt động trên lĩnh vực báo chí và trong khoảng thời gian hơn chục năm, nhưng những gì bà để lại đã chứng minh bà là một nhà văn hóa, một người phụ nữ ý thức không ngưng nghỉ về vấn đề nữ quyền và giáo dục chăm sóc trẻ em. Nhiều người đã viết về vấn đề nữ quyền trong các hoạt động của bà khẳng định những đóng góp to lớn của người danh sĩ kinh đô Huế yêu nước, trọng thị dân tộc, người đã dùng báo chí như một phương tiện hữu hiệu để truyền bá kiến thức dưỡng dục thế hệ trẻ Việt Nam; người đã hết lòng vận động hướng nghiệp cho phụ nữ để qua đó, nhằm nâng cao chất lượng gia đình đồng thời khẳng định được vị trí trong xã hội. Bài viết này chỉ khảo riêng về tiểu thuyết để làm rõ hơn tính nhất quán trong hoạt động của bà. Là một biểu hiện đặc sắc cho tư tưởng đó, tiểu thuyết của bà cũng góp phần vào tiến trình phát triển của thể loại trên con đường hiện đại hóa vào những thập niên đầu TK XX.

_______________

            1. Phan Cự Đệ, Văn học Việt Nam thế kỷ XX, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.15.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 333, tháng 3-2012

Tác giả : Tôn Phương Lan

;