Tìm hiểu đề tài thiên nhiên trong thơ nôm Bà Huyện Thanh Quan

Vốn là một trang nữ lưu tài sắc, Bà Huyện Thanh Quan xứng đáng là một trong những thi sĩ làm thơ Nôm Đường luật hay nhất trong lịch sử văn chương Việt Nam. Với vẻ đài các, trang nhã của thể Đường luật, kết hợp với cách diễn tả thâm trầm, điềm đạm, bà đã đưa được vào thơ cái hồn, cái chất riêng của mình. Thơ bà là những bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp nhưng lại mang một tâm trạng cô đơn, lẻ loi trước thời gian, cảnh vật. Bà mượn thơ để ký thác nỗi niềm tâm sự của mình. Ta tưởng chừng trong thơ bà như hiện lên một người đa cảm, đa sầu, tâm hồn dễ rung động trước ngoại cảnh, nhưng lại được thể hiện một cách rất nhẹ nhàng, kín đáo bởi lời thơ thanh thoát, lời văn khuê các, đoan trang.

Trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam, ngay từ thời Lý Trần đã có một số nhân vật sáng tác thơ văn là phụ nữ, nhưng những tác phẩm của họ dường như chỉ còn lại dấu vết trong các giai thoại văn học. Đến TK XVIII-XIX, xuất hiện hàng loạt tác giả nữ đầy cá tính, đầy tài năng. Tác phẩm của họ đã chiếm chỗ đứng vững chắc trong lịch sử văn học dân tộc, tiêu biểu như Đoàn Thị Điểm, Lê Ngọc Hân, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan... Trong số các nữ tác giả đó, Bà Huyện Thanh Quan được đánh giá là một trong những thi sĩ làm thơ Nôm Đường luật hay nhất ở Việt Nam. Chẳng thế mà “Thơ Đường trước bà người ta đã làm vô số, sau bà người ta cũng còn làm vô số. Nhưng trước cũng như sau, có lẽ không ai vượt được nữ sĩ Thanh Quan” (1). Những sáng tác của Bà Huyện đọc lên nghe “như có con hầu đi theo” (chữ của Xuân Diệu).

Đường luật là thể thơ quan trọng được dùng trong thi cử và ngâm vịnh, đề cập đến những vấn đề lớn của lịch sử, của thời đại, phản ánh những khía cạnh tinh tế, những tư duy, cảm xúc riêng tư của mỗi cuộc đời cũng như mỗi số phận con người thông qua tình yêu với thiên nhiên, cảnh vật. Vì vậy, cảnh “sơn thủy hữu tình”, “phong hoa tuyết nguyệt” là nguồn cảm hứng vô tận của thi ca khi viết về đề tài thiên nhiên, nhờ đó mà thiên nhiên trong thơ Nôm Đường luật Việt Nam nói chung mang vẻ đẹp tao nhã, đậm chất Đường thi. Thiên nhiên là người bạn, là nhân chứng cho bao niềm vui, nỗi buồn của con người, đồng thời cũng là cội nguồn mang lại cho con người những nhân cách cao quý. Bức tranh thiên nhiên trong thơ Bà Huyện Thanh Quan cũng chính là một trong những hình ảnh đẹp đẽ, phản ánh một con người, một cốt cách, một tài năng, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề cơ bản trong thân thế, sự nghiêp, cũng như tâm trạng của tác giả đối với thời cuộc. Qua hình tượng thiên nhiên trong thơ, cảm xúc trữ tình và tư tưởng, tình cảm đã chi phối nhân vật trữ tình.

Thiên nhiên trong thơ Bà Huyện Thanh Quan hiện lên với những nét u hoài mang đậm chất Đường thi, đẹp như những “bức tranh thủy mặc”. Đọc thơ của bà, chúng ta thấy có một cái gì thật đoan trang, tao nhã, thấp thoáng một hình ảnh trang nghiêm, đài các, nhưng không cổ kính, khô khan mà lại thật thanh thoát, nhẹ nhàng: Thấp thoáng non tiên lác đác mưa/ Bút thần khôn vẽ cảnh tiêu sơ/ Xanh um đỉnh núi cây tròn tán/ Trắng xóa tràng giang nước lặng lờ (Đi đò buổi chiều). 

Với bút pháp thi trung hữu họa, tác giả đã vận dụng những hình ảnh của mình và của người, tâm tình và ngôn ngữ để vẽ nên những bức tranh thiên nhiên sống động, tuyệt đẹp, nhẹ nhàng thoáng qua như nét cọ của một họa sĩ tài hoa đã thâu tóm cái hồn của cảnh vật: Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà/ Cỏ cây chen đá, lá chen hoa/ Lom khom dưới núi tiều vài chú/ Lác đác bên sông chợ mấy nhà (Qua Đèo Ngang). 

Bà đã hướng ngòi bút của mình vào những cảnh vật nhỏ bé, bình dị vẫn thường giấu mình trong cuộc sống hằng ngày quen thuộc, đó là cảnh chiều tà, cảnh hoàng hôn, là cỏ cây, hoa lá... Thiên nhiên trải ra trước mắt tác giả bao la, tràn đầy âm thanh, màu sắc. Thiên nhiên có sự hòa quyện vào nhau, điểm xuyết cho nhau (cỏ cây chen đá, lá chen hoa) trong ánh chiều vang vọng tiếng chim, rồi thêm vào đó là sự xuất hiện bóng dáng con người (tiều vài chú) càng làm cho khung cảnh thêm có hồn. Hầu hết trong thơ của Bà, chúng ta có thể tìm thấy những đường nét hao hao giống tám bức cổ họa của Trung Hoa: Bình sa lạc nhạn, Sơn thị tình lam, Viễn phố quy phàm, Ngư thôn tịch mịch, Sơn tự hàn chung, Động Đình thu nguyệt, Giang biên mộ tuyết và Tiêu Tương dạ vũ. Đôi khi, những cảnh đó hiện lên chỉ là ước lệ nhưng lại khêu gợi được tình cảm của con người: Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn/ Tiếng ốc xa đưa lẫn tiếng dồn/ Gác mái ngư ông về viễn phố/ Gò sừng mục tử lại cô thôn/ Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi/ Dặm liễu mưa sa khách bước dồn (Trời hôm nhớ nhà). 

Bà Huyện đã dùng những thi điệu thật uyển chuyển nên thơ, dù tả những cảnh xưa nhưng không bị gò bó. Trong thơ như có nhạc, và nhạc đó làm nao lòng người vì thật hợp tình, hợp cảnh. Chính điều này làm cho người đọc như cảm nhận được sự đồng nhất giữa thiên nhiên với con người. Nhân vật trữ tình trở thành chủ thể cảm thụ, chiếm lĩnh vẻ đẹp của thiên nhiên từ góc độ một con người hòa mình vào xứ sở quê hương. Thiên nhiên và con người, hoặc là những gì mang tính chất con người, đã soi vào nhau, hòa vào nhau, đồng hóa lẫn nhau, để rồi gán cho thiên nhiên những tâm sự của mình. Ngay cả trong thơ Hồ Xuân Hương, bức tranh thiên nhiên cũng có nét sinh động kỳ lạ, nhiều màu sắc, có khi bật dậy những nỗi bực dọc, ngỗ ngược, nhưng bên trong lúc nào cũng ẩn chứa những u tình: Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám/ Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn (Tự tình, II). 

Trong thơ Thanh Quan, thiên nhiên như trở thành người bạn tri kỷ, gần gũi thân quen. Thiên nhiên như chứa đựng linh hồn, tư tưởng con người, làm cho con người không những gửi gắm tình cảm suy nghĩ của mình cho thiên nhiên, lấy thiên nhiên làm bầu bạn, mà còn như muốn hòa mình tan hẳn vào thiên nhiên. Với bài thơ Qua Đèo Ngang, hình bóng người phụ nữ một mình đối diện với thiên nhiên, gởi gắm tâm tình của mình trong thiên nhiên và cô đơn như muốn hòa cả vào thiên nhiên: Dừng chân đứng lại trời non nước/ Một mảnh tình riêng ta với ta (Qua Đèo Ngang).

Câu thơ cho thấy, sự xuất hiện cái tôi cá nhân trong mối liên hệ nào đó với bối cảnh xung quanh. Đó là cái tôi bản lĩnh, cái tôi tài năng, đồng thời cũng là một cái tôi trầm tư, suy tưởng, lẻ loi, cô đơn trong sự biệt lập, xa cách với không khí ồn ào, náo động của cuộc sống xã hội. Dường như chỉ có thiên nhiên mới cảm thông và thấu hiểu được nỗi niềm tác giả như là một người bạn chân chính; dường như chỉ có thiên nhiên mới xứng đáng được nhà thơ phô bày tâm sự của mình.

Gợi cảm hứng từ mỹ học hướng về quá khứ, cảm hứng nhân văn trước lẽ đời bể dâu, ở một khía cạnh khác, bài Thăng Long thành hoài cổ chính là những cảm xúc sâu sắc có tính chất truyền thống về sự đối lập giữa cái vĩnh hằng của thiên nhiên, của vũ trụ với cái hữu hạn của con người. Đặt nỗi niềm hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan trong cảm hứng nhân văn của thi ca trung đại mới thấy hết ý nghĩa giá trị của nó. Ở bài thơ này, mạch cảm xúc của tác giả là từ cảm nhận sự đổi thay, muốn níu kéo lại dĩ vãng nhưng cuối cùng đành ngậm ngùi trước hiện thực cuộc đời: Tạo hóa gây chi cuộc hý trường/ Đến nay thấm thoắt mấy phong sương (Thăng Long thành hoài cổ).

 “Hý trường” là sân khấu, là nơi diễn trò mua vui. Ông trời gây ra làm chi cái cảnh đời như sân khấu, diễn hết trò này đến trò khác. Hai tiếng “gây chi” vừa là lời trách, vừa là lời than, nhà thơ như cảm nhận sự đổi thay trong niềm oán trách con tạo. Sau vần thơ là đôi mắt buồn, nhìn sâu thẳm vào dòng đời, vào dòng thời gian lịch sử, một cái nhìn xa vắng mênh mông, có cả tiếng thở dài ngao ngán. Chính vì thế, từ hiện tại, tác giả tìm về quá khứ, mong tìm lại dĩ vãng một thời đã qua: Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Ngõ cũ lâu đài bóng tịch dương (Thăng Long thành hoài cổ).

Những con đường dọc ngang nơi Long Thành (thành Thăng Long) xưa kia từng suốt đêm ngày nhộn nhịp ngựa xe của các ông hoàng, bà chúa, những xe tứ mã của các vương công, quốc thích, nhưng nay chỉ còn lại “thu thảo” - cỏ mùa thu héo vàng. “Thu thảo” như một chứng nhân buồn và tàn tạ. Hồn mùa thu cũng là hồn thiêng sông núi, hồn thiêng Thăng Long được cảm nhận từ sắc màu cỏ thu héo vàng. Những con đường càng trở nên vắng vẻ, những cung điện nguy nga, lầu son gác tía, những bệ ngọc hành cung huy hoàng, tráng lệ một thời vì chiến tranh loạn lạc, vì sự thay chủ đổi ngôi mà nay đổ nát hoang tàn, chỉ còn lại “nền cũ”. Nỗi hoài cổ, nỗi nhớ xưa như dồn nén bao nỗi buồn chất chứa trong lòng nữ sĩ. Với hai câu thơ trên, nhà nghiên cứu Lã Nhâm Thìn cho rằng có hai cách hiểu: “Lối xưa xe ngựa giờ chỉ còn là hồn thu thảo, hoặc lối xưa xe ngựa còn ghi dấu ở hồn thu thảo; nền cũ lâu đài giờ chỉ còn bóng tịch dương, hoặc nền cũ lâu đài giờ chỉ còn bóng tịch dương chứng kiến. Dù hiểu theo cách nào thì cũng là quá khứ tìm cách đổ bóng xuống hiện tại. Hiểu theo cách nào thì cũng là tâm trạng ai hoài, nuối tiếc” (2).

Đối với Bà Huyện Thanh Quan, Thăng Long một thời vàng son, giờ đây cũng chỉ còn lại những ký ức đẹp với nỗi niềm khôn xiết: Ngàn năm gương cũ soi kim cổ/ Cảnh đấy người đây luống đoạn trường (Thăng Long thành hoài cổ). Có thể, bà viết bài thơ trong thời gian làm nữ quan Cung trung giáo tập tại kinh đô Huế, những tháng ngày xa cố hương, cho nên, tâm trạng hoài tưởng về một thời vàng son của vùng đất vốn là quê hương của nhà thơ, hoài tưởng về một vùng đất văn vật, mà dấu ấn của nó đúng là thời kỳ vàng son của đế kinh. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bà hoài niệm nhà Lê, nhưng ta thấy Bà Huyện sống hoàn toàn vào khoảng TK XIX dưới triều Nguyễn, chưa có tư liệu nào đủ chứng tỏ sự gắn bó sâu nặng của bà và gia đình với vương triều Lê. Vả chăng nếu có thì bà cũng không thuộc thế hệ có quá nhiều ràng buộc với quá khứ, tâm sự nhớ nhà Lê cũng không thể sâu sắc đến vậy. Phải chăng cái quá khứ vàng son mà bà nhớ tới đã không còn giới hạn trong tình cảm đối với một triều đại mà là quá khứ đẹp nói chung của đất nước và của thành Thăng Long mà những người như Bà thường hướng về. Dường như trong tiềm thức, trong nếp nghĩ quen thuộc của tác giả, Thăng Long vẫn là kinh đô của thuở ban đầu không dễ gì quên được: Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu/ Chạnh niềm cố quốc nghĩ mà đau/ Mấy tòa sen tỏa hơi hương ngự/ Năm sắc mây phong nếp áo chầu (Qua chùa Trấn Bắc).

Bà Huyện Thanh Quan nhìn hiện tại mà nhớ đến quá khứ. Thậm chí, nỗi nhớ làm con người như rơi vào ảo giác. Thi nhân thấy quá khứ: một tòa sen thơm hơi hương vua còn rớt và năm thức mây lưu lại nếp áo chầu. Sự hoài niệm đã xáo trộn thời gian, biến quá khứ thành hiện tại. Đây là một nét đậm, một nhịp mạnh trong thơ Thanh Quan. Tiếng thơ của bà như là những hoài niệm ngậm ngùi. Nó không chỉ tạo ra một cảm hứng thế sự, mà còn tạo ra cái nhìn thế giới và cái nhìn nghệ thuật trong thơ bà.

Mặc dù thơ Bà Huyện Thanh Quan đượm buồn, nhưng không da diết một nỗi đau nhân tình như trong thơ Nguyễn Du và cũng không có niềm khao khát sống mãnh liệt như trong thơ Xuân Hương. “Mảnh tình riêng” băn khoăn trống trải trong thơ bà đã đi từ tình cảm thương mình, thương nhà đến một tình cảm rộng lớn là niềm thương nhớ nước. Với nhà thơ, mối quan tâm đến thời cuộc và chính sự đã trở thành một nỗi niềm sâu sắc mà kín đáo. Nỗi niềm đó được thể hiện bằng nỗi cô đơn trước cảnh phế hưng: Sóng lớp phế hưng coi vẫn rộn/ Chuông hồi kim cổ lắng càng mau (Qua chùa Trấn Bắc). 

Có lẽ Bà Huyện đã từng ngắm những lớp sóng xô đẩy nhau trên mặt Hồ Tây mà nghĩ tới sự suy thịnh, đổi thay của các triều đại, cũng như nghe tiếng chuông chùa lúc nhặt, lúc khoan, gợi sự biến thiên của đời người và trần thế. Những hình ảnh đó đã làm bà cảm khái để dệt nên những vần thơ bất hủ, gieo vào lòng người một sự trầm lắng sâu xa, bởi một tấm lòng ai hoài cố quốc: Nhớ nước đau lòng con quốc quốc/ Thương nhà mỏi miệng cái gia gia (Qua Đèo Ngang). 

Đứng trên đỉnh Đèo Ngang, nghe tiếng cuốc kêu, Bà Huyện Thanh Quan nhớ đến nước; nghe chim da da kêu, thi nhân thấy thương nhà. Niềm hoài cổ luôn chờ chực sẵn, còn sự đồng âm kia (cuốc là chim và quốc là nước, da da là chim và gia là nhà) chỉ là một cái cớ. Chính nỗi niềm trên mà ta thấy hình ảnh Đèo Ngang như trở thành không gian gợi nhớ về cựu triều, bởi theo các nhà nghiên cứu, nơi đây không chỉ ngăn cách địa giới Đàng Trong và Đàng Ngoài mà còn ngăn cách hai triều đại, bên này là quá khứ vàng son của triều Lê, bên kia là tân triều hiện tại nhà Nguyễn. Bà Huyện Thanh Quan đã vượt qua được một Đèo Ngang địa lý, mà không qua nổi một Đèo Ngang tâm lý. Tâm tình hoài cổ vẫn là hành trang của bà trên đường vào Huế. Thậm chí, hành trang ấy càng đi xa càng trở thành một gánh nặng.

Đến TK XIX, đất nước giờ đây không còn đâu âm hưởng hào hùng vốn có trong những vần thơ đài các của các tác giả thời Trần - Lê. Những hoài niệm ngậm ngùi, những âm hưởng buồn thương man mác, phảng phất như có nỗi u hoài của người dân mất nước đã thấm sâu vào thơ Bà Huyện Thanh Quan. Phải chăng, giang sơn đã thu về một mối, nhưng đó không phải là “nước cũ” trong niềm tự hào của dân tộc mà những người yêu nước như bà hướng tới. Với Bà, bóng chiều thường hắt hiu tàn tạ gợi dậy một niềm thương nhớ cũ. Nỗi buồn trong thơ quả có cái nhạy cảm của tâm hồn thi sĩ, có cái sâu sắc, kín đáo của một tình cảm riêng tư. Đó là nỗi buồn thời đại, niềm đau trước thế sự tang thương: Đá vẫn bền gan cùng tuế nguyệt/ Nước còn cau mặt với tang thương/ Ngàn năm gương cũ soi kim cổ/ Cảnh đấy người đây luống đoạn trường (Thăng Long thành hoài cổ).

Hình ảnh “đá” và “nước” được nhân hóa, mang tình người và hồn người. Trên cái “nền cũ lâu đài”, đá thách thức cùng năm tháng “vẫn bền gan” đau đớn, buồn thương. Nơi bến cũ, hồ xưa, “nước còn cau mặt” với mọi đổi thay, “với tang thương” cuộc đời. Lấy cái bất biến “vẫn bền gan”, “còn cau mặt” của đá và nước để làm nổi bật cái tang thương cuộc đời là một nét vẽ hoài cổ làm rung động lòng người gần hai trăm năm qua. Vẫn là những hình ảnh “cảnh đấy, người đây” nhưng là một sự hòa nhập trọn vẹn, tâm sự buồn khiến cho nữ sĩ nhìn vào cảnh vật thì cảnh vật cũng nhuốm màu tiêu sơ của tâm trạng. Nhưng dù thất vọng trước thực tại, cô đơn với nỗi niềm riêng, thơ Bà Huyện Thanh Quan không bao giờ có nỗi buồn tuyệt vọng hay nỗi đắng cay khắc nghiệt với cuộc đời. Ngay cả khi nhìn vào hý trường của xã hội phong kiến và đau lòng trước sự đổi thay của thời thế, bà vẫn một niềm yêu mến thiên nhiên đất nước và có khi còn cảm nhận được sự vững vàng “bền gan cùng tuế nguyệt” của thiên nhiên. Sự biến thiên, sự đổi dời của thiên nhiên, xã hội, như một quy luật khắc nghiệt, cứ vận hành mà con người không có cách gì ngăn giữ được. Sự biến thiên đó nhiều khi có sức tàn phá thật dữ dội, khiến cho những ai có lòng nhân ái, có trái tim dễ rung cảm phải nuối tiếc xót xa.

Đọc thơ Thanh Quan, nhiều người thắc mắc, sao thi nhân đang sống trên đất nước mình mà lại luôn luôn nói về cố quốc (Chạnh niềm cố quốc nghĩ mà đau), luôn nhớ nước (Nhớ nước đau lòng con quốc quốc). Đó chính là sự “hoài cổ” được thể hiện trong thơ. Tác giả luôn hướng đến những gì tốt đẹp nhất, vàng son nhất một thời của đất nước và của thành Thăng Long - quê hương bà mà giờ đây không còn. Có thể do chiến tranh không còn nữa, hay do xã hội thay đổi mà không giữ được giá trị văn hiến của nó. Nhà nghiên cứu Lã Nhâm Thìn cho rằng: “Ở giai đoạn cuối của văn học trung đại Việt Nam thì sự xuất hiện gương mặt hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan là hợp lý, hợp quy luật. Bởi lẽ vào thời điểm tiễn đưa một triều đại vàng son đã từng vang bóng trở thành quá khứ thì nỗi niềm bâng khuâng nuối tiếc càng sâu sắc cũng là lẽ tự nhiên. Chính ở giai đoạn cuối thời trung đại, tiếng nói hoài cổ càng có sức tỏa lan, vang vọng bởi độ dài của thời gian lịch sử, bởi độ rộng của không gian quá vãng. Tất cả đã hội tụ lại trong tiếng thơ Thanh Quan” (3). Chính vì thế, bên cạnh cái nhìn lạc quan tươi sáng về địa danh lịch sử, vẫn có sự xen lẫn chất “hoài cổ” cố hữu trong những tác phẩm mang chủ đề “cảnh cũ người xưa” mà ta thường gặp trong thơ nho sĩ vào những giai đoạn suy tàn của chế độ phong kiến TK XIX.

Với những tậm sự u hoài rõ nét được thể hiện trong thơ, rõ ràng trong hầu hết sáng tác của Bà Huyện đều hiện lên một nữ sĩ rất cô đơn, một mình. Và nếu để ý, ta thấy các bài thơ của bà đều kết thúc với một mảnh tình: “Cảnh đấy người đây luống đoạn trường” (Thăng Long thành hoài cổ), “Một mảnh tình riêng ta với ta” (Qua Đèo Ngang), “Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn” (Trời hôm nhớ nhà), “Thấy cảnh ai mà chẳng thẫn thờ” (Đi đò buổi chiều), “Người xưa cảnh cũ nào đâu tá / Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu” (Qua chùa Trấn Bắc). Điều này thể hiện tâm sự gì, nỗi niềm gì của nhà thơ trong cuộc đời của mình. Mặc dù ở hai bài Thăng Long thành hoài cổQua chùa Trấn Bắc, ý nghĩa xã hội, hoài cảm về sự hưng vong khá rõ. Tuy nhiên, vẫn có thể nghĩ rằng nữ sĩ Thanh Quan từ bi kịch cá nhân mình có thể liên tưởng sâu rộng đến những vấn đề căn bản, chung nhất của cuộc đời trần tục. Những người vợ trong xã hội phong kiến xưa vốn rất ít lời, tâm tư của họ chắc cũng bộn bề yêu thương, những lo âu, những nhớ nhung khi người chồng đi xa lâu ngày. Song, xã hội nam quyền và văn hóa thanh giáo chi phối, họ thường nén những tâm sự đó tận đáy lòng. Ta tưởng chừng Bà Huyện như là một người đa cảm, đa sầu, một tâm hồn dễ rung động trước ngoại cảnh. Nhưng thật ra, nỗi buồn của nữ sĩ rất nhẹ nhàng, kín đáo bởi ảnh hưởng nếp sống cổ kính của đạo lý Khổng Mạnh.

Vốn là một trang nữ lưu tài sắc, Bà huyện Thanh Quan, cũng như hầu hết các thi nhân kim cổ có một nguồn tình cảm dạt dào, một tấm lòng tha thiết với gia đình. Phải chăng những ngày xa nhà khi vào nhận chức Cung trung giáo tập ở kinh thành Huế đã tạo trong bà nỗi buồn cô độc, phải chăng ông Lưu Nguyên Ôn mặc dù là chồng bà nhưng không thể là một người chồng tri kỷ, phải chăng những ngày ông Lưu Ôn đi làm quan xa nhà đã làm cho bà có biết bao nhiêu nỗi niềm, hay do ông sớm qua đời mà cảnh góa bụa đã khiến cho bà đơn côi và luôn luôn nhớ về một quá khứ không bao giờ trở lại. Trên con đường từ đất Bắc vào kinh đô Huế qua bao gian nan, một mình phải vượt suối, trèo đèo, bà đã có dịp để lòng mình sống với hiu quạnh cô đơn. Có thể Bà Huyện cũng muốn gửi gắm tâm sự thầm kín của mình, nhưng không bộc bạch một cách mạnh mẽ như Hồ Xuân Hương.

Qua một số sáng tác của Bà Huyện Thanh Quan, ta thấy thiên nhiên trong thơ bà vừa là thiên nhiên cụ thể, vừa là thiên nhiên quan hệ như ở Đường thi, vừa là thiên nhiên khách thể, vừa là thiên nhiên chủ thể. Đọc thơ bà có thể bắt gặp hàng loạt những địa danh, thắng cảnh của thiên nhiên đất nước Việt Nam như Đèo Ngang, thành Thăng Long, chùa Trấn Bắc, đài Khán Xuân, chùa Trấn Vũ... Đồng thời, thiên nhiên trong thơ Thanh Quan không phải không có sự vận động, thay đổi. Thiên nhiên dường như thiên về tính chất trữ tình - cá nhân và trữ tình - thế sự. Phong cảnh trong thơ là những đường nét mênh mông, mơ hồ, màu sắc rộng rãi nhưng mờ nhạt, âm thanh u hoài và xa vắng. Thơ Bà Huyện còn là những bức tranh mang tâm trạng buồn của thời gian như cảnh chiều tà, cảnh hoang vu, cảnh điêu tàn, cảnh thu... Trong thơ dường như tác giả cô độc ở hiện tại có lẽ bởisự không thích hợp và đôi khi muốn trốn tránh nó, thoát ra khỏi nó. Trước mắt nhà thơ hầu như chỉ có: hồn thu thảo, bóng tịch dương, bóng xế tà, viễn phố, cô thôn. Những hình ảnh, âm thanh đó tạo nên những ấn tượng buồn sầu, tàn tạ.

Bà Huyện Thanh Quan là nhà thơ của những cảm giác, một thứ cảm giác thuần túy rất đỗi phụ nữ. Sự thâm nhập dung hòa của hai yếu tố tình và cảnh trong thơ tạo nên những kích động sâu xa cho người đọc, nhìn cảnh qua tấm lòng bi thương, điêu tàn ủ rũ càng làm cho tình thêm đau xót. Bằng cách diễn tả thâm trầm, điềm đạm, bằng những lời lẽ thanh tao, đài các, Bà Huyện đã đưa vào thơ được cái hồn, cái chất riêng của mình. Bà mượn thơ để ký thác nỗi niềm hoài thương, hoài cổ, hoài quốc của mình trong tâm trạng cô đơn trước thời cuộc, luôn cảm thấy lẻ loi quạnh quẽ trước thiên nhiên và bất lực trước lẽ vô thường, vô ngã của định mệnh. Với chưa đầy mười bài thơ còn để lại, Bà Huyện Thanh Quan có một vị trí xứng đáng trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam. Nhờ có bà mà tâm hồn dân tộc được biểu hiện một cách truyệt vời trong một phong cách Đường thi mẫu mực, chải chuốt nhưng không sáo mòn, công thức. Nhờ có bà mà thơ Nôm Đường luật thời kỳ này trở lên phong phú, đa dạng.

_______________

1. Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, văn học lịch triều: Việt văn, tập 3, Nxb Quốc học tùng thư, 1961, tr.293.

2, 3. Nguyễn Đăng Na (chủ biên), Văn học trung đại Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2013, tr.223, 221.

Tài liệu tham khảo

1. Đỗ Thị Hảo (Chủ biên), Các nữ tác giả Hán Nôm Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010.

Ths NGUYỄN VĂN TUẤN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 527, tháng 3-2023

;