“Chuyển đổi số hoạt động thư viện trong CAND: Thực trạng và giải pháp”

Ngày 9-12, tại Hà Nội, Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số hoạt động thư viện trong CAND: Thực trạng và giải pháp” nhằm đánh giá những thời cơ, thách thức của chuyển đổi số đối với chủ trương xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Quy hoạch chuyển đổi số thư viện trong CAND phù hợp với quy hoạch phát triển ngành Thư viện chung của đất nước. Hoạt động thư viện trong CAND đặc biệt lưu ý đảm bảo tính bền vững, phát triển lâu dài và ổn định. Đầu tư cho hoạt động thư viện là đầu tư cho giáo dục, đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong CAND. Hoạt động thư viện CAND đẩy mạnh xã hội hóa, tranh thủ tối đa các nguồn lực do Nhà nước và nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho hoạt động thư viện.

Thiếu tướng Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác chính trị phát biểu tại Hội thảo

Lực lượng CAND có những phương thức tổ chức, hoạt động thư viện phù hợp với các quy định của Luật Thư viện Việt Nam, phù hợp với đặc thù của lực lượng vũ trang. Vấn đề an toàn, an ninh mạng, bảo mật dữ liệu, dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư cá nhân… trên không gian mạng được đặc biệt quan tâm. Năm 2021, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch về triển khai “Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trong lực lượng CAND.

Kế hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2030, chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện hệ thống thư viện trong CAND; hình thành môi trường thông tin thư viện số an toàn, tiện ích phục vụ tối đa nhu cầu văn hóa tinh thần, thông tin, giáo dục, giải trí và phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ, phát triển văn hóa đọc; tiến tới xây dựng, phát triển công tác thư viện trong CAND chuẩn hóa, hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu sử dụng thư viện và tạo môi trường học tập suốt đời cho cán bộ, chiến sĩ góp phần tích cực vào công tác xây dựng lực lượng CAND.

TS Vũ Dương Thúy Ngà - Nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện trình bày tham luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ vấn đề lý luận và thực tiễn về quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an về chuyển đổi số thư viện định hướng đến năm 2030; sự cấp thiết phải chuyển đổi số thư viện và xu hướng chuyển đổi số của các thư viện trong và ngoài nước, thời cơ và thách thức đối với hoạt động thư viện trong CAND hiện nay. Xác định mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chuyển đổi số thư viện trong CAND đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; các vấn đề về thực trạng cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, đội ngũ cán bộ thư viện và nguồn lực thông tin thư viện trong hoạt động thư viện và chuyển đổi số hiện nay. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm đẩy mạnh chuyển đổi số, ưu tiên phát triển tài nguyên số; nâng cao năng lực cán bộ quản lý và nhân viên thư viện…; đề ra các giải pháp để thực hiện chủ trương, chính sách phát triển thư viện của Chính phủ, Bộ Công an đã đề ra và cụ thể hóa nội dung chương trình đẩy mạnh tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ. Nhiều ý kiến đề nghị tăng cường chuẩn hóa nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các thư viện, hỗ trợ đảm bảo khả năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức, nâng cao kiến thức, kỹ năng đọc, phát triển văn hóa đọc…

Các đại biểu tham quan Triển lãm Công nghệ số

Nhân dịp này, từ ngày 7-12 đến ngày 9-12, Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Bộ Công an đã tổ chức Triển lãm Công nghệ số, trang thiết bị, demo phần mềm thư viện, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ, tiện ích công nghệ số trong lĩnh vực thư viện; sách số/ sách điện tử; sản phẩm thư viện số phục vụ bạn đọc; trưng bày sách nghệ thuật. Các đơn vị tham gia triển lãm gồm: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Xây dựng, Công ty Công nghệ Sao Mai, Công ty cổ phần thông tin và công nghệ số (IDT), Công ty cổ phần tư vấn và tích hợp Công nghệ D&L, Công ty cổ phần công nghệ Tinh Vân, Đại học Phòng cháy chữa cháy.

Tin, ảnh: HỒNG VÂN

;