NHỮNG BIẾN ĐỔI TRONG GIÁO DỤC GIA ĐÌNH NGƯỜI VIỆT

Chưa bao giờ gia đình Việt Nam lại có điều kiện thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, tự chủ mạnh mẽ về kinh tế, đời sống tinh thần, phát triển trí tuệ cá nhân như hiện nay. Tuy nhiên, cũng chưa bao giờ gia đình Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, biến động mạnh mẽ do mặt trái của cơ chế thị trường mang lại như những năm gần đây. Những thay đổi đó xuất phát từ việc các giá trị truyền thống trong văn hóa gia đình đang bị nhìn nhận lại theo nhiều góc độ khác nhau. Sự lệch chuẩn so với truyền thống đang tạo nên những đánh giá trái chiều, đòi hỏi cần được nghiên cứu, phân tích, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện mới của xã hội Việt Nam. Gia đình Việt Nam hiện đại không tránh khỏi sự xáo trộn trước xu thế chia tách cấu trúc nhất thể của gia đình truyền thống thành đa cấu trúc, đa khuôn mẫu. Trong đó, sự đòi hỏi phải thỏa mãn quyền lợi cá nhân và tư tưởng bình đẳng đang là những thay đổi gây tác động đa chiều nhất. Một trong những thay đổi khá rõ rệt, đang tác động mạnh đến mỗi gia đình người Việt chính là những thay đổi trong giáo dục gia đình.

         1. Biến đổi trong nội dung giáo dục

         Chức năng giáo dục của gia đình đã biến đổi theo hướng đồng nhất giáo dục với dạy học, chia sẻ dần nhiệm vụ đó sang các lực lượng khác ngoài gia đình. Chính vì vậy, nhiều nội dung của giáo dục gia đình đã có những thay đổi. Nếu như trong truyền thống, giáo dục gia đình chủ yếu tập trung vào việc định hướng nghề nghiệp, giáo dục đạo đức, thế ứng xử, truyền thống gia đình, gia tộc... thì hiện nay, các nội dung này đã có điều chỉnh theo những mức độ khác nhau. Về cơ bản, giáo dục gia đình vẫn thể hiện kỳ vọng của cha mẹ vào con cái. Sự kỳ vọng đó đã có những thay đổi theo hướng mong muốn con cái đạt được những giá trị thực tế hơn, để có được cuộc sống thuận lợi, chất lượng cao hơn.

Mong muốn của cha mẹ đối với con cái 
 
  
 

         Từ sự mong muốn đó, các nội dung giáo dục của gia đình người Việt hiện nay chủ yếu hướng vào các vấn đề: ý thức học tập, lập nghiệp, tránh xa tệ nạn xã hội. Riêng với việc quan hệ tình dục trước hôn nhân, các bậc cha mẹ có con gái cảm thấy lo lắng nhiều hơn những người có con trai. Điều này điều chỉnh nội dung giáo dục của các gia đình đối với từng đối tượng cụ thể.

         Sự thay đổi lớn nhất trong nội dung giáo dục gia đình so với truyền thống là về việc định hướng nghề nghiệp. Niềm tự hào của nhiều gia đình người Việt xuất phát từ việc có người kế nghiệp. Nó mang lại sự yên tâm cho đại gia đình khi nghề nghiệp đó đã được chuẩn bị tốt từ các thế hệ trước. Sự tiếp nối của thế hệ sau là điều kiện thuận lợi để làm tăng thêm uy tín gia đình. Việc định hướng nghề nghiệp còn được thể hiện theo hướng chủ trương lập danh. Những nghề có thể được mọi người kính trọng luôn là đích hướng để các gia đình mong con đi theo. Thày thuốc, thày giáo, người giữ chức sắc trong chính quyền là những nghề được ưu tiên số một trong giáo dục nghề nghiệp của đại đa số các gia đình người Việt truyền thống.

         Cả hai vấn đề cơ bản đó của giáo dục nghề nghiệp trong gia đình người Việt đang có nhiều điều chỉnh. Trước hết, việc kế nghiệp gia đình không phải là ưu tiên số một nữa. Nhiều gia đình làm sản xuất thủ công có uy tín lại chỉ mong sao con mình sẽ có điều kiện để theo những ngành nghề khác. Xu hướng hiện nay là cha mẹ chỉ gợi ý chứ không ép buộc các con theo ngành nghề mà mình lựa chọn. Trong những gợi ý về nghề nghiệp của cha mẹ, các ngành nghề về kỹ thuật, kinh tế, thương mại, dịch vụ đã có xu hướng tăng lên.

         Chiếm phần lớn thời gian trong các nội dung trao đổi mang tính giáo dục giữa cha mẹ với con cái trong gia đình người Việt hiện nay là vấn đề tầm quan trọng của việc học tập. Điều này rõ rệt đến mức hầu hết trẻ em nhận thức được rằng: học tập là mối quan tâm lớn nhất mà bố mẹ hướng đến. Điều này xuất phát từ quan niệm: học tốt thì mới có thể có công việc, vị trí trong xã hội, có cuộc sống tốt, làm vẻ vang gia đình. Học tốt cũng là cách để giúp trẻ tránh xa tệ nạn xã hội. Mọi nội dung giáo dục của gia đình đều hướng tới vấn đề này. Cũng chính vì vậy, tầm quan trọng của những nội dung giáo dục khác đến sự phát triển nhân cách cá nhân chưa thực sự được xác định đúng mức.

         Do việc giáo dục tinh thần và ý thức học tập quá được chú trọng nên nhiều trẻ em gái ở khu vực thành thị không có đủ kiến thức tối thiểu về công việc gia đình hay kỹ năng ứng xử. Tương tự như vậy, các em trai không có nhiều ấn tượng về mối quan hệ với họ hàng thân tộc. Trong bối cảnh các gia đình đang có xu hướng ngày một sinh ít con, sự thiếu hụt trong những nội dung giáo dục về sự chịu đựng gian khổ, đức hy sinh, lòng vị tha đã khiến trẻ em có xu hướng sống ích kỷ hơn, khả năng chịu đựng, thích nghi với sự thay đổi môi trường sống kém hơn.

         Lo lắng trước những tệ nạn xã hội và việc trẻ em quan hệ tình dục, nhiều gia đình đã chọn phương thức giáo dục là cách ly chúng khỏi bất cứ thông tin gợi mở nào. Trẻ không được giáo dục để tìm hiểu bản chất vấn đề, nhưng thông tin đại chúng lại luôn đặt chúng trước những điều hấp dẫn cần tiếp cận. Sự thiếu hiểu biết hoặc quá hiểu biết theo chiều hướng cực đoan trước những vấn đề về giới tính sẽ dễ dẫn tới hậu quả đáng tiếc.

         Tại những khu vực đô thị và trong nhóm các gia đình có trình độ học vấn cao, nội dung giáo dục giới tính, kỹ năng sống đang dần được chú trọng. Đây hoàn toàn không phải là cổ súy cho việc quan hệ tình dục trước hôn nhân hay coi nhẹ giá trị của trinh tiết. Nhưng nếu như quá tuyệt đối hóa vai trò sống còn của trinh tiết trong cuộc đời con gái thì lại rất dễ đẩy đứa trẻ chưa có khả năng giải quyết những tình huống phức tạp đi theo một hướng cực đoan.

         Việc giáo dục đạo lý và thế ứng xử vẫn là một nội dung được các gia đình người Việt rất chú trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay không phải gia đình nào cũng thực sự dành nhiều thời gian cho nội dung giáo dục này. Ai cũng mong con mình ngoan ngoãn, hiếu thảo nhưng dạy trẻ từng chi tiết, hành vi để trở thành người như vậy thì chưa thực sự cụ thể. Điều này phần nào xuất phát từ quan niệm ngày một rộng rãi hơn của chính các bậc cha mẹ về nghi thức ứng xử giữa họ với con cái. Tư tưởng dân chủ bình đẳng đã khiến các bậc cha mẹ bớt khắt khe hơn trong việc ứng xử của các con. Tuy nhiên, chính điều này lại khiến trẻ xa dần với những yêu cầu cụ thể của khái niệm hiếu đễ.

         Giáo dục lao động lại biến đổi theo một xu hướng khác. Nếu như trẻ em ở thành phố đang được các bậc cha mẹ giảm dần yêu cầu lao động để chủ yếu dành thời gian cho học tập, thì khá nhiều trẻ em nông thôn, miền núi lại đang bị đặt trong những đòi hỏi ngày một cao hơn về việc đóng góp vào thu nhập gia đình. Trẻ em trong gia đình người Việt truyền thống được giáo dục lao động trong mối quan hệ với cộng đồng sản xuất gia đình. Chúng là một mắt xích trong hệ thống sản xuất đó, nên cho dù phải lao động khá nhiều nhưng hầu như không bị tách khỏi môi trường gia đình, làng xã. Ngày nay, không ít trẻ em nông thôn, miền núi bị tách khỏi môi trường gia đình khá sớm. Việc lao động độc lập, tách khỏi gia đình khiến trẻ em dễ rơi vào nguy hiểm, ít được định hướng, không tránh khỏi bị lạm dụng, bóc lột. Việc lao động của nhóm trẻ này chủ yếu là vì mục đích kinh tế, chứ không phải là đưa vào môi trường làm việc để dạy chúng các kỹ năng, biết nhận thức về thế giới xung quanh, biết trân trọng giá trị của lao động. Với động cơ kinh tế như vậy, trẻ dễ cực đoan và có thể sớm quen với việc quy đổi mọi giá trị đạo đức theo giá trị của đồng tiền. Trong khi đó, ngược lại, rất nhiều gia đình ở thành phố có người giúp việc hay có ông bà giúp đỡ đã tách trẻ hoàn toàn khỏi các công việc lao động chân tay, kể cả việc phục vụ sinh hoạt cá nhân. Việc không được giáo dục lao động thông qua các công việc hàng ngày khiến chúng trở nên ích kỷ, lười biếng, thiếu năng động, khả năng thích ứng khi thay đổi điều kiện sống là rất kém.

         2. Biến đổi trong hình thức giáo dục

         Giáo dục trong gia đình truyền thống đề cao nguyên tắc yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi, nên thường áp dụng các hình thức giáo dục khắt khe. Khoảng cách giữa cha mẹ và con cái, đặc biệt là người cha, luôn phải nới rộng để tạo nên cảm giác về quyền lực tuyệt đối. Đó được xem là điều kiện để đảm bảo hiệu quả của giáo dục gia đình. Trong quan niệm truyền thống, nếu cha mẹ không nghiêm khắc, không áp dụng những hình thức giáo dục cứng rắn thì con cái sẽ khó có thể nghe lời và đi vào khuôn khổ.

         Quan niệm trên đang có nhiều thay đổi, sự áp dụng các hình thức giáo dục gia đình không hoàn toàn mang tính chất khắt khe, cứng rắn như trước. Biện pháp giáo dục bằng đòn roi không còn được nhiều gia đình áp dụng, thay vào đó, chủ yếu là nhắc nhở, phân tích đúng sai hoặc quát mắng. Một hình thức giáo dục khác khi trẻ mắc lỗi được áp dụng là liên hệ với nhà trường. Hình thức này tuy không phổ biến nhưng sự xuất hiện của nó cho thấy, các bậc cha mẹ không muốn giấu giếm việc con mình có lỗi và nhờ nhà trường can thiệp như một phương thức hỗ trợ giáo dục gia đình.

         Điều này xuất phát từ nhận thức ngày một rõ hơn về khả năng tác động của các hình thức giáo dục. Trẻ bị đánh mắng nhiều thường có phản ứng tiêu cực: hoặc tự ti, tủi thân, buồn bã khi thấy mình không được đối xử công bằng, không được giãi bày, giải thích; hoặc bất cần, thù hận, thậm chí bỏ nhà ra đi vì nghĩ rằng làm như thế sẽ khiến cha mẹ phải đau khổ, ân hận. Ngay cả các bậc cha mẹ cũng nhận thấy tác hại của việc đánh đòn khi trẻ mắc lỗi, nên rất ít người thừa nhận đã áp dụng hình thức đó. Nhưng trên thực tế, sự mất bình tĩnh, nóng nảy đã khiến hình thức này được họ áp dụng với trẻ khá nhiều. Điều này được truyền thống cho là hình thức giáo dục ngăn ngừa tái phạm, nhưng cũng lại chính là nguyên nhân dẫn tới sự xa cách của con cái. Chúng sẽ không dám gần gũi, chia sẻ với cha mẹ, nên dễ phạm sai lầm tiếp theo khi thiếu đi sự tư vấn kịp thời của người lớn. Do vậy, trong bối cảnh hiện tại, việc áp dụng hình thức đánh đòn khi không thực sự cần thiết sẽ dễ gây tác dụng tiêu cực.

         Một trong những hình thức giáo dục khá mới hiện nay đang được áp dụng là khen thưởng, động viên trẻ khi chúng có thành tích tốt. Gia đình truyền thống không khuyến khích hình thức giáo dục này vì có thể sẽ tạo cho trẻ sự tự mãn. Có tới 81,6% trẻ vị thành niên được hỏi cho biết đã được cha mẹ động viên, khen ngợi khi làm việc tốt; 8,4% được cho đi chơi, tham quan, du lịch; 8,6% được thưởng tiền; 14,4% được thưởng quà. Tuy nhiên, vẫn có tới 15,3% trẻ vị thành niên làm việc tốt nhưng không được cha mẹ đề cập tới (1). Tỷ lệ này biến đổi mạnh ở khu vực nông thôn và thành thị. Ở khu vực còn mang nhiều nét cơ bản của giáo dục gia đình truyền thống, các hình thức khen thưởng khi trẻ làm việc tốt giảm đáng kể, trong khi tỷ lệ gia đình không có thái độ gì khi thấy trẻ làm việc tốt lại tăng mạnh (16,7% so với 11,2%).

      Điểm khác biệt nữa hiện nay chính là việc ít áp dụng hình thức giáo dục bằng tục ngữ, thành ngữ ca dao vốn được gia đình truyền thống rất đề cao. Điều này thường xuất hiện trong các gia đình trẻ, gia đình hai thế hệ và ở khu vực đô thị. Trên thực tế, đây là hình thức giáo dục rất hiệu quả, bởi lẽ nó đi vào tâm thức trẻ em một cách hết sức tự nhiên, gần gũi. Tuy nhiên, do hầu hết các bậc cha mẹ trẻ hiện nay ít được tiếp cận với nguồn thông tin về văn hóa truyền thống, nên không có điều kiện chuyển tải đến trẻ em. Mặt khác, nhiều bậc cha mẹ có xu hướng hiện đại hóa, đồng nhất những gì của dân gian đều là bảo thủ, lạc hậu, khắt khe... nên cũng không muốn giáo dục trẻ em bằng hình thức này. Dần dần, con cháu trở nên cảm thấy xa lạ khi ông bà dùng ca dao tục ngữ để khuyên bảo. Thậm chí, một bộ phận trẻ vị thành niên còn thấy buồn cười hoặc khó chịu khi được khuyên bảo bằng hình thức này.

         Do ảnh hưởng của họ tộc với các gia đình không còn chặt chẽ như trong truyền thống nên hình thức giáo dục bằng sức ép của gia tộc cũng đang có chiều hướng giảm. Việc giáo dục trẻ em chủ yếu được xem là vấn đề riêng của các gia đình. Chỉ một số rất ít trường hợp, khi lỗi ở mức độ nghiêm trọng, gia đình mới thông báo để gia tộc bàn bạc, cùng lên phương án giải quyết vấn đề, chứ đây không phải một hình thức giáo dục mang tính thường xuyên. Xu hướng nới lỏng sự liên kết với cộng đồng gia tộc của các hộ gia đình được thể hiện khá rõ trên phương diện giáo dục.

         3. Biến đổi vai trò của các thành viên gia đình với việc giáo dục

         Gia đình truyền thống luôn nói về ảnh hưởng của người mẹ tới sự phát triển nhân cách trẻ em. Quan niệm phúc đức tại mẫu đã thể hiện rõ điều này. Đây không phải chỉ là ảnh hưởng của lối tư duy về nguyên lý mẹ trong các cư dân nông nghiệp, mà còn xuất phát từ sự tiếp xúc gần gũi hàng ngày của mẹ với con cái. Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện giáo dục gia đình một cách chính thống, do ảnh hưởng của Nho giáo, người đàn ông trong gia đình gia trưởng mới được xem như là người quyết định nội dung, hình thức giáo dục. Người cha không chỉ là người có nhiệm vụ giáo dục con cái mà còn giáo dục được cả người mẹ, là người giữ nhiệm vụ điều chỉnh mọi quan hệ ứng xử trong gia đình và gia tộc.

         Sở dĩ gia đình Nho giáo tạo được nếp suy nghĩ và hành động này là bởi việc quy định về chức năng nhiệm vụ của từng thành viên trong gia đình được thực hiện rất rõ ràng. Ba người được điều khiển ba sợi dây cương điều tiết xã hội mang tính chất quyền lực đơn phương là: quân, phu, phụ. Còn người phụ nữ thì mặc nhiên phải phục tùng. Chức năng nhiệm vụ từng người rõ ràng như vậy, cộng với việc hầu hết phụ nữ trong gia đình người Việt truyền thống đều không biết chữ, lại phải vất vả việc nhà, nên việc giáo dục con cái đương nhiên được xem như nhiệm vụ của người đàn ông.

         Vai trò của người đàn ông trong giáo dục gia đình người Việt hiện nay về cơ bản vẫn được giữ như truyền thống. Điều này có thay đổi ở một số khu vực, các vùng nông thôn có xu hướng đề cao vai trò của người đàn ông hơn, kéo giãn khoảng cách về vai trò của người cha với người mẹ trong giáo dục con cái. Trong khi đó, khoảng cách này ở các gia đình thành thị được thu hẹp hơn. Điều đó phản ánh một thực tế: việc giáo dục trong gia đình người Việt hiện nay đang chia đều cho cả cha mẹ và ông bà, theo đó, người mẹ đang giữ vai trò ngày một rõ rệt hơn trong giáo dục.

         Điều này thể hiện trước hết ở việc trực tiếp dạy con học bài buổi tối. Việc người mẹ không chỉ duy trì được ảnh hưởng đến con cái bằng những tiếp xúc gần gũi trong sinh hoạt hàng ngày, mà còn trực tiếp dạy con học tập là biểu hiện rõ nhất của sự thay đổi trong vai trò của các thành viên gia đình với việc giáo dục. Nguyên nhân căn bản là việc người phụ nữ đang ngày càng có trình độ cao hơn, đủ khả năng kèm cặp con cái học hành. Nhiều phụ nữ hiện lại làm các công việc liên quan đến giáo dục nên thích hợp dạy học cho con tại nhà. Mặt khác, phụ nữ có nhiều thời gian ở nhà hơn, ít bị chi phối bởi các công việc xã hội hơn, mềm tính, kiên nhẫn hơn... Đó là những cơ sở để người mẹ tăng dần ảnh hưởng đến việc giáo dục con cái.

         Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi không thể phủ nhận, việc người phụ nữ có vai trò rõ rệt hơn trong giáo dục con cái lại dẫn đến một khó khăn không nhỏ trong giáo dục gia đình. Đó là sự mâu thuẫn trong nội dung, hình thức giáo dục của cha và mẹ. Mâu thuẫn trong quan điểm và phương pháp giáo dục là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho không ít gia đình.

         Mâu thuẫn chủ yếu xuất phát từ việc người mẹ thường có xu hướng đưa ra cùng một lúc quá nhiều nội dung giáo dục, thỏa mãn kỳ vọng ngày một tăng của con cái. Việc học thêm triền miên, chọn trường điểm lớp tốt, học năng khiếu, ngoại khóa... có xu hướng chủ yếu xuất phát từ phía người mẹ khiến người cha và ông bà có thể không đồng tình. Do đó, mâu thuẫn trong giáo dục trẻ em chủ yếu phổ biến ở các gia đình khu vực thành thị.

         Mâu thuẫn trong giáo dục gia đình còn liên quan đến một lực lượng nữa, đó là gia sư. Trong các gia đình thành thị, lực lượng này đang có xu hướng chiếm vai trò khá quan trọng trong việc dạy trẻ. Không thể phủ nhận những ưu điểm của gia sư, tuy nhiên, lực lượng này chỉ đáp ứng tối đa cho một mảng nội dung của giáo dục, đó là dạy học. Đó là chưa kể việc giao hoàn toàn cho gia sư dạy học cũng chưa thể khẳng định được hiệu quả thực chất ở mức nào. Việc giáo dục vì thế dễ bị phiến diện. Trong giao tiếp với gia sư, trẻ thường không chú ý nhiều đến thái độ ứng xử. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến các đối tượng khác trong gia đình có thể không đồng tình với sự tham gia của lực lượng giáo dục khá mới mẻ này.

         Như vậy, có thể thấy, những thay đổi trong giáo dục gia đình người Việt là hiện tượng mang tính tất yếu, xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, thay đổi của điều kiện xã hội. Tuy nhiên, sự đồng nhất giáo dục với dạy học đang làm cho giáo dục gia đình của người Việt dần lệch hướng, tạo cho trẻ em nhiều áp lực nhưng lại không giúp chúng có thể cân bằng, phát triển toàn diện. Đây là vấn đề rất khó, đòi hỏi các lực lượng giáo dục cùng phối hợp để đảm bảo sự cân bằng, hài hòa giữa nội dung, hình thức, thành viên tham gia. Chỉ có điều chỉnh hợp lý mới có thể giúp cho giáo dục gia đình thực sự phát huy vai trò của nó.

         ______________

         1. Bộ VHTTDL, Tổng cục Thống kê, Viện Gia đình và giới, UNICEF, Kết quả điều tra gia đình Việt Nam, 2006.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 382, tháng 4-2016

Tác giả : NGUYỄN THỊ VIỆT HƯƠNG

;