Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đờn ca tài tử ở tỉnh Đồng Tháp

Những năm cuối TK XIX đầu TK XX, nhạc tài tử Nam Bộ phát triển mạnh ở miền Đông và miền Tây, trong đó có địa bàn tỉnh Sa Đéc (nay là Đồng Tháp). Đi đến đâu cũng nghe vang lên giọng hát, tiếng đờn, nơi đâu cũng có những danh cầm, danh ca tài hoa với những ngón đờn điêu luyện và giọng ca mùi mẫn. Đã từ lâu, đờn ca tài tử trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của cư dân Nam Bộ nói chung và của người dân Đồng Tháp nói riêng, góp mặt hầu hết trong các lễ hội, đám tiệc, thậm chí ở cả một số đám hiếu... Có thể nói, hiếm có thể loại âm nhạc dân tộc nào ở Nam Bộ có sức hút mạnh mẽ đến các tầng lớp nhân dân tham gia sinh hoạt như nghệ thuật đờn ca tài tử.

Trong những năm gần đây, sự du nhập mạnh mẽ của âm nhạc phương Tây đã tác động không nhỏ đến thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của các bộ phận công chúng với nhiều biến đổi cả về chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực. Chính điều này đã làm cho phong trào đờn ca tài tử Nam Bộ bị lắng xuống một thời gian dài. Sau khi Đảng, Nhà nước ta có chủ trương phát huy vốn cổ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thì phong trào đờn ca tài tử ở Đồng Tháp đã có những chuyển biến tích cực. Sở VHTTDL tỉnh Đồng Tháp đặc biệt quan tâm đến hoạt động đờn ca tài tử thông qua các định hướng, chỉ đạo từ cấp tỉnh cho đến cơ sở, tổ chức nhiều loại hình hoạt động nhằm khôi phục và phát triển phong trào.

Công tác quản lý hoạt động đờn ca tài tử ở tỉnh Đồng Tháp những năm gần đây đã từng bước đi vào ổn định. Các cơ quan quản lý văn hóa từ cấp tỉnh, huyện, thị, cho tới các cơ sở đều có danh sách thành viên tham gia, kế hoạch hoạt động giao lưu, liên hoan, hội thi của các câu lạc bộ; kịp thời nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; các kế hoạch, đề án liên quan đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa nghệ thuật đờn ca tài tử. Sở VHTTDL tỉnh phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan triển khai tới các cơ sở và thực hiện kịp thời, có hiệu quả về kiểm kê số lượng câu lạc bộ, số lượng nghệ nhân, các nhạc cụ, lý lịch nghệ nhân trong toàn tỉnh, bước đầu đưa đờn ca tài tử thay thế vào tiêu chí văn nghệ quần chúng…

Đồng thời, Sở VHTTDL tỉnh đã định hướng tốt nội dung chương trình các bài bản trong hội thi, liên hoan đờn ca tài tử, tạo điều kiện tốt cho các sân chơi đờn ca tài tử được phát huy về chuyên môn và phong trào, ủng hộ việc cho thành lập câu lạc bộ tài tử ở địa phương (sau khi đã xem xét các tiêu chí); kịp thời giải quyết những đề xuất, đề nghị, kiến nghị của câu lạc bộ, cũng như hỗ trợ nguồn lực vật chất, nhân lực, cho hoạt động tương đối tốt...

Bên cạnh những ưu điểm đã nêu, công tác quản lý hoạt động đờn ca tài tử còn nhiều vấn đề cần lưu ý như: đội ngũ trực tiếp quản lý hoạt động này còn yếu và thiếu (nhất là địa bàn cơ sở); lực lượng quản lý còn mỏng, chưa thực sự sâu sát trong những buổi sinh hoạt thường lệ của các câu lạc bộ; công tác vận động xã hội hóa đối với hoạt động đờn ca tài tử chưa hiệu quả; công tác tuyên truyền, phổ biến loại hình đờn ca tài tử trên các phương tiện thông tin đại chúng tới người dân hoặc trong các liên hoan, hội thi đờn ca tài tử chưa tốt; một số đơn vị quản lý cấp cơ sở chưa làm tốt việc triển khai kế hoạch, chỉ đạo, thông báo rộng rãi xuống cơ sở về việc tổ chức sinh hoạt, giao lưu, đờn ca tài tử có chủ đề, chủ điểm theo định kỳ hằng tháng; chưa kịp thời tham mưu với UBND tỉnh về chế độ đãi ngộ đối với các nghệ nhân có nhiều đóng góp, cống hiến trong hoạt động đờn ca tài tử cho địa phương, nhất là những nghệ nhân đã lớn tuổi; chưa có sự phối hợp và những giải pháp hợp lý, khoa học để quản lý hoạt động đờn ca tài tử ở một số tụ điểm vui chơi giải trí. Bên cạnh đó, trong hoạt động đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện nay cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập như: bài nhạc có nhiều thay đổi so với bài bản gốc, nhiều pha tạp trong đờn và ca giữa hai thể loại tài tử với cải lương, khiến nhiều người nhầm tưởng và đồng nhất hai loại hình này là một; hòa đờn và đờn cho ca có nhiều thay đổi về hình thức và cơ cấu dàn đờn, công tác sáng tác lời mới cho các bài bản đờn ca tài tử còn khiêm tốn cả về số lượng lẫn chất lượng; thiếu kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động câu lạc bộ, giao lưu, liên hoan, hội thi, công tác sưu tầm, bảo tồn, truyền dạy… hay hoạt động đờn ca tài tử phục vụ khách du lịch trong các nhà hàng, khách sạn còn nhiều hạn chế về mặt hình thức, nội dung, dẫn đến thiếu đi sự hấp dẫn cho khán giả.

Nguyên nhân cơ bản là do đờn ca tài tử chỉ tồn tại ở dạng tự thân vận động, Nhà nước chưa có chính sách đãi ngộ, chưa có chương trình đào tạo bài bản, có hệ thống, nên sự mai một nghề nghiệp đối với loại hình này là điều không tránh khỏi. Mặt khác, các hoạt động đờn ca tài tử chưa có sự quản lý mang tính khoa học, chưa có những định hướng cụ thể, lâu dài cho từng hình thức hoạt động nên có những biểu hiện tùy tiện, không tuân theo những quy tắc truyền thống, phá vỡ những nét tinh túy của thể loại. Một số hoạt động còn nặng về phục vụ thị hiếu pha tạp của một bộ phận khán giả, làm mất đi giá trị riêng biệt của loại hình nghệ thuật này.

Thực tế cho thấy, đờn ca tài tử đang có những thuận lợi và cơ hội nhưng cũng đứng trước những khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải nắm bắt, tận dụng được cơ hội, phát huy những điểm mạnh, chủ động khắc phục khó khăn vượt qua thách thức. Để giải quyết những vấn đề trên phải có các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với đờn ca tài tử trong thời gian tới. Cụ thể:

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục, pháp luật, chính sách quản lý nhà nước đối với đờn ca tài tử

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm giáo dục nhận thức trong đại bộ phận nhân dân, giúp họ hiểu và nhận diện đúng đắn loại hình đờn ca tài tử. Việc giáo dục nghệ thuật nhằm giúp cho người dân, nhất là lớp trẻ hiểu được những vấn đề cơ bản như: lịch sử ra đời và phát triển, các bài bản tiêu biểu trong (20 bài tổ), các nhạc cụ sử dụng trong dàn đờn và vai trò của dàn đờn trong sinh hoạt, các hình thức sinh hoạt truyền thống của nghệ thuật đờn ca tài tử…

Giáo dục trong nhà trường cũng cần phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi: đối với học sinh tiểu học, việc học âm nhạc dân tộc đối với độ tuổi này là sự kết hợp giữa chơi và học, học và chơi. Các em chưa đủ điều kiện nhận thức và tâm lý để có thể học tốt được lý thuyết cơ bản về âm nhạc dân tộc. Cách học trực quan là tốt nhất đối với lứa tuổi này, thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa ở câu lạc bộ năng khiếu của trường. Nhà trường lên kế hoạch cụ thể trong việc liên hệ với các nghệ nhân, câu lạc bộ tại địa phương (nếu có) hoặc mời ở các địa phương khác đến giới thiệu và biểu diễn cho các em xem, cảm thụ. Thông qua đó, các em trực tiếp thấy được nhiều nhạc cụ dân tộc như: đờn sến, đờn tranh, đờn kìm, đờn guitar phím lõm… và biết thêm về nghệ thuật ca trong đờn ca tài tử. Đối với học sinh Trung học cơ sở, cần đưa đờn ca tài tử vào dạy thể nghiệm. Cụ thể, giới thiệu khái lược về nghệ thuật đờn ca tài tử, lịch sử ra đời và phát triển, dàn nhạc đờn ca tài tử, tính chất âm nhạc của một số bài bản tổ, những giá trị của nhạc tài tử trong đời sống cộng đồng dân cư, giới thiệu một số nghệ nhân tiêu biểu của khu vực và địa phương; mời nghệ nhân có chuyên môn đờn, ca tốt trình diễn và giảng dạy cho các em một số bài bản đơn giản để các em bước đầu hình dung và cảm nhận, đồng thời khơi gợi cho các em niềm đam mê âm nhạc dân tộc.

Tuyên truyền, giáo dục ngoài nhà trường: đờn ca tài tử được xem là “đặc sản” văn hóa vùng Nam Bộ nhưng không phải ai cũng biết rõ về nó, nhất là lớp trẻ hiện nay. Vì vậy, để đờn ca tài tử thâm nhập vào đời sống tinh thần, trở thành niềm tự hào cho bao thế hệ thì loại hình này phải được phát huy bằng nhiều hình thức, nhiều biện pháp thông qua các cơ quan đoàn thể, cơ quan chức năng giáo dục khác nhau. Đó là Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, Công đoàn của các công ty, xí nghiệp... Ngoài ra, còn có hệ thống các nhà văn hóa, câu lạc bộ là những thiết chế giáo dục ngoài nhà trường được Nhà nước công nhận và đầu tư.

Đồng thời, cần tổ chức tuyên truyền, giới thiệu loại hình đờn ca tài tử Nam Bộ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, để nghệ thuật đờn ca tài tử đến được với nhiều người và được nhiều người biết đến hơn, như: báo, đài phát thanh, truyền hình từ Trung ương đến địa phương, internet… hay giới thiệu bằng những hình ảnh, sự kiện cụ thể của hoạt động. Nên xây dựng một thư mục giới thiệu về những vấn đề liên quan đến nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và tỉnh Đồng Tháp trong trang web của Sở VHTTDL hoặc trên trang web của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Bên cạnh đó, các nhóm, đội, câu lạc bộ phải thường xuyên tuyên truyền, giới thiệu bằng những chương trình đờn ca tài tử Nam Bộ với nhiều nội dung và hình thức phong phú, hấp dẫn.

Tùy theo điều kiện cụ thể, Sở VHTTDL và các huyện thị, xã, phường, thị trấn trong tỉnh nên thường xuyên tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn giao lưu đờn ca tài tử Nam Bộ trong địa bàn và liên tỉnh, khu vực… để khơi dậy và kích thích phong trào. Khuyến khích, động viên lớp trẻ tham gia vào các cuộc giao lưu, liên hoan, hội thi để phát hiện những năng khiếu tại địa phương, đặc biệt phải có định hướng đào tạo để phát triển nghề nghiệp.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách quản lý nhà nước đối với đờn ca tài tử là một trong những giải pháp quan trọng nhất, cần được đẩy mạnh và xác định là sự ưu tiên, bởi vai trò của cộng đồng nhân dân có ý nghĩa quyết định đối với việc bảo tồn đờn ca tài tử. Điều này phụ thuộc vào nhận thức và hành vi, thái độ ứng xử của cộng đồng dân cư thông quan công tác tuyên truyền về chính sách đối với di sản đờn ca tài tử. Bên cạnh đó, trách nhiệm bảo tồn, phát huy những giá trị đờn ca tài tử là công việc cần thiết, tạo tiền đề cho sự phát triển ngành Du lịch tỉnh Đồng Tháp nói riêng và du lịch cả nước nói chung. Việc tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật về quản lý nhà nước đối với đờn ca tài tử cần được tổ chức thành nhiều chương trình tuyên truyền với hình thức, nội dung đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng.

Thứ hai, củng cố tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước và đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực

Việc củng cố tổ chức bộ máy nhằm kiện toàn, đổi mới tổ chức bộ máy của các phòng ban trực thuộc Sở VHTTDL tỉnh với việc thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo tinh gọn, chuyên môn hóa cao, không chồng chéo trong thực thi nhiệm vụ. Bên cạnh đó, phải củng cố, chấn chỉnh lại các tổ chức bằng việc rà soát, sắp xếp lại các nhóm, các câu lạc bộ, các gia đình có truyền thống. Thống nhất bằng các tên gọi là: nhóm, đội đờn ca tài tử Nam Bộ ấp, khóm, xã...; câu lạc bộ đờn ca tài tử ấp, khóm, xã... Ban lãnh đạo của nhóm, câu lạc bộ gọi là Ban Chủ nhiệm, mỗi Ban nên có 1 Chủ nhiệm và 2 Phó chủ nhiệm. Các nhóm, đội, câu lạc bộ, gia đình đờn ca tài tử Nam Bộ phải do những nghệ nhân có uy tín trực tiếp lãnh đạo, quản lý điều hành, dưới sự quản lý của ngành VHTTDL và chính quyền địa phương. Quá trình hoạt động các nhóm, đội, câu lạc bộ sẽ được Nhà văn hóa, Trung tâm văn hóa từng cấp giúp đỡ về nghiệp vụ chuyên môn, đào tạo lực lượng kế thừa và hỗ trợ kinh phí. Gia đình có truyền thống, có nhiều thành viên tham gia đờn ca tài tử Nam Bộ, thống nhất tên gọi là gia đình đờn ca tài tử Nam Bộ của ông hoặc bà A, người đứng đầu là ông hoặc bà A.

Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước là nhân tố quan trọng quyết định kết quả quản lý. Đây cũng là nhân tố trực tiếp tiếp thu và triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về việc quản lý, bảo tồn đờn ca tài tử. Nâng cao trình độ cán bộ làm công tác quản lý di sản đáp ứng được nhiệm vụ được giao là việc làm cần thiết và thường xuyên. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, các hướng dẫn viên, thuyết minh nhân viên phục vụ, tiến tới chuẩn hóa cán bộ đáp ứng được công tác quản lý và phục vụ nhân dân có nhu cầu tìm hiểu về di sản văn hóa đờn ca tài tử nói riêng và văn hóa Nam Bộ nói chung. Bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, nhân viên cần tăng cường hợp tác quốc tế giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao năng lực, trình độ, kỹ thuật, tiếp thu công nghệ quản lý di sản thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn trong và ngoài nước nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

Có thể nói, trong quản lý hoạt động đờn ca tài tử, nếu như việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử, Nhà nước với chức năng là chủ thể, thì các cá nhân góp phần cho công tác ấy chính là những thành viên cụ thể, là khách thể. Tuy chỉ ở vị trí khách thể nhưng các thành viên này lại đóng vai trò quyết định trong việc thành bại của chiến lược này. Sẽ không thể tiến hành chủ trương nếu không có những người thực hiện chủ trương ấy. Vì vậy, có thể khẳng định rằng: bên cạnh sự tác động của chủ thể (Nhà nước) với những chủ trương, chính sách thì sự hưởng ứng của khách thể (những người của nghệ thuật đờn ca tài tử) luôn là yếu tố tiên quyết cho sự thành bại của công tác này.

Về đào tạo lực lượng kế thừa, nếu như ở các trường phổ thông đào tạo theo dạng hướng nghiệp, phát hiện năng khiếu thì ở các thiết chế của ngành VHTTDL sẽ là nơi đào tạo chuyên sâu, bài bản. Ngoài đào tạo trong các cơ sở do Nhà nước quản lý thì Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ những gia đình tài tử truyền thống. Đây là một địa chỉ đào tạo sẽ mang lại hiệu quả nhanh và cao nhất. Muốn đào tạo tốt cần có đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao, có phương pháp sư phạm và lòng say mê nghề nghiệp, tác phong đạo đức tốt.

Thứ ba, về công tác nghiên cứu, sưu tầm, quản lý chuyên môn

Trong công tác sưu tầm, nghiên cứu cần xác định loại hình đờn ca tài tử Nam Bộ là sản phẩm văn hóa phi vật thể, trong thực tế tư liệu về loại hình này rất hiếm, vì vậy công tác sưu tầm và nghiên cứu rất cần thiết, nhằm hệ thống, biên soạn thành tài liệu chính thống, từ đó có sự thống nhất trong bảo tồn, lưu truyền và làm cho loại hình đờn ca tài tử ở Đồng Tháp - Nam Bộ tiếp tục phát triển. Để công tác nghiên cứu, sưu tầm đạt kết quả tốt, phải tiến hành các bước nghiệp vụ như điều tra xã hội học về hứng thú, nhu cầu quần chúng nhân dân đối với loại hình nghệ thuật này. Hệ thống hóa từng cụm chuyên đề, tổ chức các cuộc tọa đàm, phỏng vấn, hội thảo khoa học chuyên đề về đề tài đờn ca tài tử Nam Bộ ở một số tỉnh trong khu vực Tây Nam Bộ. Sau khi sưu tầm, biên tập, chỉnh lý, bổ sung, cải tiến có kết quả cần tiến hành in thành các bộ sách nhạc, đĩa nhạc tài tử Nam Bộ nhằm phổ biến rộng rãi trong cộng đồng dân cư Đồng Tháp và Nam Bộ.

Trong quản lý chuyên môn cần chú trọng tới công tác viết lời mới cho loại hình đờn ca tài tử. Người viết lời mới cho đờn ca tài tử ở cơ sở thường gắn liền với lao động sản xuất, họ không được đào tạo qua bất kỳ trường lớp sáng tác nào, họ viết một cách ngẫu hứng và tự phát. Cần bổ sung cho họ những kiến thức cần thiết, tạo cho họ có cách nhìn, tư duy chuyên môn hóa về một sự việc, sự kiện nào đó (trên quan điểm lập trường cách mạng), từ đó, họ có hướng tự điều chỉnh khi thể hiện tác phẩm của mình.

Thứ tư, chú trọng cơ chế đãi ngộ, tôn vinh đối với nghệ nhân và khôi phục các hình thức sinh hoạt truyền thống, cải tiến bài bản đờn ca tài tử Nam Bộ

Trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nói chung và đờn ca tài tử nói riêng, vai trò của các cá nhân, cộng đồng là những nhân tố mang tính quyết định đến sự trường tồn và lan tỏa của môn nghệ thuật này. Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát huy đờn ca tài tử còn phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và hành vi của các chủ thể sáng tạo, thực hành và sở hữu di sản, trong đó có cơ chế đãi ngộ, tôn vinh đối với nghệ nhân. Xác định rõ vai trò quan trọng của các nghệ nhân trong việc bảo tồn, lưu truyền đờn ca tài tử để từ đó tôn vinh, khích lệ các nghệ nhân tiếp tục cống hiến, góp phần đảm bảo sự trường tồn của di sản.

Nhà nước và ngành VHTTDL cần quan tâm các chế độ, chính sách đãi ngộ về tinh thần và vật chất, đối với các nghệ nhân, hạt nhân phong trào, nhất là ở cơ sở. Việc đầu tư bằng vật chất chỉ mang tính chất hỗ trợ, xúc tác trong việc đào tạo truyền nghề và một phần nhạc cụ trang thiết bị âm thanh chuyên dùng, hoạt động nghiệp vụ. Thiết nghĩ trong vấn đề này, Sở VHTTDL tỉnh nên tham khảo quy định chế độ đãi ngộ với nghệ nhân quan họ Bắc Ninh, dân ca ví - giặm Nghệ Tĩnh như có phụ cấp hằng tháng cho các nghệ nhân đã được phong tặng, ngoài ra có chế độ riêng cho các nghệ nhân đang thực hiện truyền dạy và thực hành đờn ca tài tử tại địa phương; đồng thời hỗ trợ cho những người có năng khiếu tham gia học đờn ca tài tử. Tiếp tục đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân đờn ca tài tử đối với những người có đủ tiêu chuẩn theo quy định... để từ đó có cơ sở tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh Đồng Tháp xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân. Qua đó, phát huy vai trò của các nghệ nhân truyền dạy (kể cả ở các thiết chế văn hóa và các lớp truyền dạy tư nhân) tham gia vào việc quản lý, tổ chức hoạt động và vận hành các ban, nhóm, câu lạc bộ đờn ca tài tử là cách quản lý nghệ thuật tích cực và có hiệu quả.

Khôi phục các hình thức sinh hoạt truyền thống như các loại hình chuyên biệt của đờn ca tài tử, như đờn độc chiếc (độc tấu), hòa đờn nhiều cây (hòa tấu), bởi dàn đờn nắm giữ vai trò là linh hồn trong các cuộc đờn ca tài tử ngày xưa. Hiện, 2 loại hình này ít được chú ý, dễ bị lãng quên theo thời gian. Các nhà quản lý văn hóa phải có kế hoạch liên hệ, tập hợp các nghệ nhân có tay nghề, kinh nghiệm để luyện tập và diễn xướng trong nhiều không gian sân khấu khác nhau. Đồng thời, khôi phục lại những hình thức sinh hoạt của các bậc tiền nhân trong từng không gian, thời gian như bàn tròn, bộ ván trong nhà, trước sân, chiếu tài tử trong vườn, xuồng ghe trên sông nước...

Về cải tiến bài bản, trước khi cải tiến cần phải biên soạn tất cả các bài bản gốc để lưu giữ lại làm tài liệu nghiên cứu sau này. Cải tiến dựa trên nguyên tắc phải ngắn, gọn hơn so với bản gốc, nhưng không phá vỡ điệu thức, không lai căng, không pha tạp, không mất gốc. Không cải tiến một cách tràn lan, chỉ cải tiến bài bản không còn mang tính phù hợp. Với quan điểm đó, có thể cải tiến thể hiện mỗi điệu thức một bài, kèm theo phần viết lời ca. Sau khi phổ biến có kết quả sẽ thực hiện các bước tiếp theo.

Thứ năm, xã hội hóa đờn ca tài tử Nam Bộ

Ưu thế loại hình đờn ca tài tử Nam Bộ từ xưa cho tới nay là thể hiện sự thích ứng xã hội hóa rất cao so với các loại hình nghệ thuật khác, điều này được thể hiện ở đối tượng tham gia vào hoạt động này rất đa dạng về nghề nghiệp, như: bác sĩ, doanh nhân, giáo viên, nông dân… Chính sự phong phú của nhiều tổ chức xã hội tham gia, là điều kiện thuận lợi trong việc vận động các cá nhân, tổ chức tham gia xã hội hóa đờn ca tài tử. Nếu các cơ quan chức năng làm tốt công tác xã hội hóa sẽ tạo ra nguồn quỹ để duy trì các hoạt động giao lưu, liên hoan, truyền dạy, hỗ trợ các nghệ nhân, góp phần bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống này. Dựa vào Nghị quyết số 90/NĐ-CP của Chính phủ về “xã hội hóa, hoạt động hóa” và Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, Bộ VHTTDL, tỉnh Đồng Tháp cần nghiên cứu những yếu tố tích cực trong xã hội hóa đờn ca tài tử, để tiếp tục chỉ đạo thực hiện. Mặt khác, Sở VHTTDL tỉnh cần xác định rõ các nhóm, đội, câu lạc bộ, gia đình đờn ca tài tử Nam Bộ là “chân rết”, là bộ phận nghề nghiệp thiết chế của ngành, đồng thời đề ra định hướng chiến lược bảo tồn kế thừa, phát huy và phát triển loại hình đờn ca tài tử ở Đồng Tháp, Nam Bộ và vận dụng các chính sách phù hợp đối với loại hình nghệ thuật này.

Làm tốt công tác xã hội hóa đối với nghệ thuật đờn ca tài tử, cụ thể, Sở VHTTDL tỉnh cần có đề xuất với HĐND, UBND tỉnh xem xét huy động sự đóng góp của nhân dân từng cấp, từng địa phương, tạo nên nguồn quỹ (có thể gọi là quỹ bảo tồn văn hoá dân tộc) tương tự như các nguồn quỹ an ninh quốc phòng, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ xây dựng nông thôn mới… nhằm bồi dưỡng, động viên, khích lệ đối với những người làm công việc thầm lặng này.

Đờn ca tài tử đã trải qua những bước thăng trầm cùng lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Dù trong điều kiện hoàn cảnh nào, nó vẫn luôn phát huy, khẳng định được vai trò của mình trong đời sống tinh thần của người dân Nam Bộ. Trong xu thế hội nhập quốc tế như hiện nay đã có nhiều loại hình nghệ thuật đương đại của các nước phương Tây du nhập vào nước ta, một mặt, làm cho đời sống hưởng thụ nghệ thuật của nhân dân ta thêm phong phú; mặt khác, có những mặt ảnh hưởng, làm cho các giá trị thẩm mỹ của nghệ thuật truyền thống có lúc có nơi không được coi trọng. Vì thế, những hoạt động nghệ thuật truyền thống chỉ còn một bộ phận quần chúng khiêm tốn tham gia và thưởng thức. Hoạt động đờn ca tài tử cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Vì vậy, trong thời gian tới, để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa đờn ca tài tử trên cơ sở tham mưu của Sở VHTTDL, tỉnh Đồng Tháp cần sớm đưa ra những chủ trương, chính sách, định hướng phù hợp trong hoạt động đờn ca tài tử, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc của thể loại nghệ thuật vô cùng độc đáo, đặc sắc và là nghệ thuật đặc trưng của vùng đất Nam Bộ.

_________________

Tài liệu tham khảo

1. Bộ VHTTDL, Đề án Bảo tồn và phát huy nghệ thuật biểu diễn truyền thống đến năm 2020, 2011.

2. Mai Mỹ Duyên, Đờn ca tài tử trong đời sống văn hóa cư dân Nam Bộ, Luận án tiến sĩ Văn hóa học, Viện Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2007.

3. Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Góp phần nghiên cứu đờn ca tài tử Nam Bộ, Nxb Viện Âm Nhạc, Hà Nội, 2011.

4. Sở VHTTDL tỉnh Đồng Tháp, Công văn số 829/SVHTTDL-QLDL về đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch phát triển du lịch năm 2020 tại các địa phương và khu di tích, điểm du lịch, 17-4-2020.

5. Sở VHTTDL tỉnh Đồng Tháp, Kế hoạch số 2686/KH-SVHTTDL về Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, 15-11-2021.

6. Sở VHTTDL tỉnh Đồng Tháp, Hội nghị tổng kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, 2023.

7. UBND tỉnh Đồng Tháp, Quy chế quản lý di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh kèm theo Quyết định 04/2022/QĐUBND, 27-4-2022.

8. UBND tỉnh Đồng Tháp, Kế hoạch số 459/KHSVHTTDL về thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, 5-1-2024.

NGUYỄN PHƯƠNG THANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 566, tháng 4-2024

;