Phê bình nữ quyền – cơ sở hình thành và quá trình phát triển

1. Khái niệm

Nhìn nhận một cách khách quan về chủ nghĩa nữ quyền, các nhà xã hội học cho rằng “chủ nghĩa nữ quyền là suy nghĩ về sự bình đẳng của hai phái trong xã hội và sự phản đối có tổ chức đối với chế độ gia trưởng và phân biệt đối xử giống phái” (1). Nói cách khác, thuyết nữ quyền chính là “hệ thống các quan điểm về tình trạng của người phụ nữ. Hệ thống này bao gồm sự mô tả, phân tích và lý giải nguyên nhân cũng như hậu quả của tình trạng áp bức phụ nữ và đưa ra những chiến lược giải phóng phụ nữ. Có thể nói rằng, thuyết nữ quyền là hệ tư tưởng giải phóng phụ nữ, là chủ nghĩa nam nữ bình quyền” (2). Chủ nghĩa nữ quyền xuất hiện, dần khẳng định lại vị trí và thiết lập quan điểm mới về cách nhìn nhận người phụ nữ. Thuyết nữ quyền thể hiện tinh thần phủ định việc đóng đinh người phụ nữ với những quan niệm lỗi thời trong xã hội, dần tái thiết lập vai trò quan trọng từng bị che khuất hoặc giấu đi của người phụ nữ.

Thuyết nữ quyền bước đầu xuất hiện ở các nước như Pháp, Anh và Mỹ vào những năm đầu TK XX. Sau đó, thuyết này đã lan rộng ảnh hưởng, giành được những thắng lợi ở nhiều nơi trên thế giới.

Thuyết nữ quyền gắn quyền lợi và mục đích của mình với các cuộc đấu tranh trong từng hoàn cảnh khác nhau nên diễn biến và trạng thái của chủ nghĩa nữ quyền ở các nước cũng không hoàn toàn giống nhau. Nó thường mang những đặc điểm khác biệt, tương ứng với môi trường mà nó nảy sinh, phát triển. Điều đó làm cho thuyết nữ quyền trở nên phong phú, đa dạng, phát triển theo nhiều nhánh khác nhau với những quan điểm, phương pháp và mục đích khác nhau như: nữ quyền tự do, nữ quyền xã hội chủ nghĩa, nữ quyền cấp tiến, nữ quyền phân tâm học, nữ quyền hiện sinh, nữ quyền hậu hiện đại, nữ quyền hậu thực dân, nữ quyền thiểu số…

Tóm lại, thuyết nữ quyền là một trong những hệ thống lý thuyết lấy vị trí, vai trò, quyền lợi của người phụ nữ trong xã hội làm trọng tâm nghiên cứu.

2. Cơ sở hình thành

Thuyết nữ quyền được hình thành trong bối cảnh những nghiên cứu về giới đã đưa đến những kết quả làm thay đổi nhận thức cũng như quan niệm về giới trên nhiều phương diện. Cùng với đó, thuyết nữ quyền cũng chính là sự hệ thống hóa lý thuyết dựa trên nền tảng là những tư tưởng nữ quyền và các cao trào đấu tranh chính trị xã hội nhằm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Trong lịch sử phát triển, con người luôn tìm cách giải thích về sự khác biệt trên phương diện sinh học giữa người nam và người nữ. Trước hết, địa vị của người phụ nữ được nhào nặn trong những tư tưởng tôn giáo truyền thống. Điều này được thể hiện thông qua những kiến giải của Thiên chúa giáo. Chính vì cho rằng đàn bà được sinh ra từ chiếc xương sườn của người đàn ông nên trong lịch sử, đã hình thành quan niệm cho rằng đàn bà chỉ là một phần phụ, là kẻ yếu, kẻ lệ thuộc, phải phục tùng đàn ông. Và cũng vì thế mà qua thời gian đã hình thành nên quan niệm về một phái mạnh (đại diện là nam giới) và phái yếu (đại diện là nữ giới). Phái mạnh đã xây dựng một mô hình xã hội theo sở thích, nhu cầu, vị trí và quyền lực của mình. Xã hội đó không dung chứa tư tưởng nam nữ bình quyền.

Thời kỳ cổ đại, Aristotle quan niệm người phụ nữ chính là người đàn ông khiếm khuyết, bất toàn, bị xếp ở vị trí thấp hơn (3). Aristotle cũng chủ trương, phàm đã là phụ nữ thì thụ động, phải phục tùng và ít lời. Cùng với Aristotle, Platon quan niệm rằng, chỉ những người phụ nữ thuộc giới thượng lưu mới cần và có thể đón nhận nền giáo dục tri thức. Còn lại những người phụ nữ trung lưu và hạ lưu thì không cần học thức. Chính những quan niệm trên đã đưa đến sự hình thành hàng loạt quy định và tư tưởng bất bình đẳng trong xã hội. Những tín đồ Do Thái chỉ có thể bắt đầu một nghi lễ phụng tự khi xung quanh đã hội tụ đủ bảy người đàn ông (nếu không thì dù có hàng trăm ngàn người phụ nữ ở đó cũng không thể tiến hành được). “Khi cả gia đình đi lễ ở lễ đường, đàn ông ngồi ở hội trường lớn, còn phụ nữ thì ngồi tập trung ở một khoảng nhà thờ dành cho họ” (4). Cho đến TK XX, người phụ nữ muốn đặt chân vào thư viện của trường đại học thì cần phải có thư giới thiệu hoặc cần có người có uy tín đi kèm. Ở một nước dân chủ tiên phong như Mỹ, cũng phải đến TK XX mới áp dụng quyền bầu cử cho phụ nữ.

Quan niệm người đàn ông là cái gốc, là cái sinh ra, còn người đàn bà là cái được sinh ra đồng thời được thể hiện thông qua cấu trúc ngôn ngữ. Trong tiếng Anh, chữ man vừa mang nghĩa là đàn ông, vừa mang nghĩa là nhân loại. Nó được coi là gốc của từ woman với nghĩa là đàn bà. Chữ male (nam) là gốc, còn chữ phái sinh là female (nữ); Mr (ông) là gốc, chữ phái sinh là Mrs (bà).

Cũng như phương Tây, người phụ nữ trong các chế độ xã hội ở phương Đông cũng mang thân phận không kém phần tủi nhục. “Địa vị người phụ nữ ở Đông phương từ xưa cho đến lúc tiếp xúc với Tây phương hoàn toàn lệ thuộc vào nam giới” (5). Sự khác biệt giữa nam và nữ được thể hiện trong những tư tưởng của Khổng giáo. Người phụ nữ luôn phải sống trong vòng cương tỏa, bị giới hạn, khép kín trong cánh cửa gia đình (khuê môn bất xuất), bị kìm kẹp bởi những nguyên tắc tam tòng, tứ đức (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử; công, dung, ngôn, hạnh,... Tư tưởng Nho giáo còn quan niệm rằng, phụ nữ là kẻ ngu dốt, khó dạy bảo (nữ nhân nan hóa). Chính vì thế, phàm là phụ nữ thì không được đi học, không được tham gia khoa cử cũng như chính sự (6).

Cùng với những nghiên cứu về cơ thể người nam và người nữ trên phương diện sinh học, những thành tựu nghiên cứu từ ngành sinh vật và giải phẫu học cũng đã đưa đến những kết quả nghiên cứu khoa học về sự khác biệt giữa người nam và người nữ. Các nhà giải phẫu học đã chứng minh rằng, sự khác biệt trên phương diện sinh học giữa người nam và nữ được thể hiện ở cơ quan sinh dục và não. Theo kết quả nghiên cứu về sự khác biệt trong não bộ giữa người nam và người nữ của một nhóm các nhà khoa học Mỹ, vùng amygdala (vùng hạch hạnh nhân) của người nữ nằm ở bán cầu não trái thường hoạt động mạnh, liên kết nhiều hơn với các vùng thùy não trước và vùng não điều khiển thân nhiệt, thực hiện chức năng điều chỉnh các yếu tố bên trong cơ thể và gắn liền với linh cảm, cảm xúc. Trong khi đó, vùng amygdala của người nam nằm ở bán cầu não phải lại hoạt động tích cực, liên hệ với vùng vỏ não thị giác thực hiện việc tiếp nhận và phản ứng với môi trường bên ngoài. Nhà tâm lý học người Đức Mark George đã chứng minh được rằng: “Cùng một sự kiện tác động đến trạng thái tình cảm, những thần kinh tạo cảm giác phiền muộn ở nữ có diện tích lan tỏa gấp 8 lần so với nam giới” (7). Điều này giải thích vì sao phụ nữ thường nhạy cảm, đa sầu, đa cảm hơn so với nam giới. Do đó, phụ nữ thích hợp hơn với các lĩnh vực thuộc khoa học xã hội như văn học, ngôn ngữ, văn hóa nghệ thuật… “Bên cạnh đó, lượng chất màu xám liên quan đến năng lực trí tuệ nam cao gấp 6,5 lần so với nữ. Điều này lý giải vì sao người nam thường trội hơn so với nữ giới trong các lĩnh vực khoa học như toán học và không gian” (8). Tuy nhiên, trong thao tác lựa chọn ngôn ngữ, cả hai bán cầu não của phụ nữ đều hoạt động mạnh nhưng ở nam giới, lại chỉ có một số thần kinh ở bán cầu não trái hoạt động. Vì thế, “người nữ sử dụng ngôn ngữ thường nhạy bén và thành thạo hơn” (9). Mặc dù những nghiên cứu về sự khác biệt sinh học giữa nam giới và nữ giới vẫn chưa đến hồi kết nhưng cho đến nay, hầu hết những thành tựu nghiên cứu của khoa học về giới đều góp phần làm sáng tỏ luận điểm rằng: sự khác biệt về sinh học không tạo nên sự khác biệt về trình độ tư duy cũng như trí tuệ của người nam và người nữ mà chỉ là cơ sở để góp phần lý giải những thiên hướng khác nhau giữa hai giới. Thuyết nữ quyền đã dựa vào nền tảng những thành tựu nghiên cứu này để lý giải đặc trưng sáng tạo của các nhà văn nữ trong đối sánh với nhà văn nam, để từ đó xác lập cách thức tiếp cận phù hợp với dòng văn học nữ.

Ngoài sự khác biệt về sinh học, thuyết nữ quyền còn được xây dựng dựa trên cơ sở sự khác biệt về tâm lý giữa nam và nữ. Đóng góp vào những thành tựu nghiên cứu này là lý thuyết phân tâm học của Freud trong việc lý giải sự hình thành của bản thể giới. Theo ông, chính quá trình hình thành bản tính nam giới đã quy định tinh thần siêu ngã mạnh mẽ của người đàn ông. Quá trình hình thành bản tính nữ giới quy định ước muốn sinh con và bản tính yếu đuối… Khoa học ngày nay đã chứng minh rằng những luận điểm của Freud có phần cực đoan và thiếu chính xác. Tuy nhiên, nó cũng đã mở ra một khuynh hướng mới trong việc tiếp nhận tác phẩm từ góc độ phân tâm học.

Ngoài ra, các nhà nữ quyền luận cũng đã dựa trên thuyết Âm Dương của Trung Hoa làm nền tảng để thiết lập tư tưởng bình đẳng giới. Thuyết Âm Dương quy định thế cân bằng, hòa hợp giữa hai yếu tố là âm và dương. Người nam đại diện cho nguyên lý dương và người nữ đại diện cho nguyên lý âm. Vì thế, theo nguyên tắc cân bằng, hòa hợp thì nam nữ phải bình đẳng, bình quyền.

Ngoài những tiền đề về sự khác biệt sinh học và tâm lý giữa nam và nữ, lý thuyết nữ quyền còn được xây dựng dựa trên sự khác biệt trên phương diện đặc trưng bản thể giới. Một cuộc điều tra xã hội học rộng lớn do J.E.Williams và Bennett khởi xướng vào cuối những năm 70 TK XX, được tiến hành trên 30 quốc gia, trong đó có Mỹ, Canada, Anh, Ấn Độ. J.E.Williams và Bennett đã lập một danh sách gồm những tính từ chỉ đặc trưng, tính chất nói chung của con người sau đó tiến hành điều tra trong sinh viên và yêu cầu họ sắp xếp những tính từ chỉ tính chất đặc trưng của phái nam và phái nữ. Kết quả đã đưa đến kết luận thống nhất: đặc trưng của nam giới là chủ động, cứng cỏi, mạnh mẽ; đặc trưng của nữ giới là đa cảm, mềm yếu. Đến những năm 90 TK XX, một cuộc điều tra xã hội học khác được tiến hành và kết quả thu lại cũng tương tự như cuộc điều tra xã hội học được tiến hành từ gần hai thập kỷ trước. Điều này cho thấy những đặc trưng cơ bản về giới là yếu tố có tính ổn định, bền vững, khó thay đổi.

Để lý giải sự hình thành bản tính con người, Simone de Beauvoir đã khẳng định: “Phong tục tập quán của xã hội không thể rút ra từ sinh học; các cá thể không bao giờ bị bỏ mặc cho bản chất của chúng, chúng tuân theo một bản chất thứ hai là tập tục, và trong bản chất thứ hai, được phản ánh những nguyện vọng và nỗi sợ hãi thể hiện thái độ bản thể luận của chúng…” (10). Như vậy nghĩa là, xã hội cùng những quy định, những chuẩn mực của xã hội trên các phương diện như phong tục, tập quán, tín ngưỡng, văn hóa…của con người đã làm nên bản tính của con người, làm nên sự khác biệt giữa nam và nữ.

3. Quá trình phát triển

Tìm về nguồn gốc của lý thuyết nữ quyền, ta có thể thấy rằng mầm mống của lý thuyết này đã xuất hiện từ TK XV. Trên thế giới có hai quan niệm về phân chia lịch sử của phong trào đấu tranh nữ quyền. Quan điểm thứ nhất cho rằng, phong trào đấu tranh này diễn ra theo hai cao trào và gắn liền với sự ra đời của hai tác phẩm kinh điển, tạo bước ngoặt trong lịch sử. Theo quan điểm này, cao trào thứ nhất ra đời khi cuộc cách mạng tư sản Pháp nổ ra năm 1789 với công trình Một biện minh cho quyền phụ nữ; cao trào thứ hai gắn với cuốn Huyền thoại nữ, năm 1963 của Betty Friedan. Quan điểm thứ hai, được nhiều nhà nghiên cứu đồng thuận hơn, cho rằng phong trào nữ quyền phát triển gồm có ba giai đoạn lớn có khởi điểm, cao trào và suy thoái. Ba cao trào này có mục đích, tính chất, tôn chỉ và hoạt động riêng.

Cao trào nữ quyền lần thứ nhất: bắt đầu từ TK XIX đến đầu TK XX, diễn ra và giành thắng lợi chủ yếu ở Anh và Mỹ. Phong trào đã khơi dậy ý thức đấu tranh của giới nữ trong các vấn đề như: tiền lương, nghỉ hưu, chế độ phụ cấp… Người phụ nữ ở hai nước này, cho tới TK XX, đã được đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử. Giai đoạn này được gọi là giai đoạn chủ nghĩa nữ quyền tự do. Như vậy, với điểm xuất phát là đấu tranh chính trị, người phụ nữ đang cố gắng khẳng định vị thế của mình trong mọi lĩnh vực.

Cao trào nữ quyền lần thứ hai: đi sâu hơn vào những vấn đề như: dân tộc, sắc tộc, văn hóa,… không còn dừng lại trong phạm vi Anh và Mỹ mà đã lan sang các nước khác trên toàn thế giới. Cao trào này buộc con người vào thực trạng mà người phụ nữ đang trải qua như sự áp bức với người phụ nữ trong gia đình và xã hội, bất bình đẳng trong giáo dục, phân biệt đối xử về màu da, loại trừ về văn hóa, phân biệt đối xử trong lao động. Không chỉ vậy, ở cao trào thứ hai này, với việc đóng góp về sự nhìn nhận con người theo quan điểm giới đã mang đến những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực: giải phẫu học, nhân học, sinh vật học, sử học, xã hội học, văn hóa học… Lý thuyết nữ quyền manh nha đã bùng lên mạnh mẽ. Trong giai đoạn này, hệ thống lý thuyết nữ quyền và phê bình nữ quyền ra đời, được hệ thống hóa và tiếp cận theo hướng đi mới.

Cao trào nữ quyền lần thứ ba: khoảng những năm 80 TK XX, xác lập đối tượng chính là bản thân giới nữ. Trên cơ sở đó, người ta đi sâu vào biểu hiện đa dạng của người phụ nữ trong đời sống xã hội và từ đó họ nhận thấy rằng, ngay trong bản thân giới nữ cũng tồn tại những đối kháng, tình trạng phân biệt giữa người phụ nữ và phụ nữ. Cao trào nữ quyền lần ba không phủ định hai cao trào trước mà chỉ ra sự phân hóa đa dạng trong đời sống người phụ nữ, phân nhóm người phụ nữ thành nhiều nhóm khác nhau như thượng lưu và nông dân, da trắng, da màu… Từ đó hình thành nhiều hơn học thuyết mang tính chuyên sâu và cụ thể đối với từng phân nhóm. Giai đoạn này cũng ghi nhận sự phản kháng của giới nam khi quyền lực và quyền lợi của họ bị xâm phạm.

Ba cao trào này đã trở thành một hệ thống tư tưởng. Tuy nhiên, về việc phát triển là không đồng đều bởi sự quy định về mặt văn hóa, địa lý của từng nước và từng khu vực là khác nhau.

__________________

1, 2. John Macionis, Xã hội học, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2004, tr.146, 15. Để hiểu rõ về lý thuyết nữ quyền, cần chú ý phân biệt một số thuật ngữ liên quan:

Giới tính: được hình thành trên cơ sở sự quy định văn hóa bao gồm phong tục, những quy định của xã hội…, phân chia con người thành nam tính và nữ tính.

Phái tính: chỉ sự liên kết giữa giới và những đặc trưng cơ bản của giới.

Phụ nữ (women, female): hay còn gọi là đàn bà, dùng để chỉ giống cái của loài người. Phụ nữ thường được dùng để chỉ những người đã trưởng thành, còn con gái thường dùng để chỉ những bé gái chưa tới độ tuổi trưởng thành.

Nữ tính: được sử dụng như một danh từ (womanhood, feminity) hay tính từ (feminine) dùng để chỉ tính chất, bản tính, đi sâu vào góc độ bản thể. Nữ tính bộc lộ qua hành vi văn hóa trong mối quan hệ mang tính chuẩn mực của xã hội và văn hóa. Khái niệm này gần với khái niệm giới tính nhất. Nữ tính vừa có sự ổn định lại mang cả sự biến đổi tùy thuộc vào môi trường văn hóa xã hội trong những điều kiện thời đại và xã hội khác nhau.

Nữ quyền (feminism): được sinh ra từ ý thức về sự bình đẳng giới, hay nói một cách chính xác hơn, nữ quyền chỉ quyền lợi về chính trị và xã hội của người phụ nữ.

3, 7, 8, 9. Hồ Khánh Vân, Từ lý thuyết phê bình nữ quyền nghiên cứu một số tác phẩm văn xuôi của các tác giả nữ Việt Nam từ 1990 đến nay, Luận văn thạc sĩ, Đại học Quốc gia TP. HCM, 2008, tr.25, 24.

4, 5, 6. Thích Nữ Huệ Hướng, Địa vị người phụ nữ trong giáo lý Đức Phật, budsas.org.

10. Simone de Beauvoir, Giới thứ hai, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 1996, tr.48.

 

Tác giả: Vũ Thị Hạnh

Nguồn : Tạp chí VHNT số 411, tháng 9 - 2018

;