ÂM NHẠC TRONG NGHI LỄ THEN CẦU YÊN Ở LẠNG SƠN

Dân tộc Tày cư trú đông ở các tỉnh phía Bắc như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn… Trong vùng thường xuyên xuất hiện sự tiếp xúc, giao lưu giữa nhiều tộc người khác nhau, tuy nhiên người Tày vẫn bảo tồn được những giá trị quý báu trong một số phong tục tập quán, trong đó phải kể đến nghi lễ then.


Then là diễn xướng dân gian mang đậm tính nguyên hợp của người Tày. Trong đó, âm nhạc là một trong các thành tố nghệ thuật cấu thành quan trọng, tạo nên nét đặc sắc của diễn xướng nghi lễ then. Chính vì vậy, nói đến then Tày là người ta nghĩ ngay đến cây đàn tính và chùm xóc nhạc, những nhạc cụ không thể thiếu trong nghi lễ.

Theo quan niệm người Tày, thế giới tâm linh của then là thế giới đa thần, có thần sống ở dưới đất, trên trời, dưới âm phủ, trong đó, thần sống ở trên trời có quyền uy hơn cả. Người ta tin rằng, then giữ vai trò trung gian giữa thế giới thần linh và thế giới con người, thần linh sẽ giúp con người thực hiện những nguyện vọng đã gửi gắm trong diễn xướng. Mỗi khi thực hiện cuộc hành trình từ mặt đất lên trời, then cùng đội quân then đã dùng lời hát, tiếng đàn diễn tả cuộc hành trình qua từng cửa ải đầy khó khăn, vất vả.

Trên thực tế, then đem đến niềm tin cho người Tày, cho dù không thể giải thích bằng ngôn ngữ hay lôgic thông thường, hay niềm tin đó có hão huyền, phi lý, song nó vẫn là cứu cánh cho cuộc sống, là hạt nhân của mọi quan hệ với sự tồn tại, cân bằng, ổn định. Ngoài ra, then còn là thày thuốc chữa bệnh, nghệ sĩ dân gian đa tài, được nhân dân ngưỡng mộ, yêu mến. Người làm then còn đóng vai trò là một ca sĩ, nhạc công, nghệ sĩ múa tài ba trước đám đông người hâm mộ.

Diễn xướng then có thể phân thành bốn loại tiêu biểu: chúc tụng, bói, đi hành nghề, hội then. Tuy nhiên, tiến trình của các diễn xướng trên phải đi qua 12 cửa ải, bắt đầu từ dọn đường (phát tàng), trình việc, dâng lễ vật, cấp sắc, đón tướng vui chơi, khao quân…

Nghi lễ then được diễn ra trong một chu trình khép kín, các thủ tục nghi lễ được miêu tả chủ yếu qua nội dung văn bản lời hát, được bà then trình diễn bằng cách đàn hát theo những chặng đường quân then đi. Những chặng đường đó âm nhạc cũng có bài bản tương ứng, nhằm thể hiện niềm vui, nỗi buồn, sự mất mát đau thương…

Trình tổ

Là thủ tục bắt buộc của mọi nghi lễ then nói chung. Sau khi gia đình chuẩn bị đầy đủ các thủ tục cho nghi lễ, bà then thành kính báo với tổ tiên, thần thánh, gia chủ về chức danh, lý do buổi lễ, trong đó tấu trình cụ thể danh tính, ngôi thứ của các thành viên trong gia đình. Trong lời khấn, bà then ngâm ngợi chậm dãi kết hợp với đàn tính đánh dây buông nhấn nhá vào đầu câu. Khi lời khấn vừa kết thúc, bà then dạo một khúc nhạc và hát mời tổ tiên về chứng kiến, cho phép đoàn quân then lên thiên đình làm lễ.

Âm nhạc đơn giản, âm hình chủ đạo là rề, mi, sol, các quãng đi gần từ quãng 2, quãng 3, quãng 4. Tiết tấu chậm, nghiêm trang, mỗi nốt nhạc tương ứng với một lời ca, các môtip lặp lại theo chu kỳ, thang âm toàn bài quãng 4 rề - mi - sol - la - rế.

Gọi hương

Cũng là thủ tục bắt buộc của nghi lễ then, ở đó, thày then sai quân đi đến cửa Mường trời trình báo các công việc trước khi đoàn quân then chính thức lên đường. Âm nhạc trong đoạn này có tính chất kể lể, tâu bầy, nài nỉ, giai điệu ở quãng 2, quãng 3 từ nốt mì đến nốt sol, tiết tấu chậm tương ứng với 1 nốt đen. Nhưng khi hát đến đoạn Khai Bjoóc tả về chim queng quý và tiết trời mùa xuân thì âm nhạc tươi vui hơn, tiết tấu vui nhộn hơn.

Âm nhạc trong bài hát ở quãng 5, giai điệu đi theo bước lần.

Sắp binh mã (sắp mạ)

Người làm then được coi là quan võ nắm binh quyền, vì vậy trước khi đi hành lễ, thày then phải làm thủ tục chiêu tập binh mã, sắp xếp đội hình để xuống trần gian hộ tống thày. Trên đường tập hợp binh mã xuống trần gian, thày then bắt phu để gánh gồng chuyên chở lễ vật. Âm nhạc trong đoạn này hùng hồn, thúc giục, tiếng đàn mạnh mẽ kết hợp với chùm xóc nhạc theo điệu pây mạ (đi ngựa) và điệu pây tang (đi đường), miêu tả không khí khẩn trương, gấp gáp của cuộc hành binh xuống trần gian. Sau khi đoàn quân và phu phen về đến nơi, âm nhạc dừng hẳn chuẩn bị cho cuộc hành trình đầy gian nan vất vả lên gặp Ngọc hoàng.

Lên đường đi dâng lễ

Sau khi hoàn tất các thủ tục, đoàn quân then bắt đầu lên đường đi qua các cửa của Mường trời. Trên đường đi, âm nhạc vui tươi, sử dụng chùm xóc nhạc và hát theo làn điệu pây mạ (đi ngựa), tính chất âm nhạc khẩn trương, thúc giục. Tùy nội dung cụ thể mà điệu pây mạ có những biến tấu phù hợp với văn bản lời hát miêu tả.

Bắt ve sầu (pắt ngoẳng)

Dưới sự dẫn đường của thổ công, bà then cùng đoàn quân chính thức lên đường vượt qua núi cao, biển rộng, một trong những địa danh quen thuộc mà đoàn quân phải đi qua đó là rừng ve sầu. Lúc này âm nhạc ai oán, xót thương cho số phận con người, đồng thời cũng nói lên nỗi cực nhọc, vất vả của đoàn quân then trên đường đến cõi siêu hình.

Bắt hươu nai (thấu nạn quang)

Rời rừng ve sầu, quân then tiếp tục lên đường, trên đường đi, quân lính phải vào rừng sâu săn bắt hươu nai để làm lễ dâng lên thánh thần. Cuộc đi săn diễn ra rầm rộ, 700 quân, 4 anh hùng, 80 con chó ngao to khỏe bủa vây, mẹ con nhà hươu nai bị dồn vào bước đường cùng, không có lối thoát. Âm nhạc miêu tả sự thở than của mẹ con hươu nai. Lời hát âu yếm, tình cảm, âm vực ở quãng 5 (sol - rề). Toàn bài được viết theo cấu trúc thơ 7 từ, vì thế, các tiết nhạc được lặp lại tương đối giống nhau. Tuy nhiên, khi mẹ hươu than thở và khuyên dạy con không được ăn bắp, ngô của người thế gian, lời hát là những bài hát ru, xuất hiện những tiếng đệm mang tính chất ai oán.

Đoàn quân then tiếp tục lên đường, vượt qua rừng núi hiểm trở giữa tầng mây. Lúc này binh lính đã thấm mệt nhưng vẫn phải vượt qua đỉnh núi trước khi trời tối, lời hát bà then như hối thúc, tiết tấu nhanh.

Tiếp tục đường đi, đoàn quân then phải vượt qua biển cả mênh mông nên phải gọi phu chèo đò (loọng sluông). Nội dung của bài hát Khảm hải diễn tả cuộc chia tay giữa đôi vợ chồng phu chèo đò, miêu tả nỗi cực nhọc, gian khó mà người phu chèo đò phải trải qua khi lên thác, xuống ghềnh. Giai điệu và âm nhạc dàn trải, xuất hiện những nốt hoa mỹ kép, âm nhạc đã phô trương kỹ thuật của cây đàn cũng như tài năng diễn tấu của bà then thông qua cách sử dụng cây đàn. Khi đoàn then vượt qua biển cả mênh mông sông nước, tính chất âm nhạc nhanh, cương quyết, như thể bà then đang vật lộn với sóng to gió lớn. Toàn bài sử dụng quãng 4, quãng 5.

Lên chợ Tam Quang (khửn hang Tam Quang)

Vượt qua biển cả bao la, đoàn quân then lên bờ rồi đi đến chợ trời. Âm nhạc vui tươi, miêu tả cảnh nhộn nhịp của người mua, người bán. Cảnh nhộn nhịp không chỉ thể hiện qua lời ca mà còn trong tiếng đàn, tiếng xóc nhạc và một số đạo cụ của bà then khi vừa hát, vừa múa. Vượt qua chặng đường dài lên núi, xuống biển, cuối cùng thì đoàn quân then cũng đến được cửa Nam Tào, Bắc Đẩu, ông vua trấn giữ cửa xung, cửa hạn, có quyền quyết định việc sinh tử của con người. Vì vậy, bà then và các đệ tử bộc lộ tài năng nghệ thuật, trong đó bà then tấu và hát những bài vui nhộn, kết hợp với các điệu múa đứng, ngồi, nằm với quạt, khăn hết sức điêu luyện… Sau khi Nam Tào, Bắc Đẩu chấp nhận lời thỉnh cầu của bà then, người ta tiến hành các thủ tục biếu lễ, hóa vàng mã, quần áo, hoa quả… kết hợp với hồi binh mã, thu túi áo vía, cúng vong ngoài nhà và lễ tạ tổ tiên kết thúc nghi lễ.

Sự khác biệt của các chương đoạn trong then đồng nghĩa với sự khác biệt về các phương pháp diễn tả cơ bản của âm nhạc như: giai điệu, tiết tấu, thang âm… Bên cạnh đó, sự thể hiện của chùm xóc nhạc cùng một số đạo cụ như quạt, khăn… cũng biến đổi phù hợp với lời ca của các chương đoạn, khi thì nhẹ nhàng như gọi hương, khi thì nhanh nhẹn, dứt khoát như pây mạ, khi thì ai oán như bắt hươu nai, bắt ve sầu, khi thì uyển chuyển trong những điệu nhạc múa.

Trong trình tự nghi lễ then ở Lạng Sơn, âm nhạc đã góp phần quan trọng vào diễn trình nghi lễ từ khi bắt đầu cho đến kết thúc. Nhìn chung, các nhạc cụ và hình thức hát thiêng có thể giúp con người giao tiếp với lực lượng siêu nhiên. Toàn bộ nội dung văn bản lời hát được bà then tấu lên thành lời hát, tiếng đàn, tương ứng với mỗi cung đoạn là một mô thức trình diễn khác nhau tác động trực tiếp đến sự cảm nhận của người tham dự nghi lễ.

Các hình thức diễn xướng âm nhạc biểu lộ những cảm quan thẩm mỹ tinh tế nhất của cộng đồng trước thần linh, tổ tiên. Trên thực tế, phương thức giao tiếp với thần linh thông qua âm nhạc đã góp phần tạo nên sự đặc sắc, tinh tế của diễn xướng then mà không phải hình thức cúng bái nào cũng có được. Âm nhạc then như có ma lực, góp phần làm sôi động thêm những cuộc múa chầu trước thần linh. Có thể khẳng định rằng, các tác phẩm âm nhạc phục vụ trong nghi lễ then đã có từ rất lâu đời, được truyền lại cho thế hệ sau bằng phương thức truyền miệng từ các nghệ nhân trong từng gia đình hay từng dòng nghề. Trong suốt quá trình phát triển của xã hội, những bài hát, điệu múa trong nghi lễ then vẫn giữ được nguyên vẹn khuôn mẫu. Số lượng làn điệu then phong phú hơn so với những làn điệu khác của người Tày như sli, lượn… Song, không phải mỗi chương đoạn, mỗi một chặng đường đều có làn điệu riêng biệt, mà một làn điệu có thể được hát đi hát lại nhiều lần trong một cuộc then. Trong diễn xướng then, mọi người có thể tham gia sáng tạo, hưởng thụ diễn xướng nghi lễ và phong tục. Trong then kết tụ nhiều dòng cảm xúc dân ca của người Tày, được các nghệ nhân thực hành một cách chuyên nghiệp, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, vì thế nó được tiếp thu, bổ sung, sáng tạo liên tục. Mặt khác, then của chịu sự ảnh hưởng của nhiều lớp văn hóa khác nhau, tuy vậy, nó vẫn giữ được màu sắc riêng, thể hiện sự độc đáo, tinh tế của người Tày. Như vậy, ngoài khả năng giao tiếp với thế giới siêu nhiên, bà then còn là một nghệ sĩ dân gian, có vai trò quan trọng trong việc sáng tạo, bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống. Các nhạc cụ như đàn tính, chùm xóc nhạc của người làm then không được tùy tiện sử dụng hàng ngày mà chủ yếu được dùng trong các nghi lễ, lễ hội.

Những làn điệu trong âm nhạc then đã và đang là nguồn cảm hứng sáng tác ca khúc mới cho các nhạc sĩ đương đại. Hát then có nguồn gốc từ trong dân gian, chứa đựng yếu tố dân ca, dân vũ, dân nhạc từ lâu đời. Sức truyền cảm của âm nhạc, thơ ca, hội họa với những yếu tố huyền thoại trong trình tự diễn xướng then đã hấp dẫn người nghe, người xem đến kỳ lạ. Đến với nghi lễ then của người Tày, ta thấy không khí huyền bí nhưng không ghê sợ, vui vẻ nhưng không buông tuồng, nhạt nhẽo.

Với tư cách là loại hình sinh hoạt nghi lễ cổ truyền, then đã thể hiện được một phần diện mạo đời sống, xã hội của người Tày. Đến với nghi lễ then, người ta không chỉ thỏa mãn nhu cầu tâm linh, mà còn được hòa mình vào với thế giới kỳ diệu, linh thiêng, vui vẻ, sôi động, giải tỏa tâm tư, nguyện vọng, tìm lại sự cân bằng và lòng tin vào cuộc sống.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 385, tháng 7-2016

Tác giả : TRẦN QUANG HƯNG

;