Tín ngưỡng thờ cúng Tư mã Hai Đào ở miền núi Thanh Hóa qua di tích đền thờ và lễ hội

Từ bao đời nay, hình ảnh vị tướng quân Tư mã Hai Đào đã in đậm trong tâm thức đồng bào các dân tộc miền núi xứ Thanh. Ông được nhà vua phong là Phò mã, Tư mã, Tư lệnh biên phòng, cầm quân đánh đuổi giặc xâm chiếm vùng biên giới Việt - Lào, mang lại cuộc sống ấm no, thanh bình cho bản làng. Những câu chuyện dân gian, di tích, di vật, lễ hội... về ông hiện còn lưu giữ ở các huyện Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát... Tư liệu còn lại về ông không nhiều, nhưng những chứng tích, ghi chép ít ỏi ấy sẽ mãi là “nguồn sống” quý giá đối với người Thái nói riêng và các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung.

1. Di tích đền thờ Tư mã Hai Đào ở miền núi Thanh Hóa

Hiện nay, trên địa bàn 3 huyện miền núi Thanh Hóa là Bá Thước, Quan Sơn và Mường Lát có nhiều địa danh mang dấu ấn của Tư mã Hai Đào và những chiến công của ông trong việc bảo vệ và giữ yên miền đất biên cương. Riêng di tích đền thờ về ông, hiện có: đền thờ Tư Mã Hai Đào ở làng Đào (xã Điền Quang, Bá Thước) - nơi sinh ra ông; di tích đền Tén Tằn (xã Tén Tằn, huyện Mường Lát) - nơi gắn liền với công lao, sự nghiệp của ông và di tích đền thờ Tư Mã ở bản Chung Sơn (xã Sơn Thủy, Quan Sơn) - nơi ông đến ở cuối đời. Cả ba di tích trên đều đã bị phá hủy, chỉ còn lại dấu tích nền móng. Hiện nay, đền thờ của ông ở làng Đào (Bá Thước) và bản Chung Sơn (Quan Sơn) đang được xây dựng lại, trong đó ngôi đền ở Chung Sơn được xây dựng năm 2010 là vững chắc và bề thế hơn cả.

Đền thờ ở làng Đào, xã Điền Quang, huyện Bá Thước

Ngôi đền thờ ông được dân làng Đào gọi là nhà thần (nhá sấn). Ngôi đền này thờ nhiều vị thần khác nhau theo tín ngưỡng bản địa, trong đó vị thần chính là Tư mã Hai Đào. Đền thờ đã được nhân dân làng Đào lập nên để thờ người con quê hương có công lớn trong việc đánh giặc, giữ yên bờ cõi nước nhà. Ngài còn được dân làng phong là Thành hoàng làng.

Trước đây, đền thờ Tư mã Hai Đào được người dân địa phương dựng bằng tranh tre nứa lá và ở vị trí thấp hơn so với ngôi đền hiện nay. Ngôi đền này được dựng cách đây khoảng hơn 10 năm, gồm ba gian mái ngói. Phía trước ngôi đền là các cánh đồng Đào, Trưa Phẩy, Cáng Ria. Rất tiếc, ngôi đền này không có thần tích, sắc phong.

Đền thờ Tư mã Hai Đào tuy không lớn, song tọa lạc trên thế đất cao, thoáng đãng, lưng tựa vào núi với nền xanh của cây lá càng tôn thêm vẻ đẹp và sự linh thiêng. Hằng năm, nhân dân tổ chức lễ hội ở quy mô cấp mường, cấp xã để tưởng nhớ công ơn của ông. Nơi đây không chỉ lưu dấu, tri ân và tôn vinh người con của dân làng mà còn là điểm đến tâm linh của người dân trong vùng và du khách mỗi dịp lễ hội.

Đền thờ Tén Tằn và đền Nghè Nan ở xã Tén Tằn, huyện Mường Lát

Sau khi dẹp loạn, Phò mã được phong tước Tướng quân, ông xây dựng cơ sở đồn trú tại bản Tén Tằn. Đây là đồn lớn, trấn ải toàn bộ khu vực biên giới, có trên 1000 quân lính thường trực. Tướng quân Tư mã Hai Đào đã sống và làm việc tại đây, được nhân dân tin cậy, yêu mến thường gọi ông là Phò mã Tén Tằn. Sau khi nghe tin ông mất tại mường Xia, bà con thương tiếc, lập đền thờ Phò mã. Người dân nơi đây đặt tên gọi đền thờ Tư mã Hai Đào là đền thờ Phò mã Tén Tằn như để khẳng định ông là người con của vùng đất này.

Đền thờ ngài tọa lạc trên khu đất bằng phẳng, trong rừng cây mát, bên cạnh sông Mã và suối Sim (ranh giới giữa Việt Nam và Lào) (1), cách cầu suối Xim khoảng 50m và cửa khẩu quốc tế Tén Tằn (cột mốc 281 biên giới Việt Nam - Lào) khoảng 1000m về hướng Đông Bắc. Nhân dân địa phương cho biết đền thờ được lập ngay trên nền của đồn lũy mà trước đây tướng quân Tư mã Hai Đào cho xây dựng để trấn giữ biên cương.

Đền thờ xây dựng theo kiểu nhà sàn của người Thái, có ba gian bằng gỗ quý. Trên nhà trang trí nhiều đồ thờ, trong đó có chiếc cồng cao to ngang ngực người đứng. Tương truyền, đây là chiếc cồng thiêng thu được của quân giặc. Dưới gầm nhà sàn đặt một con lợn đá. Sân đền rộng rãi đủ để dân bản tổ chức múa hát, các trò chơi, trò diễn dân gian trong những ngày lễ hội.

Vào khoảng năm 1957, một người dân trong bản đốt nương làm rẫy, do sơ suất đã để lửa cháy lan thiêu trụi ngôi đền. Sau khi đền bị cháy, dưới nền vẫn còn một con lợn bằng đá. Đến năm 1999, khi làm con đường chạy qua khu vực này, máy múc đất đã lấp phủ nền móng cùng con lợn đá. Sau thời gian chưa có điều kiện phục dựng lại ngôi đền, nhân dân xã Tén Tằn nói riêng và Mường Lát nói chung đã tìm một chốn linh thiêng để đặt bát hương thờ phụng ông ngay gần khu vực đền thờ cũ. Hiện nay, ngôi đền đang được xây dựng lại trên nền đền thờ cũ ở xã Tén Tằn (huyện Mường Lát), đáp ứng nguyện vọng của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.

Hiện nay, còn một số hiện vật liên quan đến Tư mã Hai Đào như: 1 bát hương bằng đồng (đường kính miệng 15cm) là hiện vật trong đền được ông Lò Văn Ôn ở Tén Tằn lưu giữ. Ở bản Qua (xã Quang Chiểu), dân bản đang bảo quản 1 chiếc cồng đồng, 1 thanh kiếm, 1 chiếc bát - tương truyền đó là những kỷ vật của Tư mã Hai Đào tặng cho gia đình Mụ Qua đã có công che chở, chăm sóc vợ con ông khi ông xông pha nơi chiến trận.

Trong tâm thức người dân nơi đây, đền thờ ông là chốn linh thiêng nên mỗi khi “ai đi buôn, bán bò, bán trâu đi qua cũng phải cúng lễ; hễ người đi ngựa phải xuống khỏi yên; quan trên đi qua xuống võng; người mang lọng phải hạ khỏi đầu; đội nón lật ra sau; ai cũng cúi đầu tôn nghiêm qua đền Tư mã” (2).

Liên quan tới Tư mã Hai Đào trên đất Mường Lát còn có di tích đền Nghè Nan. Tương truyền, lúc bấy giờ ở Mường Khô, quê hương của Hai Đào có người chú tên là Nghè Nan, biết tin cháu được phong chức, thương cháu bận việc quân cơ nên ông tìm đường lên biên giới để mừng cho cháu. Nhưng khi Nghè Nan từ Mường Khô (làng Đào, Bá Thước) lên đến bản Lát (thuộc xã Tam Chung, Mường Lát ngày nay) vì tuổi cao sức yếu, đường xa vất vả nên ông đã mất dọc đường. Nhân dân bản Lát cảm thương người chú của Tướng quân bèn lập đền thờ tại bản Lát, ngôi đền có tên là đền Nghè Nan. Hiện nay, ở bản Lát vẫn còn nền móng cũ của ngôi đền.

Đền thờ Tư mã Hai Đào ở xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn

Sau một thời gian đóng quân ở Tén Tằn, nhà vua điều ông sang vùng Pha Dua lập ra Sơn Điện để tiếp sứ giả các vương quốc phía Tây mang lễ vật đến cống nạp. Ông chọn vùng đất bằng phẳng dưới chân núi Pha Phanh, Pha Dua để lập dinh trại. Ông cho khai khẩn, mở mang vùng đất này thành một mường lớn, đặt tên là mường Chu Sàn. Khi Tư mã Hai Đào mất, người dân nơi đây đã lập đền thờ để tưởng nhớ ông, lấy tên là đền thờ Tư mã Hai Đào.

Đền thờ được xây dựng tại bản Chung Sơn (3), xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tọa lạc gần cây đa cổ thụ phía bên trên đường đi từ Km 66 qua Sơn Thủy đi Na Mèo. Đền thờ cũ cũng là ngôi nhà ông ở trước đây, chính là vị trí sân của đền thờ hiện nay. Do ở vị trí hơi thấp và quá gần đường cái, nên khi đầu tư xây dựng đền thờ năm 2010, huyện Quan Sơn đã xin phép ông xây lên phía trên cách đó khoảng 15m. Hiện nay, đền thờ Tư mã Hai Đào ở cách đường cái về phía đồi, đường lên Na Mèo khoảng 50m. Vị trí mới này vừa cao ráo, vừa có sân rộng cho thế hệ con cháu, dân bản, khách thập phương đến viếng thăm, thắp hương cúng tế ông.

Trước đây, do đời sống nhân dân nghèo nàn, lạc hậu nên đền thờ Tư mã Hai Đào được dựng tạm bợ bằng tranh, nứa. Việc thờ cúng vẫn duy trì đều đặn hằng năm. Trong thời gian chiến tranh, dù di tích bị đổ nát, hư hỏng, nhưng người dân vẫn giữ nếp thờ ở từng nhà riêng lẻ, đến ngày chính lễ thắp hương tại đền thờ cũ và khu nền móng thủ phủ của Hai Đào. Năm 2010, được sự chỉ đạo của huyện, cùng với việc phục hồi lễ hội mường Xia, ngôi đền được xây dựng và tôn tạo lại trên nền móng cũ cùng với hồ nước xưa, cây đa và gốc gạo được coi như hiện vật gốc. Ngôi đền ngày nay được tôn tạo bằng gạch ngói, có kết cấu hai tầng mái, tọa lạc trên khu đất cao, chung quanh có cây xanh bao bọc, lưng tựa vào núi đá nhấp nhô. Trước đền là không gian rộng rãi, thuận tiện cho tổ chức lễ hội và hoạt động vui chơi giải trí của bản mường. Trong đền có hương án, ngai thờ, đồ tế khí bằng gỗ, sơn thiếp kiểu cổ. Đền thờ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống nhân dân huyện Quan Sơn nói riêng và miền núi Thanh Hóa nói chung.

2. Lễ hội về tướng quân Tư mã Hai Đào ở miền núi Thanh Hóa

 Lễ hội mường Xia ở Quan Sơn

Lễ hội được tổ chức vào ngày 15, 16 tháng ba âm lịch hằng năm tại xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Từ năm 1957 đến năm 2010, lễ hội bị mai một. Đến năm 2010, được sự cho phép của UBND tỉnh và Sở VHTTDL Thanh Hóa, huyện Quan Sơn đã chính thức phục dựng và tổ chức lễ hội mường Xia. Đến nay, lễ hội được duy trì tổ chức hằng năm, thu hút hàng ngàn người tham gia, làm sống dậy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Thái vùng biên cương, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của đồng bào nơi đây.

Để tổ chức lễ hội mường Xia, trước hết cần chọn chủ tế, là người quan trọng nhất, đại diện cho dân làng, nên tiêu chuẩn đặt ra rất khắt khe. Thông thường phải là người đàn ông cao tuổi, có đức độ, gia đình hòa thuận. Chọn người rước kiệu, phải là những thanh niên trai tráng, khỏe mạnh, chưa có gia đình và trong năm đó gia đình không có chuyện buồn. Về trang phục và đồ vật dùng trong lễ hội, đặc biệt dùng trong tế lễ đều được kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ và cẩn thận. Sau khi tế lễ, phần hội cũng được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chu đáo, lập danh sách và tiến hành chọn những người phù hợp với từng hội diễn.

Các nghi lễ chính của lễ hội được diễn ra trang nghiêm, dân bản tổ chức rước kiệu và mâm lễ từ nơi chôn “hòn đá vía” về đền thờ Tư mã Hai Đào. Tế lễ tại 5 điểm, đó chính là 5 điểm ngũ hành sinh khắc, với những quy định về đồ lễ khác nhau.

Đối với điểm thứ nhất - hành Hỏa, diễn ra nghi lễ cúng thần mường, tại đền thờ Tướng quân Tư mã Hai Đào. Nội dung tế lễ tại điểm chính là cúng tri ân thần mường phù hộ cho dân mường Xia ăn nên làm ra, cùng đoàn kết bên nhau xây dựng bản mường.

Điểm thứ hai - hành Thổ, cúng Lặc Mắn tại nơi chôn Hòn Đá Vía ngay giữa bản. Ngoài việc tế lễ chính, trong lễ hội mường Xia có tục rước Hòn Đá Vía (Lặc Mắn) của mường về làm lễ, đó chính là nơi gửi vía của toàn bộ dân cư mường Xia. Mỗi khi thực hành nghi thức này, người mường Xia mới được đào Hòn Đá Vía lên, rửa sạch, bọc vải đỏ và cho lên kiệu long đình rước về làm lễ trước đền thờ tướng quân Hai Đào. Sau khi tổ chức lễ hội xong, Hòn Đá Vía lại được rước về hôn xuống nơi cất giấu cũ chờ mùa hội năm sau.

Điểm thứ ba - hành Thủy, cúng Sần Cuống ở Sộp Xia - nơi giao hòa giữa suối Xia và sông Luồng, trung tâm của mường Chu Sàn cũ. Điểm cúng ở Sộp Xia mang ý nghĩa cầu thần mường, các binh sĩ và Nàng Tư phù hộ cho đất mường Xia luôn là vùng đất “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”.

Điểm thứ tư - hành Mộc, cúng Sần Phiềng Phay, bên bờ sông Luồng, gần thủ phủ Hai Đào. Điểm cúng tại nơi người lính hy sinh khi làm nhiệm vụ đó chính là bên bờ sông Luồng gần thủ phủ Hai Đào, dưới gốc cây gạo cổ thụ. Mường Xia tổ chức tục lệ này cầu thần mường phù hộ cho vùng đất luôn là nơi bình yên, nương rẫy và đồng ruộng tươi tốt, thú rừng không phá phách, quấy nhiễu dân bản.

Điểm thứ năm - hành Kim, là điểm cúng mở cửa ải vào mường Xia, diễn ra tại Sứa Tú Nặm dưới chân núi Pha Dùa. Nơi đây gắn với chuyện tình Pha Dùa, đôi trai tài gái sắc của mường Xia trước khi chết cũng mơ ước khi về Mường ma được hóa thân vào đá làm thần hai mường (mường Xia và mường Mìn) và Tư mã Hai Đào khi về Mường trời cũng được bà con an táng tại một trong những hang đá của núi Pha Dùa làm thần mường lớn.

Người Thái xem các vị thần như khách, do đó, đồ tế lễ được chuẩn bị như một mâm mời khách quý. Khi mọi việc hoàn tất, Vóóng Moò - người trông coi việc cúng tế của mường phải chuẩn bị một mâm lễ vào đền, xin phép thần mường cho tổ chức lễ hội.

Phần hội diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động: giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại với các trò chơi, trò diễn đặc sắc như: khặp, khua luống, trống dàm, tung còn, chọi cù, đi cà kheo, to lẹ, đẩy gậy, bắn nỏ... thu hút đầy đủ mọi người tham gia. Trong những ngày mở hội, nhân dân mường Mìn, mường Khiết, mường Ly, mường Mò... và cả mường Bén, mường Sôi (Lào) cũng về tham dự. Các trò chơi dân gian thể hiện giá trị văn hóa truyền thống của người Thái nói riêng và của đồng bào các dân tộc miền núi Thanh Hóa nói chung, là trung tâm thể hiện ý thức cộng đồng và là sự giữ gìn văn hóa truyền thống tộc người.

Lễ hội Phò mã Tén Tằn ở Mường Lát

Đây là lễ hội quan trọng nhất với các cộng đồng người Mường Lát, đặc biệt là người Thái, được tổ chức vào ngày 29 tháng Chạp, tại xã Tén Tằn, huyện Mường Lát. Đồ tế lễ duy nhất là cơm gạo tẻ, thịt trâu đen và thịt lợn. Trâu đủ 9 con, lợn đủ 5 con. Khi mổ trâu, lợn làm lễ dâng thần, chỉ trừ thủ, chân và đuôi; thịt trâu thái 9 miếng; lòng, tim, gan, các loại thịt đều thái 9 miếng và xếp vào mâm lễ. Phía trong là tim, gan và ngoài cùng là thịt; tất cả xếp từng lượt thành vòng tròn trên mâm đan bằng cật tre vầu, lót lá chuối tựa như một bông hoa đang nở. Thịt lợn thái 7 miếng cũng trừ thủ, chân đuôi để ngoài, xếp lượn thành vòng tròn... Trâu dâng thần được mổ tại bến sông Mã ngay cạnh đền, nấu nướng ở sân đền, sau đó sắp lễ vào các mâm. Có 10 cô gái đội mâm từ khu vực chuẩn bị trong sân đội lễ đến chân cầu thang nhà đền, sau đó các ông Ậu trên nhà đón lễ rồi sắp đặt để lễ thần. Lễ vật dâng cúng Tư mã Hai Đào gồm 10 mâm, trong đó có 5 mâm lễ mặn, 5 mâm hoa quả, hai chĩnh rượu cần được bày tại hai gian thờ: gian chính và gian phụ trong đền. Khi lễ vật đã bày biện xong, có 10 người hành lễ: 2 ậu mo đảm nhiệm chính, 7 ông phụ việc, 1 ông đánh cồng. Chỉ có đàn ông đảm đương mọi việc trong nghi thức cúng tế.

Sau khi tế lễ, dân bản và khách thập phương múa hát trong ba ngày, từ chiều ngày 29 đến mùng 1, mùng 2 Tết âm lịch. Phần hội được tổ chức ngay tại sân của đền thờ Tướng quân Tư mã Hai Đào. Tại đây, các trò chơi, trò diễn được tổ chức nhộn nhịp như: mắc tó lẹ, tung còn, hát khặp, đẩy gậy, kéo co, khua luống... Về cơ bản, nội dung và cách thức chơi của các trò chơi dân gian trong lễ hội Tén Tằn giống với lễ hội mường Xia.

Đây là hình thức thờ cúng đồng cấp với nghi lễ thờ thần bảo hộ bản mường trên địa bàn Mường Lát, nhưng ở quy mô lớn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, vì vị trí đặc biệt của vị phúc thần này, nên ngày tế lễ đền Tư mã Tén Tằn thực sự là một lễ hội quan trọng nhất của huyện Mường Lát hiện nay.

Lễ hội làng Đào ở Bá Thước

Lễ hội diễn ra vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, tại làng Đào, xã Điền Quang, huyện Bá Thước. Trước đây lễ hội được tổ chức thường xuyên, theo quy mô bản, mường. Hiện nay, lễ hội đã bị mai một và lãng quên; nhân dân làng Đào đang đề xuất nguyện vọng phục dựng lại lễ hội truyền thống này, đáp ứng như cầu về đời sống tín ngưỡng, tinh thần của đồng bào các dân tộc nơi đây.

3. Một số biện pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ cúng Tư mã Hai Đào ở miền núi Thanh Hóa

Thực trạng

Hiện nay, đền thờ và lễ hội về Tư mã Hai Đào đang trong quá trình phục dựng sau thời gian dài bị tàn phá theo thời gian và chiến tranh. Đền thờ Tư mã Hai Đào ở làng Đào trước đây được người dân địa phương dựng bằng tranh tre nứa lá, hiện nay đã được tôn tạo trên nền móng và dấu vết của đền thờ xưa. Đền thờ Phò mã Tén Tằn ở Tén Tằn (Mường Lát) hiện nay đang trong quá trình xây dựng lại ngay gần khu vực đền thờ cũ. Đền thờ Tư mã Hai Đào ở xã Sơn Thủy trước đây được dựng tạm bợ bằng nhà tranh, vách nứa. Sau thời gian dài, di tích đền thờ đã bị đổ nát, hư hỏng. Đến ngày 4-10-2010, được sự chỉ đạo của huyện, cùng với việc phục hồi lễ hội mường Xia, ngôi đền được xây dựng và tôn tạo lại trên nền móng đền thờ cũ.

Hiện nay, lễ hội lớn nhất tưởng nhớ đến Tư mã Hai Đào là lễ hội mường Xia. Lễ hội bị mai một và thất truyền từ năm 1957, sau 53 năm không được tổ chức, ngày 19-3-2010, lễ hội được phục dựng trở lại nguyên bản, được duy trì hằng năm nhưng ở quy mô nhỏ. Hiện nay, nhân dân xã Tén Tằn đang có nguyện vọng phục dựng lại lễ hội với quy mô lớn hơn. Còn lễ hội làng Đào trước đây được tổ chức thường xuyên, theo quy mô bản mường, hiện nay cũng bị mai một và lãng quên.

Để phát huy giá trị di sản văn hóa, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, Sở VHTTDL Thanh Hóa, các cấp các ngành ở các địa phương trong thời gian qua đã rất chú trọng, quan tâm tới công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích và các lễ hội. Tuy nhiên, các huyện miền núi Thanh Hóa hiện nay còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa với thực trạng nguy cơ thất truyền, mai một của nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Việc phát huy giá trị của các di tích và lễ hội còn hạn chế; việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể chưa tương xứng với tiềm năng hiện có; nguồn kinh phí, ngân sách, phương tiện, con người cần đầu tư, bố trí cho lĩnh vực này còn chưa thỏa đáng.

Một số giải pháp

Tham khảo ý kiến của một số nhà nghiên cứu trong các bài viết được in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Tướng quân Tư Mã Hai Đào và di tích về ông trên đất Mường Lát (4), chúng tôi đưa ra một số khuyến nghị sau:

Trước hết, cần tiếp tục công tác nghiên cứu, sưu tầm các nguồn tài liệu trong các bộ chính sử của triều Lê, triều Nguyễn và các tác giả đương thời viết về tướng quân Tư mã Hai Đào. Sưu tầm thêm các nguồn tài liệu văn bia, thần phả, sắc phong, chế, dụ, biểu, gia phả của các dòng họ trong vùng Quan Hóa cũ cũng như các địa phương khác có liên quan, trên cơ sở đó khai thác những sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử liên quan đến Tướng quân Tư mã Hai Đào.

Cần tiếp tục sưu tầm nghiên cứu các truyện kể, truyền thuyết dân gian, thơ ca, hò vè, đặc biệt là các hình thức tế lễ, lễ hội dân gian một cách cụ thể và kỹ lưỡng. Lễ hội Tén Tằn, lễ hội làng Đào cần được phục dựng lại với quy mô lớn, mang đậm bản sắc của tộc người Thái nói riêng và cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng biên nói chung.

Cần nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, trước mắt là di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh cho đền thờ Tư mã Hai Đào ở xã Sơn Thủy. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu các đồn binh, thủ phủ của tướng quân Tư mã Hai Đào ở vùng biên giới, cũng như các hiện vật liên quan đến nhân vật Tư mã, để có kế hoạch trùng tu, xây dựng và bổ sung hiện vật tại các địa điểm thờ tự. Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của đồng bào các vùng biên cần đẩy mạnh việc hoàn thiện đền thờ Tư mã Hai Đào ở Mường Lát; lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo di tích đền thờ ở Bá Thước, Quan Sơn. Khu di tích đền thờ Tư mã Hai Đào ở các địa phương được xây dựng và tôn tạo phải mang đậm bản sắc văn hóa tộc người, đặc biệt là văn hóa của tộc người Thái ở vùng biên viễn xứ Thanh.

Cần tăng cường sự phối hợp liên ngành trong quá trình đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo các đền thờ. Trong thời gian qua, Sở VHTTDL Thanh Hóa, UBND các huyện Quan Sơn, Mường Lát, Bá Thước đã chỉ đạo, lãnh đạo các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trong việc thực hiện xây dựng, trùng tu, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích Tư mã Hai Đào trên địa bàn của địa phương mình. Hằng năm, Phòng Văn hóa huyện cần có kế hoạch phối kết hợp với phòng Tài chính để xin hỗ trợ nguồn ngân sách trong việc đầu tư tu bổ, tôn tạo; phòng Tài nguyên và Môi trường để tiến hành đo đạc, cấp đất khoanh vùng cho các di tích; phòng Giáo dục và Đào tạo trong việc chăm sóc các di tích.

Hơn nữa, việc gắn kết việc bảo tồn di tích, lễ hội truyền thống về Tư mã Hai Đào gắn với việc bảo vệ các danh thắng ở miền núi xứ Thanh cũng cần được chú trọng. Phát triển các tour du lịch văn hóa tâm linh, du lịch về nguồn tại các đền thờ Tư mã. Đây là cơ sở tạo nên tuyến du lịch bền vững, góp phần tạo nội lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương, thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt tinh thần của cộng đồng các dân tộc.

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dân địa phương. Muốn bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan đến Tư mã Hai Đào cần nâng cao nhận thức hiểu biết của đồng bào các dân tộc thiểu số về lĩnh vực này, từ đó từng bước khuyến khích họ tham gia vào việc quản lý, tôn tạo, bảo tồn các di sản văn hóa. Nâng cao vai trò của cộng đồng các dân tộc vùng biên, đặc biệt các dân tộc thiểu số tại các xã, huyện có đền thờ Tư mã trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ cúng Tư mã Hai Đào là một trong những giải pháp có ý nghĩa thiết thực và hiệu quả nhất trong giai đoạn hiện nay.

_______________

1. Theo lời kể của các bậc cao niên ở địa phương: từ khi dựng đền, cây mát trong khu vực đền quanh năm xanh tươi, mùa đông cũng không trút lá như những loài cây khác trong rừng. Bởi vậy, đền thờ ông trong rừng quanh năm không hề có lá cây rừng rụng xuống sân.

2. Nguyễn Ngọc Khiếu, Bàn thêm về vấn đề phát huy giá trị di sản văn hóa về Tư Mã Hai Đào trên đất Tén Tằn - Mường Lát, in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Tướng quân Tư Mã Hai Đào và di tích về ông trên đất Mường Lát, Bản lưu tại Thư viện Trường Đại học Hồng Đức, 2018, tr.90.

3. Bản Chung Sơn xưa kia là bản trung tâm của mường Xia. Do có vị trí thiên thời địa lợi nên Tướng quân Tư mã Hai Đào đã chọn nơi này để đóng đại bản doanh và cư trú đến cuối đời.

4. UBND huyện Mường Lát, Hội Khoa học Lịch sử, Hội thảo khoa học Tướng quân Tư Mã Hai Đào và di tích về ông trên đất Mường Lát, Bản lưu tại Thư viện Trường Đại học Hồng Đức, 2018.

Tác giả: Lê Thị Hiền

Nguồn: Tạp chí VHNT số 449, tháng 1-2021

;