Dấu ấn của đồng chí Lê Duẩn trong quan hệ với các nước XHCN đầu những năm 60 thế kỷ XX

Là người trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam và tham gia hoạt động trong phong trào cộng sản quốc tế, đồng chí Lê Duẩn đã để lại những dấu ấn đậm nét trong quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN), góp phần quan trọng trong việc bảo vệ sự đoàn kết, thống nhất của phe XHCN.

Dấu ấn đầu tiên về đồng chí Lê Duẩn chính là thái độ kiên quyết đấu tranh đến cùng, nhằm bảo vệ những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác - Lênin và những nguyên tắc trong quan hệ giữa các nước XHCN. Trên cương vị Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam, đồng thời với vị thế quan trọng của cách mạng Việt Nam trong phong trào cộng sản quốc tế, đồng chí Lê Duẩn luôn đau đáu và lựa chọn đứng ở tuyến đầu trong cuộc đấu tranh bảo vệ sự đoàn kết thống nhất của các nước XHCN.

Ý thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn đoàn kết các nước XHCN làm trung tâm để đoàn kết phong trào cộng sản quốc tế, đồng chí Lê Duẩn cho rằng: có đoàn kết thì mới có thể làm tốt nhiệm vụ cách mạng của mình, bởi xưa nay bản thân sự nghiệp cách mạng vô sản luôn là một sự nghiệp quốc tế. Thắng lợi của cách mạng vô sản ở mỗi nước không thể tách rời khỏi sự ủng hộ và giúp đỡ quốc tế. Do đó, đồng chí khẳng định: “Việc mỗi nước XHCN chúng ta quan tâm tiếp tục làm cách mạng và chống lại phản cách mạng đó là cơ sở và nội dung để đoàn kết, là lý do của sự cần thiết phải đoàn kết phe xã hội chủ nghĩa” (1).

Chính vì thế, đồng chí cùng Trung ương Đảng đã làm hết sức mình nhằm hạn chế những khác biệt tư tưởng - một trong những nguyên nhân gây ra sự chia rẽ trong những năm 1960. Việc Liên Xô kiên trì chủ trương “chung sống hòa bình” là thể hiện trách nhiệm của một cường quốc XHCN, với trọng trách là một trụ cột bảo vệ hòa bình thế giới. Tuy nhiên, thái độ chủ quan và thiếu thực tế của Khơrútxốp và lãnh đạo một số nước Đông Âu đã không những không giúp duy trì nền hòa bình thế giới, mà còn làm cho chủ nghĩa đế quốc ngày càng tỏ ra hung hăng, đe dọa nền độc lập của các dân tộc khác, trong đó có Việt Nam.

Khi Liên Xô tiếp tục đưa chủ trương “chung sống hòa bình” và chống “tệ sùng bái cá nhân” thành chủ đề của Hội nghị quốc tế các đảng cộng sản và công nhân quốc tế (12-1960), không những gây ra sự bất đồng, mà còn tăng nguy cơ làm cho các nước XHCN xa rời mục tiêu chống đế quốc. Do đó, đấu tranh thống nhất lập trường về mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, về cách mạng thế giới, về chiến tranh và hòa bình, về bản chất chủ nghĩa đế quốc,… nhằm đạt cho được một văn kiện mang tiếng nói chung của tất cả những người cộng sản trên thế giới, trong đó có hai nước lớn là Liên Xô và Trung Quốc có lợi cho phong trào giải phóng dân tộc; đồng thời, kiên quyết chặn đứng nguồn gốc phân liệt, gây ra thiệt hại khó lường cho cách mạng thế giới.

Nhờ nỗ lực của đại biểu Việt Nam và một số đảng khác, những bất đồng đã được giải tỏa. Hội nghị đã ra được bản tuyên bố chung, dù lời lẽ tuyên bố có tính chất thỏa hiệp trên một số vấn đề. Theo đó, Đảng Cộng sản Liên Xô hủy bỏ việc lên án cái gọi là “hoạt động bè phái”, chấp nhận những quan điểm đúng về bản chất đế quốc, về quan hệ bình đẳng giữa các đảng anh em. Hai đoàn Trung Quốc và Liên Xô thỏa hiệp với nhau về vấn đề “Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô và quá độ hòa bình”, đồng ý ghi theo “Tuyên ngôn Mátxcơva” năm 1957 (2).

Sự điều chỉnh thái độ của Đảng Cộng sản Liên Xô cũng đã góp phần giải tỏa những bất đồng giữa các nước XHCN. Trong thời gian này, Chính phủ Liên Xô cũng có những hành động thực tế bước đầu để tiến tới khôi phục và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, thể hiện qua những tuyên bố cứng rắn ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Mỹ gây căng thẳng ở eo biển Đài Loan. Đại diện Liên Xô cũng lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ vấn đề khôi phục địa vị hợp pháp của nước CHND Trung Hoa tại nhiều hội nghị của Liên hiệp quốc. Sau các sự kiện này, quan hệ Liên Xô - Trung Quốc đã có chiều hướng lắng dịu.

Trong nhiều cuộc hội đàm giữa hai Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Lao động Việt Nam, đồng chí Lê Duẩn đã thẳng thắn phê bình nhận thức sai lạc và ảo tưởng về chủ nghĩa đế quốc của ban lãnh đạo Liên Xô. Theo đồng chí: việc Liên Xô cho rằng chính sách chiến tranh không phải là bản chất của chủ nghĩa đế quốc, mà chỉ là chính sách của một số cá nhân nào đó; thậm chí, còn cho rằng chủ nghĩa đế quốc sẵn sàng bằng lòng “chung sống hòa bình” và “thi đua kinh tế” là “gây hoang mang, ảo tưởng trong những người cộng sản và nhân dân thế giới” (3). Đồng chí chỉ rõ: chủ nghĩa đế quốc vẫn tập trung cao độ chia rẽ các nước XHCN, bằng cách chung sống hòa bình với một số nước XHCN này và ráo riết chuẩn bị chiến tranh công khai chống một nước XHCN khác. Do đó, “về mặt tư tưởng, chúng tôi chủ trương phải nói rõ phải trái”.

Đầu năm 1964, khi hội đàm với Anđrôpốp (Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô), đồng chí Lê Duẩn đã phê phán gay gắt Liên Xô “xem trọng thương lượng và hợp tác giữa Liên Xô và Mỹ hơn là việc củng cố và tăng cường lực lượng phe ta”, làm cho dư luận kém tin tưởng khi Liên Xô “nói nhiều về thiện chí của Mỹ, trong khi họ thấy rõ đế quốc Mỹ là kẻ thù số một của họ” (4). Bởi việc Liên Xô tuyên truyền rộng rãi cho “sự hợp tác giữa Liên Xô và Mỹ”, về “thiện chí của Mỹ” là không phù hợp với yêu cầu động viên nhân dân và quân đội các nước XHCN để bảo vệ tổ quốc, tạo sự ảo tưởng, mất cảnh giác.

Trước lập trường kiên quyết trên, Liên Xô đã chấp nhận những quan điểm đúng về bản chất đế quốc, về quan hệ bình đẳng giữa các đảng anh em, thống nhất đề cao vai trò phong trào giải phóng dân tộc, trong đó coi cách mạng Việt Nam là một tiền đồn XHCN (5). Đồng thời, Liên Xô khẳng định kiên quyết chống chiến tranh và sẵn sàng ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Liên Xô cũng nhấn mạnh bản chất không thay đổi của CNĐQ và tán thành luận điểm cho rằng muốn tiến lên CNXH thì các nước phải chuẩn bị cho cả hai khả năng: hòa bình và không hòa bình, đồng nghĩa với ủng hộ đấu tranh vũ     trang (6). Sự điều chỉnh lập trường của Đảng Cộng sản Liên Xô trong các hội nghị quốc tế, cũng đã góp phần giải tỏa những bất đồng về lý luận giữa các nước XHCN.

Không những kiên cường đấu tranh về mặt trận tư tưởng, lý luận, đồng chí Lê Duẩn còn để lại dấu ấn lớn trong thực tiễn đấu tranh chống lại sự chia rẽ, bảo vệ vai trò trụ cột của Liên Xô và Trung Quốc. Theo đồng chí: giữa các nước XHCN có sự khác nhau về dân tộc và truyền thống lịch sử, do đó quá trình cách mạng cũng khác nhau. Nhưng không vì thế mà không liên minh; không vì thế mà gây trở ngại cho sự đoàn kết, nhất trí vì lợi ích chung của giai cấp vô sản. Sự đoàn kết, nhất trí của phe XHCN là một nhân tố quan trọng để chống lại chủ nghĩa đế quốc và giúp đỡ phong trào cách mạng các nước, bảo vệ hòa bình thế giới.

Muốn vậy, phong trào cộng sản quốc tế và phe XHCN phải có trung tâm lãnh đạo, do một nước đứng đầu. Theo đồng chí: một nước giữ vai trò lãnh đạo phong trào là do điều kiện khách quan đem lại, không phải nước nào, đảng nào muốn là được. Trung tâm cách mạng thế giới nằm ở nước nào, đồng thời ở đó đi đầu trong vận dụng quy luật của chủ nghĩa Mác và được phong trào cộng sản và công nhân quốc tế giao trách nhiệm, thì nước đó nắm vai trò lãnh đạo.

Đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ: trước đây, trên thế giới chỉ có Liên Xô là nước XHCN, do đó Liên Xô là đại biểu và hy vọng duy nhất của toàn bộ phong trào cộng sản quốc tế. Thái độ đối với Liên Xô và Đảng Cộng sản Liên Xô là hòn đá thử vàng đối với bất kỳ người cộng sản nào trên thế giới. Tình hình ngày nay không phải hoàn toàn như vậy nữa. Ngày nay, chủ nghĩa xã hội đã thành hệ thống thế giới, cho nên đại biểu và hy vọng của phong trào cộng sản quốc tế ngày nay phải là toàn phe XHCN lấy Liên Xô làm trung tâm.

Đồng chí cũng phê phán gay gắt quan điểm cho rằng Liên Xô “độc quyền tư tưởng” của Liên đoàn những người cộng sản Nam Tư. Bởi theo đồng chí, các đảng, các nước XHCN đều thừa nhận những quy luật chung của chủ nghĩa Mác và vận dụng vào sự nghiệp cách mạng đem lại hòa bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Bên cạnh đó, khi Liên Xô và một số nước Đông Âu tập trung lên án Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc chống lại chủ trương “chung sống hòa bình” và phản đối đơn phương giải trừ quân bị là theo đuổi chính sách hiếu chiến, đồng chí Lê Duẩn đã đứng ra bảo vệ. Theo đồng chí, các nước XHCN “phải lấy Liên Xô và Trung Quốc làm trụ cột mới đủ sức mạnh để phá tan mọi kế hoạch gây chiến của bọn đế quốc”. Bởi nếu “vũ khí hạt nhân của Liên Xô chưa đủ bảo đảm ngăn chặn chiến tranh, nếu Liên Xô và Trung Quốc không đoàn kết, phe ta không đoàn kết là khuyến khích thêm bọn đế quốc gây chiến tranh” (7). Thái độ kiên quyết của đại biểu Việt Nam và những cố gắng đấu tranh nhằm bảo vệ tình đoàn kết trong phe XHCN đã buộc các Đảng Cộng sản Đông Âu và Liên Xô phải thay đổi lập trường trong các vấn đề quốc tế.

Đã có nhiều những nhận định khác nhau về hoạt động và vai trò của đồng chí Lê Duẩn trong quan hệ các nước XHCN, nhưng không thể phủ nhận được những đóng góp của đồng chí trong thực tiễn đấu tranh nhằm hạn chế những khác biệt tư tưởng - nguyên nhân của sự chia rẽ, giữ vững vai trò trụ cột bảo vệ hòa bình thế giới của các nước XHCN, đồng thời duy trì quan hệ chặt chẽ giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới - nhân tố quan trọng đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

________________

1. Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Hội đàm hai đảng: Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Cộng sản Liên Xô trao đổi về các vấn đề quốc tế quan trọng, Phông lưu trữ 57, Đơn vị bảo quản số 981, 1964, tr.24.

2, 5. Lý Kiện, Trung-Xô-Mỹ cuộc đối đầu lịch sử, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2008, tr.462.

3. Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Các cuộc tiếp xúc giữa các đồng chí lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc (1951-1962), Phông lưu trữ 11, Mục lục 02, Đơn vị bảo quản 0552, 1963.

4. Lê Duẩn, Bài nói chuyện với các đại sứ Việt Nam ở nước ngoài về, Phông lưu trữ 57, Đơn vị bảo quản số 1062, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, 1968, tr.31.

6. Ban Đối ngoại Trung ương, Sơ kết vấn đề đoàn kết quốc tế gần đây, Phông lưu trữ 82, Đon vị bảo quản sô 129, Cục Lưu trữ, Văn phòng Trung ương Đảng, 1963, tr.54.

7. Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Hội đàm hai đảng: Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Cộng sản Liên Xô trao đổi về các vấn đề quốc tế quan trọng, Phông lưu trữ 57, Đơn vị bảo quản số 981, 1964, tr.24.

Tác giả : Hoàng Đức Thịnh

Nguồn : Tạp chí VHNT số 410, tháng 8-2018

;