NGHỆ THUẬT QUỐC HỌA TRUNG HOA

Nghệ thuật Quốc họa Trung Hoa bắt nguồn từ nghệ thuật trang trí gốm màu mang nhiều yếu tố hội họa và nghệ thuật chạm khắc đồng xưa. Mang bản sắc đặc thù truyền thống, quốc họa Trung Hoa có tác động chi phối nền hội họa dân tộc và ảnh hưởng đến nền hội họa nhân loại, nhất là các nước phương Đông.

 

Ở Trung Hoa, nghệ thuật vẽ tranh gắn bó chặt chẽ với nghệ thuật viết chữ tượng hình (thư pháp) có nguồn gốc từ chữ khắc trên mai rùa hay xương thú (giáp cốt văn) xuất hiện vào đời nhà Thương trước CN. Từ mối quan hệ đó mà người ta gọi là thư họa đồng nguyên. Viết, vẽ, in chữ triện lên tranh đã trở thành một bộ phận không thể thiếu, mang vẻ độc đáo cho nghệ thuật quốc họa Trung Hoa. Viết thư pháp và vẽ tranh quốc họa cùng sử dụng bút lông, không phân biệt bút viết và vẽ. Dưới bàn tay điêu luyện của các thư họa gia, ngọn bút đầu hình tháp nhọn bằng lông thỏ, lông dê, thân bút mảnh mai đơn sơ mà thiên biến vạn hóa, tạo nên những đường nét tinh vi, những mảng màu rộng lớn. Các họa gia vẽ hay thì viết cũng khéo, đều phải khổ luyện bút pháp, bút lực theo bài bản phép tắc đến cả đời mới tả được cái thần của phong cảnh, nhân vật. Trong nghệ thuật quốc họa Trung Hoa, ngòi bút lông cùng với thỏi mực đen đã sản sinh ra nghệ thuật tranh thủy mặc độc đáo. Chỉ màu đen của mực tàu hòa với nước mà các họa gia có thể tạo nên nhiều sắc độ đậm nhạt, sáng tối, xa gần, thô mịn của cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ. Song quốc họa Trung Hoa có hai lối dụng bút cơ bản mà đối lập nhau, một là lối công bút công phu, tỉ mỉ diễn tả hình thể một cách chỉnh chu, kỹ càng, đôi khi tỉa tót đến từng chân tơ, kẽ tóc; hai là tả ý, là lối vẽ phóng túng, bay bổng, hình thể tinh giảm tối đa, cốt sao thấy được tinh thần, cái hồn của cảnh vật và cảm xúc của người nghệ sĩ. Đến đời Minh - Thanh xuất hiện lối vẽ phóng bút táo bạo, hình thể tinh lược cao độ, gọi là đại tả ý đồng thời hai lối vẽ dần được dung hòa thành lối vẽ mới trong công có tả trong tả có công. Không gian tranh quốc họa cũng có những đặc thù, hoàn toàn không tuân theo luật xa gần với lối nhìn điểm tụ từ đường chân trời như hội họa châu Âu mà cảm nhận ước lệ theo đường chim bay gọi là thấm thị phi điểm hay theo kiểu phi ngựa, gọi là thấm thị tẩu mã

          Nghệ thuật tranh quốc họa đã sớm xuất hiện những họa gia lỗi lạc như Cố Khải Chi với biệt tài vẽ nhân vật, được suy tôn là họa thánh đến đời Đường là thời kỳ hoàng kim của tranh quốc họa với tranh sơn thủy, hoa điểm, thảo trùng, nhân vật... Họa gia nổi tiếng xuất hiện ngày càng đông như Vương Duy với tranh phong cảnh thủy mặc; Diên Lập Bản với thể loại tranh chân dung cho các vị vua quan rất đặc sắc; Ngô Đạo Tử mỗi lần vẽ đều uống rượu say, bút vẽ lên xuống biến hóa, hình dáng khỏe khoắn và phóng khoáng, biểu hiện sức mạnh của tinh thần bên trong; Trương Trạch Đoan đã sáng tác một kiệt tác vô song của quốc họa đời Tống với bức Thanh minh thượng hà đồ, miêu tả cảnh sinh hoạt trên sông với hơn 800 nhân vật trong tiết thanh minh. Đầu TK XX, Tề Bạch Thạch người học trò họa pháp đại tả ý đã trở thành ngôi sao sáng của quốc họa Trung Hoa đương thời, ông đã được biệt vào hàng ngũ danh nhân văn hóa thế giới ở thế kỷ này. Bên cạnh Tề Bạch Thạch còn có danh họa Từ Bi Hồng nổi tiếng vẽ ngựa. Ông từng đi học hội họa phương Tây tại Pháp song về nước hòa với bản sắc hội họa dân tộc ông đã trở thành họa gia quốc họa tứ danh. Thừa hưởng một di sản quốc họa đồ sộ, các thế hệ họa gia hôm nay biết hấp thụ một cách sáng tạo những tinh hoa độc đáo của cha ông dung hợp với họa họa nhân loại để cho quốc họa đương đại Trung Hoa một sinh khí mới mang tinh thần thời đại song vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 328, tháng 10-2011

Tác giả : Hoàng Duy

;