• Nghệ thuật > Văn học

DIỄN NGÔN ÂM NHẠC TRONG TIỂU THUYẾT CỦA I. TURGENEV

Phong cách tiểu thuyết của I. Turgenev được thiết lập trên một tỉ lệ xác định giữa hiện thực và lãng mạn, giữa nội dung khách quan mang hơi thở và sức ép của thời đại với lời kể tràn đầy cảm hứng chủ quan của người kể chuyện. Sự hiện hữu thường trực của cái lãng mạn trên các bình diện cấu trúc tác phẩm làm nên điểm khác biệt của tiểu thuyết Turgenev. Đối tượng khảo sát của bài viết là diễn ngôn âm nhạc trong tiểu thuyết của nhà văn như một trong nhiều phương thức biểu hiện cái lãng mạn, hiển lộ qua những đặc trưng truyện kể, những hình tượng âm nhạc với vai trò của một thủ pháp kết cấu.

CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG THƠ VĂN XUÔI VIỆT NAM HẬU HIỆN ĐẠI

Thơ văn xuôi, một thể thơ lưỡng tính giữa thơ trữ tình và văn xuôi tự sự, xuất hiện ở Việt Nam từ phong trào Thơ mới. Ra đời và phát triển đến nay đã gần một thế kỷ, tuy thành tựu không nhiều như các thể thơ khác vì nó “ít được phổ cập trong tâm lý người sáng tác cũng như người tiếp nhận” (1), song thật sự thể thơ này cũng đã theo sát diễn trình của nền thơ dân tộc, có mặt trong từng bước chuyển hệ hình, thậm chí có những lúc nó còn đứng ở đầu sóng ngọn gió như với Tình già của Phan Khôi, những sáng tác thơ văn xuôi của Đặng Đình Hưng, Hoàng Hưng, Nguyễn Quang Thiều, Vi Thùy Linh… Từ cuối TK XX đến nay, thơ văn xuôi Việt Nam đã thật sự khởi sắc. Nó đã đồng hành thường xuyên cùng những cây bút có khuynh hướng cách tân mạnh mẽ, trong đó bao gồm cả những thể nghiệm thuộc hệ hình sáng tác hậu hiện đại.

NHÂN VẬT NGƯỜI LÍNH TRONG TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

Trong tác phẩm văn học, nhân vật chuyên chở chủ đề tư tưởng là nơi nhà văn ký thác quan niệm nghệ thuật, khuynh hướng sáng tác. Với truyện ngắn vì hạn chế về dung lượng, nhân vật được dồn nén trong lát cắt cuộc đời nên càng có vị trí quan trọng, quyết định sự thành công của truyện. Truyện ngắn Việt Nam đương đại về chiến tranh đã có những bước chuyển mình trên mọi phương diện. Nhân vật cũng dần được bổ sung thêm những kiểu loại khác, mang những suy tư, trăn trở, thể nghiệm của nhà văn sau chiến tranh. Bài viết phác thảo một số loại hình nhân vật người lính, xuất hiện nhiều trong truyện ngắn chiến tranh gắn với sự thay đổi về tư duy nghệ thuật từ sau giải phóng đến nay.

YẾU TỐ VÔ THỨC NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG

Với sự ra đời của phân tâm học, nhân loại nhận thức được một thế giới khác tồn tại bí mật nhưng vô cùng phức tạp, hấp dẫn. Cho phép con người thám hiểm chiều sâu bản thể, từ đó bổ sung những góc nhìn mới về hiện thực đời sống. Tương tác với nhu cầu đổi mới của nhà văn hiện đại, phân tâm học trong văn học Việt Nam đã phát huy hiệu ứng thẩm mỹ thông qua các phương diện nghệ thuật. Trong dòng chảy tiểu thuyết đương đại, Nguyễn Bình Phương được coi là một trong những nhà văn thành công khi vận dụng phân tâm học để xây dựng nhân vật, tạo ra những chiều kích mới.

NÉT TƯƠNG ĐỒNG GIỮA BỐ THÍ BA LA MẬT VÀ BHAKTI YOGA

Khó có ai sống mà không cần đến tình thương, sự quan tâm của người khác. Một nụ cười, một lời an ủi trong nghiệt cảnh sẽ là chiếc phao cứu sinh cho một phận người. Và Phật giáo đã có mặt trong cuộc đời như là một điểm tựa tinh thần. Tư tưởng từ bi vô ngã qua hạnh Bố thí Ba la mật đã thể hiện mối tương quan mật thiết giữa đời và đạo. Còn với Hindu giáo, Bhakti Yoga là một trong những con đường giải thoát được người dân Ấn mộ đạo coi trọng trong hành trình hoàn thiện tâm linh. Sự dâng hiến tình yêu một cách thành kính và tuyệt đối cho thượng đế của Bhakti Yoga đã được nhà thơ Ấn Độ R.Tagore kế thừa sáng tạo trong các hình tượng thơ ca. Như vậy, lòng từ bi nhân ái (Phật giáo) và Bhakti Yoga (Hindu giáo) qua việc khảo sát kinh Jātaka và thơ R.Tagore đã cho thấy những nét tương đồng giữa tư tưởng của hai tôn giáo lớn này.

MÔ THỨC TỰ SỰ ĐẶC THÙ TRONG TRUYỆN TRUYỀN KỲ THẾ KỶ XVIII-XIX

Cốt truyện, thành tố cốt lõi của một văn bản tự sự, không chỉ là khung diễn tiến của các sự kiện theo trật tự thời gian mà còn là thành quả từ quá trình chiếm lĩnh nhận thức bản chất cuộc sống của nhà văn. Chọn nội dung nào để phản ánh, kết nối các sự kiện theo cách thức ra sao để vừa chuyển tải được câu chuyện, vừa cuốn hút người đọc đều nằm trong chủ đích của người sáng tác. Nhìn từ kết cấu sự kiện, có bốn dạng thức cốt truyện nổi bật trong truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại: cốt truyện liền mạch, cốt truyện lồng ghép, cốt truyện lắp ghép và cốt truyện hồi cố. Trong đó, cốt truyện lắp ghép là mô thức tự sự đặc thù, chiếm vị trí quan trọng trong các truyện truyền kỳ Việt Nam TK XVIII-XIX.

TÍNH BIỂU TƯỢNG - MỘT ĐẶC ĐIỂM CỦA TIỂU THUYẾT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

Thế giới đang nói bằng biểu tượng. Đó là khẳng định của Jean Chevalier trong lời mở đầu cuốn Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới. Biểu tượng hút vào trong nó tất cả các ngành khoa học nghệ thuật, trong đó có văn học, như là cách để mã hóa thế giới theo một ý tưởng nhất định. Nhất là với thế giới hiện đại, thế giới mang đặc tính “chân lý tuyệt đối duy nhất phân rã thành mớ chân lý trái ngược” như nhận xét của M.Kundera thì việc biểu đạt nó bằng hệ thống biểu tượng sẽ là cách để nhà văn đối thoại với độc giả. Trong thế giới không còn chân lý tuyệt đối, nhà văn không phải là người tìm ra câu trả lời cho hiện thực được phản ánh, cái quyền ấy được trao cho độc giả.

SỰ RA ĐỜI CỦA TIỂU THUYẾT HIỆN ĐẠI INDONESIA

Tiểu thuyết là một thể loại đặc biệt trong văn học. Nhà phê bình Nga vĩ đại V.G Belinski đã từng nhận định “Tiểu thuyết đã giết chết tất cả, đã thu hút tất cả” (1). Ông nhìn thấy khả năng rộng lớn của tiểu thuyết và nêu lên những dấu hiệu chung nhất của tiểu thuyết: “Anh hùng ca của thời đại chúng ta là tiểu thuyết” (2). Tiểu thuyết phổ biến ở mọi nền văn học trên thế giới. Tiểu thuyết hiện đại ra đời ở một nền văn học là dấu mốc, là tiêu chí đầu tiên xác định nền văn học đó chuyển sang thời kỳ hiện đại. Tiểu thuyết theo nghĩa hiện đại, trong văn học các nước Đông Nam Á nói chung, Indonesia nói riêng, đều ra đời vào những thập niên đầu thế kỷ XX và trở thành thể loại chủ chốt của văn học nghệ thuật mỗi nước.

NGUYỄN NGỌC TƯ- CHẤT VĂN GÂY ẢO GIÁC

Là một trong số những nhà văn đương đại viết về Nam Bộ gây được tiếng vang trên văn đàn TK XXI, Nguyễn Ngọc Tư, bằng những truyện ngắn mang âm hưởng mộc mạc, liêu trai và thấm đẫm tình người, đang dần trở thành một hiện tượng của nền văn học Việt Nam. Con người trong lối xây dựng nhân vật của nhà văn, không chỉ đơn thuần là phương tiện để thể hiện cảm xúc. Đôi khi, con người còn là chất xúc tác để nhà văn kết nối những cảm xúc riêng rẽ. Lắm khi, con người trong văn Nguyễn Ngọc Tư cũng mơ hồ như cảnh vật và cũng thoắt ẩn, thoắt hiện trong một lối văn chương đầy cảm xúc. Với kiểu xây dựng nhân vật đầy phóng khoáng, khắc họa tính cách nhân vật mang đậm chất Nam Bộ, đưa đẩy mạch truyện từ tốn nhưng đầy hư ảo, Nguyễn Ngọc Tư luôn tìm đến độc giả với một phong thái tự tin và để lại dấu ấn mơ hồ nhiều vương vấn về số phận con người.

SỰ RA ĐỜI CỦA TIỂU THUYẾT HIỆN ĐẠI CAMPUCHIA

Trong bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi, đặc biệt là ở đô thị, những biến đổi về mặt xã hội, nhất là sự xuất hiện của tầng lớp dân cư đô thị cùng với tâm lý thị dân của tầng lớp trí thức mới được đào tạo trong các cơ sở giáo dục do Pháp mở hoặc bảo trợ, sự xuất hiện của báo chí... là những tác nhân trực tiếp tạo nên sự hình thành tiểu thuyết hiện đại Campuchia. Bên cạnh đó, văn học phương Tây du nhập với nhiều tác phẩm đề cao giá trị dân chủ, tự do, giàu tính nhân văn, nhân đạo chủ nghĩa của văn học Pháp. Đặc điểm tâm lý dân tộc, thị hiếu văn học, tầm đón nhận của công chúng độc giả cũng như năng lực, trình độ của đội ngũ sáng tác đã ảnh hưởng lớn đến sự ra đời của tiểu thuyết hiện đại Campuchia trong buổi đầu hình thành.

BIỂN VÀ NHỮNG BIẾN HÌNH KÝ HIỆU TRONG THƠ

Là một quốc gia thuộc bán đảo Đông Dương nằm bên bờ Thái Bình Dương, Việt Nam, theo cách nói gần đây là một “cường quốc biển” với chỉ số chiều dài hơn 3000km. Trên dải đất ba ngàn cây số biển từ Trà Cổ - Móng Cái, Quảng Ninh đến Hà Tiên ấy, cộng đồng người Việt đã tồn tại, sinh trưởng cùng thủy triều lên xuống, mưa nắng ngày đêm, có lúc thì trời yên biển lặng, nhưng lúc khác lại sóng lớn gió to… Song song với chỉ số chiều dài biển Đông là dải đất duyên hải trải dài Bắc - Trung - Nam. Có thể phác thảo dáng hình đất nước Việt Nam qua câu thơ của Thanh Thảo: “Tổ quốc kiên trì nhoài ra phía biển”.

CẢM THỨC LƯU LẠC TRONG SÁNG TÁC CỦA BỐN NHÀ VĂN NAM BỘ

Lưu lạc được hiểu là con người bởi một lý do nào đó bị bứng ra, tách khỏi nơi quen thuộc, bị ném vào một không gian sống mới mẻ, xa lạ, thấy mình đơn chiếc, lạc lõng giữa biển đời mênh mông. Đó không chỉ là những cảm giác tồn tại dưới dạng những rung động riêng lẻ, thoáng qua; hay những cảm xúc xuất hiện khi có sự tác động của thế giới khách quan vào con người; mà là dạng tâm trạng tương đối ổn định, thường trực, ám ảnh và chi phối cuộc sống con người ở nhiều phương diện. Lưu lạc đã trở thành cảm thức, một mặt là thuộc tính cố hữu, khi con người chưa bị ràng buộc vào mối quan hệ xã hội; mặt khác là một ý niệm có tính ổn định trong nhận thức của con người, nhất là khi con người va đập với mọi khổ đau, phi lý của cuộc đời.