VĂN HÓA ỨNG XỬ XÃ HỘI CỦA NGƯỜI VIỆT VÀ NGƯỜI MỸ QUA TỤC NGỮ

Mỗi dân tộc đều có nền văn hóa riêng với những giá trị mang tính phổ quát, cũng như những giá trị mang tính đặc thù. Vì ngôn ngữ là hệ thống biểu trưng cho văn hóa, nên tục ngữ cũng trở thành tấm gương phản ánh văn hóa, là cứ liệu quan trọng giúp tìm hiểu văn hóa của mỗi dân tộc. Chúng ta cũng có thể tìm thấy trong tục ngữ những tri nhận về nguyên tắc, kiểu ứng xử của con người trong mối quan hệ xã hội thông qua cách nói cô đúc, ngắn gọn. So sánh văn hóa ứng xử trong mối quan hệ xã hội của người Việt và người Mỹ qua tục ngữ sẽ góp phần tìm hiểu những tương đồng và khác biệt cũng như đặc trưng về văn hóa ứng xử trong quan hệ xã hội giữa hai dân tộc.

1. Văn hóa ứng xử trong mối quan hệ bạn bè, hàng xóm, giới, giai cấp, dân tộc, chủng tộc

Ứng xử trong quan hệ bạn bè

Văn hóa ứng xử của hai dân tộc Việt, Mỹ đều đề cao việc chọn bạn tốt để kết giao, tránh xa bạn xấu. Tục ngữ Việt có câu: Ăn chọn nơi, chơi chọn bạn; Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Còn người Mỹ thường nói: Thà một mình còn hơn có bạn xấu. Có được người bạn tốt thì phải biết trân trọng: Anh em kết bạn, sống không rời, chết không rời; Giữ một người bạn tốt bằng cả hai tay.

Nhấn mạnh đến tình nghĩa bạn bè, trong văn hóa ứng xử của người Việt, khi cần so sánh, đối chiếu, thường sóng đôi tình bạn với những tình cảm quý giá khác như: tình cảm cha mẹ, vợ con và tất cả những tình cảm đó đều được trân trọng: Ở nhà nhờ mẹ nhờ cha, đi ra nhờ bè bạn. Người Việt không so sánh tình bạn với tình họ hàng nhưng người Mỹ lại so sánh, xem trọng bạn bè hơn họ hàng: Bạn bè quý hơn họ hàng. Tuy văn hóa ứng xử Mỹ đề cao tình bạn nhưng vẫn giữ sự tự lập, không để bị phụ thuộc vào bạn bè. Điều đó cho thấy tính tự lập cá nhân rất cao: Hãy là bạn của chính mình, đừng phụ thuộc vào người khác.

Ứng xử trong quan hệ hàng xóm

Cả hai nền văn hóa Việt, Mỹ đều xem trọng láng giềng, thậm chí xem trọng hơn bà con xa. Người Việt nói: Bà con ở xa không bằng lân la láng giềng. Còn người Mỹ cho rằng: Láng giềng gần tốt hơn anh em xa. Vì vậy, họ đã chọn cách ứng xử thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ nhau: Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau; Giữ giọng điệu thân thiện với hàng xóm như tìm viên đá quý.

Người Việt thân thiện, gần gũi với hàng xóm, có trường hợp còn đặt tình cảm láng giềng lên trên tình cảm anh em: Bán anh em xa mua láng giềng gần. Trong khi đó, người Mỹ chọn cách ứng xử thân thiện với người hàng xóm nhưng vẫn giữ khoảng cách cần thiết trong mối quan hệ đó: Yêu hàng xóm của bạn, nhưng không kéo ngã cái hàng rào.

Ứng xử trong quan hệ giới

Quan hệ giới là quan hệ về đặc điểm vị trí, vai trò của nam, nữ trong mối quan hệ xã hội. Trong quan hệ giới, có hiện tượng bất bình đẳng giới. Một trong những biểu hiện của bất bình đẳng giới là việc đặt ra chuẩn mực kép trong quan hệ giới. Đó là “sự lượng giá (khen, chê) mà người ta áp đặt cho các thành viên của giới này nhưng lại không áp đặt cho các thành viên của giới kia. Nói cách khác, cùng một hiện tượng nhưng được lượng giá theo hai chiều đối lập, mà sự đối lập này mang đặc trưng nghiêm ngặt, khắt khe với phụ nữ nhưng lại khoan dung, độ lượng với nam giới” (1).

Văn hóa ứng xử trong mối quan hệ giới của người Việt, người Mỹ qua tục ngữ có nhiều điểm tương đồng. Tư tưởng trọng nam khinh nữ, nặng tính định kiến với người phụ nữ đã tồn tại từ rất lâu trong hai nền văn hóa Việt, Mỹ: Nam tôn nữ ti; Đàn ông là vua trong nhà. Phụ nữ bị gắn nhiều tính xấu như: nhiều chuyện, ít hiểu biết, nông nổi: Ba bà bốn chuyện; Phụ nữ và chó gây nhiều chuyện vặt vãnh. Vì vậy, họ được liệt vào nhóm cần được để ý, răn dạy: Vũ khí, phụ nữ và ổ khóa nên được để ý hàng ngày.

Trong xã hội Việt Nam truyền thống, bất bình đẳng giới càng lớn khi tồn tại chuẩn mực kép trong quan hệ giới. Người nam được khuyến khích thể hiện tính chủ động, tự do trong các mối quan hệ bao nhiêu thì người nữ phải chịu sự hạn chế, cấm đoán khắt khe bấy nhiêu. Khi đề cập đến mối quan hệ nam nữ trong tình yêu, bao giờ cũng nhấn mạnh vai trò chủ động của nam và thụ động của nữ: Trâu đi tìm cọc, chứ đời nào cọc đi tìm trâu; Con gái cửa cài then đóng. Ngay trong đời sống vợ chồng thì người nữ cũng phải thụ động, thậm chí xã hội còn đòi hỏi phụ nữ phải chung thủy, còn với nam giới thì không: Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng.

Nếu văn hóa Việt Nam do chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo định ra nhiều điều nghiêm ngặt về quan hệ giới như ngăn cách giới tính: Nam nữ thụ thụ bất thân; Nam nữ bất tạp tọa, khiến nữ giới phải chịu sự phụ thuộc, luôn trong thế bị động thì văn hóa Mỹ không có định kiến này, không cấm đoán nam nữ tiếp xúc giới trước khi kết hôn, không bắt buộc gái chính chuyên một chồng. Chúng tôi không thấy câu tục ngữ nào truyền đạt điều này. Bên cạnh đó, có nhiều câu khuyên răn nên lịch sự với phụ nữ: Không nên xô đẩy phụ nữ; Hãy nhẹ tay với thủy tinh và phụ nữ.

Ứng xử trong quan hệ giai cấp

Mối quan hệ giai cấp được nhận thức, truyền đạt kinh nghiệm ứng xử trong tục ngữ xưa là mối quan hệ giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, chủ yếu bao gồm mối quan hệ giữa vua quan và người dân, giữa chủ và người làm thuê, giữa người giàu và người nghèo… Đó là mối quan hệ có nhiều mâu thuẫn gay gắt, khó có thể dung hòa.

Cả hai nền văn hóa Việt, Mỹ đều xem trọng quyền làm chủ của người dân, đều có những tuyên ngôn đề cao vai trò làm chủ đất nước của người dân: Ý dân là ý trời; Lời của dân là lời của chúa. Tuy nhiên, cũng tồn tại sự bất bình đẳng trong xã hội có giai cấp với một thái độ bất bình qua cách đối sánh hai giai cấp ở hai cực khác biệt: Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra; Thế giới gồm hai tầng lớp: người đi săn và người bị săn. Bên cạnh đó là sự vạch trần tội lỗi, sự ức hiếp của giai cấp thống trị, người giàu có: Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan; Giàu có thường không đi liền với đạo đức.

Trong xã hội Việt Nam xưa, giai cấp thống trị được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi khiến sự bất công ngày càng lớn, khoảng cách quyền lực giữa hai giai cấp đối kháng ngày càng cao: Thằng còng làm cho thằng ngay ăn. Sự phản kháng, đấu tranh giai cấp không ngừng diễn ra, tinh thần dân chủ có lúc quyết liệt: Quan cần dân trễ. Nhưng sự bất bình đẳng vẫn không thể bị xóa bỏ triệt để; người dân cam chịu trước sự đặt để đó; đất nước vẫn được giai cấp nắm quyền vận hành, duy trì theo kiểu: Cha truyền con nối.

Trong khi đó, thái độ chống lại sự bất bình đẳng nhằm giảm thiểu tối đa sự bất công trong xã hội của người Mỹ qua tục ngữ rất quyết liệt: Quyền bình đẳng cho mọi người, đặc quyền thì không cho ai gốc xuất thân, giai cấp, gia đình của cá nhân: Ông của anh là ai không quan trọng, quan trọng anh là gì? . Như vậy, người Mỹ phản đối sự bất công, bất bình đẳng trong xã hội rất mạnh mẽ. Họ đánh giá cá nhân thông qua năng lực chứ không quá chú trọng đến xuất thân giai cấp, gia đình.

 Ứng xử trong quan hệ dân tộc, chủng tộc

Việt Nam và Hoa Kỳ là những quốc gia đa dân tộc, chính vì vậy văn hóa ứng xử giữa các dân tộc là một trong những đặc điểm văn hóa quan trọng. Điểm gặp gỡ giữa hai nền văn hóa trong ứng xử quan hệ dân tộc là đề cao quyền tự do, bình đẳng của mọi người, xem trọng tình người: Thương người như thể thương thân; Mọi người được sinh ra tự do và bình đẳng.

Dân tộc Việt Nam có truyền thống lâu đời về tình đoàn kết, bình đẳng dân tộc. Người Việt sống hòa hợp với các dân tộc thiểu số, không có thành kiến phân biệt dân tộc, chủng tộc. Tên của các tộc người, dân tộc thiểu số sống trên đất nước Việt Nam được nhắc lên trong tục ngữ theo cách gọi dân dã, quen thuộc như: người Các Chú, người Khách (để chỉ người Hoa), thậm chí người Việt cũng tự xưng là người An Nam. Nội dung thể hiện trong các câu ấy là lời ngợi khen những ứng xử tốt, cuộc sống khá giả của tộc người đó: Khó Khách hơn giàu An Nam; Các Chú đồng xà, An Nam ta đồng đái.

Ngược lại với cách ứng xử hòa đồng, thân thiện giữa các dân tộc cùng chung sống trên đất Việt, ứng xử quan hệ dân tộc, chủng tộc trong văn hóa Mỹ khá phức tạp. Với quan điểm dung hòa là an toàn nhất, đại đa số người Mỹ ủng hộ sự hòa nhập của các nhóm dân tộc thiểu số và quyền lợi bình đẳng cho tất cả mọi người. Tuy vậy, vẫn còn sự phân biệt, định kiến sắc tộc rất lớn.

Có ba chủng tộc lớn trên đất nước Hoa Kỳ: người da đen, người da đỏ và người da trắng. Nếu người da đen bị tước đoạt hầu hết những đặc quyền của nhân loại, mất đi ký ức về đất nước mình, bỏ tôn giáo cũ, quên đi tập tục xưa thì người da đỏ bản địa bị đẩy xa vào rừng sâu, hoang mạc, bị lưu tán gia đình, sống đời man dại, tăm tối. Họ bị đối xử tàn tệ, bị miệt thị, không được tin tưởng: Chỉ có người da đen tốt là người da đen đã chết; Đừng bao giờ tin người da đỏ.

Đặc biệt, đối với người da đỏ bản địa, họ không chịu quỳ gối khuất phục theo tập tục của người Mỹ da trắng. Họ “duy trì các tư tưởng và giữ các thói quen đến từng chi tiết nhỏ nhặt với tính chất cứng rắn chưa từng thấy trong lịch sử” (2). Họ không muốn bị hòa trộn vào truyền thống của người da trắng, không muốn được văn minh hơn. Vì vậy, những nỗ lực muốn thuần hóa họ của người da trắng đã không thành công: Thổ dân, gà gô, cây bách tùng không thể thuần hóa.

Qua đó cho thấy, ứng xử quan hệ dân tộc, chủng tộc được thể hiện trong tục ngữ của người Việt là mối quan hệ hòa đồng, tôn trọng, còn của người Mỹ là mối quan hệ bất bình đẳng, định kiến nặng nề đến mức trở thành chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

2. Đặc trưng văn hóa ứng xử xã hội

Từ việc tìm hiểu những tương đồng, khác biệt về văn hóa ứng xử trong quan hệ xã hội, chúng tôi so sánh để nhận diện sự khác biệt về giá trị văn hóa ứng xử giữa người Việt và người Mỹ qua tục ngữ.

Văn hóa ứng xử nhìn từ mối quan hệ cá nhân - cộng đồng

Trong mối quan hệ xã hội, người Việt thiên về chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa cộng đồng. Theo Hofstede, chủ nghĩa tập thể gắn liền với những xã hội trong đó, mọi người kết hợp trong những nhóm lợi ích gắn bó chặt chẽ. Các nhóm lợi ích này bảo vệ không ngừng mọi thành viên trong nhóm suốt cuộc đời họ để đổi lấy lòng trung thành tuyệt đối. Những ưu điểm của chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa cộng đồng có khá nhiều nhưng hạn chế cũng không ít, tạo nên đặc trưng văn hóa ứng xử của người Việt.

Người Việt đề cao tập thể, cả nhóm, số đông hơn cá nhân, hành vi thể hiện bản thân và nỗ lực để vượt trội thường dễ bị chế nhạo: Khôn lỏi sao bằng giỏi đàn; Khôn độc không bằng ngốc đàn. Vì vậy, thường ỷ lại, phụ thuộc vào tập thể, có thái độ vô trách nhiệm, thụ động: Cha chung không ai khóc; Lụt thì lút cả làng.

Đối lập với chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa cộng đồng là chủ nghĩa cá nhân. Theo Hofstede, chủ nghĩa cá nhân “có rất ít sự kết nối giữa các cá nhân với nhau. Một người chỉ mong chăm sóc cho bản thân mình và gia đình trực tiếp của mình” và đặc trưng của chủ nghĩa cá nhân ở Mỹ là: “cá nhân luôn tìm cách duy trì sự độc lập của mình với người khác thông qua việc thể hiện cái tôi và khám phá bản thân, thể hiện sự độc đáo của bản thân” (3).

 Văn hóa ứng xử thiên về chủ nghĩa cá nhân như vậy của người Mỹ được biểu hiện qua nhiều câu tục ngữ: Mỗi người đều vì mình; Mỗi người có quyền làm theo ý ​​mình . Vì không muốn phụ thuộc vào tập thể nên họ tự tin vào chính mình và xã hội cũng khuyến khích phát triển cái tôi tự tôn: Làm việc một mình sẽ làm tốt nhất.

Văn hóa ứng xử nhìn từ khoảng cách quyền lực

Ứng xử của người Việt theo xu hướng phải chấp nhận sự bất bình đẳng từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Khoảng cách tôn ti trật tự, khoảng cách quyền lực giữa vua quan - dân chúng, người giàu - người nghèo… rất cao. Ngoài xã hội, quyền lực của vua quan rất lớn, sự tập quyền là phổ biến: Cha truyền con nối; Sống lâu lên lão làng.

Trong khi đó, khoảng cách quyền lực trong văn hóa ứng xử của người Mỹ thấp hơn. Sự phân quyền trong xã hội Mỹ là phổ biến, giảm tối đa sự bất bình đẳng giữa mọi người: Quyền bình đẳng cho tất cả mọi người, đặc quyền thì không cho ai. Xã hội ấy không xem trọng nguồn gốc xuất thân, giai cấp, gia đình của cá nhân mà đánh giá năng lực của cá nhân, khuyến khích cá nhân phát huy tài năng: Tìm kiếm danh tiếng và lợi ích, hãy dựa vào bản thân mình đừng dựa vào người khác.

Văn hóa ứng xử nhìn từ đặc điểm trọng lý - trọng tình

Xuất phát từ văn hóa nông nghiệp, ứng xử trong mối quan hệ xã hội của người Việt mang đặc điểm trọng tình với các biểu hiện: lấy tình cảm, sự yêu ghét là nguyên tắc ứng xử trong giao tiếp: Ưa ai vo tròn, ghét ai bóp bẹp; Yêu nhau chín bỏ làm mười.

Nếu trong tổng thể, người Việt lấy sự hài hòa âm dương làm nguyên lý chủ đạo nhưng vẫn thiên về âm tính hơn, thì trong cuộc sống, người Việt Nam sống có lý có tình nhưng vẫn thiên về tình hơn. Khi cần cân nhắc giữa tình với lý thì tình được đặt cao hơn lý: “Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”. Vẫn biết rằng tiền của là quan trọng (Có tiền mua tiên cũng được) nhưng người Việt Nam còn biết rõ hơn rằng: Có tình có nghĩa hơn cả của tiền.

Tính trọng tình dẫn đến hệ quả người Việt thường kém tôn trọng quy tắc, luật pháp. Tuy nhận thức Quân pháp như lôi (luật pháp nghiêm minh), Quân pháp vô thân (pháp luật không vì nể người thân, phải thẳng thắn mà thi hành), nhưng hành vi ứng xử không tôn trọng luật pháp do tư duy tự trị của văn hóa làng đã được nuôi dưỡng, phát triển, khiến cho: Phép vua thua lệ làng;  Lệnh làng hơn phép nước.

Khác với kiểu ứng xử bị chi phối bởi tư duy văn hóa làng của một nước nông nghiệp như Việt Nam, văn hóa ứng xử của người Mỹ thiên về lý hơn tình. Ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật, quy tắc… của người dân rất rõ ràng, chấp hành sự thượng tôn của pháp luật: Công việc là công việc; Không bỏ nguyên tắc để hài lòng ai.

Hoa Kỳ và Việt Nam với đặc điểm nền văn hóa đa dạng đã để lại dấu ấn qua kho tàng tục ngữ. So sánh văn hóa ứng xử của hai dân tộc trong mối quan hệ xã hội qua tục ngữ giúp nhận biết được đặc trưng văn hóa dân tộc qua những điểm khác biệt và hiểu được quy luật chung của văn hóa ứng xử nhân loại qua những điểm tương đồng của hai nền văn hóa. Những điểm gặp gỡ giữa hai dân tộc trên phương diện ứng xử đã nói lên quy luật chung của văn hóa ứng xử nhân loại: yêu quý, trân trọng, bảo vệ tình người; phê phán, chống đối những gì xâm phạm tình người, sự công bằng, quyền sống còn, quyền tự do, mưu cầu hạnh phúc của con người. Nhìn từ góc độ so sánh khoảng cách quyền lực, mối quan hệ cá nhân, cộng đồng, trọng lý, trọng tình thì văn hóa ứng xử của người Việt qua tục ngữ có đặc điểm: thiên về chủ nghĩa cộng đồng, khoảng cách quyền lực cao, trọng tình hơn trọng lý. Trái lại, văn hóa ứng xử của người Mỹ thiên về chủ nghĩa cá nhân, khoảng cách quyền lực thấp, trọng lý hơn trọng tình. Xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ, càng đòi hỏi mỗi nền văn hóa phải tự điều chỉnh, loại trừ những nhược điểm, hành vi ứng xử bất công, vô nhân đạo trong nền văn hóa của mình. Vì vậy, nếu văn hóa ứng xử của hai dân tộc phát huy những ưu điểm của mình, học tập những cái hay, cái đẹp trong văn hóa ứng xử của nhau sẽ góp phần giúp đất nước phát triển, thế giới hòa bình, hạnh phúc.

_____________

1. Hoàng Bá Thịnh, Trinh tiết phụ nữ: chuẩn mực kép trong quan hệ giới, tuoitre.vn

2. Alexis De Tocqueville, Nền dân trị Mỹ, Nxb Tri thức, Hà Nội, 1981, tr.376.

3. Geert Hofstede, Gert Jan Hofstede, Michael Minkov, Văn hóa và tổ chức: phần mềm tư duy, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2015, tr.164.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 398, tháng 8 - 2017

Tác giả : LÊ THỊ HỒNG

;