Mối quan hệ giữa văn hóa dân gian và văn hóa bác học

Các nhà nghiên cứu ở Việt Nam thống nhất rằng có hai dòng văn hóa, dân gian và bác học, chuyên nghiệp. Dòng văn hóa dân gian là văn hóa của dân, do người dân sáng tạo, lưu truyền, thưởng thức. Dòng văn hóa bác học không phải do người dân sáng tạo. Riêng về thuật ngữ, có ý kiến cho rằng các từ chuyên nghiệp, bác học không thật thích hợp với đối tượng, mà nên dùng thuật ngữ tinh anh hoặc cao nhã. Về mối quan hệ giữa văn học dân gian với văn học chuyên nghiệp, bác học, theo tác giả Lê Kinh Khiên, văn học dân gian thường cho nhiều hơn là nhận (1). Hầu hết các nhà nghiên cứu đều khẳng định vai trò làm nền của văn học dân gian, văn nghệ dân gian.

Văn học Việt Nam thời trung đại có hai dòng là văn học dân gian, văn học thành văn (còn gọi là văn học viết). Nhắc đến văn học thành văn là người ta nhớ đến các tác giả như: Lý Nhân Tông, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Phạm Sư Mạnh, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn, Nguyễn Du, Ngô Thì Nhậm, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu… Nếu gọi dòng văn học thành văn này là văn học chuyên nghiệp thì không chính xác, bởi các tác giả không phải là những người viết văn chuyên nghiệp, không sống bằng nghề văn. Phần lớn họ là những người làm quan. Họ sống, chu cấp cho gia đình bằng lương vua ban. Họ không có khái niệm về nhuận bút. Nếu là nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp, họ phải lấy nghề sáng tác văn chương là nghề chính yếu, tác phẩm của họ phải được nhân bản rộng rãi, được bán ra thị trường. Còn ở đây, những tác giả này là người không chuyên của một thứ nghệ thuật rất cần đến chuyên môn riêng.

Trong thời trung đại, các tác giả của dòng văn học thành văn làm thơ trữ tình theo thể Đường luật, sáng tác những bài cáo, bài phú, bài hát nói theo những quy phạm chặt chẽ của những thể thơ, văn này. Văn thơ thời này là một nghệ thuật chuyên môn, còn các tác giả là những người cầm bút không chuyên nghiệp. Bởi vậy, nếu gọi dòng văn học thành văn là văn học chuyên nghiệp thì không chính xác, song gọi là văn học bác học thì thỏa đáng. Trong khi đó, ở lĩnh vực văn học, văn nghệ dân gian, những người sáng tác, lưu truyền đại đa số là những người không chuyên. Cá biệt có một số người chuyên nghiệp của một thứ nghệ thuật không chuyên, những người đó là những nghệ nhân hát xẩm. Như vậy, trong một số trường hợp, nếu dùng thuật ngữ chuyên nghiệp thì khó được chấp nhận. Hầu hết các tác giả đều dùng thuật ngữ bác học, kể cả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII cũng có đoạn viết: “Trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật, các hoạt động sáng tạo có bước phát triển mới. Nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống được giữ gìn. Có thêm nhiều tác phẩm có giá trị về đề tài cách mạng, kháng chiến, về công cuộc đổi mới. Nhiều bộ sưu tập công phu từ kho tàng văn hóa dân gian, văn hóa bác học Việt Nam trong nhiều thế kỷ được xuất bản, tạo cơ sở cho việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy những giá trị tư tưởng, học thuật, thẩm mỹ của dân tộc” (2). Ở mục Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa,  Nghị quyết cũng khẳng định: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể” (3). Tóm lại, tuy có khác nhau ít nhiều, nhưng các nhà nghiên cứu đều thống nhất ở chỗ văn hóa có thể phân chia thành hai dòng là bác học và dân gian.

Cũng theo tác giả Đinh Gia Khánh, dòng văn hóa dân gian có vị trí quan trọng hàng đầu trong nền văn hóa dân tộc vì hai lý do chính. “Lý do thứ nhất là nhiều giá trị văn hóa dân gian không chỉ hạn chế trong phạm vi địa phương mà còn được dân tộc hóa, tức là được nâng lên bình diện dân tộc trong tiến trình hình thành dân tộc. Lý do thứ hai là trong nền văn hóa dân tộc, văn hóa dân gian góp phần vào sự hình thành văn hóa bác học” (4).

Dòng văn hóa bác học nhiều khi tiếp thu ảnh hưởng của nền văn hóa nước ngoài. Trong quá trình phát triển về sau của nó, dòng văn hóa bác học lại có sự giao lưu với dòng văn hóa dân gian, tiếp nhận được từ dòng văn hóa này những ảnh hưởng tốt.

Trả lời câu hỏi văn hóa dân gian có từ bao giờ, đại đa số các tác giả đều cho rằng từ khi có xã hội loài người đã có văn hóa dân gian. Riêng tác giả Nguyễn Tấn Đắc thì có ý kiến khác. Ông cho rằng chỉ khi xã hội phân chia giai cấp, đã có nhà nước thì lúc đó mới có hai dòng văn hóa dân gian, bác học; trước đó, chỉ có văn hóa cộng đồng, văn học cộng đồng. “Trong một xã hội cộng đồng như vậy, văn hóa mang tính cộng đồng, cũng chưa nhiễm tính chính trị, đẳng cấp. Chưa có sự phân biệt giữa cái chính thống, quan phương với cái dân gian, thôn dã. Tất cả chỉ một. Không có hiện tượng hai bộ phận văn hóa. Tính cộng đồng là đặc điểm bao trùm toàn bộ đời sống của xã hội đó. Khi nói dân gian là mặc nhiên thừa nhận có cái đối lập với nó. Nhưng ở trong xã hội này, văn hóa nói riêng, cũng như xã hội nói chung chưa có sự tách đôi thành hai bộ phận đối lập nhau” (5).

Nếu theo quan niệm của tác giả Nguyễn Tấn Đắc thì ở ta văn hóa dân gian có từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Về số phận của văn hóa dân gian, tác giả cho rằng, càng về sau văn hóa dân gian càng bị thu hẹp phạm vi nhưng không bao giờ mất hẳn. Nếu chấp nhận quan niệm này, chúng ta vẫn thấy văn hóa cộng đồng gặp gỡ văn hóa dân gian ở chỗ chúng không có phong cách cá nhân, không có dấu ấn của cá nhân sáng tạo. Từ văn hóa dân gian, người ta lại có nhiều cách chia nhỏ, trong đó có cách chia văn nghệ dân gian nằm trong văn hóa dân gian, văn học dân gian nằm trong văn nghệ dân gian.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ ba Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức vào tháng 1-1995 tại Hà Nội, tác giả Cù Huy Cận phát biểu: “Văn nghệ dân gian là văn nghệ mẹ, văn nghệ gốc. Có thể nói, văn nghệ dân gian chứa đựng gần như tất cả các phép tắc nghệ thuật mà nền văn nghệ nói chung của dân tộc sẽ áp dụng, phát triển, bổ sung, trau chuốt. Không có một nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ quan trọng nào của dân tộc mà không được nuôi dưỡng tâm hồn bằng sữa mẹ của văn nghệ dân gian, về thơ thì từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương đến Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đình Chiểu, cũng như các thế hệ nhà thơ, nhà văn sau này đều như vậy” (6).

Trong thời đại hiện nay, dòng văn hóa dân gian vẫn có vai trò rất quan trọng trong việc là nền tảng để xây dựng nền văn hóa mới, có nội dung xã hội chủ nghĩa, tính dân tộc.

________________

1. Lê Kinh Khiên, Một số vấn đề lý thuyết chung về mối quan hệ văn học dân gian - văn học viết, Tạp chí Văn học, 1980, tr.69-81.

2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 171, 1998, tr.3-14.

4. Đinh Gia Khánh, Tuyển tập, tập 3, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007.

5. Nguyễn Tấn Đắc, Nội dung của folklore, Tạp chí Văn hóa dân gian, 1987, tr.13-17.

6. Phát biểu của nhà thơ Cù Huy Cận, Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian, Kỷ yếu đại hội III, 1995, Hà Nội.

 

Tác giả: Nguyễn Văn Định

Nguồn : Tạp chí VHNT số 412, tháng 10 - 2018

 

;