Xuất bản sách lý luận, chính trị - phương tiện truyền thông chính sách quan trọng của Đảng

Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới việc giáo dục lý luận chính trị. Ngay ở trang đầu tiên trong cuốn Đường Cách mệnh, Người đã trích luận điểm nổi tiếng của V.I.Lênin: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”. Người còn căn dặn: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi” (1).

Công tác xuất bản sách lý luận, chính trị thực hiện vai trò, chức năng, nhiệm vụ trong việc góp phần xây dựng nền tảng tư tưởng của Đảng, truyền thông chính sách của Đảng và Nhà nước tới cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi phải đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị đáp ứng yêu cầu cách mạng trong thời kỳ mới.

Thực trạng hoạt động xuất bản sách lý luận, chính trị ở nước ta hiện nay        

Cùng với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, trong những năm qua, hệ thống các nhà xuất bản lý luận chính trị đã có những bước phát triển nhanh chóng, hình thành một mạng lưới rộng trong cả nước. Hiện nay, trong số 59 nhà xuất bản trên cả nước, có 2 nhà xuất bản chuyên ngành xuất bản sách lý luận, chính trị là Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật (đơn vị nòng cốt trong việc xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị) và Nhà xuất bản Lý luận chính trị (xuất bản các giáo trình, tài liệu phục vụ trực tiếp công tác giảng dạy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Ngoài ra, còn có một số nhà xuất bản như Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Thanh niên, Thông tin và Truyền thông và một số nhà xuất bản tổng hợp, chuyên ngành khác theo nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, đoàn thể, địa phương cũng tham gia xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị.

Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 27-1-2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã khẳng định: Sách lý luận, chính trị có vai trò, vị trí quan trọng, trực tiếp truyền bá, bảo vệ, phát triển Chủ nghĩa    Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; giới thiệu kiến thức, kinh nghiệm có giá trị của các nước; góp phần xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng, giáo dục, nâng cao trình độ và bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng con người mới, nếp sống mới; đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái.

Sau hơn 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, công tác xuất bản sách lý luận, chính trị đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, về nội dung, hình thức, cơ cấu và thể loại sách, góp phần khẳng định và bảo vệ lập trường chính trị đúng đắn của Đảng, Nhà nước trước những diễn biến phức tạp trong nước và thế giới, từ đó tiếp tục củng cố, thống nhất nhận thức chính trị, tạo sự thống nhất trong tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, sự đồng thuận trong xã hội. Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn không ngừng được đẩy mạnh, mang đến các bản thảo đầu vào tốt cho việc xuất bản những ấn phẩm có chất lượng. Việc công bố, đăng tải các ấn phẩm khoa học chính trị, lý luận chính trị có sự tham gia tích cực của ngày càng nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học trong và ngoài nước. Nhiều ấn phẩm, sách lý luận, chính trị, pháp luật có số lượng bạn đọc khá đông đảo, được công bố bằng nhiều thứ tiếng, thu hút sự quan tâm rộng rãi hơn của độc giả trong nước và nước ngoài.

Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 16-4-2020 của Ban Bí thư về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị cũng đã khẳng định: “Những tiến bộ đó đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu về sách lý luận, chính trị của cán bộ, đảng viên, nhân dân và góp phần tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác những quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch; nâng cao nhận thức chính trị, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước”.

Bên cạnh nhiều kết quả quan trọng đã đạt được, chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị vẫn còn những hạn chế. Nội dung một số cuốn sách lý luận, chính trị còn thiếu sức thuyết phục, hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Công tác thẩm định, rà soát, biên tập còn để sai sót.

Công tác phát hành sách lý luận, chính trị vẫn còn bất cập, mạng lưới phát hành phát triển chậm. Sách lý luận, chính trị phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và người Việt Nam ở nước ngoài còn ít, chưa phù hợp với các đối tượng người đọc.

Công tác xuất bản các ấn phẩm sách điện tử còn chậm; cơ chế, chính sách cho công tác xuất bản theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm chưa đồng bộ. Một số chế độ, chính sách về đầu tư, thuế, nhuận bút, bản quyền tác giả, phí phát hành chưa phù hợp với tính đặc thù của sách lý luận, chính trị.

Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm chưa kịp thời, nhất là tình trạng in lậu sách vẫn diễn ra rất phức tạp. Nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền về vị trí, vai trò của sách chính trị, lý luận, pháp luật chưa đầy đủ. Ý thức, văn hóa đọc sách lý luận, chính trị trong cán bộ, đảng viên và nhân dân có chiều hướng giảm sút.

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nói trên là do hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận chính trị chưa nhận được sự quan tâm đúng mức và đầu tư tương xứng. Một số tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan chủ quản của các nhà xuất bản chưa nhận thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của sách lý luận, chính trị. Việc mua, đọc, nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị của không ít cơ sở, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chưa được chú trọng. Cơ chế, chính sách cho hoạt động xuất bản sách lý luận, chính trị còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, còn chậm trong việc thể chế hóa chủ trương, định hướng của Đảng. Mô hình tổ chức, hoạt động, quy mô của các nhà xuất bản và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, biên tập viên về lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quản lý còn chưa thực sự phù hợp.

Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động xuất bản sách lý luận, chính trị

Một là, cần làm tốt công tác tổ chức bản thảo; nâng cao chất lượng của các ấn phẩm lý luận, chính trị theo hướng vừa đảm bảo tính khoa học, vừa mang tính chiến đấu, tính thuyết phục, tính thiết thực và hấp dẫn thực sự đối với người đọc. Công tác biên tập, lựa chọn tác phẩm xuất bản vừa phải chú ý tính mới của chủ đề, vấn đề nghiên cứu, bám sát thực tiễn và nhu cầu của người đọc, vừa có sự lựa chọn kỹ lưỡng để sàng lọc, loại bỏ những vấn đề, chủ đề không phù hợp, dễ làm cho người đọc mơ hồ, lẫn lộn, gây hiểu sai trong nhận thức xã hội. Chú trọng phát triển các đầu sách lý luận, chính trị phổ cập, thiết thực, dễ đọc, dễ hiểu, dễ thực hiện cho mọi người dân.

Hai là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đối với việc xuất bản, in và phát hành sách lý luận, chính trị. Trên quan điểm coi đầu tư cho hoạt động xuất bản sách lý luận, chính trị là đầu tư cho công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, cần tập trung nguồn lực thực hiện thật đồng bộ các giải pháp như: ưu tiên bổ sung kinh phí cho các nhà xuất bản, sách đặt hàng hằng năm, sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, sách phục vụ thông tin đối ngoại, sách thường thức chính trị; phát triển xuất bản điện tử; hỗ trợ mua bản thảo chất lượng cao; hỗ trợ hoạt động triển lãm, quảng bá sách trong và ngoài nước; triển khai sâu rộng Ngày Sách Việt Nam trên phạm vi toàn quốc; phát triển hệ thống thư viện công cộng, điểm bưu điện văn hóa xã, câu lạc bộ sách, tủ sách...

Ba là, chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ làm công tác tổ chức, biên tập nội dung và phát hành sách. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản sách lý luận, chính trị có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn cao, có chính sách tuyển chọn, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ làm công tác biên tập, xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

Thường xuyên đẩy mạnh công tác kiện toàn và tăng cường cán bộ chủ chốt có đủ phẩm chất, năng lực trong công tác quản lý, tham mưu về in ấn, xuất bản; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng người, từng vị trí công tác, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, đội ngũ ban biên tập.

Định kỳ cung cấp thông tin về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tình hình trong nước và quốc tế cho lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên các đơn vị in ấn, xuất bản, phát hành; định hướng về chính trị, tư tưởng cho hoạt động xuất bản; xây dựng quy chế làm việc giữa cơ quan chủ quản và các đơn vị liên quan; chịu trách nhiệm trước cơ quan lãnh đạo về hoạt động xuất bản trên địa bàn quản lý.

Bốn là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý đối với việc xuất bản, in và phát hành sách lý luận, chính trị. Cần xây dựng, bổ sung nội dung quy chế phối hợp, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn giữa cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản; xử lý kịp thời, nghiêm minh những cá nhân, đơn vị vi phạm quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác xuất bản gây tác động tiêu cực trong đời sống xã hội.

Quản lý tốt việc lưu chiểu xuất bản phẩm, đọc xuất bản phẩm lưu chiểu và các ấn phẩm in, nhằm xử lý và hạn chế những sai sót có thể xảy ra một cách kịp thời; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết những khiếu nại, thắc mắc và xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản. Tăng cường công tác lãnh đạo, kiểm tra, đôn đốc việc đặt mua và sử dụng các ấn phẩm nói chung, sách lý luận chính trị nói riêng trong các tổ chức cơ sở đảng. Đảng ủy cơ sở, chi ủy, chi bộ phải sử dụng và phát huy tốt hiệu quả các loại tài liệu, báo chí, sách lý luận chính trị được cấp phát, đặt mua.

Năm là, thực hiện xã hội hóa, huy động các nguồn lực để phát triển sự nghiệp xuất bản; phát hành sách nhà nước, tư nhân; tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các đoàn thể, kể cả các tổ chức nước ngoài được phép hoạt động ở Việt Nam... nhằm thu hút các nguồn lực xã hội và mở rộng hợp tác quốc tế đối với hoạt động xuất bản, phát hành sách. Tiếp tục đẩy mạnh việc xã hội hóa trong hoạt động in và phát hành xuất bản phẩm. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị theo đúng quy định của pháp luật.

________________

1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.273-274.

Tài liệu tham khảo

1. Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 27-1-2003 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới, tưlieuvankien.dangcongsan.vn.

2. Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 16-4-2020 của Ban Bí thư về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị, tulieuvankien.dangcongsan.vn.

3. Đổi mới toàn diện, đồng bộ, nâng cao hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị, nhandan.com.vn, 4-12-2020.

4. Cần đổi mới tư duy trong công tác xuất bản, phát hành sách, nhandan.com.vn, 17-3-2021.

5. Trịnh Dũng, Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản và phát hành sách lý luận, chính trị, nhandan.com.vn, 3-12-2020.

6. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, dangcongsan.vn, 6-7-2020.

7. Minh Tuấn, Chỉ thị của Ban Bí thư về nâng chất lượng xuất bản, nghiên cứu sách lý luận, chính trị, ictvietnam.vn, 4-5-2020.

8. Hoàng Mạnh Thắng, Nâng cao chất lượng công tác xuất bản sách lý luận, chính trị đáp ứng yêu cầu cách mạng trong thời kỳ mới, nhipcautrithuc.vn.

Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Lâm

Nguồn: Tạp chí VHNT số 464, tháng 6-2021

;