Vài nét về trí thức trong kháng chiến chống thực dân Pháp

Trí thức giữ một vai trò quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Vai trò đó được thể hiện ở rất nhiều lĩnh vực: văn hóa, giáo dục, y tế, kinh tế tài chính, quân sự, quốc phòng... Ngay từ những ngày đầu diễn ra cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trí thức Việt Nam đã gánh một phần quan trọng trong cuộc kháng chiến cứu quốc và gánh một phần quan trọng trong công việc kiến quốc” (1). Trí thức đã đóng góp phần quan trọng sức lực, trí tuệ, làm nên thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến. Trong bài viết này, chúng tôi muốn bước đầu lý giải xem người trí thức trong kháng chiến chống Pháp là những ai, quan điểm của Đảng đối với trí thức như thế nào, và tại sao người trí thức tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp.

1. Trí thức trong kháng chiến chống thực dân Pháp - họ là ai?

Hiện nay, có nhiều cách lý giải về khái niệm người trí thức. Từ “tầng lớp trí thức”  (intelligentsia) được biết đến lần đầu tiên ở Nga vào nửa đầu TK XIX, sau đó từ “người trí thức” (intellecuel) xuất hiện ở Pháp sau công xã Paris (1871) mang ý nghĩa khá rộng, đó là những người không chỉ có trình độ học vấn hay trình độ chuyên môn cao, mà còn phải là những người dành sự quan tâm và đưa ra chính kiến của mình trước những vấn đề chính trị, xã hội.

Trong nghiên cứu về giới trí thức hiện nay có nhiều khái niệm lý giải thế nào là trí thức, xét trên vai trò và năng lực của người trí thức trong xã hội hiện đại. Từ trước tới nay, ở Việt Nam, trí thức thường được hiểu là những người có học, không phải những người lao động chân tay. Cách hiểu này xem ra không được đầy đủ và không còn phù hợp với một nền kinh tế tri thức ở các nền kinh tế, xã hội hiện đại.

Tuy nhiên, để định nghĩa về người trí thức đầy đủ nhất, cần phải đặt họ trong bối cảnh xã hội của từng thời kỳ lịch sử nhất định. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự vươn lên của tri thức nhân loại, sự tiến bộ của văn minh nhân loại được tổng kết qua mấy nghìn năm không thể là hằng số chung quy chiếu cho một thời điểm cụ thể nào trong lịch sử. Vì vậy, hiểu về người trí thức trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954) cũng phải đặt họ trong bối cảnh xã hội, lịch sử ấy. Chúng ta không nên so sánh cách hiểu về người trí thức trong giai đoạn 1945-1954 với cách hiểu rộng rãi hơn về người trí thức trong thời đại ngày nay, vì trong hoàn cảnh những năm kháng chiến chống Pháp, để phục vụ cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc, để huy động được sức người sức của và tinh thần đoàn kết dân tộc, khái niệm có phần nôm na ấy hoàn toàn có thể hiểu được.

Năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Một người học xong đại học, có thể gọi là có trí thức” (2). Người nhấn mạnh: “Trí thức là hiểu biết. Trong thế giới chỉ có hai thứ hiểu biết: một là hiểu biết sự tranh đấu sinh sản. Khoa học tự nhiên do đó mà ra. Hai là hiểu biết tranh đấu dân tộc và tranh đấu xã hội. Khoa học xã hội do đó mà ra. Ngoài hai cái đó, không có trí thức nào khác” (3).

Khi ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường gọi những người trí thức nói chung bằng cụm từ “lao động trí óc”, tức không phải là những công nhân, nông dân. Người từng nhấn mạnh: “Đảng Lao động Việt Nam sẽ gồm những công nhân, nông dân và lao động trí óc yêu nước nhất, hăng hái nhất, cách mạng nhất…”. Trong nhiều văn bản, nhiều bài nói, có lúc Người dùng từ trí thức, lúc lại dùng từ lao động trí óc để chỉ đối tượng trí thức. Vậy họ là những ai? “Là thày giáo, thày thuốc, kỹ sư, những nhà khoa học, văn nghệ, những người làm bàn giấy,…” (4).

2. Quan điểm của Đảng đối với trí thức trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954)

“Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế. Chứng thực là trong cuộc kháng chiến cứu quốc này, những người trí thức Việt Nam đã chung một phần quan trọng. Một số thì trực tiếp tham gia vào công việc kháng chiến, hy sinh cực khổ, chen vai thích cánh với bộ đội nhân dân. Một số thì hăng hái hoạt động giúp đỡ ở ngoài... Địa vị những người trí thức ái quốc Việt Nam sẽ là cùng với toàn thể đồng bào, kiến thiết một nước Việt Nam mới, một nước Việt Nam thống nhất và độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc” (5).

Trong bối cảnh đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhân danh chính nghĩa, thay mặt toàn thể nhân dân Việt Nam để khẳng định vai trò cũng như đặt lên vai người trí thức những nhiệm vụ to lớn. Thế mới biết Người trọng trí thức như thế nào, và ngược lại, trí thức có một vị trí không thể nào thay thế được.

Sau Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tầm quan trọng của người trí thức trong công cuộc xây dựng và bảo vệ nền độc lập: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển càng thêm nhiều” (6).

Với quan điểm trọng dụng nhân tài, Người đã tập hợp đội ngũ các nhà trí thức vào Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc. Trong bài phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban, ngày 10-1-1946, Người khẳng định: “Còn các ngài, đã đem tài năng trí thức, lo bồi bổ về mặt kinh tế và xã hội. Các ngài xứng đáng là những chiến sĩ xung phong. Tôi mong rằng các ngài cũng sẽ đem hết tài năng và tri thức giúp Chính phủ về mặt kiến thiết. Các ngài sẽ là những cố vấn có kinh nghiệm, có tài năng của Chính phủ” (7).

Trọng tâm là đoàn kết dân tộc để thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Chính sách đại đoàn kết luôn được chú trọng hàng đầu, Người nhấn mạnh: “Chính sách của Chính phủ trước sau vẫn là đại đoàn kết. Đối với các vị quan lại cũ cũng như đối với tất cả các giới đồng bào, những người có tài đức thì Chính phủ đều hoan nghênh ra gánh việc nước” (8). Những quan lại cũ như Tổng đốc Vi Văn Định, Phan Kế Toại hay đã từng làm việc cho Nhật như luật sư Phan Anh được Người mời ra giúp nước. Việc làm ấy cho thấy tấm lòng quảng đại của Người cũng như tầm nhìn xa trong việc huy động sức mạnh toàn dân vào cuộc trường kỳ kháng chiến.

Người khẳng định vai trò của trí thức: “Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều” (9).

Sau cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập ra tổ chức của trí thức là Đảng Xã hội Việt Nam (22-7-1946). Đây là tổ chức thu hút, tập hợp mọi bộ phận trí thức khác nhau từ các thày giáo, thày thuốc đến các trí thức hoạt động trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Những trí thức như Nguyễn Xiển, Đỗ Xuân Hợp, Hoàng Minh Giám, Phan Anh, Nguyễn Cao Luyện… đều một lòng một dạ phục vụ kháng chiến mà không mảy may nghĩ đến quyền lợi của bản thân.

Như vậy, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhìn nhận vai trò của người trí thức, đồng thời đặt lên vai họ những nhiệm vụ quan trọng khác nhau để phát huy khả năng của họ. Những trí thức Việt Nam đã một lòng một dạ tin và đi theo kháng chiến và có những đóng góp to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.

3. Nguyên nhân trí thức tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp

Bên cạnh những trí thức được lãnh đạo bởi Đảng Cộng sản trong thời kỳ 1930-1945, thì trước, trong và sau Cách mạng tháng Tám 1945 đã có thêm nhiều trí thức Việt Nam tham gia và đi theo Chính phủ kháng chiến chống Pháp. Trước Cách mạng tháng Tám, có nhiều trí thức còn chưa thể hiện rõ quan điểm chính trị và chủ yếu thể hiện lòng yêu nước dựa trên những hoạt động văn hóa, báo chí, văn học, nghệ thuật thì trước và trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám, đã ngả theo ngọn cờ của Việt Minh, tham gia cách mạng, kháng chiến. Vậy, tại sao nhiều trí thức lại tham gia kháng chiến.

Ngoài tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc thì sức lan tỏa và ảnh hưởng to lớn của Cách mạng tháng Tám đối với các trí thức là rất lớn. Cách mạng tháng Tám là một sự kiện chính trị vĩ đại, lật đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến để thiết lập một nhà nước mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự kiện này mở ra một trang mới trong lịch sử Việt Nam nói chung và đối với các trí thức nói riêng. Ngay lập tức trí thức bị cuốn theo dòng thác cách mạng ấy và sẵn sàng cống hiến cho đất nước. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng vào thời điểm năm 1945, chỉ có Việt Minh đủ sức tập hợp, lãnh đạo và đoàn kết sức mạnh của toàn dân đánh Pháp, việc trí thức đi theo cách mạng là hợp thời và thuận theo tiếng gọi của lương tâm.

Về điểm này, ông Nguyễn Xiển, người từng phụ trách Đài khí tượng Phù Liễn Đông Dương tại tỉnh Kiến An, hiện đại nhất Đông Nam Á trước năm 1945 và là Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ kiêm Giám đốc Nha khí tượng trong những năm kháng chiến lý giải: “Đảng Cộng sản đã hiểu và đánh giá đúng tâm trạng của trí thức nước ta những năm tiền khởi nghĩa... Tiếng tăm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lan truyền, gieo hy vọng và niềm tin. Gương hy sinh oanh liệt của nhiều người cộng sản bị đế quốc khủng bố, tù đày, sát hại khiến trí thức cảm phục. Cho nên, khi tình thế cách mạng xuất hiện, trừ một số ít mất gốc, còn thì người trước, người sau, trí thức đã lần lượt hướng về cách mạng, sẵn sàng đi theo cách mạng. Cách mạng tháng Tám bùng lên giành chính quyền về tay nhân dân, đem lại độc lập, tự do cho tổ quốc là cả một bước ngoặt đổi đời của trí thức. Trí thức từ đây ngày càng ý thức rõ đối tượng phục vụ của mình là cách mạng và nhân dân” (10).

Nhà sử học Đào Duy Anh giải thích về sự ảnh hưởng của Cách mạng tháng Tám: “Đây là một cuộc chuyển biến lớn lao của dân tộc, không thể không có tác dụng lớn đối với việc nghiên cứu của tôi. Tôi nghĩ rằng từ nay mình làm chủ nước mình, bao nhiêu kho tàng tài liệu của ta tự ta sử dụng, tương lai nghiên cứu học thuật của tôi tất sẽ gặp dễ dàng” (11).

Ông Đoàn Trọng Truyến (nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng) thì lý giải về sự kiện đó như sau: “Sống trong những ngày tưng bừng cách mạng ở Huế, những ngày mà “một ngày bằng hàng thế kỷ”, đi trong ngọn lửa bừng sáng soi đường, lòng phấn chấn vô hạn, không một chút hoài nghi mặc cảm, tôi đã lao theo dòng thác cách mạng, tham gia Ủy ban nhân dân Trung Bộ và ứng cử đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” (12).

Một câu hỏi đặt ra là tại sao những trí thức sinh ra và lớn lên trong những dòng họ quyền quý, có địa vị cao trong xã hội như Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng… và chưa phải là đảng viên lại có thể hăng hái tham gia cách mạng? Tại sao họ có thể cùng gia đình từ giã phố phường Hà Nội, rời bỏ ngôi nhà đầy đủ tiện nghi để theo dòng người tản cư về các làng quê trước ngày toàn quốc kháng chiến. Câu trả lời chỉ có thể tìm thấy ở tinh thần dân tộc, lòng yêu nước vốn thấm sâu trong máu thịt mỗi người. Ở một khía cạnh khác, chính cuộc đời hy sinh cao quý, coi thường danh lợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảm hóa họ.

Từ sau Hội nghị Trung ương 8 (5-1941), Đảng nêu cao ngọn cờ độc lập dân tộc, vì vậy đã đoàn kết được các giai cấp, tầng lớp tham gia cách mạng. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, mục tiêu giải phóng dân tộc được coi là một trong những động lực thu hút trí thức tham gia kháng chiến. Bên cạnh đó, một trong những lý do trí thức tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp là sức hút của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Luật sư Phan Anh, một người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ thanh niên trong Chính phủ Trần Trọng Kim, sau này nói về nguyên nhân theo cách mạng: “Rất xúc động và cảm kích trước tấm lòng nhân hậu và bao dung của Bác, vì thấy Bác không lấy việc tôi đã tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật làm điều, mà vẫn cho tôi là một trí thức yêu nước và trọng dụng” (13).

Ông Hoàng Minh Giám, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, người trực tiếp trợ giúp cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đàm phán với nhà ngoại giao Sainteny của Chính phủ Pháp, dẫn đến việc ký Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946, viết: “Là một trí thức được giác ngộ cách mạng, là một đảng viên Đảng Cộng sản, tôi có một vinh dự lớn là được Bác Hồ dìu dắt, được sống và làm việc với Bác trong những năm đầu Cách mạng tháng Tám, trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược” (14).

Bác sĩ Hồ Đắc Di, nội trú các bệnh viện Paris, vị giáo sư đại học người Việt đầu tiên và duy nhất trước Cách mạng tháng Tám từng lý giải về lý do theo cách mạng của mình: “Từ đâu có những lý do để tin tưởng, nếu không phải là từ tấm gương đầy cổ vũ của cuộc đời một người được tạo ra bởi sự thoát thân hoàn toàn và bởi những hy sinh trong gần nửa một thế kỷ, từ một người có số phận phi thường, hiện đang lái dàn giao hưởng của chúng ta? Trong bước ngoặt lịch sử này, chúng ta may mắn được gặp một người nhạc trưởng đầy tài năng nắm chắc kỹ thuật và am hiểu sâu sắc nghệ thuật. Hãy dõi theo nhịp chuyển động của chiếc đũa chỉ huy và chúng ta hãy cùng chơi cho thật chính xác, nhịp nhàng và đồng bộ để có thể trình diễn vào buổi hòa âm sắp tới của các dân tộc một bản giao hưởng Việt Nam đã hoàn thành, ở đó phải toát lên với tiết tấu trong sáng và chính xác, một chủ đề êm ái và hài hòa: thống nhất và độc lập dân tộc” (15).

Ở nước ngoài, khi nghe tin Cách mạng tháng Tám thành công, nhiều trí thức muốn mau chóng trở về nước. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp năm 1946, nhiều người bày tỏ nguyện vọng được trở về nước, nhưng khi ấy chỉ có 4 người được theo Người cùng về là: Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân, Võ Đình Quỳnh và Trần Đại Nghĩa.    

Bác sĩ Trần Hữu Tước, một người đã có nhiều năm sống và học tập ở Pháp đã tận dụng cơ hội ấy để về nước. Sau này ông lý giải: “Một người dân đã mất nước, càng hiểu biết bao nhiêu, lại càng xót xa, thấm thía bấy nhiêu. Hận tha hương, hờn vong quốc, còn đau đớn, tủi nhục nào bằng… Ta cần phải trải gian lao, qua thử thách, phải tự rèn cho tâm hồn cái trong sáng của tự do, độc lập. Rồi trong khoảnh khắc, tôi quyết trở về, mà chỉ biết phải về với tổ quốc... Khi quyết định đã xong, cảm thấy nhẹ hẳn gánh nặng bao năm đè trĩu trên vai. Thôi, không còn những cơn cắn rứt ê chề. Đời đã đổi thay!” (16).

Kỹ sư Trần Đại Nghĩa không gặp bất kỳ sự khó khăn nào trong việc lựa chọn theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước tham gia kháng chiến.  Sau này kỹ sư Trần Đại Nghĩa chia sẻ: “Ngày  8-9-1946, sau khi cho tôi biết Hội nghị Fontainebleau không thành công, Bác mới bảo: “Bác về nước. Chú chuẩn bị về với Bác. Ít ngày nữa, ta lên đường!”. Đối với tôi, việc này rất dễ. Bởi vì tôi đã sửa soạn từ lâu, đã xin thôi việc ở hãng, mặc dù lúc đó tôi là kỹ sư trưởng chế tạo máy bay, hưởng lương rất hậu, mỗi tháng 5.500 Franc, vào thời điểm ấy, tương đương 22 lượng vàng” (17).

Trí thức Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, mặc dù có xuất thân khác nhau, nhưng đều là những con người tài năng đức độ, một lòng một dạ với nhân dân, đất nước. Khi có thời cơ, có người đứng lên tập hợp thì sẵn sàng bỏ mọi vinh hoa phú quý để sẵn sàng ăn rừng, ngủ lán với đồng bào, đồng chí của mình. Nhắc đến những trí thức thời kháng chiến chống Pháp, chúng ta không khỏi xúc động và cảm phục! Họ xứng đáng là những trí thức thế hệ vàng của Việt Nam.

_______________

1, 2, 3, 4, 5, 8, 9. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.472, 202, 393, 133, 112.

6, 7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, 1995, tr.99, 152.

10. Giáo sư Nguyễn Xiển - cuộc đời và sự nghiệp, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2007, tr.349.

11. Đào Duy Anh, Nhớ nghĩ chiều hôm, Nxb Trẻ, TP.HCM, 1989, tr.114.

12. Hồi ký đại biểu quốc hội khóa I, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tr.214

13. Phan Anh, Tôi đã tham gia chính phủ liên hiệp kháng chiến (3-3-1946) như thế nào? Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 12-1998.

14. Hoàng Minh Giám - người con của thế hệ vàng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.56.

15. Những bài phát biểu của Giáo sư Hồ Đắc Di (giai đoạn 1945-1954), Trường Đại học Y Hà Nội, 1995, tr.12.

16, 17. Hàm Châu, Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại - một số chân dung, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2014, tr.484-485.

 

Tác giả: Nguyễn Thanh Hóa

Nguồn : Tạp chí VHNT số 412, tháng 10 - 2018

 

 

;