Đội ngũ cán bộ quân đội là lực lượng nòng cốt trong tổ chức thực hiện đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng; có vai trò quyết định trong tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng, huấn luyện, sản xuất, công tác… của quân đội ta.
Sinh thời, Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo đến xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội. Theo tư tưởng của Người, nhân cách người cán bộ quân đội thể hiện trước hết ở phẩm chất trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân, dám xả thân vì nền độc lập, tự do của tổ quốc, thực hiện tốt quan điểm công tác dân vận của Đảng, có tình yêu thương gia đình, có một đời tư trong sáng.
Nhân cách của người cán bộ quân đội hiện nay còn biểu hiện ở đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, điều mà Hồ Chí Minh rất coi trọng trong việc giáo dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quân đội. Người cán bộ quân đội phải thực hiện tốt nói đi đôi với làm; tự giác, tự nguyện, tự tu dưỡng nhân cách thường xuyên trong suốt cuộc đời. Hồ Chí Minh đã nêu rõ: Nói thì phải làm; bởi vì, “một con người hôm qua là vĩ đại, được mọi người yêu mến thì hôm nay không còn là vĩ đại nữa, nếu lòng mình không trong sáng”. Người cán bộ quân đội giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý càng cao, trọng trách càng lớn càng đòi hỏi nhiều hơn về nhân cách, tư tưởng, phong cách. Nếu không là tấm gương sáng thì người cán bộ quân đội không thể được cán bộ, chiến sĩ tin yêu, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác lãnh đạo và hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ quân đội trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng quân đội, những năm qua, Quân ủy Trung ương và Tổng cục Chính trị đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, trong đó chú trọng nâng cao phẩm chất đức, tài, bảo đảm cho mỗi cán bộ quân đội trưởng thành, tiến bộ, phát huy tốt vai trò trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Trong xây dựng nhân cách quân nhân, cấp ủy các cấp luôn quan tâm nâng cao chất lượng công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ cả về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Do đó, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ quân đội luôn giữ vững lập trường, bản lĩnh chính trị, chủ động khắc phục khó khăn, đã trực tiếp góp phần nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu và sức mạnh chiến đấu của Quân đội, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường và sự chống phá quyết liệt, thâm hiểm của các thế lực thù địch, tình hình đạo đức, lối sống trong xã hội vẫn diễn biến phức tạp. Đánh giá về ảnh hưởng tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường đến những hạn chế, yếu kém của đội ngũ cán bộ, đảng viên, Đảng ta đã nêu rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) : “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”(1). Trong quân đội cũng có những cán bộ thời kỳ chiến tranh không quản ngại hy sinh bởi mũi tên, hòn đạn để bảo vệ tổ quốc; nhưng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay đã không giữ vững được phẩm chất nhân cách, thậm chí bị thoái hóa, biến chất, bị chết bởi những viên đạn bọc đường, sa vào tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cơ hội - những căn bệnh mà Hồ Chí Minh coi là giặc nội xâm, thứ giặc ở trong lòng, nguy hiểm hơn cả giặc ngoại xâm. Điều đó đã đi ngược với bản chất cách mạng và truyền thống của quân đội ta, làm hoen ố hình ảnh bộ đội cụ Hồ.
Tác động ảnh hưởng tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường đến nhân cách người cán bộ quân đội, trước hết nguyên nhân khách quan đó là công tác tuyên truyền trong quân đội về nền kinh tế thị trường chưa được thường xuyên. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đảng và Nhà nước ta còn nhiều bất cập, gây hoài nghi trong dư luận xã hội về tính hiệu lực, hiệu quả. Các thế lực thù địch tìm mọi cách thúc đẩy tự diễn biến, tự chuyển hóa nội bộ ta về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trong các nguyên nhân chủ quan nổi lên tình trạng một bộ phận cán bộ quân đội, nhất là sĩ quan trẻ việc tu dưỡng, rèn luyện chưa trở thành yếu tố tự giác, thường xuyên; tự phê bình và phê bình còn dĩ hòa vi quý, dẫn đến một bộ phận cán bộ thiếu sự miễn dịch từ mặt trái của kinh tế thị trường. Vì vậy, để góp phần ngăn ngừa, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường định hướng XHCN đến nhân cách người cán bộ quân đội, cần coi trọng thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quân đội về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Hiện nay, nước ta đang hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, từng bước thích ứng với nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Việt Nam thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là tất yếu khách quan. Song thực tiễn những năm qua cho thấy, công tác tuyên truyền về kinh tế thị trường, nhất là những mặt trái và hệ lụy của nó chưa thường xuyên, sâu rộng đến mọi đối tượng trong quân đội. Nhằm hạn chế những tiêu cực và hệ lụy của kinh tế thị trường đến xây dựng và phát triển nhân cách người cán bộ quân đội, yêu cầu đặt ra cần phải đẩy mạnh tuyên truyền kịp thời, đầy đủ về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, thông qua các hình thức phương tiện thông tin đại chúng, báo cáo viên, học tập chuyên đề… trên cơ sở đó nâng cao nhận thức, kiến thức về kinh tế thị trường cho đội ngũ cán bộ quân đội, làm cơ sở để mỗi người vừa tự hoàn thiện nhân cách theo chuẩn mực nhân cách bộ đội cụ Hồ; đồng thời, làm tấm gương sáng về nhân cách để bộ đội học tập và noi theo.
Thứ hai, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tạo môi trường giáo dục, phát triển nhân cách con người mới XHCN.
Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhất là hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, có ý nghĩa chi phối các mối quan hệ kinh tế cũng như quan hệ xã hội. Đây là vấn đề tác động ảnh hưởng môi trường xây dựng, phát triển nhân cách con người Việt Nam thích ứng với nền kinh tế thị trường, trong đó có đội ngũ cán bộ quân đội.
Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu rõ mục tiêu tổng quát trong 5 năm 2016 - 2020 là: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương, tính công khai, minh bạch trong quản lý kinh tế, năng lực quản lý của Nhà nước và năng lực quản trị doanh nghiệp”(2). Quan điểm của Đảng sẽ tạo cơ sở để phát huy vai trò của Nhà nước trong cơ chế thị trường; đời sống kinh tế - xã hội sẽ ngày càng dân chủ; những mặt trái của kinh tế thị trường sẽ được hạn chế. Điều này cũng tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho công tác bồi dưỡng phát triển nhân cách người cán bộ quân đội trong thời kỳ mới của đất nước.
Thứ ba, xây dựng, thực hiện tốt chương trình hành động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong đội ngũ cán bộ quân đội hiện nay.
Lý luận và thực tiễn đã chứng minh, nhận thức luôn đi đôi với hành động cụ thể, thiết thực; nhận thức tư tưởng Hồ Chí Minh càng sâu sắc, hành động càng phải tự giác và đạt hiệu quả cao. Có như vậy, đội ngũ cán bộ quân đội mới thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, xây dựng, thực hiện tốt chương trình hành động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay đối với mỗi cán bộ quân đội.
Trong đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động lấy việc làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh làm cơ sở để giáo dục, rèn luyện, hoàn thiện nhân cách người cán bộ quân đội. Kinh nghiệm bồi dưỡng, phát triển nhân cách người cán bộ trong các đơn vị quân đội những năm qua cho thấy, ở những đơn vị tổ chức tốt việc xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch hành động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thì những đơn vị đó xây dựng được môi trường văn hóa đạo đức quân sự lành mạnh; là cơ sở giúp cho lãnh đạo, chỉ huy trong công tác tổ chức giáo dục, rèn luyện nhân cách cán bộ đạt được những mục đích, yêu cầu đề ra.
Thứ tư, nâng cao tính tích cực, chủ động, tự giác tu dưỡng, rèn luyện của người cán bộ quân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quân đội trong thời kỳ mới.
Tự giáo dục, tự rèn luyện là thuộc tính vốn có trong bản chất con người. Với tư cách là chủ thể lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, người cán bộ quân đội cần tích cực, chủ động, tự giác tu dưỡng, rèn luyện đề tạo sự miễn dịch trước những tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường.
Nâng cao tính tích cực, chủ động, tự giác tu dưỡng, rèn luyện của người cán bộ quân đội để hoàn thiện nhân cách của mình trong cơ chế thị trường phụ thuộc vào chất lượng, hiệu quả các hoạt động như: hoạt động giáo dục lý luận, giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống, tự phê bình và phê bình, các hình thức giáo dục thông qua hoạt động thực tiễn, giáo dục bằng thuyết phục, nêu gương,... Sự tu dưỡng, rèn luyện diễn ra hàng ngày thông qua thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người cán bộ. Đó là một cách thức, biện pháp để thúc đẩy quá trình hoàn thiện nhân cách của người cán bộ quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” trong thời kỳ mới./.
_______________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 22.
2. Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016 - 2020, Mục II
Nguồn : Tạp chí VHNT số 379, tháng 1-2016
Tác giả : NGUYỄN VIỆT HÀ