ẢNH HƯỞNG CỦA CHỦ NGHĨA ÁNH SÁNG TRONG ÂM NHẠC W.A.MOZART

Trường phái âm nhạc cổ điển Vienne có ảnh hưởng lớn tới nội dung giảng dạy âm nhạc, thanh nhạc trên thế giới, trong đó không thể không kể đến sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ thiên tài W.A.Mozart. Âm nhạc của ông vừa thể hiện xúc cảm thẩm mỹ tuyệt vời, vừa phản ánh những triết lý của cuộc sống đương thời. Cùng với Hội tam điểm, chủ nghĩa Ánh sáng cũng là một trong những nhân tố quan trọng tác động đến sự nghiệp sáng tác của Mozart.


 

Với 35 mùa xuân ngắn ngủi, W.A.Mozart đã để lại cho nhân loại một di sản âm nhạc đồ sộ, với trên 600 tác phẩm, bao gồm cả opera, giao hưởng, concerto, sonate và 36 ca khúc. Các tác phẩm bất hủ của Mozart phản ánh những mối quan hệ của ông với xã hội đương thời. Trong đó chủ nghĩa Ánh sáng Hội tam điểm có sức ảnh hưởng lớn, luôn là sự khám phá mới mẻ, hấp dẫn cho những người làm công tác giảng dạy và nghiên cứu âm nhạc. Các nhạc sĩ thường quan tâm đến vấn đề dùng hình tượng âm nhạc để phản ánh, thể hiện những triết lý của cuộc sống xã hội đương đại, những tư duy mang tính nhân văn con người. Cho đến nay, những tư tưởng đã hấp dẫn Mozart ở TK XVIII vẫn đang là một trong những mục tiêu phấn đấu của chúng ta, những người muốn hiến thân cho sự nghiệp phát triển đích thực của nền âm nhạc nước nhà.

Vào cuối TK XVII, đầu TK XVIII, với khẩu hiệu hành động Hãy can đảm sử dụng sự hiểu biết của mình, thời đại Ánh sáng đã sản sinh ra hàng loạt các tên tuổi nổi tiếng trong mọi lĩnh vực. Đối với tầng lớp ưu tú của châu Âu thời đó, âm nhạc được đánh giá là loại hình giải trí cao nhất. Trong suốt TK XVIII, trung tâm truyền thống âm nhạc của châu Âu thay đổi từ Ý và Pháp đến Áo, các thiên tài đã biến đổi lối mòn sáng tác nhạc của TK XVIII thành những kiệt tác độc đáo và tồn tại lâu dài. Thực vậy, những bản giao hưởng của F.J.Haydn và W.A.Mozart là các bài tập theo lối cổ điển, nhẹ nhàng và du dương theo yêu cầu của thính giả. Tuy nhiên, vào cuối đời, hai nhà soạn nhạc này đã thay đổi thể thức nhạc giao hưởng từ ba đến bốn chương và đã đạt đến trình độ bậc thày về hòa âm, mang lại những xúc cảm sâu lắng. Haydn và Mozart đã biến đổi hoàn toàn nhạc giao hưởng khỏi những chi tiết vụn vặt của những năm đầu hình thành thể loại nhạc này.

Chủ nghĩa Ánh sáng, lúc đầu chỉ xuất hiện tại Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, nhưng tầm ảnh hưởng của nó lại lan xa hơn. Nước Áo, nơi nhạc sĩ thiên tài Mozart sống và làm việc không phải là một ngoại lệ, đặc biệt đối với những nhà hoạt động kiệt xuất trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật.

Cha Mozart là một nhạc sĩ violin xuất sắc, gia đình ông đã đi qua và sinh sống ở nhiều nước châu Âu như Ý, Đức, Pháp, Anh, Tiệp Khắc... nhờ đó mà những ảnh hưởng xã hội đương thời cũng được dung nạp vào Mozart như một lẽ tự nhiên. Mozart có một trí nhớ âm nhạc phi thường, ông có tài hợp nhất những tinh hoa của nhiều trường phái âm nhạc khác nhau, chuyển hóa tinh hoa văn hóa của quốc gia này với quốc gia khác vào trong tác phẩm của mình. Khi tới London, Mozart đã có cuộc gặp với Johann Christian Bach, con trai của nhạc sĩ vĩ đại Johann Sebastian Bach. Johann Christian Bach đã bị Mozart gây ấn tượng mạnh, sau này đã trở thành người luôn theo sát sự nghiệp âm nhạc của người nhạc sĩ trẻ này. Ngay khi về nước, Mozart đã nghiên cứu tổng phổ âm nhạc của J.C.Bach và ảnh hưởng của Bach đã được thể hiện ngay trong tác phẩm của Mozart thời đó.

Mozart sống trong thời kỳ hưng thịnh của chủ nghĩa Ánh sáng, việc tiếp nhận và ảnh hưởng của nó trong các sáng tác của ông là điều tất yếu. Điều đó được thể hiện rõ nét trong các vở opera sau cùng của Mozart, ở đó ý tưởng giáo dục thịnh hành vào TK XVIII. Trước tiên là hình tượng Saraxtro - hình mẫu người cầm quyền có tư tưởng triết học. Chính vì sự trung thực, tính anh minh của ông, sự hiểu biết về mọi bí ẩn cuộc sống, đã được nhân dân ca tụng đồng thời thể hiện mối liên hệ với vương quốc có học vấn rất rõ ràng. Trong sáng tác của mình, Mozart còn sử dụng các nguồn kịch bản có chủ đề và quan hệ trực tiếp với phong cách, lý tưởng trong giáo dục mô tả hình ảnh của một vương quốc có học vấn. Sự ghi nhận của tiểu thuyết Sethor đã lần lượt đưa các nhà chính trị, triết học thảo luận, tất cả đều mơ ước về một chế độ nhà nước hoàn chỉnh, về sự cần thiết của các cơ quan văn hóa trong Nhà nước này.

Các tư tưởng của chủ nghĩa Ánh sáng đã có ảnh hưởng sâu sắc đến Mozart thông qua các tác phẩm văn học nổi tiếng lúc bấy giờ. Thời đó, tiểu thuyết Sethor đã được phổ biến một cách rộng rãi. Như nhà nghiên cứu Ph. Lodevit đã ghi nhận: “Cuốn tiểu thuyết này (gồm 9 tập đã được dịch ra các thứ tiếng Pháp, Anh, Ý, Đức) đã ngay lập tức được phát hành rộng rãi trên toàn châu Âu. Hàng trăm năm sau đó nó đã trở thành một cuốn sách gối đầu giường của các tầng lớp quý tộc già và của cả các nhóm cách mạng”. Cần phải xác nhận rằng, Mozart cũng đã đề cập tới hình ảnh của nhà cầm quyền lý tưởng Sethor vào năm 1773, khi ông viết nhạc cho vở kịch của Gebler Tamos - Ông vua của Ai Cập. Trên cơ sở đó, A.Kirkhengay cho rằng: “Vở kịch này đã lôi cuốn được đông đảo khán, thính giả của nhà hát và nó thành công cho tới tận lúc Mozart viết Cây sáo thần. Và cụ thể hơn, dưới ánh sáng của lịch sử đã xác định, mảng đề tài về quốc vương ánh sáng cũng đã được đưa vào một vở opera khác, được sáng tác vào năm cuối cùng trước khi Mozart qua đời, đó là vở opera Lòng từ bi của Tito. Vở opera này là minh chứng cho sự quan tâm, mối liên hệ của Mozart với chủ nghĩa Ánh sáng đang thịnh hành ở châu Âu lúc bấy giờ.

Có thể nói, chủ nghĩa Ánh sáng có ảnh hưởng đến phần lớn các tác phẩm trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của Mozart, nhưng ảnh hưởng sâu sắc nhất và đỉnh cao của nó là hai vở opera kinh điển Cây sáo thầnLòng từ bi của Tito.

Vở opera Lòng từ bi của Tito được sáng tác theo đơn đặt hàng dành cho Lễ đăng quang của vị vua Leopon II ở Praha (Tiệp Khắc). Cũng vì vậy mà trong kịch bản văn học, vở kịch được mang tên vở Opera Hoàng đế. Thời gian này, Mozart đang ốm nặng, sống trong túng quẫn, hơn nữa ông lại đang rất bận với tác phẩm Cây sáo thầnKhúc cầu hồn. Ông đã cố gắng vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành vở opera này vào ngày 5-9.

Số phận của vở nhạc kịch Lòng từ bi của Tito hoàn toàn không êm ả. Thật khó để tìm thấy một tác phẩm âm nhạc nào khác của Mozart lại chịu sự đánh giá mâu thuẫn nhau đến vậy. Ngay sau buổi trình diễn đầu tiên, nhiều ý kiến đối nghịch của những người đương thời đã được đưa ra.

Ngày nay, từ cách nhìn của thời đại mới, chúng ta nhận ra được nhiều điều trong nghệ thuật âm nhạc của Mozart, nhìn thấy một vở opera đích thực, tìm thấy sự súc tích của ngôn ngữ âm nhạc, trí sáng tạo và bức phù điêu hoàn hảo bằng âm thanh mà nhà soạn nhạc thiên tài Mozart đã sáng tạo ra. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cũng đã đưa ra những ý kiến xung quanh đó. Rằng tại sao Mozart lại quan tâm đến kịch bản của Metastasio, một kịch bản được ra đời từ 60 năm trước, một kịch bản mà những nhà phê bình đương thời cho là nó đã rơi vào dĩ vãng của chủ nghĩa công thức và thiếu vắng tính kịch đích thực? Mozart quan tâm đến đề tài này nhằm ca ngợi quốc vương đức hạnh, từ bi, hay chỉ bởi vở opera này là sự đặt hàng dành cho ông, hoặc là ở trong đó ông đã tự do thể hiện quan điểm của mình?...

Cần ghi nhận rằng, đề tài tương tự hoàn toàn có trong nội dung, có thể trở thành cơm bữa của nghệ thuật opera TK XVIII và Mozart cũng đã suy nghĩ, hành động theo khuôn khổ của truyền thống đang tồn tại, thực trạng xã hội đã tạo nên cho cuộc sống của ông. Ý tưởng chống lại quốc vương không hề xuất hiện trong tư duy của người nhạc sĩ.

Sự cao thượng của Tito, theo phong cách Mozart không phải là kết quả của sự tiến hóa bất ngờ; sự hồi âm, hồi tỉnh trong tình huống cực đoan, mà bởi chất vốn có của nhân vật, ông đưa ra một lý tưởng, một hình mẫu. Có thể nói, Tito và sự kiện được viết trong vở opera hoàn toàn không phải là nhân vật và sự kiện lịch sử nguyên mẫu, mà là sự cộng hưởng của các yếu tố hư cấu.

Metastasio đã viết Lòng từ bi của Tito vào năm 1734, đó là giai đoạn cực điểm của sự chín muồi trong sự nghiệp sáng tác của ông. Đã có 83 vở opera của nhiều tác giả viết trên nội dung cho câu chuyện này. Vở opera của Mozart được viết vào năm 1791, hai năm sau khi cuộc cách mạng dân chủ tư sản Pháp nổ ra. Sự quan tâm đến câu chuyện này sau hơn nửa thế kỷ, liệu có liên hệ gì đến ý thức mang tính chính trị của Mozart? Cho đến nay, hầu như đã không có một ý kiến nào của nhạc sĩ được giữ lại về các cuộc cách mạng Pháp, nhưng rõ ràng là ông đã không thích Voltaire, bất chấp việc tình yêu của ông có hay không đối với tự do, độc lập, sự phê phán của ông đối với chính quyền đương thời. Khó có thể nhận biết được Mozart có tán thành hay không tư tưởng của cuộc chính biến cách mạng. Và cũng thiếu vắng bằng chứng xác thực mà nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra những kiến giải hoàn toàn trái ngược nhau.

A.R.Phuroma đã nhìn thấy trong tác phẩm này sự thụ cảm và đánh giá về đời sống chính trị tại châu Âu, ở những năm cuối đời của nhạc sĩ. Sự linh cảm thấy cái chết, sẵn sàng đón nhận nó, đóng triện vào thuyết định mệnh, đã trở nên hết sức rõ ràng trong nội dung của vở opera. Ngược lại, V.Men khi nói về ảnh hưởng của cuộc cách mạng đối với công chúng, ông đã có cách tiếp nhận cốt truyện ở một khía cạnh khác: “Vitali đã hoan nghêng người chủ mưu chống lại Tito và định mưu sát ông. Quý bà Depharg trong vở opera đã yêu cầu để Tito không phải là kẻ từ bi, mà phải ném vào chuồng cọp. Tuy nhiên mối quan hệ như vậy cũng đã không thể cản trở thành công của vở nhạc kịch. Người dân Praha, sau khi vương quốc sụp đổ, đã thán phục vở opera, dù đó là người Áo, Đức, Ý hay Anh”.

Năm 1791, khi đã có kịch bản của Metastasio trong tay, xem xét các tuyến nhân vật, các mối quan hệ với sự phát triển của nghệ thuật opera lúc bấy giờ, Mozart đã nhận thấy sự lỗi thời của kịch bản. Do đó, ông đã cùng với nhà thơ Catarino Madgiola bổ sung, sửa đổi về cấu trúc, lối nói, ca từ... Những thay đổi đó rất quan trọng đối với Mozart trong sáng tác vở opera này. Có thể giả thiết rằng, việc sửa đổi chỉ liên quan đến cấu trúc của vở opera, mà không đụng chạm đến khía cạnh của nội dung kịch bản. Tuy nhiên điều đó là không thể, với một số lượng rút gọn và thay đổi lớn đến như vậy, thậm chí phải viết cả lời mới thay cho lời cũ, việc đó có tính đến điểm nhấn về mặt nội dung của cốt truyện. Đó cũng là khía cạnh thể hiện mối quan hệ của Mozart đối với chính quyền đương thời - đó là hình ảnh lý tưởng đã có phần bị lu mờ và là sự thể hiện tinh tế nỗi buồn và sự phục tùng số phận.

Trong vở opera, Mozart đã lý tưởng nhân vật Tito nên nhiều nhà phê bình đã gọi Tito của ông là manơcanh có tấm lòng độ lượng - người đã từ chối các cô dâu đã được lựa chọn, chỉ vì họ đã đính hôn với những người khác và ông xé bản án tử hình đã ký. Cũng vì lẽ đó, người ta có thể nhớ lại những phát biểu hài hước của Sentera năm 1819, trong bức thư gửi cho Goethe: “Cần phải sinh ra cho cuộc đời một Tito tương tự nữa, để người ấy có thể yêu tất cả các cô gái, không trừ một ai, những người mà dù là tất cả hay một người, cũng đều muốn giết ông”.

Trong các tác phẩm của ông luôn cố hữu sự đơn giản, trong sáng, rõ ràng. Không phải ngẫu nhiên mà trong các diễn đàn văn học về Mozart thời bấy giờ đã xuất hiện sự so sánh với chủ nghĩa kinh điển Vây ma của Goethe, và người ta luôn coi ông là người đại diện của sự đơn giản thanh nhã và sự cao cả thầm lặng. Vì thế, các buổi biểu diễn opera Lòng từ bi của Tito ngay trong nhà hát Vây ma do Goethe điều hành, tiền đặt cửa đã tăng lên 28 lần.

Lòng từ bi của Tito là vở opera mà Mozart viết cho Lễ đăng quang của Hoàng đế Leopon II. Tuy nhiên ở Mozart người ta không thấy một lý do nào, hay một nguyên nhân nào để ông ca tụng Leopon II (ngoại trừ đây là đơn đặt hàng dành cho chính Mozart). Nhưng khi xem xét đến giả thuyết về việc vở opera này đã được Mozart dự định viết sớm hơn, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Lòng từ bi của Tito là một đề tài mà Mozart dành cho Josef II, người đã thực hiện tư tưởng Quốc vương Ánh sáng. Một thập kỷ cầm quyền, vị hoàng đế này đã làm được rất nhiều điều tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Không phải ngẫu nhiên mà một giai đoạn trọn vẹn trong lịch sử phát triển nền văn hóa Áo đã mang tên ông - giai đoạn Josef. Có thể, thông qua vở opera, Mozart đã tạo ra một Furstenspiegel, một hoàng đế anh minh, để nhân dân ghi dấu ấn tốt đẹp về vị hoàng đế Josef II.

Nhưng rốt cuộc, đó chỉ là ý tưởng của Mozart, còn trong thực tế của vở nhạc kịch, người ta không thể viện dẫn rằng ông đang ca ngợi một vị quốc vương cụ thể nào đó. Mà người ta chỉ có thể thống nhất với nhau rằng, tác giả tư tưởng của vở opera chính là Mozart, người mang tư tưởng tốt đẹp của Hội Tam điểm, người mang những ảnh hưởng sâu sắc của chủ nghĩa Ánh sáng vào âm nhạc. Phurman đã viết: “Ở đây rõ ràng hơn nhiều so với Cây sáo thần, tư tưởng Thiên chúa giáo và tư tưởng Hội tam điểm được kết dính với nhau”.

Cây sáo thầnLòng từ bi của Tito luôn là mối quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu về Mozart sau này. Trước hết, hai tác phẩm nổi tiếng này phản ánh những đặc trưng của xã hội đương thời, những khao khát cải cách của Hội tam điểm, mô hình về một xã hội tốt đẹp mà chủ nghĩa Ánh sáng muốn tạo ra. Ông dùng âm nhạc để mài rũa, trau chuốt, đánh bóng tất cả những nội dung đó. Hai vở opera cuối cùng của Mozart đã bổ sung cho nhau một cách hoàn hảo, giúp chúng ta hiểu hơn về thế giới âm nhạc của ông. Trong đó, vở Lòng từ bi của Tito ít đại chúng hơn, ít nổi tiếng hơn, nhưng đã thể hiện nhiều điều thầm kín, suy tư không dễ chia sẻ của nhà soạn nhạc. “Mozart đã để lại di chúc cho đời sau không phải trong Cây sáo thần như Anphoret Einstein đã nói, mà là trong Lòng từ bi của Tito, được xem là Khúc hát con thiên nga của Mozart. Lời hát sau cùng: “Rim, bạn cần phải hiểu rằng: tôi là người biết tất cả, tha thứ tất cả và quên đi tất cả”, chính là lập trường của Mozart, hay chính là quan niệm của ông khi phải đối mặt với sự khắc nghiệt - cái chết trong quãng thời gian cuối của cuộc đời ông. Đứng trước hai tác phẩm bất hủ này của Mozart, chúng ta chỉ có thể khẳng định rằng, những tư tưởng về một thế giới tốt đẹp xuất phát từ Hội tam điểm và chủ nghĩa Ánh sáng đã nâng cánh cho những giai điệu âm nhạc bất hủ của ông, đưa chúng lên vị trí trang trọng bậc nhất của nền nghệ thuật âm nhạc thế giới.

Một trong những vấn đề được các nhạc sĩ sáng tác quan tâm là dùng hình tượng âm nhạc để thể hiện những triết lý của cuộc sống xã hội, những tư duy mang tính nhân văn con người. Là những ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc, chúng ta cần tìm hiểu để phát hiện ra những hình tượng âm nhạc do các nhạc sĩ bậc thày, trong đó có Mozart đã sáng tạo nên. Tìm hiểu được điều gì cho thế hệ mai sau và cũng từ đó, khả năng thể hiện phong cách cũng như xúc cảm âm nhạc trong những ca khúc của ông sẽ được nâng lên một bước mới. Công tác đào tạo thanh nhạc ở Việt Nam những năm gần đây, việc sử dụng các tác phẩm của Mozart đã trở nên thường xuyên hơn. Tuy vậy, việc tìm hiểu một cách sâu sắc những ảnh hưởng xã hội, ảnh hưởng của chủ nghĩa Ánh sáng đối với những ca khúc của ông còn chưa được nghiên cứu một cách hệ thống và thấu đáo. Chính vì thế mà chúng ta chưa thấy hết được ý nghĩa xã hội, tính khoa học, tính nhân văn của những tác phẩm đó trong cuộc sống hôm nay.

Bài viết trong phạm vi nghiên cứu hẹp, chưa thể diễn tả thấu đáo, trọn vẹn về thân thế, sự nghiệp, cũng như toàn bộ sự tác động, ảnh hưởng của chủ nghĩa Ánh sáng đến cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của Mozart. Tuy nhiên, những tìm hiểu mang tính chất sơ khai, nền móng như vậy sẽ là tài liệu hữu ích cho các nhà nghiên cứu tham khảo, bổ sung khi tiếp cận chủ đề này.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 383, tháng 5-2016

Tác giả : NGUYỄN THỊ PHƯƠNG NGA

;