Sự gắn kết giữa kiến trúc và trang trí cổ điển kiểu Tây phương với truyền thống Á Đông ở ngôi nhà mộ học giả Trương Vĩnh Ký

Người Pháp khởi đầu việc xâm chiếm vùng Nam Kỳ của Việt Nam kể từ năm 1859. Song song với việc dần đặt ra bộ máy hành chính quản trị cho vùng nhượng địa là việc hình thành và xây dựng cơ sở hạ tầng cho các hoạt động kinh tế xã hội, văn hóa. Kiến trúc và quy hoạch kiểu Pháp đã tạo ra những bộ mặt đô thị mới, nhưng truyền thống Á Đông vốn dĩ vẫn luôn bền bỉ. Minh họa cho sự gắn kết giữa kiểu tthức Á Đông và Tây phương trong trang trí mỹ thuật vùng Đông Nam Bộ đầu TK XX bằng việc phân tích mô hình kiến trúc một ngôi nhà mộ tuy nhỏ nhưng liên hệ tới nhân cách lớn: học giả Trương Vĩnh Ký (1837-1898), chúng tôi hy vọng sẽ góp phần nhận định về giá trị lịch sử - văn hóa nghệ thuật của công trình này cũng như qua đó nêu vài giả thuyết xác tín hơn khi đánh giá về hành trạng của danh nhân.

Một khái lược về Trương Vĩnh Ký

Trương Vĩnh Ký, thường gọi là Petrus Ký (1) được sinh ra và lớn lên rồi trưởng thành trong giai đoạn giao thời của lịch sử đất nước với nhiều sự kiện đan xen, sau khi các giáo sĩ phương Tây và người Pháp đặt chân đến Nam Kỳ. Do cha mất sớm nên mẹ đã gửi ông theo học với các linh mục, từ năm 9 tuổi, ban đầu ở Cái Nhum, Vĩnh Long rồi sang đến các trường dòng - chủng viện ở Pinhalu (Cao Miên, nay là Campuchia), Penang (Malaysia) (2). Ông về lại Việt Nam năm 1858, khi hay tin mẹ qua đời. Am hiểu nhiều ngoại ngữ, nhưng không định vị mình như một học giả nghiên cứu Ki-tô giáo, ông Trương Vĩnh Ký trước tiên vẫn là một người Việt Nam luôn mang khát vọng được cống hiến những hiểu biết của mình về văn hóa để nâng cao dân trí và các giá trị dân tộc, trong xu thế đối thoại với văn minh phương Tây.

Lịch sử ghi nhận ông là một trong những người sáng lập tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên, Gia Định báo, năm 1865 và chính thức điều hành năm 1869. Dù có rất nhiều tranh luận về hành trạng của ông, không thể phủ nhận giá trị của những trước tác Trương Vĩnh Ký để lại, cho thấy học vấn uyên bác và những nỗ lực để truyền bá tri thức (3). Người Pháp đã từng lấy tên ông đặt cho một trường học, trường Petrus Ký, nay là trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). Hiện có một trục đường chính của quận Tân Phú (TP.HCM) được mang tên Trương Vĩnh Ký.

Kiến trúc và trang trí của khu nhà mộ - mấy nét chính

Khu nhà mộ Trương Vĩnh Ký được xây dựng năm 1928, sau khi ông qua đời 30 năm, nhờ tiền quyên góp của Hội Giáo dục Tương tế Nam Kỳ cùng nhà lưu niệm ông được xây dựng năm 1937 (4). Toàn bộ khuôn viên có tổng diện tích 1.741m2 , hiện thuộc số nhà 520, trên đường Trần Hưng Đạo (Quận 5), góc giao giữa hai con đường đông đúc và sầm uất của một trong những khu vực trung tâm Sài Gòn - Chợ Lớn: đường Trần Hưng Đạo và đường Trần Bình Trọng.

Lối vào chính của khu di tích là tam quan phía đường Trần Hưng Đạo (hướng Nam - Đông Nam). Cổng phụ ở phía đường Trần Bình Trọng. Tam quan tuy là cổng chính khuôn viên nhưng trục lối vào này chỉ đồng thời là trục phụ ngang của nhà mộ (với hai cửa ở hai phía đối nhau). Trục dọc chính và cửa chính của nhà mộ hướng ra cổng phụ (tức hướng Tây - Tây Nam). Phần chủ yếu của tòa nhà mộ được thiết kế theo hình bát giác, có bốn cạnh chính tương ứng vuông góc với hai trục của tòa nhà. Mộ ông Trương Vĩnh Ký nằm ở ngay vị trí trung tâm của giao cắt hình chữ thập của hai hướng tòa nhà, chìm trong phần nền nhà bằng phẳng, với phiến đá khắc tên và ngày mất của ông. Sát bên mộ ông là mộ bà (nhũ danh Vương Thị Thọ, qua đời năm 1907) nằm phía phải nếu nhìn từ trong ra cửa chính của nhà mộ. Phía trái mộ ông là mộ người con trai trưởng, ông Trương Vĩnh Thế. Phần nhà mộ phía sau được kéo dài sâu như kiểu hậu điện, nơi có bệ thờ và đặt bàn thờ.

Kiến trúc nhà mộ này có mặt bằng dạng chữ thập, hàm chứa biểu tượng Ki-tô giáo, được cấu trúc tương đồng và thu nhỏ hơn nếu so sánh với mặt bằng nhà nguyện được thiết kế và xây dựng ở những nước có truyền thống theo tôn giáo này, ví dụ như nhà nguyện Santa Maria Scala Coeli (Rome, thủ đô Italia), thiết kế bởi Giaccomo della Porta (1532-1602), xây dựng ở nơi theo tương truyền, Thánh Phao-lô từng bị giam giữ và hành quyết.

Ngoài mặt bằng kiến trúc, trang trí phần tường nhà mộ cũng mang dáng dấp kiểu cổ điển châu Âu. Phần trên của ba ô cửa nhà mộ đều là dạng vòm cuốn có tô vữa hình khóa vòm, mũ cột (entablature) với diềm trang trí đắp nổi các dòng chữ Latin, và trán tường mang phù điêu hoa văn. Các môtip theo kiểu kiến trúc Pháp TK XVIII - XIX (Tân Cổ điển) gồm gờ chỉ trang trí chân cột và đầu cột cùng đỉnh tường; cột và tường được tô vữa kiểu xẻ rãnh phân vị ngang, có hình tượng thiên sứ thổi loa hay lá dương xỉ... Nhưng điểm đặc sắc gợi rõ nét truyền thống Á Đông là hai bên của ba ô cửa đều có đắp nổi những câu đối chữ Nho, gồm ba cặp.

Thay cho kiểu mái vòm vữa bê tông như trong các mô hình kiến trúc kiểu Âu quy mô tương đồng là hệ mái chóp lợp ngói kiểu vảy cá. Sống mái được trang trí bằng vữa đổ khuôn hình hoa dây long hóa, tức lấy lại kiểu trang trí phổ biến hình rồng Á Đông. Vì học giả Trương Vĩnh Ký xuất thân là tu sĩ Ki-tô giáo nên có các tạo hình thánh giá trên đỉnh nóc nhà mộ.

Trang trí đặc biệt - văn tự trên các ô cửa

Ngoài quan tâm về kiến trúc và trang trí mỹ thuật, chúng tôi lưu ý đến cách hiểu về nội dung những văn tự đắp nổi bằng hồ vữa trên trán tường và hai bên các cửa vào nhà mộ. Bên cạnh nghĩa văn bản, các văn tự đắp nổi này chính là thư pháp tạo hình, rất hài hòa trong tổng thể công trình. Theo quan niệm Á Đông, thư pháp cũng là họa, mang nhiều giá trị mỹ thuật, cần được đề cập thấu đáo. Truyền thống thờ tự tổ tiên của người Việt hay có kèm những hoành phi, liễn đối mang lời hay ý đẹp. Ngôi nhà mộ học giả Trương Vĩnh Ký tuy theo kiến trúc kiểu Pháp nhưng vẫn bảo lưu yếu tố truyền thống này. Ý nghĩa quan trọng của các văn tự là ở chỗ nó thể hiện một cách hiểu về tâm thế của Trương Vĩnh Ký cũng như đánh giá của lớp hậu thế dành cho ông (chúng tôi nhấn mạnh ý này - TG) khi xây dựng ngôi nhà mộ. Điều đặc biệt là, văn tự ở nhà mộ Trương Vĩnh Ký có hai định dạng: chữ Latin và chữ Hán, như một biểu tỏ của hậu thế về nhân tâm cân bằng của một học giả người Việt giữa hai thế giới văn hóa Đông và Tây.

Văn tự ở cửa chính của nhà mộ

Trên trán tường có đắp nổi các dòng chữ Latin: FONS VITAE ERUDITIO POSSIDENTIS PROV. Ch. XVI (ba ký tự cuối có kích thước nhỏ hơn, biểu thị nguồn trích dẫn - TG). Nguyên văn câu này từ Sách Châm-ngôn trong Kinh Thánh, chương 16 đoạn 22 (Proverb 16:22), bản tiếng Latin (5) và phần dịch là: Fons vitae eruditio possidentis doctrina stultorum fatuitas/ Người có được thông sáng, tức có được nguồn sự sống; Nhưng sự điên dại của kẻ ngu muội, ấy là sự sửa phạt của nó (6).

Câu đối ở hai bên cửa phía dưới (đọc từ trên xuống dưới, từ phải sang trái): 文章囬地軸 - 氣魄貫天堂/ Văn chương hồi địa trục - Khí phách quán thiên đường (tạm dịch: Văn chương ở lại nơi trần thế - Khí phách lan xa chốn thiên đường) (7).

Trong bộ câu đối này, chữ phách (魄) được đắp không hoàn toàn khớp với mặt chữ ghi trong bài viết nhưng chúng tôi thiển nghĩ, không thể đọc là chữ nào khác. Các tư liệu chúng tôi tham khảo đều khá thống nhất về cách đọc và hiểu nghĩa của câu đối này.

Bốn chữ Nho ở phần tường phía trên cung vòm cửa (đọc từ phải sang trái): 天景逍遙/ Thiên cảnh tiêu dao (tạm dịch: Dạo chơi nơi cảnh trời).

Văn tự ở cửa bên thứ nhất (hướng Nam)

Trên trán tường có đắp nổi các dòng chữ Latin: MISEREMINI MEI SALTEM VOS AMICI MEI. Giống như văn tự Latin trên cửa chính phía đường Trần Bình Trọng, nguyên văn câu này cũng được trích trong Kinh Thánh và phần trích đoạn dùng để ghi ở đây được dịch là: Hỡi các bằng hữu tôi, hãy thương xót tôi (8).

Câu đối ở hai bên cửa phía dưới (đọc từ trên xuống dưới, từ phải sang trái), theo chúng tôi hiểu là: 留皮闻譽存天地 - 委蜕精神在子孫/ Lưu bì văn dự tồn thiên địa - Ủy thuế tinh thần tại tử tôn (tạm dịch: Lưu lại tiếng khen cùng trời đất - Gửi gắm tinh thần chỗ cháu con).

 

Cũng như ở hàng câu đối nơi cửa chính, chữ Nho tại đây có vài điểm dị biệt mà chúng tôi tin rằng, nguyên do là bởi các tu sửa về sau này. Ví dụ, chữ lưu () được viết lối dị thể ít gặp. “Viết” ở đây hiểu là tô vữa, hay nguyên thủy có lẽ dùng một kỹ thuật tạo hình bằng cách nạo: tô lần thứ hai lên tường một lớp vữa mỏng, sao hình chữ vào đó, rồi nạo bỏ phần vữa thừa để chừa lại hình chữ. Chữ địa (地) hay chữ tôn (孫) cũng có chút xô lệch về nét. Nhưng trong ngữ cảnh này và xét đặc điểm câu đối, khó có thể hiểu đó sẽ là hai chữ nào khác. Ngoài ra, để ý rằng, chữ văn (闻) viết lối giản thể nhưng chữ kế tiếp mà chúng tôi tin là dự (譽) thì được đắp không hẳn ra giản thể hay phồn thể. Một số nét tô đắp thành ra lối viết thảo thư, như chữ (皮) ở cửa này, hay chữ văn (文) ở cửa chính.

Thành ngữ Trung Hoa xưa có câu: Báo tử lưu bì, nhân tử lưu danh (Báo chết để da, người chết để tiếng), muốn nói rằng con người, khi sống, cần làm được điều gì có ích cho đời sau để danh tiếng lưu truyền hậu thế. Như vậy, chúng ta nên hiểu hàm ý của chữ Lưu bì mở đầu câu đối trên cửa nhà mộ là nhằm nhắc lại lần nữa sự đánh giá công trạng và danh tiếng của học giả Trương Vĩnh Ký. Vế bên kia đối bằng chữ Ủy thuế có nghĩa tương đương là vũ hóa (羽化)/ thoát xác bay lên tiên, tức (mọc cánh) hóa thành tiên sau khi chết. Câu đối ở cửa phụ này như vậy đồng thời cũng có liên hệ ngữ nghĩa phần nào với câu đối ở cửa chính nhà mộ. Chúng tôi đã tạm dịch gọn như viết ở trên, và đến đây xin giải thích rõ thêm để có thể hiểu ý tứ câu đối một cách tường tận hơn.

Văn tự ở cửa bên thứ hai (hướng Bắc)

Cửa bên này hướng về phía Tu viện dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, ở vị trí lân cận. Trán tường có đắp nổi các dòng chữ La-tinh như sau: OMNIS QUI VIVIT ET CREDIT IN ME NON MORIETUR IN AETERNUM EV. S. JEAN (ba ký tự cuối có kích thước nhỏ hơn, biểu thị nguồn trích dẫn - TG). Nguyên văn câu này cũng được trích từ trong Kinh Thánh, phần chữ (trích đoạn) trên được dịch là: Ai sống mà tin ta thì không hề chết (9).

Nguyên thủy bộ câu đối ở hai bên cửa phía dưới (đọc từ trên xuống dưới, từ phải sang trái), theo chúng tôi hiểu, có lẽ phải như sau:

詩骨已隨輪殫化 - 文魂不為物星移/ Thi cốt dĩ tùy luân đàn hóa - Văn hồn bất vị vật tinh di (tạm dịch: Cốt cách thơ mặc cho luân (hồi) biến đổi - Hồn vía văn không kể vật (đổi) sao dời).

 

Như đã nói, do quá trình chỉnh trang về sau này, một số nét chữ Nho có lẽ đã bị sai lạc so với nguyên gốc mà sai lạc ở phần cửa này là nhiều hơn cả. Ví dụ, chữ đầu tiên (mà chúng tôi giả định rằng) là chữ Thi trong Thi cốt 詩骨 - cốt cách thơ, để đối với bên kia là chữ Văn trong Văn hồn 文魂 - hồn vía văn, thì hiện trạng trên cửa là hình chữ như một lối viết của chữ thọ - tuổi thọ, như vậy, đọc và nghĩa ghép vào câu không phù hợp với nội dung quán xuyến và tinh thần như ở các bộ chữ trên những ô cửa khác.

Cũng lại có thành ngữ Vật hoán tinh di/ Vật đổi sao dời, ý nói thế gian mọi sự đổi thay. Vương Bột (649-675), thi sĩ nổi danh đầu thời Đường, trong bài thơ Đằng Vương các, có câu: Nhàn vân đàm ảnh nhật du du - Vật hoán tinh di kỷ độ thu (tạm dịch nghĩa là: Mây lững lờ ngày ngày vẫn in bóng trên đầm - Vật đổi sao dời trải đã bao thu) (10). Đời sau, nhiều Nho sĩ vẫn nhắc lại ý tứ này trong thơ văn. Như thế, suy ra chữ cuối cùng trong câu đối trên cửa nhà mộ ắt xưa đã viết là chữ di (移) chứ không phải hình chữ với nét bị xô lệch như ta thấy ở hiện trạng ngày nay.

Nhiều bài viết giới thiệu về công trình nhà mộ và nhà lưu niệm Trương Vĩnh Ký thường nhắc đến câu đối đầu tiên ở cửa chính nhà mộ. Câu đối thứ hai rất ít khi được phiên âm rõ chứ chưa nói việc cần có giải thích ngữ nghĩa cặn kẽ. Trong khảo sát hạn hẹp của mình, chúng tôi chưa gặp tài liệu nào giải thích hay thậm chí chỉ giả thuyết cho ngữ nghĩa của câu đối thứ ba. Vì vậy, tuy không phải là những người làm việc trong chuyên ngành ngữ văn, chúng tôi vẫn mạnh dạn đề xuất những cách đọc hiểu như trên và hy vọng các bậc thức giả sẽ cho nhận xét góp ý để thông tin được bổ túc và hiệu chỉnh.

Thay lời kết

Một số thông tin báo chí viết rằng ông Trương Vĩnh Ký đã tự thiết kế nhà mộ này cho mình, coi sóc việc xây dựng nó... Chúng tôi căn cứ vào tư liệu chung Việt - Pháp (11) khi chép rằng, nhà mộ xây dựng năm 1928, dù thân nhân của ông Trương Vĩnh Ký hiện thời (đại diện là ông Trương Minh Đạt, cháu nội của người con út Trương Vĩnh Ký) không xác thực được mốc thời gian này. Khi hiểu nghĩa các câu đối, chúng tôi tin rằng với nhân cách khiêm nhường kiểu Nho sĩ, theo như nhiều câu thơ ông tự sự lúc sinh thời, học giả Trương Vĩnh Ký khó mà chuẩn bị sẵn những câu đối như thế dành cho chính mình. Thực tế cuối đời, ông đau ốm, cuộc sống lại không khá giả vì phải trang trải rất nhiều chi phí cho công việc xuất bản. Theo sách của cụ Đặng Thúc Liêng, in năm 1927 (12), viết về hành trạng của Trương Vĩnh Ký, ngôn từ cử chỉ của học giả này luôn trọng về phần đạo đức. Ông Trương Vĩnh Ký không mặc Âu phục, không nhập tịch Pháp dù làm việc cho chính phủ Pháp... Sách vốn được ông Nguyễn Hữu Nhiêu, con rể của Trương Vĩnh Ký đóng góp tư liệu, đã không hề có dòng nào mô tả về ngôi nhà mộ cùng các văn tự mang nhiều ý nghĩa trên đó, dù lại chép nhiều lời ai điếu ông Trương Vĩnh Ký với văn phong trau chuốt và giản dị.

Như thế, có thể hiểu rằng, các câu đối chữ Nho ca ngợi cũng như chữ Latin cảm thán về học giả Trương Vĩnh Ký được tô vữa trên tường nhà mộ, hài hòa với tổng thể kiến trúc, chắc hẳn phải cùng chung thiết kế và năm xây dựng với ngôi nhà mộ, được thi công muộn hơn thời điểm năm 1927, bởi thế hệ sau muốn tôn vinh ông.

Mặc dù quy mô khiêm nhường, ngôi nhà mộ học giả Trương Vĩnh Ký vẫn cho thấy ảnh hưởng điển hình của môtip trang trí kiểu Tây phương vào kiến trúc của người Việt. Quá trình này cũng tương đương như ảnh hưởng lối xây dựng kiểu Pháp vào kiến trúc tôn giáo cổ truyền; ví dụ như ở ngôi chùa Phật giáo vùng Đông Nam bộ, khi được chỉnh trang trong giai đoạn cuối TK XIX đầu TK XX đều có thêm “lớp áo” là cột và vòm hay lan can xây tô kiểu Pháp ngoài hệ khung gỗ truyền thống, có khi tạo thành phần hành lang giống verandah quanh công trình. Chùa Giác Lâm cùng Giác Viên hay chùa Phước Tường ở TP.HCM, chùa Hội Khánh ở Bình Dương v.v... đều có một vài đặc điểm kiểu này. Chúng tôi hy vọng có các khảo cứu tiếp theo sâu sắc hơn về chủ đề pha hòa kiến trúc theo kiểu Tây phương và truyền thống Á Đông ở Nam Bộ trong thời kỳ giao thoa văn hóa cuối TK XIX đầu TK XX đặc biệt này.

Khu mộ học giả Trương Vĩnh Ký đã được UBND TP.HCM đưa vào danh mục kiểm kê di tích giai đoạn 2016-2020 (13).

_____________________

1. Tên này được đặt theo tên thánh Jean Baptiste Petrus, ông có tên hiệu là Sĩ Tải (士載).

2, 12. Đinh Xuân Lâm, Để đi tới một đánh giá thỏa đáng về Trương Vĩnh Ký, Tạp chí Xưa & Nay, số 480, tháng 2 - 2017, tr.11-15; Đặng Thúc Liêng, Trương Vĩnh Ký hành trạng, nhà in Xưa - Nay, Sài Gòn, 1927, bản pdf sách này hiện có tại: gallica.bnf.fr / BnF.

3. Một số tác phẩm của ông, được xuất bản lúc sinh thời và sau khi mất: Cours pratique de langue Annamite (Các bài thực hành tiếng Việt, 1868), Mẹo luật dạy học tiếng Pha-lang-sa (1872), Kim Vân Kiều truyện (phiên âm chữ quốc ngữ lần đầu tiên và chú giải) (1875), Cours d’histoire Annamite à l’usage des Écoles de la Basse-Cochinchine (Các bài học lịch sử Việt Nam tại trường phổ thông ở Nam Kỳ lục tỉnh, 1875), Petit cours de géographie de la Basse-Cochinchine (Các bài học nhỏ về địa lý Nam Kỳ lục tỉnh, 1875), Gia Định thất thủ vịnh (chép ra chữ quốc ngữ và dẫn giải) (1882), Les convenances et les civilités Annamites (Phép lịch sự Annam, 1883), Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs: Conférence faite au Collège des Interprètes (Ký ức lịch sử của Sài Gòn và vùng phụ cận: hội thảo tại Trường Thông ngôn, 1885), Lục súc (1887), Ước lược truyện tích nước Annam (1887), Lục Vân Tiên truyện (phiên âm chữ quốc ngữ) (1889), Petit dictionnaire Français- Annamite (Tiểu từ điển Pháp - Việt, 1920), Abrégé de grammaire Annamite (Sách mẹo Annam, 1924), Minh tâm bửu giám (dịch và chú giải chữ quốc ngữ) (1924). Nguồn: Danh mục tác phẩm của Trương Vĩnh Ký có thể thấy tại website của Thư viện Quốc gia Pháp, nguồn: https://data.bnf.fr/fr/12397167/jean_baptiste_petrus_vinh_ky_truong/ và các bản chụp được lưu tại http://archive.org.

4, 11. Lê Quang Ninh (chủ biên), Saigon - Trois Siècles de Développement Urbain - Ba thế kỷ phát triển và xây dựng, sách song ngữ Việt - Pháp, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 1998.

5. bibleglot.com.

6, 8, 9. Đối chiếu với bản Việt ngữ Kinh Thánh, Cựu ước và Tân ước, Thánh kinh Hội tại Việt Nam, Sài Gòn, 1970.

7. Phần dịch Hán văn đã có sự cộng tác của ông Phan Hồ Huy Giang, chúng tôi xin được gửi lời cảm ơn trân trọng nhất.

10. thivien.net.

13. svhtt.hochiminhcity.gov.vn.

Tác giả: Ths Hà Việt Hùng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 467, tháng 7-2021

 

 

 

;