Phải thay đổi để tự hoàn thiện mình...

Nhà hát múa Rối Thăng Long được thành lập vào tháng 10-1969 với tên gọi ban đầu là Đoàn múa Rối Kim Đồng. Trải qua 41 năm xây dựng và phát triển, từ 9 diễn viên tốt nghiệp Trung cấp làm nòng cốt, cơ sở vật chất nghèo nàn, đến nay Đoàn đã có một Nhà hát khang trang nằm tại địa điểm số 57B phố Đinh Tiên Hoàng - trung tâm thủ đô Hà Nội.

Với hai đoàn biểu diễn và 33 nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ, đầy tài năng và tâm huyết. Trong đó có 5 nghệ sĩ ưu tú, 4 nghệ sĩ xuất sắc. Từ năm 1990, Nhà hát đã đầu tư khôi phục bộ môn nghệ thuật rối nước cổ truyền để giới thiệu với khán giả trong nước và quốc tế về một loại hình nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc đã được lưu giữ bảo tồn, phát triển từ đời này sang đời khác.

Bên cạnh hoạt động biểu diễn, Nhà hát luôn coi trọng việc gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. Nhà hát đã sưu tầm, nghiên cứu các tư liệu để hệ thống hóa và đánh giá các giá trị của kho tàng các tích rối nước dân gian làm cơ sở cho việc phát huy nghệ thuật múa rối nước Thăng Long - Hà Nội; khảo sát các phường rối nước cổ truyền, thu thập, khai thác từng bước phục hồi một số tiết mục rối cổ tiêu biểu nhằm bổ sung kịch mục cho Nhà hát đồng thời xây dựng chương trình đưa sân khấu rối nước vào trường học.

Hiện nay, sự lãnh đạo linh hoạt, năng động của Giám đốc Nguyễn Hoàng Tuấn, vị đạo diễn của nhiều vở rối cạn mới lạ, hấp dẫn trong thời gian vừa qua, đã góp phần thổi một luồng sinh khí mới vào bộ môn nghệ thuật vốn có từ lâu đời này ở nước ta. Dưới đây là cuộc trao đổi của PV Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật với ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc, đạo diễn Nhà hát múa Rối Thăng Long.

PV: Ông có thể cho biết sự phân biệt giữa rối cạn và rối nước trên sân khấu rối dân gian, truyền thống của Việt Nam?

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn: Sân khấu rối dân gian, truyền thống nước ta hiện nay có hai loại hình, đó là rối nước và rối cạn. Sự phân biệt cạn - nước theo ngôn ngữ dân gian này chỉ đơn thuần dựa trên nơi dựng sân khấu, nếu như quân rối nước dùng mặt nước làm sàn diễn thì quân rối cạn hoạt động trên các sàn diễn dựng trên mặt đất. Về cơ bản, đều có chung những nguyên lý, nguyên tắc, đặc trưng, đặc điểm, chỉ khác biệt trong chi tiết.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về nghệ thuật rối cạn ở nước ta?

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn: Nghệ thuật rối cạn dân gian truyền thống phát triển rộng khắp cả nước với nhiều tên gọi khác nhau: miền Bắc là ổi, lỗi, ổi lỗi, khố lỗi, rối, múa rối, trò, trò máy,... (Việt); mộc thầu hí (Nùng); slương pấtlạp (Tày); mụa rội (Mường)...; miền Nam là hát gỗ, hát hình,... Có thể nói một cách chung nhất: Rối cạn gồm các loại rối tay, rối que, rối máy, rối dây và rối bóng.

PV: Đi cùng với những thành công của những vở rối nước truyền thống, gần đây những vở rối cạn do ông là đạo diễn tổ chức dàn dựng đã gây được sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước bởi những vở rối cạn ấy đã nói lên được tính hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc truyền thống của múa rối dân tộc?

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn: Có thể nói những vở rối cạn được tổ chức biểu diễn trong thời gian qua đã làm nổi bật được ngôn ngữ hành động của con rối, qua đó thể hiện được cái ngộ nghĩnh, sống thực, đặc biệt đã lột tả được tính cách, đặc tính hành động của cuộc sống thông qua những con rối cạn. Trong những vở rối cạn việc xử lý động tác, hành động từng con rối để diễn tả tâm trạng, tình huống kịch chân thực đòi hỏi nhiều công sức mới để được lại ấn tượng tốt cho người xem. Nếu như trong những trò rối nước, hành động con rối mềm dẻo đầy chất dân gian hồn nhiên, động tác chậm rãi hòa vào khung cảnh thiên nhiên ao làng, ngan ngát hương sen, đồng lúa bao la chạy đến chân trời thì trong những vở rối cạn đã tạo nên sự tương phản lạ thường. Ngôn ngữ vở diễn hiện đại, hành động mau lẹ, nhịp điệu thôi thúc tình cảm mới. Đây chính là điểm khác biệt, mới lạ so với rối nước truyền thống.

PV: Những vở rối cạn do ông làm đạo diễn như: Những con thú đáng yêu, Điệu nhảy hiphop, Bù nhìn rơm, Thánh Gióng, Huyền thoại tiên rồng... đã đem đến cho người xem những cảm xúc rất mới lạ, vậy ông có thể nói cụ thể về những vở diễn này?

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn: Đây là những vở rối cạn với ngôn ngữ diễn hiện đại, hành động mau lẹ, nhịp điệu thôi thúc tỉnh cảm mới của người xem, làm cho công chúng dễ đồng điệu và hòa nhập với vở diễn hơn. Trong vở diễn Những con thú đáng yêu, việc khai thác cái ngộ, cái hồn nhiên bản năng từng con vật đã đem đến sự hòa đồng nhập cuộc môi trường sống, cân bằng tự nhiên giữa con người, động vật và thiên nhiên hoang dã cùng chung sống hòa bình đáng yêu. Vở Thánh Gióng mở ra một thế giới cảm xúc, gợi tả tình cảm thiên nhiên, sự hy sinh vô bờ bến của người mẹ Việt Nam anh hùng. Nguồn cảm xúc ấn tượng trong màn kết, Thánh Gióng bay về trời, người mẹ chạy theo tiếng gọi xa dần chìm vào khoảng không định mệnh cô đơn, đó là lời nhắn nhủ mỗi người hôm nay sống hành động giảm bớt nỗi đau bao bà mẹ mất con vì tổ quốc thân yêu. Vở Vẻ đẹp phương đông đem đến sự hấp dẫn, mới lạ bởi nhịp điệu sôi nổi. Còn vở Huyền thoại tiên rồng là sự cách tân giữa nghệ thuật truyền thống dân gian rối nước với nghệ thuật múa rối cạn hiện đại. Thủ pháp dùng sân khấu ba tầng là nước, cạn, trời cùng thủ pháp sử dụng ánh sáng sân khấu đen đã tạo bước đột phá cho vở diễn làm khán giả thích thú. Có thể nói các vở rối cạn trên đều thể hiện sâu sắc tính hiện đại thông qua ngôn ngữ hành động con rối. Mỗi con rối tạo dựng vẻ đẹp, nếp sống thời hội nhập, bản sắc hòa đồng, niềm vui đổi mới. Mỗi vở diễn gợi mở cảm xúc, suy tư cho người xem tự hoàn thiện lý lẽ ở đời, văn hóa ứng xử làm người. Do vậy, mỗi vở rối không ồn ào triết lý lớn lao mà cứ thầm thì khát vọng, bâng khuâng gợi mở chân trời cảm xúc cho công chúng mỗi khi xem xong. Đây chính là những điều làm được của các vở rối cạn trong thời gian qua.

PV: Được biết trong thời gian tới Nhà hát đã có những kế hoạch, giải pháp để lôi kéo khán giả trong nước, đặc biệt là đối tượng thiếu nhi quan tâm đến môn nghệ thuật múa rối hơn?

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn: Quả đúng như vậy, xuất phát từ mong muốn gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật cổ truyền của dân tộc, Nhà hát đã đưa ra những kế hoạch cụ thể để từng bước thu hút sự quan tâm của khán giả trong nước, đặc biệt là các em thiếu nhi ngày càng yêu thích bộ môn nghệ thuật múa rối lâu đời của dân tộc. Muốn làm được điều đó, một mặt Nhà hát phải không ngừng thay đổi để hoàn thiện mình bằng những vở diễn hay, đáp ứng tốt nhất các nhu cầu phong phú của khán giả trong nước, tức là phải có nhiều vở rối phù hợp với nhiều đối tượng công chúng khác nhau. Có như vậy công chúng mới quan tâm và yêu mến bộ môn nghệ thuật này hơn. Mặt khác, Nhà hát còn xây dựng chương trình đưa sân khấu rối cạn vào trường học thông qua những kịch mục rối cạn hay và hấp dẫn như: Những con thú đáng yêu, Ban nhạc khỉ, Những con rối nhảy hiphop, Rối trong rối,... vừa dễ hiểu, vừa có tính giáo dục cao lại phù hợp với tâm lý lứa tuổi các em do vậy đã làm cho các em thực sự thích thú với múa rối. Tuy nhiên, muốn làm được điều này, Nhà hát rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của xã hội, đặc biệt là sự liên kết giữa nhà trường, phụ huynh học sinh và Nhà hát để xây dựng nên những kịch mục rối hấp dẫn, phù hợp với tâm lý, nhận thức của các em.

- PV: Xin cảm ơn đạo diễn. Chúc đạo diễn và Nhà hát múa rối Thăng Long có nhiều vở rối nước và rối cạn hay hơn nữa trong thời gian tới!

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 312, tháng 6-2010

Tác giả : Nguyễn Đình Chước (thực hiện)

;