BIỂU TƯỢNG CÂY SI TRONG VĂN HỌC DÂN GIAN MƯỜNG

Nếu cây đa là hình ảnh quen thuộc với làng Việt, thì cây si là hình ảnh thân thiết, gắn bó với làng Mường. Ở các vùng cư trú của người Mường, ta thường gặp một cây si to, tán xòe rộng, xanh um tỏa bóng mát, rễ dài buông xuống tận đất, gợi lên một dáng vẻ cổ truyền, huyền bí. Cây si già ở ngã ba đầu làng hay nơi đầu dốc, từ bao đời nay, bằng sức sống bền bỉ mãnh liệt, đã lặng thầm chở che cho đất Mường, chứng kiến bao cuộc đổi thay của làng Mường. Tín ngưỡng về cây si đã hòa lẫn vào phong tục tập quán, tạo nên bản sắc riêng của văn hóa tộc Mường, một biểu tượng lưu dấu trong các tác phẩm văn học dân gian Mường.

Văn học dân gian Mường rất phong phú, gồm nhiều thể loại (sử thi, truyện cổ tích, truyện cười, truyện thơ, tục ngữ, dân ca,...), mỗi thể loại lại bao gồm nhiều tiểu loại khác nhau. Khảo sát các tác phẩm văn học dân gian Mường, chúng tôi nhận thấy, cây si xuất hiện với tư cách biểu tượng chủ yếu ở thể loại sử thi (Đẻ đất đẻ nước) và dân ca: dân ca nghi lễ tang ma (mo lên trời) và dân ca giao duyên (xường). Trong từng thể loại, dạng thức xuất hiện của biểu tượng si không hoàn toàn như nhau, và do đó ý nghĩa của biểu tượng cũng có nét khác nhau.

Cây si trong sử thi Đẻ đất đẻ nước

Đẻ đất đẻ nước là sử thi thần thoại, được sáng tạo theo cảm hứng cội nguồn, mang ý tưởng chim tìm tổ, người tìm tông. Cây si trong Đẻ đất đẻ nước là một biểu tượng đa nghĩa.

Biểu tượng cây vũ trụ

Cây si xuất hiện kết thúc thời kỳ hỗn mang mờ mịt: dưới đất chưa có đất, trên trời chưa có trời, chưa có vạn vật, chưa có con người. Sự xuất hiện của cây si như là sự khởi đầu của việc thiết lập vũ trụ, sắp đặt trật tự thế giới. Được sinh ra nhờ sự giao hòa của đất và nước, hai yếu tố khởi đầu không thể thiếu của sự sống, nên cây si đã mang chứa trong nó chức năng sinh sản:

Đất trũng ngấm nước, đất đã tơi

Đất đồi ngấm nước, đất đã bở

Cây si mọc lên rờ rỡ

Cây si mọc lên nhanh nhanh... (1)

Cây si thần mọc khỏe và lớn nhanh với sức sống mãnh liệt và tầm vóc vũ trụ. “Lấy cây si làm cây vũ trụ, người Mường đã sắp xếp tri giác cảm tính của mình lại thành một hệ thống phản ánh tư duy triết học về thế giới: thân cây si nhìn thấy, sờ thấy là thế giới mường trần; tán lá sum xuê nhìn thấy mà khó tới nơi, khó nắm bắt là thế giới mường trời; rễ cây cắm sâu vào đất hay nước, ẩn dấu minh đi đầy bí hiểm là thế giới pưa tịn (2).

Trong quan niệm cổ truyền của người Mường, vũ trụ được chia thành ba thế giới và bốn mường: thế giới mường trần của con người và muôn loài được sinh ra từ cây si; thế giới mường trời là thế giới trên trời; thế giới pưa tịn gồm hai mường là mường vua khú và mường ma. Sự giao tiếp giữa ba tầng thế giới này được người Mường dẫn giải qua vật nối cây si. Do đó, cây si còn là cây thống nhất thế giới (3).

Biểu tượng cho sự tiến hóa tự nhiên của vũ trụ

Việc cây si bị chết, biến thành muôn loài là biểu hiện nhận thức của người Mường về một chu trình tiến hóa tự nhiên của vũ trụ. Cây si chết là sự kết thúc một chu trình tiến hóa của vũ trụ và bắt đầu một chu trình phát triển mới. Sự chết mở ra sự sống, đó là cách tư duy và quan niệm cổ truyền của người Mường về quá trình hình thành và tồn tại của sự sống và cái chết:

Cây si héo rũ

Cây si úa vàng

Cây si đã mục

Gốc si đã đổ

Cành si ngã lấp đầy thung lũng

Đầu si gãy vật lên đồi Chu... (4)

 

Biểu tượng cho sự sống, sự phục hồi

Có sinh ra thì phải tất yếu có chết đi và có chết đi thì có sự sống lại, phục hồi. Trong quan niệm xưa, phục hồi có nhiều dạng. Có dạng giữ nguyên hình hài. Có dạng hình hài cũ mất đi thay bằng hình hài mới. Có dạng thay đổi hoàn toàn bằng sự sinh sôi mới... Sự phục hồi của cây si trong Đẻ đất đẻ nước ở dạng thứ ba (5).

Cây si chết, hóa thành vạn vật muôn loài trong vũ trụ (6); cành si sinh ra làng bản, mỗi cành si đổ xuống lại hiện hình lên một bản mường, như một nét phác họa địa vực cư trú của người Mường cứ trải rộng dài ra, hình thành nên quê hương xứ sở của cộng đồng người Mường (7).

Cây si không chỉ đẻ ra các mường trần gian, không gian cư trú, sinh sống của cộng đồng người Mường mà còn đẻ ra cả mường trời (8). Qua đây, ta nhận thấy trong quan niệm của người Mường, đất và trời có phân biệt mà không tách biệt, không gian ba cõi có sự phân tầng mà không hề chia cắt, thông suốt với nhau, trong đó đất - nước (thế giới pưa tịn) là nơi khởi phát. Điều đó lý giải vì sao trong nghi lễ tang ma, “người Mường dẫn hồn người chết đi khắp ba cõi (trần - trời - pưa tịn) nhưng cuối cùng lại để linh hồn về sống ở nơi khởi phát - pưa tịn - là gợi lên một sự tái sinh mới”(9).

Cây si chết, gốc nó biến thành mụ Dạ Dần. Từ mụ Dạ Dần, dây sinh sản nối nhau phát triển: Dạ Dần đẻ ra chim, chim đẻ ra trứng và trứng nở ra người. Mụ Dạ Dần và cây si trở thành biểu tượng của sự sống. Từ đó hình thành quan niệm về sự sống và sự chết của người Mường: “Khi một con người được sinh ra ở trần gian, thì cùng lúc ấy, từ cây si cũng mọc lên một cành si xanh tốt, con người và cành si ấy như hình với bóng theo nhau suốt cuộc đời. Nếu người ấy bị ốm đau thì cành si ấy cũng bị héo lá, nếu người ấy chết thì cành si ấy cũng chết, thế là con người trở thành chủ thể của vũ trụ, còn cây si trở thành vật tổ trong tín ngưỡng dân gian Mường”(10). Do vậy, cây si còn là cây vật tổ, cây sinh mệnh của con người.

Cây si trong mo lên trời

Lễ tang người Mường thường có mo, sau nghi lễ nhập quan, phát tang là nghi lễ mo. Chữ mo được dùng để chỉ giọng điệu mo, tác phẩm văn bản mo (mo tlêu, mo lên trời), người chủ trì diễn xướng mo: ông mo.

Mo bao gồm nhiều nghi thức khá chặt chẽ và chiếm nhiều thời gian nhất trong toàn bộ lễ tang của người Mường. Cho nên xưa kia, khi người Mường nói đến đám ma có nghĩa là nói đám mo (11).

Các tác phẩm mo thường được diễn xướng trong lễ tang của người Mường là motlêu, mo lên trời.

Mo tlêu là mo kể chuyện, chính là phần diễn xướng tác phẩm sử thi Đẻ đất đẻ nước, thường được người Mường dùng trong những đám tang to hoặc người chết thường từ 75 tuổi trở lên...

Mo lên trời là mo đưa hồn người chết lên trời, được dùng trong tất cả các đám tang, không phân biệt tuổi của người chết. Nội dung của mo lên trời nhằm đưa hồn người chết đến cõi vĩnh hằng là mường ma. Nhưng muốn thực hiện được điều đó, hồn người chết phải được sự dẫn dắt của ông mo dẫn hồn lên mường trời. Linh hồn khi được đưa lên trời sẽ phải đi qua ba chặng: chặng đường chuyển tiếp, mường trời thấp, mường trời cao (12).

Trong mo lên trời, cây si mang ý nghĩa biểu tượng cho linh hồn con người. Cây si là cây vật tổ, cây sinh mệnh của con người, vì vậy mà người Mường quan niệm rằng nếu một người nào đó không may bị chết thì cành si linh hồn của người ấy trên mường trời cũng chết. Do đó, hồn của người ấy phải theo sự dẫn dắt của ông mo lên mường trời gặp thần giữ si, vào vườn si, vườn cây số mệnh của con người do thần giữ si trông coi chăm sóc, làm lễ phạt nhánh si ứng với mình đã úa héo, đã chết (13).

Cây si mang ý nghĩa biểu tượng cho linh hồn con người. Hướng nghĩa này thực chất là một lớp ngữ nghĩa của biểu tượng cây si trong Đẻ đất đẻ nước được thu hút vào mo lên trời để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng Mường trong việc thực hiện nghi lễ tiễn đưa người chết về cõi vĩnh hằng. Nó phản ánh quan niệm cổ truyền của người Mường về cõi sống và cõi chết, về vũ trụ ba tầng bốn thế giới.

Cây si trong xường giao duyên

Xường, có vùng gọi là thường - như ở Hòa Bình, là một thể loại dân ca trữ tình của người Mường, được hiểu theo hai nghĩa.

Nghĩa rộng: xường là làn điệu tiêu biểu, chủ yếu của dân ca Mường, bao gồm cả xường chúc, xường kể, xường sắc bùa, xường giao duyên..., thường được hát trong những dịp vui như mừng nhà mới, chúc mừng đầu xuân, các cuộc hát đối đáp giao duyên.

Nghĩa hẹp: xường là lối hát giao duyên của người Mường.

Song phổ biến hơn cả là cách gọi xường theo nghĩa hẹp tức là những bài hát giao duyên. Theo nghĩa này, khi nói xường là thể loại dân ca trữ tình của người Mường là chủ yếu nói đến bộ phận xường giao duyên.

Trong phong tục cổ truyền của người Mường, cuộc xường thường diễn ra khi có khách là con trai hoặc con gái từ làng khác đến chơi. Xường giao duyên chỉ hát vào ban đêm, nơi hát là trong nhà sàn, nữ ngồi gian trong, nam ngồi gian ngoài. Một cuộc xường trọn vẹn thường diễn ra trong nhiều đêm liên tiếp, hát đêm nay chưa hết, họ hẹn nhau hát tiếp đêm sau. Khi hát xường giao duyên, đôi bên phải tuân theo những quy định khá chặt chẽ. Hát xong bài này rồi mới đến bài khác, hát hết chặng này rồi mới hát tiếp chặng sau.

Một cuộc xường giao duyên thường trải qua nhiều chặng, sau những lời chào, mời giữa đôi bên cùng xường là vào chặng qua cầu, được coi là chặng chính thức bắt đầu cuộc xường đối đáp giữa đôi bên nam nữ. Ở chặng này, những bài xường qua cầu hay nhất, được người Mường ở Thanh Hóa ưa chuộng là Qua cầu cây si.

Xường Qua cầu cây si gồm có nhiều bài được lưu truyền phổ biến trong dân gian, người hát có thể chọn hát bài nào cũng được. Ở vùng Mường Thanh Hóa, nhiều người cao tuổi cho biết, các nghệ nhân xường giỏi, khi vào cuộc xường, thường xường theo thứ tự sau:

Trước hết họ hát bài Qua cầu cây si bến một (14), là một cách nói, cách diễn đạt bằng hình ảnh cụ thể trực quan, ngụ ý muốn nói họ không ưa sự dối trá, nếu đã xường với nhau và đến với nhau thì phải thật lòng.

Cẩn thận hơn, họ còn thăm dò nhau xem có sự phân biệt nào về giai cấp, sang hèn, giàu nghèo không, bởi vì trong xã hội Mường cổ truyền phân hóa thành hai đẳng cấp..., một bên là nhà lang, một bên là người dân lớp dưới, nên bài xường tiếp theo thường là Qua cầu cây si dằng dặc (15). Lời xường đối đáp của đôi bên sát ý, sát lời hàm ý nói rằng giữa đôi bên những người đang hát với nhau không có sự phân biệt về giai cấp hay giàu nghèo, mà thật lòng muốn đến với nhau, muốn cùng nhau hát xường và mượn tiếng xường để nói hộ lòng mình.

Sau đó, thường là đôi bên cùng hát các bài: Qua cầu cây si chằng chịt, Qua cầu cây si khéo bắc khéo đo..., nội dung thể hiện dụng ý muốn thăm dò tài năng của nhau (16).

Trong thực tế, cái cầu dù lớn hay nhỏ đều là vật nối những khoảng cách trở ngại về mặt không gian địa lý. Người Mường cư trú ở vùng thung lũng chân núi và vùng đồi núi thấp có nhiều khe, suối nên cái cầu và con đường có vị trí quan trọng trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của họ. Cái cầu là phương tiện để đi lại, trao đổi và giao lưu tình cảm trong cộng đồng.

Trong xường giao duyên, lời xường đối đáp đầu tiên, được coi là chính thức vào cuộc xường, của đôi bên nam nữ là lời xường Qua cầu. Chiếc cầu ở đây được sử dụng như một biểu tượng không gian nghệ thuật có ý nghĩa tượng trưng để diễn đạt những bước đi đầu tiên của tình cảm lứa đôi. Họ cho rằng, trong tình cảm lứa đôi, trên đường đến với nhau cũng có khoảng cách, có thể là khoảng cách không gian địa lý, song chủ yếu là sự chưa hiểu biết về nhau trên nhiều phương diện như: hoàn cảnh, giai cấp, lòng chân thật đối với nhau.

Sự độc đáo ở đây là xường giao duyên đã lựa chọn cầu cây si. Trong quan niệm của người Mường, xường (cũng như mo) chính là ân huệ của thần linh, mang tính thiêng của trời, và vì vậy mà nó sẽ mang những dấu ấn của thần thoại trong nghệ thuật biểu hiện, đó là không gian cầu cây si, cây thần thiêng, cây vũ trụ, cây vật tổ, biểu trưng của sự sống. Cầu cây si trong xường giao duyên trước hết là biểu tượng cho sự trường tồn, bền vững, là cầu tình cầu nghĩa vững chắc bền lâu, là cầu khởi đầu của con đường tình yêu, con đường đời. Do đó, cầu cây si là chiếc cầu nối ba biểu hiện của không gian nghệ thuật là không gian huyền thoại, không gian tâm lý và không gian hiện thực tương ứng với con người tâm linh (người thần), con người bạn tình và con người đời thường. Điều này cho thấy, các phương tiện nghệ thuật trong xường giao duyên mang tính quan niệm, hay bị chi phối bởi quan niệm nghệ thuật về con người: có sự giao hòa với thế giới thần linh và được sinh ra từ cây si.

Biểu tượng cầu cây si trong xường giao duyên chính là sự tiếp biến ý nghĩa của biểu tượng cây si trong sử thi Đẻ đất đẻ nước. Khi đi vào xường giao duyên, biểu tượng cây si thể hiện lối tư duy liên tưởng bình dị mà sâu sắc của người Mường để chuyển hóa thành cầu cây si, để diễn tả tinh tế, chính xác những cung bậc, cảm xúc trong tâm hồn của con người. Do đó, biểu tượng cầu cây si trong xường giao duyên vừa có sự tiếp nối ý nghĩa của biểu tượng cây si trong sử thi Đẻ đất đẻ nước vừa mang nét riêng. Cây si trong xường giao duyên gần gũi quen thuộc và trở thành đối tượng trữ tình trong những câu hát giao duyên, trở thành biểu tượng của không gian tình yêu (17).

Từ việc khảo sát ý nghĩa của biểu tượng cây si trong văn học dân gian người Mường, chúng tôi rút ra mấy nhận xét sau:

Cây si là một trong những biểu tượng lớn, có vị trí quan trọng trong tâm thức và quan hệ mật thiết với đời sống văn hóa tinh thần người Mường. Biểu tượng cây si phát sinh từ cội nguồn văn hóa bản địa của tộc người Mường và chỉ thuộc về thế giới tâm linh của người Mường.

Trong văn học dân gian người Mường, biểu tượng cây si không chỉ có các giá trị biểu đạt, tạo nên hình tượng nghệ thuật sống động, độc đáo góp phần khắc họa đời sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng của người Mường, mà còn lắng đọng các biểu nghĩa khởi nguyên hoặc mới được chuyển hóa tiếp nối từ các lớp nghĩa cổ xưa.

Đẻ đất đẻ nước là sử thi mô tả các chặng dài lịch sử của một cộng đồng người, từ lúc con người chưa xuất hiện đến lúc đã trở thành một cộng đồng. Tác phẩm như là một bức tranh ghép mảnh các huyền thoại lịch sử kỳ vĩ, trong đó buộc phải bao quát tới sự hình thành vũ trụ. Người Mường đã vận dụng các biểu nghĩa khởi nguyên của biểu tượng cây si vào các thể loại mo lên trời, xường giao duyên tạo nên sự thống nhất trong quan niệm biểu hiện các phương tiện nghệ thuật của các tác phẩm và thể loại văn học dân gian Mường.

_______________

1, 6, 7, 8. Vương Anh, Hoàng Anh Nhân, Sử thi đẻ đất đẻ nước, Ty Văn hóa Thanh Hóa xb, 1974.

 

2, 3, 4, 9. Bùi Văn Thành, Thế giới biểu tượng thần thoại trong mo Mường, Luận văn Thạc sĩ khoa học Ngữ văn, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, 2005.

 

5. Đặng Thái Thuyên, Môtíp sáng tạo trong sử thi Đẻ đất đẻ nước, Tạp chí Văn học, số 4-1985 .

 

10. Hoàng Anh Nhân, Cõi người qua tín ngưỡng Mường Trong, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2007.

 

11. Cao Sơn Hải, Văn hóa dân gian Mường một góc nhìn, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2006.

 

12. Vương Anh, Để hiểu thêm tác phẩm Đẻ đất đẻ nước, Sở Giáo dục Đào tạo Thanh Hóa xb, 1993.

 

13. Hoàng Anh Nhân, Mo lên trời, Nxb Văn học, Hà Nội, 1994.

 

14, 15, 16, 17. Minh Hiệu, Tục ngũ dân ca Mường Thanh Hóa, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1999.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 321, tháng 3-2011

Tác giả : Mai Thị Hồng Hải

;