Ngày 17-12-2024, tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra Hội nghị Cơ chế chính sách và giải pháp thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam với mục tiêu trở thành trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch quốc gia. Hội nghị do Ban Quản lý Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức.
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ Nguyễn Hồng Tuyến; Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Nguyễn Hồng Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Trần Mạnh Hùng... và đông đảo khách mời doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Toàn cảnh Hội nghị
Mục tiêu và tiềm năng
Theo Báo cáo Tổng quan tình hình thu hút đầu tư tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam do Phó Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa Phạm Văn Quyến trình bày tại Hội nghị, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có lợi thế là nằm gần trung tâm Thủ đô Hà Nội, giao thông tiện lợi, trong khu vực có nhiều tiềm năng về du lịch. Cảnh quan thiên nhiên đẹp, đặc biệt là hồ Đồng Mô với diện tích gần 1.000ha, diện tích đất liền kế với hồ lớn (đảo, bán đảo), có núi, đồi xen kẽ với hồ nước và thảm thực vật phong phú. Theo quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là dự án đa chức năng (7 khu chức năng) tạo nên một quần thể tổng hòa, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thể thao, vui chơi giải trí, ăn uống, nghỉ dưỡng và tham quan, nghiên cứu…
Đặc biệt, Ban Quản lý được Chính phủ phân cấp mạnh với các chức năng, quyền hạn, cơ chế đặc thù… tạo thế chủ động quyết định các vấn đề trong quá trình đầu tư phát triển. Ngoài ra, việc tiếp nhận các dự án đầu tư theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”, thuận tiện và nhanh chóng.
Đến nay, dự án đã đầu tư xây dựng hoàn thành cơ bản hệ thống hạ tầng kỹ thuật, 54 không gian kiến trúc của 54 cộng đồng dân tộc Việt Nam tại các dự án được đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Các hạng mục Nhà nước đã đầu tư xây dựng bao gồm: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của dự án; Hệ thống cây xanh, cảnh quan; Khu các làng dân tộc. Để Làng Văn hóa thực sự trở thành trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch quốc gia cần đầu tư thêm nhiều hạng mục khác nữa và nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước đang được kêu gọi để đầu tư các khu chức năng còn lại.
Mục tiêu đầu tư nhằm xây dựng và phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thành trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang tính quốc gia với 2 nhiệm vụ chính là tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam; đồng thời đáp ứng các nhu cầu vui chơi giải trí, hoạt động thể thao, văn hóa cho nhân dân trong nước và du khách quốc tế, khai thác các lợi thế sẵn có về tài nguyên văn hóa, thiên nhiên tạo động lực phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, đưa Làng Văn hóa thành một mô hình khu kinh tế - văn hóa đặc thù, trong đó văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu. Tạo cơ chế để đồng bào dân tộc và địa phương tham gia xây dựng Khu các làng dân tộc từ khâu thiết kế, thi công đến vận hành, khai thác. Kết hợp hài hòa giữa đầu tư, xây dựng với quản lý, khai thác nhằm phát huy cao nhất hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội. Ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước, thực hiện xã hội hóa, mục tiêu đề ra là huy động tối đa các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư, xây dựng Làng Văn hóa.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu tại Hội nghị
Tìm giải pháp để thu hút đầu tư
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy khẳng định: "Với hai mục tiêu đề ra, Bộ VHTTDL và Làng Văn hóa đã nỗ lực để từng bước hình thành những nét chấm phá và đặc biệt là những thiết chế quan trọng thể hiện được tinh thần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc trong thời gian vừa qua. Đầu tư cho văn hóa theo quan điểm của Đảng, Nhà nước, đó chính là đầu tư cho sự phát triển. Việc huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã được các nhà đầu tư, các doanh nghiệp quan tâm và đã có những công trình, những hoạt động rất cụ thể để triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển tại Làng Văn hóa trong thời gian vừa qua".
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy bày tỏ mong muốn Hội nghị sẽ cùng trao đổi thông tin về những cơ chế chính sách, thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa; các đại biểu, doanh nghiệp sẽ "hiến kế" cho Bộ và Ban Quản lý Làng Văn hóa, cần có những giải pháp nào, tháo gỡ ở đâu để huy động được nguồn lực, thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa, để vừa bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc, vừa thực sự trở thành thiết chế văn hóa quốc gia hiện đại, quy mô, đảm bảo phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng chỉ ra những thách thức đặt ra đối với Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam trong việc huy động nguồn lực đầu tư để phát triển trong thời gian tới.
Trong hai phiên thảo luận với các nội dung: Cơ chế ưu đãi thuận lợi và tiềm năng phát triển đầu tư tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam và Giải pháp tháo gỡ khó khăn và thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn và thiết thực. Trong đó, các ý kiến tập trung vào đề xuất: Cần có các chính sách, cơ chế rõ ràng hơn nữa thì mới gỡ được những “điểm nghẽn” trong thu hút đầu tư.
Công ty Cổ phần đầu tư du lịch - văn hóa - nghỉ dưỡng Đồng Mô là chủ đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Ba Vì Legend tại Khu Dịch vụ du lịch tổng hợp (khu D) thuộc Làng Văn hóa với tổng mức đầu tư khoảng 4.800 tỷ đồng. Từ thực tế triển khai dự án, ông Đặng Ngọc Khánh - đại diện Công ty phát biểu tại Hội nghị, bày tỏ mong muốn Nhà nước sớm ban hành các quy định về thẩm quyền của Ban Quản lý Làng trong lĩnh vực đầu tư, phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành đề BQL có điều kiện thực hiện tốt hơn các chức năng, nhiệm vụ liên quan đến các dự án đầu tư tại làng Văn hóa. Về giải pháp thu hút đầu tư, ông Đặng Ngọc Khánh cho rằng trước tiên cần xác định được BQL có thẩm quyền đến đâu và các thẩm quyền khác thuộc cơ quan nào, trình tự giải quyết các bước tiếp theo ra sao. Điều thứ hai là cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đầu tư, nghiên cứu các quy định của Nhà nước, làm việc với các cơ quan có liên quan để ban hành quy trình, thủ tục đầu tư cũng như tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư một cách hiệu quả hơn.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Đồng quan điểm, ông Kiều Văn Toản - Chủ tịch HĐQT Cty CP Đầu tư và thương mại Kvinland và ông Hoàng Ngọc Nam - Chủ tịch HĐQT Cty CP Đầu tư Chiến Thắng đều cho rằng cần sớm ban hành các quy chế về đầu tư vào Làng Văn hóa đồng thời quy định chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ của BQL Làng Văn hóa. Một trong số những vướng mắc trong kêu gọi đầu tư vào Làng Văn hóa hiện nằm ở chỗ thẩm quyền của Làng chưa được quy định rõ, dẫn đến việc phối hợp chưa rõ ràng.
Đại diện các doanh nghiệp cũng cho rằng Làng Văn hóa hiện có nhiều lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, đặc biệt là khu vực có quy hoạch ổn định nhất ở Hà Nội. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc đầu tư vào Làng còn nhiều khó khăn và không khả thi do chính sách, cơ chế đầu tư vào Làng chưa rõ ràng, quy định chức năng, nhiệm vụ của Làng cũng còn nhiều vướng mắc với các quy định, các Luật khác như Luật đất đai…
Giải đáp ở phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án đầu tư tại Làng Văn hóa, Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung cho biết, trong các năm qua, mặc dù BQL đã có nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư nhưng đến nay chưa có dự án đầu tư nào được triển khai, do nhiều nguyên nhân: Về chủ quan, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam gặp một số vướng mắc bởi các quy định của Luật Đầu tư hiện hành với các thẩm quyền của Ban Quản lý Làng Văn hóa.
Về khách quan, một trong những nguyên nhân là do mực nước hồ Đồng Mô không ổn định vì còn phải thực hiện nhiệm vụ tưới tiêu cho diện tích nông nghiệp lân cận nên cảnh quan chưa thực sự hấp dẫn. Hiện nay, thành phố Hà Nội đang triển khai dự án cải tạo Sông Tích và nếu dự án được triển khai nhanh, hồ Đồng Mô sẽ không phải thực hiện nhiệm vụ tưới tiêu cho diện tích nông nghiệp vùng lân cận nữa. Tuy nhiên, do vốn thực hiện dự án từ nguồn ngân sách nên tiến độ dự án này cũng bị kéo dài.
Ngoài ra còn có khó khăn đến từ giá đất cao (hiện khoảng 1.700.000đ/m2), khó thu hút đầu tư đối với các dự án văn hóa, du lịch. Nhiều nhà đầu tư sau khi nghiên cứu, tính toán hiệu quả đầu tư dự án đều có mong muốn được đề xuất cơ chế ưu đãi đầu tư.
Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung phát biểu tại Hội nghị
Những kiến nghị và đề xuất
Để Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được đầu tư phát triển theo đúng mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã xác định, đồng thời về lâu dài được khai thác, vận hành có hiệu quả, ông Trịnh Ngọc Chung cho biết, Ban Quản lý đề xuất được áp dụng cơ chế ưu đãi đầu tư như Khu kinh tế đối với các Khu chức năng, dự án kêu gọi đầu tư tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam nhằm thúc đẩy lợi thế kêu gọi đầu tư và đẩy nhanh tiến độ lấp đầy các khu chức năng, dự án thu hút đầu tư, đây cũng là một động lực thúc đẩy hiệu quả và tiềm năng phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam để trở thành Khu Văn hóa - Du lịch quốc gia.
Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức tại Quyết định số 39/2014/QĐ-TTg ngày 15-7-2014. Theo Quyết định này, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tương tự như khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Như vậy phù hợp với khoản 1, khoản 2 Điều 32 và khoản 1 Điều 39, Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 năm 2020. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, Làng Văn hóa gặp một số vướng mắc bởi các quy định của Luật Đầu tư hiện hành với các thẩm quyền của Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định 39/2014/QĐ-TTg.
Thời gian vừa qua, để giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trên, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã báo cáo Bộ VHTTDL kiến nghị, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thường trực Chính phủ sửa đổi và bổ sung Luật Đầu tư, tuy nhiên vẫn có những nội dung kiến nghị chưa được như mong muốn.
Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh tại các vùng miền trên cả nước và hội nhập kinh tế - văn hóa trong nước và quốc tế, nhiều biến đổi lớn tại nơi chủ thể là đồng bào các dân tộc sinh sống, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc đang dần mai một, ông Trịnh Ngọc Chung cho biết, Ban Quản lý đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm ban hành các chính sách góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, xác định đây là địa chỉ lắng đọng không gian văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nơi giao lưu, gặp gỡ, quảng bá về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Bài, ảnh: NGÔ HỒNG VÂN