Một số thủ pháp nghệ thuật trong phim "Chàng vợ của em"

    Câu chuyện phim Chàng vợ của em (1) (được chuyển thể từ tiểu thuyết Busy Woman Seeks Wife của Annie Ashworth và Meg Sanders, Anh) kể về Hùng (Thái Hòa), một chủ hiệu sách cũ giỏi nội trợ, sống cùng em gái tên Ngọc (Thanh Trúc), người nhận lời giúp việc nhà cho nữ doanh nhân Mai (Phương Anh Đào) nhưng không đủ sức đảm đương khối lượng công việc nên cầu cứu anh trai. Trong quá trình làm thay việc của em gái, Hùng bắt đầu có tình cảm với Mai. Hùng đến làm trong những giờ Mai đi vắng, đồng thời giả làm em gái nhắn tin với Mai để giấu việc đổi người. Cô chủ dần tâm sự những chuyện thầm kín, với nhiều tình huống hài qua ngôn ngữ và biểu tượng ngộ nghĩnh trong tin nhắn mang phong cách, ngôn ngữ tuổi teen. Chuyện phim còn cho biết Hùng là người sợ chó nhưng phải chăm sóc chú chó cưng tên Heo của Mai. Ngoài ra, phim còn kể về câu chuyện của các nhân vật khác trong mối quan hệ với Hùng - Mai (Mạnh, người đàn ông cùng công ty và là sếp của Mai nhưng thành đạt và nhiều tham vọng, ca sĩ Khánh Liên - mẹ của Mai)…

    Với cốt truyện như vậy, Chàng vợ của em khá giống với phim Chàng độc thân có vợ của Liên Xô cũ những năm 80 của thế kỷ trước về sự bình đẳng giới và cũng là một mô típ ngược “chàng lọ lem thời hiện đại”. Tuy vậy, chủ đề rõ ràng hơn cả là sự tôn vinh tình cảm gia đình, sự trở về giá trị gia đình, đề cao bình đẳng giới cũng là tiêu chuẩn mới của người chồng hiện đại.

    Bên cạnh đó, chủ đề phim Chàng vợ của em còn là câu chuyện của: tình yêu, sự quan tâm thương yêu nhau, sự “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, sự cạnh tranh lành mạnh trong công việc, môi trường làm việc và sự nghiệp, sự va đập của các giá trị mới và cũ. Đây là một chủ đề khá mới, hay cũng là một nét mới của phim truyện điện ảnh Việt Nam gần đây.

    Phim Chàng vợ của em áp dụng thể loại tâm lý xã hội - hài - lãng mạn. Tuy nhiên, do tiết chế trong dàn dựng và lối diễn, phim thoát khỏi vết xe đổ của chủ trương khiến hầu như toàn bộ các thủ pháp nghệ thuật của tác phẩm điện ảnh chỉ nhằm gây cười. Và do thoát ra khỏi tiểu thể loại hài nhảm (có nguyên tắc thẩm mỹ sáng tạo riêng của tiểu thể loại) (2), có thể thấy hài trong Chàng vợ của em cũng không dựa trên những yếu tố hình thể, hay các chiêu trò hài hước, mà tập trung vào chi tiết và thoại hài, hơn nữa thoại hài lại chắt lọc, chi tiết được dụng công chọn lựa, cài cắm nên tránh được sự nhạt nhẽo và thô thiển. Có được điều đó, không chỉ bởi đạo diễn mà còn do diễn viên Thái Hòa đã tập trung làm cho nhân vật có được sự thuận chiều của những diễn biến tâm lý, khiến câu chuyện về “chàng khờ thật thà, tốt bụng” mang dáng dấp “mèo mù vớ phải cá rán” trở nên có duyên và hấp dẫn hơn. Chính thủ pháp tối giản trong lối diễn hài tập trung cao độ, khai thác tối đa chi tiết và thoại đã thúc đẩy kỹ thuật hài hước của Thái Hòa trở nên tỉ mỉ, phức tạp hơn so với các phim anh diễn trước đó, nói cách khác, đó là thủ pháp diễn xuất tỉ mỉ, phức tạp từ/ nhờ/ bằng sự tối giản hóa. Mặt khác, Thái Hòa không chỉ tự thân làm mới bằng lối diễn tiết chế, mà bản thân vai diễn Hùng đã mới so với các nhân vật khác của Charlie Nguyễn trong Cưới ngay kẻo lỡ, Long ruồi, Tèo em

    Với cách dàn cảnh theo nguyên tắc thẩm mỹ thể loại cùng sự kiểm soát được những hành động thị giác thuần túy, vấn đề thể loại hài - lãng mạn trong phim này đã được giải quyết, tạo nên sự cân bằng về mặt tổng thể cùng các yếu tố nghệ thuật khác.

    Với một kịch bản nước ngoài được chuyển thể, Việt hóa từ tác phẩm nổi tiếng là điều kiện tiên quyết thuộc trường hợp “sách hay - phim hay”, có thể thấy rõ sự chặt chẽ của các yếu tố kịch học, khó tìm ra các chi tiết thừa. Trong phim Chàng vợ của em, mọi chi tiết đều được “cài cắm” và sử dụng có mục đích, góp phần tham gia vào việc lý giải tâm lý và hành động của nhân vật Hùng, Mai, Ngọc… cũng như thúc đẩy tiến trình câu chuyện, qua từng hồi, từng lớp phim. Vì vậy, nhìn tổng thể, kịch bản phim đã giải đáp được nhiều vấn đề đang đặt ra về việc thiếu kịch bản phim truyện điện ảnh hay hiện nay.

    Với phong cách tự sự - lãng mạn, Chàng vợ của em là câu chuyện có thể kể lại được. Chuyện phim tôn trọng logic khách quan của sự kiện, song cũng luôn có những điểm “lật ngược” thú vị làm cho tất cả chuyển động từ hướng khẳng định sang hướng phủ định, hoặc ngược lại, tạo ra nhiều bất ngờ không thể đoán trước cho khán giả (lý do Hùng chạy nhanh, lý do sự cô đơn của Mai - một người phụ nữ, thị dân hiện đại…). Có được điều này bởi kịch bản phim đã chặt chẽ ở thủ pháp “chia để trị” (khoanh vùng các thành tố để tập trung đúng mức) khi phân chia câu chuyện thành 3 thành tố: nhân vật chính Hùng; mối quan hệ của hai nhân vật Hùng và Mai; sự kết nối giữa nhân vật Hùng, Mai và các nhân vật khác trong cả câu chuyện phim.

    Nhiều nhà làm phim danh tiếng trên thế giới khi bàn về các thủ pháp nghệ thuật đã cho rằng một bộ phim nên định hướng sự chú ý của khán giả và phải thể hiện tất cả khía cạnh của câu chuyện trên màn ảnh sao cho càng rõ càng tốt. Nói cách khác, các bộ phim truyện điện ảnh cần tăng cường tạo dựng một chuỗi tự sự nhân quả của truyện kể. Một sự kiện rõ ràng sẽ dẫn đến một hệ quả, mà tới lượt mình nó sẽ tạo ra một hệ quả khác; cứ như thế, câu chuyện diễn ra theo một logic riêng của nó. Hơn nữa, thông thường một sự kiện xảy ra trong phim phải là hệ quả của niềm tin, khát vọng, động cơ hành động của chính nhân vật. Ở khía cạnh này, tính hấp dẫn của phim Chàng vợ của em đã phụ thuộc vào tâm lý của các nhân vật: Hùng, Mai, Ngọc, Mạnh, Khánh Liên được phát triển và đặt trong hệ quả đó.

    Có thể nói, phim Chàng vợ của em thuộc dạng phim truyện có tâm lý nhân vật thúc đẩy hành động. Thông qua việc theo dõi hàng loạt mục tiêu của nhân vật Hùng-Mai và những xung đột kéo theo, người xem có thể hiểu thấu đáo chuỗi hành động của hai nhân vật đó.

    Đạo diễn Chàng vợ của em đã tập trung cho dựng cảnh có chiều sâu thông qua giới thiệu sự xuất hiện trong công viên của Hùng và Mai để nhấn mạnh tính duyên phận trong mối quan hệ của họ; hoặc tạo điểm nhấn về sự khác biệt thông qua việc trình bày về tập đoàn bất động sản Orion của Mạnh trước Mai để thấy tính “vỡ òa cảm xúc” do sự vượt trội bởi sự đề cao giá trị gia đình trong phần trình bày của Mai... Bằng cách đó, các kịch tính của bộ phim từ từ mở ra từng bước một. Dựng cảnh có chiều sâu trong phim đã hướng khán giả tập trung vào những phần quan trọng nhất về hành động của các nhân vật chính trong phim.

    Trở về giá trị tình cảm gia đình (qua thông điệp cơm nhà), phim Chàng vợ của em thực chất là cuộc kiếm tìm cái hữu lý và tính khả giải của cuộc sống - nơi mọi biến cố, xung đột, khủng hoảng… được phát lộ ở hồi đầu tiên bằng cách nào đó sẽ được giải quyết ở hồi cuối như là một hành trình khách quan và tất yếu. Với Hùng và Mai, cuộc sống một hành trình ít nhiều mang tính nhân quả, có tính toàn thể và liên tục, dù có những bất ngờ. Vì vậy, mọi phương tiện, thủ pháp nghệ thuật được sử dụng trong phim cũng nhằm hướng tới một mục đích: giúp khán giả có thể hiểu được bộ phim một cách sáng rõ và dễ dàng (dễ hiểu vì sao nhiều dàn cảnh của phim tập trung vào đề cao nghệ thuật nấu ăn của Hùng, như một cách nhấn vào thông điệp cơm nhà).

    Theo cách nhấn mạnh ở trên, thủ pháp nghệ thuật dàn cảnh của đạo diễn chính là đã tuân theo nguyên tắc để các cảnh được “nói” tối đa, tạo hiệu quả truyền đạt thông điệp cao nhất của các cảnh để khán giả có thể hiểu những mối quan hệ nhân quả, mối quan hệ không gian và thời gian trong phim. Trong mối quan hệ nhân quả: bắt đầu từ việc động lực hay nguyên do để Hùng trở thành vận động viên chạy điền kinh cấp quốc gia xuất phát từ việc sợ chó. Và cảnh gần kết khi Hùng huấn luyện cho các em nhỏ chạy từ tiếng chó sủa phía sau lưng… là một quan hệ mang tính logic. Mối quan hệ không gian là cảnh bữa ăn được Hùng chuẩn bị như đầu bếp thực thụ trong căn hộ sang trọng của Mai được kết nối với bữa ăn đơn giản của hai anh em Hùng - Ngọc trong căn phòng đơn sơ của Hùng, tin nhắn của Mai được kết nối với tin nhắn của Hùng với ngôn ngữ tuổi teen sành điệu qua smartphone… Mối quan hệ thời gian là cảnh hồi nhỏ anh chạy chối chết do bị chó đuổi, những tấm hình chụp cả gia đình Hùng, các huy chương điền kinh anh đoạt được trong ngôi nhà kiêm hiệu sách cũ của anh được kết nối với người đàn ông giỏi nấu ăn và nội trợ của hôm nay…

    Ngoài cách kể chuyện, phong cách tối giản là điều có thể thấy về nghệ thuật đạo diễn của phim. Các dàn cảnh của đạo diễn cũng là sự khác biệt cho phong cách tối giản. Đơn cử các cảnh trong công viên: cảnh lần đầu tiên Hùng và Mai chạy va phải nhau, với màn tranh cãi nhiều kịch tính và giàu hài hước về sự vô tình hay cố ý của việc bàn tay Hùng đặt lên ngực Mai; cảnh họ khi đứng tránh mưa trong nhà trú mưa của công viên, việc họ tranh ôm chú chó Heo và lời thú nhận của Hùng về tính cách “bụng nghĩ sao nói vậy” của anh… Như vậy, phong cách tối giản của đạo diễn đã có mối quan hệ rõ rệt, sự gắn bó hữu cơ, tác động qua lại với phong cách tối giản trong diễn xuất của diễn viên chính.

    Còn khi đạo diễn Chàng vợ của em dùng thủ pháp cắt dựng, chuyển cảnh từ không gian này sang không gian khác có nghĩa đạo diễn đang định hướng cho khán giả: cảnh Hùng kể cho Mai về lý do anh chạy nhanh, đến cảnh anh chăm sóc Ngọc như cách của một người mẹ bao bọc con thái quá trong phòng bán sách cũ; cảnh Hùng sau khi bị Mai bắt quả tang đang trần như nhộng với chú chó Heo trong phòng tắm nhà Mai, đến cảnh anh kể lý do việc thay Ngọc làm ôsin của Mai; cảnh anh đuổi bắt chú chó Heo để khỏi bị ướt mưa đến việc anh thú nhận tình yêu với Mai… Mặt khác, việc cắt dựng, chuyển cảnh như vậy hay những cảnh quay nghiêng và quay lia đã được sử dụng để tạo ra những sự thay đổi nhẹ nhàng, hoặc chuyển khuôn hình khi các nhân vật di chuyển (Hùng và Mai chạy ngược chiều khiến va chạm; Mai trong bộ trang phục vest trắng lịch sự di chuyển theo bậc tam cấp lên sân khấu để giới thiệu tập đoàn Orion; Mạnh di chuyển rời khỏi bàn ăn, bỏ mặc Mai ở lại…). Phương pháp giữ cho hành động luôn ở vị trí trung tâm như vậy cũng giúp tăng cường tính dễ hiểu cho các cảnh quay của phim này.

(còn nữa)

_____________

1. Hãng sản xuất: CJ Entertainment, Chánh Phương films, MAX E&C FEM, HK Film, Việt Phim, CINEBOX; 2018; Chuyển thể, Việt hóa, đạo diễn: Charlie Nguyễn. Phim đoạt giải Cánh Diều Vàng 2018 của Hội Điện ảnh Việt Nam.

2. Hài nhảm là tiểu loại của thể loại hài. Nguyên tắc sáng tạo của tiểu loại này: 1. Thường kết hợp các yếu tố của hài đen, hài hước tục tĩu, hài nhảm thập cẩm...; 2. Khiến khán giả ít phải nghĩ, được cười nhiều; 3. Đa số các tình huống gây cười thường là dễ dãi, không để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả; 4. Có nhiều phim mượn các yếu tố kinh dị trong đời sống như giết người, bắt cóc, chết chóc… rồi dí dỏm hóa chúng để tạo tình tiết gây cười; 5. Nhiều phim tận dụng tối đa phong cách hài hước tục tĩu, phản cảm để gây cười; 6. Trong một số phim, tiếng lóng và những câu thoại chế diễu, dung tục chiếm gần hết lời thoại của các diễn viên; 7. Áp dụng rất nhiều cách chọc cười khác nhau miễn là khán giả được cười và thư giãn tối đa…

Đơn cử các phim như Ted (2012, về chú chó nhồi bông cùng tên) và Ted 2, hay phim Deadpool (do Tim Miller đạo diễn, hãng 20th Century Fox, Mỹ sản xuất; trong đó ngoài những hành động, câu nói hài hước, một trong những lý do khiến bộ phim gây được sự thú vị cho khán giả là phong cách giễu nhại lại các bộ phim khác, nhân vật siêu anh hùng nổi tiếng, nhân vật có thật và cả chính diễn viên chính); phim hài nhảm Hong Kong của Châu Tinh Trì (được biết đến như “ông vua phim hài nhảm”, dàn dựng và diễn xuất trong nhiều phim hài nhảm thành công, đến mức đạo diễn Lý An từng nói: “Nếu Châu Tinh Trì làm phim hài nhảm, tôi tình nguyện làm diễn viên của anh ấy”). Tại Việt Nam trong những năm gần đây, có các phim truyện điện ảnh áp dụng một số yếu tố của tiểu loại hài nhảm như: Hello cô Ba, Hy sinh đời trai, Hit: Hoàng tử và Lọ lem, Nàng men chàng bóng

3. Kristin Thompson, David Bordwel, Lịch sử điện ảnh, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2007, tr.83.

Tác giả: Vũ Ngọc Thanh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 422, tháng 8-2019

;