NHÀ NGOẠI GIAO CẦN AM HIỂU VĂN HÓA

Trong thời đại ngày nay, các vấn đề về văn hóa, tư tưởng, tôn giáo, khoa học giáo dục, văn học nghệ thuật đang được cả thế giới quan tâm. Đặc biệt, ự giao lưu quốc tế về các lĩnh vực văn hóa ngày càng mở rộng, mỗi nền văn hóa đều quảng bá những thành tựu của bản thân mình và tiếp thu những thành tựu của các dân tộc khác phù hợp với mình.

Hiện nay, điều dễ nhận thấy là, giao lưu văn hóa giúp các dân tộc hiểu biết hơn về văn hóa của nhau. Đến Nhật Bản, ta nghĩ ngay tới ngắm hoa anh đào và dùng trà đạo, đến Hàn Quốc thưởng thức kim chi, ngắm nhìn chiếc áo hanbok hay tham quan các di sản văn hóa của thế giới như tháp Eiffel tại Pháp, Vạn lý trường thành tại Trung Quốc và vô vàn những kỳ tích, giá trị văn hóa quốc tế khác. Ngoại giao văn hóa ngày càng giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình hội nhập thế giới cũng như mỗi quốc gia.

Trên thế giới quan niệm về ngoại giao văn hóa rất rộng. Theo bà Vibekenjensen, tổng đại diện văn phòng UNESCO tại Việt Nam, “ngoại giao văn hóa có thể được nhìn nhận dựa trên việc chuyển đổi những định kiến truyền thống về các nền văn hóa trở thành sự hiểu biết và hợp tác văn hóa, là cái phân biệt các quốc gia và các nhóm dân tộc với nhau, nhưng cũng nhờ văn hóa mà chúng ta có thể hiểu biết nhau hơn. Văn hóa giúp xóa đi những biên giới hữu hình và vô hình đang ngăn cách chúng ta”.

Ngoại giao văn hóa có thể hiểu là việc vận dụng văn hóa để làm tốt công tác ngoại giao, và sử dụng ngoại giao để tôn vinh văn hóa. Qua văn hóa để làm ngoại giao có nghĩa là vận dụng lợi thế của văn hóa để thúc đẩy quan hệ với các quốc gia khác. Sử dụng ngoại giao để tôn vinh văn hóa là thông qua các hoạt động quốc tế, nền văn hóa của các bên sẽ được giao lưu, trao đổi qua lại, tạo nên sự hiểu biết và tôn trọng những giá trị và bản sắc của nhau.

Ngoại giao văn hóa là một trong các nhân tố thúc đẩy quan hệ đối ngoại của mỗi quốc gia cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế. Ba nhân tố này đều liên quan mật thiết với nhau, tác động lẫn nhau, bổ sung cho nhau. Văn hóa thâm nhập vào chính trị và kinh tế. Mọi vấn đề kinh tế, chính trị được đặt ra trong ngoại giao đều gắn liền với văn hóa.

Với vai trò là một trụ cột của ngoại giao Việt Nam, ngoại giao văn hóa có nhiệm vụ giới thiệu hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới để tăng cường sự hiểu biết về Việt Nam. Ngoại giao văn hóa còn có nhiệm vụ khơi dậy và củng cố lòng yêu nước của người Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của ngoại giao nói chung và ngoại giao văn hóa nói riêng là cán bộ, nhân viên ngoại giao. Con người luôn là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại của sự nghiệp cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Cán bộ ngoại giao từ thấp đến cao đều là đại diện cho dân tộc, là hình ảnh của đất nước Việt Nam ở nước ngoài”. Vì vậy để làm tốt công tác ngoại giao văn hóa, mỗi cán bộ, nhân viên ngoại giao không chỉ am hiểu văn hóa của dân tộc mình mà còn cần am hiểu về văn hóa nước bạn.

 Cán bộ, nhân viên ngoại giao tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài là những người đại diện cho văn hóa dân tộc và họ là hình ảnh đầu tiên khi người nước ngoài tiếp xúc. Họ sẽ có ấn tượng đầu tiên về văn hóa Việt Nam như thế nào chính là qua tiếp xúc với những người đại diện này.

Cán bộ, nhân viên ngoại giao là lực lượng trực tiếp triển khai hoạt động ngoại giao của nhà nước ra nước ngoài, là một trong những cầu nối quan trọng đưa tinh hoa văn hóa của thế giới đến với Việt Nam để làm phong phú hơn nền văn hóa dân tộc mình. Họ thực hiện một sứ mệnh cao cả là làm cho các dân tộc hiểu biết và chấp nhận văn hóa của nhau, từ đó xích lại gần nhau hơn.

         Hiểu mình

Mỗi một cán bộ nhân viên ngoại giao là một đại sứ văn hóa. Để thực hiện tốt vai trò này, cán bộ nhân viên ngoại giao phải có nền tảng văn hóa vững chắc, có nghĩa là cần am hiểu sâu sắc về văn hóa Việt Nam với những đặc trưng, đặc sắc, tư tưởng, hệ giá trị, đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục, tôn giáo, tín ngưỡng...

Văn hóa Việt Nam hình thành trên nền văn hóa bản địa Nam Á và Đông Nam Á, trải qua hàng ngàn năm giao lưu với văn hóa khu vực, văn hóa Việt Nam dù tiếp thu với nhiều nền văn hóa khác những vẫn mang bản sắc riêng thống nhất trong đa dạng của 54 dân tộc với phổ hệ xã hội là gia đình, làng xã và đất nước, với hoàn cảnh thường xuyên phải chống giặc ngoại xâm, với tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng, trọng tình, ứng xử mềm dẻo, khoan dung hòa hiếu, hướng tới sự hài hòa... Đó là nét tâm lý chủ đạo và đồng thời cũng là bản sắc văn hóa Việt Nam

Nghị quyết TW 5 (khóa VIII) đã khẳng định bản sắc văn hóa của dân tộcViệt Nam bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. “Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - tổ quốc, lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, tế nhị trong cư xử, giản dị trong lối sống”.

         Hiểu người

Trong khâu tiếp xúc đối ngoại, người cán bộ nhân viên ngoại giao không chỉ am hiểu về văn hóa dân tộc mình mà còn cần biết cả văn hóa dân tộc khác (hiểu rõ nền văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán, ngôn ngữ...) thì mới tạo được cầu nối giữa văn hóa Việt Nam với các nền văn hóa khác, tránh những sự cố do khác biệt văn hóa. Có những nội dung và hình thức văn hóa phù hợp với ta nhưng có thể lại không phù hợp với bạn, phù hợp với nước này nhưng có thể là điều cấm kỵ với nước khác... Điều này đặc biệt quan trọng trong khi tiếp xúc đối ngoại nó đã trở thành một hoạt động không thể thiếu trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Cán bộ, nhân viên ngoại giao cần hiểu biết về văn hóa và phong tục tập quán ở mỗi nước mà mình được phân công công tác. Người Hồi giáo sẽ không hài lòng khi được tặng tranh ảnh hay tượng phụ nữ và sẽ bất bình khi được mời ăn thịt lợn. Màu đỏ là màu có ý nghĩa tích cực ở Đan Mạch nhưng nó lại là biểu tượng của yêu thuật hay sự chết chóc ở các nước châu Phi. Người Nhật rất kiêng con số 4 và số 9, lý do trong tiếng Nhật 2 con số này được phát âm gần giống với từ chết (trên máy bay của hãng Nippon Ailines không có các số ghế này) và người Nhật sẽ không hài lòng khi được tặng hoa sen - thứ hoa người Nhật chỉ dùng trong các lễ tang (cũng giống như người Việt Nam không tặng cho nhau hoa huệ). Một doanh nhân châu Âu đã bị hủy một hợp đồng lớn với một nước Trung Đông vì đã có động tác galăng là giơ tay đỡ một quý bà Hồi giáo từ trên xe buýt xuống...

Như vậy sứ mệnh cao cả của ngoại giao văn hóa là làm cho các dân tộc hiểu biết và chấp nhận văn hóa của nhau, từ đó xích lại gần nhau hơn, xây dựng một nền hòa bình thế giới vững chắc, lâu dài và quan hệ hữu nghị hợp tác cùng phát triển giữa các dân tộc... Những tác phẩm văn hóa nổi tiếng của nước này lan tỏa và lưu hành rộng rãi ở các nước khác không còn là chuyên xa lạ nữa. Nếu như Lev Tolstoi, Puskin... được đọc ở hầu khắp các nước trên thế giới, thì Việt Nam cũng tự hào là Truyện Kiều của Nguyễn Du đựơc dịch ra rất nhiều thứ tiếng. Chúng ta vô cùng thán phục khi Đại sứ Ấn Độ R.Sivaramakrishnan trích Kiều của Nguyễn Du trong bài phát biểu tại Hải Phòng. Năm 2000 trong chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Mỹ đến Việt Nam, người Hà Nội đã được dịp giật mình khi nghe Bille Clinton trích thơ Nguyễn Trãi và nảy Kiều:

Sen tàn cúc lại nở hoa 

Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân

Phát biểu trước công chúng người Việt vị tổng thống đã nhắc tới Trần Hiếu Ngân lúc đó vừa giành huy chương bạc ở Olympic Sydney 2000, đến Huỳnh Đức, Hồng Sơn đang tham gia Tiger Cup 2000 ở Thái Lan... Những câu chuyện đã được nhắc lại tạo không khí cởi mở hữu nghị cho hai nước trước đây đã từng là kẻ thù. Từ những chuyện đậm chất văn hóa giúp Bille Clinton vượt qua được sự nghi ngại từ hai phía...

Và đặc biệt chúng ta vô cùng tự hào khi trong các hoạt động ngoại giao ở bất kỳ nước nào, Chủ tich Hồ Chí Minh cũng đều nắm vững văn hóa, lịch sử, thậm chí cả ngôn ngữ của nước đó. Người rất chú trọng tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng, xử lý đúng đắn với các nước lớn, phấn đấu mở rộng quan hệ quốc tế của Việt Nam theo hướng đa dạng hóa - là bạn với tất cả các nước không gây thù oán với một ai.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người vận dụng nhuần nhuyễn phương châm dĩ bất biến, ứng vạn biến. Bác chỉ rõ: Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt. Người đã phát huy ngoại giao tâm công (đánh vào lòng người) - một truyền thống ngoại giao quý báu của cha ông và không ngừng mở rộng tập hợp lực lượng, tăng cường đoàn kết và hợp tác quốc tế.

Nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh thể hiện qua việc vận dụng những phương pháp, phong cách ứng xử nhạy bén, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao trong hoạt động đối ngoại. Nghệ thuật đó còn thể hiện trong việc thực hiện nhân nhượng có nguyên tắc, lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương, am hiểu và vận dụng nhuần nhuyễn năm cái biết (ngũ tri) của triết lý phương Đông: biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng, biết biến. Chính vì vậy, Người đã gây được tình cảm sâu đậm và sự ủng hộ nhiệt thành của các nước đó đối với Việt Nam. Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về ngoại giao văn hóa.

Đất nước ta đang đứng trước thời cơ, vận hội. Chúng ta đang hội nhập sâu rộng vào khu vực và quốc tế, từng bước nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới. Việt Nam đang được bạn bè quốc tế khắp năm châu quan tâm và mong muốn quan hệ hợp tác. Nhiệm vụ đặt ra cho ngoại giao văn hóa là giữ vững môi trường hòa bình, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, đẩy nhanh phát triển kinh tế xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trong ba trụ cột của ngoại giao Việt Nam, ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, thì ngoại giao văn hóa có vai trò hết sức quan trọng vì nó vừa là nền tảng tinh thần, vừa là biện pháp và mục tiêu của chính sách đối ngoại Việt Nam, nó bổ trợ hữu hiệu cho các trụ cột ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế tạo thành một chỉnh thể chính sách đối ngoại. Sự trân trọng các giá trị văn hóa trong công tác ngoại giao trở thành nhịp cầu nối để vượt qua những khác biệt, đưa các dân tộc xích lại gần nhau, và cùng chung tay giải quyết các vần đề toàn cầu. Để ngoại giao văn hóa Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên trường quốc tế, mỗi cán bộ, nhân viên ngoại giao cần không ngừng học tập để nắm vững kiến thức về văn hóa dân tộc và văn hóa nước ngoài góp phần đắc lực cho việc thực hiện mục tiêu của đất nước: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghi quyết TW 5 khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998.

2. Nguyễn Duy Niên, Tư­ t­ưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000.

3. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1997.

            4. Hội thảo quốc gia: Ngoại giao văn hóa vì một bản sắc Việt Nam trên tr­ường quốc tế, phục vụ hòa bình, hội nhập và phát triển bền vững, Hà Nội, tháng 10-2008.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 313, tháng 7-2010

Tác giả : Nguyễn Thị Thùy Yên

;