MÔ HÌNH TIỂU THUYẾT NHẤT LINH VÀ SỰ THỂ HIỆN Ý THỨC CÁ NHÂN

 

Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XX mang hơi thở của thời đại mới, là kết quả của sự giao lưu văn hóa phương Tây, phương Đông, và sự kết tinh của hơn mười thế kỷ văn học dân tộc. Sau năm 1932, tiểu thuyết ở Việt Nam phát triển mạnh. Các nhà văn tiến bộ chủ trương cải cách xã hội, hạ bệ chế độ đại gia đình, mê tín dị đoan, đập tan luân lý Khổng Mạnh. Hăng hái, tiên phong chính là nhóm Tự lực văn đoàn. Họ đấu tranh cho quyền tự do yêu đương, cho hạnh phúc cá nhân, cho người phụ nữ góa chồng được cải giá… Các nhà văn đã nỗ lực đổi mới tiểu thuyết, dùng tiểu thuyết để phơi bày sự hư hỏng, thối nát, bất công của xã hội. Trọng tâm của cuộc đấu tranh đó là chế độ đại gia đình mà người hăng hái đi đầu chính là nhà văn Nhất Linh - “cây bút trụ cột của Tự lực văn đoàn”.

“Tiểu thuyết là một loại hình tự sự, có ít nhiều hư cấu thông qua nhân vật, sự việc và hoàn cảnh, thường dùng văn xuôi (cũng có thể dùng văn vần) để phản ánh bức tranh xã hội”(1). Tiểu thuyết có khả năng tái hiện mọi giới hạn không gian và thời gian, phản ánh số phận của nhiều cuộc đời. Vì vậy, thể loại tiểu thuyết phù hợp với tư tưởng cải cách xã hội của một nghệ sĩ. Nhìn vào sáng tác của Nhất Linh, ta thấy “có sự tiến hóa dài trong sự nghiệp viết tiểu thuyết” (Vũ Ngọc Phan). Nho phong được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tay của một văn sĩ đương thời thanh niên vẫn còn nhiều bỡ ngỡ. Nội dung cũng như hình thức biểu hiện của tác phẩm chưa thoát ra được khỏi khuôn sáo cũ nặng nề. Từ đó, ông đã bước sang loại hình tiểu thuyết luận đề là một lối rất mới lúc bấy giờ, viết những cuốn tiểu thuyết làm xôn xao dư luận một thời như Lạnh lùng, Đoạn tuyệt, tuyên chiến thẳng vào chế độ đại gia đình, vào lễ giáo phong kiến, đòi giải phóng phụ nữ, giải phóng cá nhân, đề ra một quan niệm mới, một lối sống mới thể hiện tư tưởng dân chủ, tiến bộ. Với những cuốn tiểu thuyết này, Nhất Linh đã góp phần không nhỏ trong việc rút ngắn khoảng cách với tiểu thuyết lãng mạn phương Tây. Giai đoạn 1936-1939, khi tư tưởng dân chủ tư sản với các hoạt động cải cách không còn tỏ ra có nhiều tác dụng, Nhất Linh đi vào con đường bi quan, bế tắc. Ý thức cá nhân giai đoạn này được khai thác ở những mạch ngầm cuộn chảy, với mâu thuẫn nội tâm không lối thoát. Thay vì tiểu thuyết luận đề, tiểu thuyết tâm lý là sự lựa chọn có tính tất yếu của Nhất Linh ở giai đoạn này.

Ranh giới thời gian phân định tiểu thuyết luận đề và tiểu thuyết tình cảm ở Nhất Linh không hoàn toàn tách biệt. Đời mưa gió ra đời năm 1934 nhưng có thể xếp vào loại tiểu thuyết tâm lý. Và ngay cả những tiểu thuyết luận đề như Lạnh lùng, Đoạn tuyệt thì cũng không hoàn toàn là luận đề cứng nhắc mà vẫn được kết cấu theo quy luật tâm lý và đi sâu mô tả diễn biến tâm lý nhân vật. Cả hai loại vẫn song song tồn tại trong từng giai đoạn, nhưng xu hướng chủ đạo thì có thể coi là căn cứ chủ yếu để phân định. Vấn đề đặt ra là lý giải cho sự vận động và thay đổi này như thế nào.

Thứ nhất, giai đoạn 1932-1936, tiểu thuyết luận đề thể hiện tư tưởng nhập thế của Nhất Linh và các nhà văn Tự lực văn đoàn hăng hái đấu tranh, tiên phong trong các hoạt động cải cách. Ý thức cá nhân được nhìn nhận trong sự bứt phá mạnh mẽ, vượt mọi rào cản, phép tắc đạo đức của nền luân lý cũ; đến tiểu thuyết tâm lý, Nhất Linh đã chuyển sang thái độ thoát ly. Xu hướng lãng mạn cùng với tư tưởng bất hòa thực tại tạo tiền đề cho nhà văn hướng tìm tòi mới: khám phá thế giới vi diệu của tâm hồn với những tầng bậc vô cùng của cảm xúc, của ý thức cá nhân. Vì vậy, tiểu thuyết tình cảm trở thành sự lựa chọn tất yếu của tiểu thuyết Nhất Linh giai đoạn 1936-1939.

Thứ hai, về mặt động cơ sáng tác, với những tiểu thuyết luận đề, Nhất Linh sử dụng văn chương làm vũ khí chính trị và văn hóa, phụng sự lý tưởng cải cách. Giai đoạn sau, tư tưởng làm cách mạng văn hóa của Tự lực văn đoàn có nguy cơ phá sản. Với tiểu thuyết tâm lý, mối quan hệ giữa con người với hoàn cảnh ít được chú ý, ý thức cá nhân được khai thác ở những dòng chảy ngầm bên trong mà ít vận động, biến đổi và bị tác động bởi thế giới bên ngoài. Vì vậy, sự chuyển hướng từ tiểu thuyết luận đề sang tiểu thuyết tâm lý âu cũng là tất yếu.

1. Tiểu thuyết luận đề Nhất Linh

Theo tác giả Nguyễn Thị Tuyến (2), tiểu thuyết luận đề có 3 đặc trưng cơ bản: là loại tác phẩm văn học được viết để minh họa cho một ý đồ tư tưởng xã hội; thường đề cập tới các quan điểm xã hội nhân sinh, trong đó tác giả thể hiện rõ lập trường quan điểm của mình trong việc chống đối, phủ nhận vấn đề này đề cao và tán dương vấn đề kia; được xây dựng theo những nguyên tắc cấu thành của tác phẩm văn học, tuy nhiên, tính khách thể của hình tượng nghệ thuật thường bị xâm phạm. Nhằm bộc lộ luận đề của tác phẩm, tác giả của nó thường hay can thiệp vào việc dẫn dắt câu chuyện, gạt bỏ sự ngẫu nhiên khiến cho câu chuyện trở nên xuôi chiều, tâm lý của nhân vật bị lược bớt, trở nên rõ ràng, đơn giản, theo một đường thẳng, thậm chí có khi còn chấp nhận cả sự gò ép, khiên cưỡng trong khắc họa nhân vật.

Ở tiểu thuyết luận đề, nhân vật chính diện là nhân vật mang tư tưởng luận đề, còn nhân vật phản diện chống lại nó. Cuối cùng bao giờ luận đề cũng được khẳng định, đề cao, kẻ chống lại luận đề sẽ bị lên án, vì vậy, tiểu thuyết luận đề thường có kết thúc có hậu. Không thể phủ nhận, tiểu thuyết luận đề là một xu hướng khá rầm rộ, phát huy được vai trò là phương thức đấu tranh hạ bệ chế độ đại gia đình, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan và những nguyên tắc trói buộc cá nhân của luân lý Khổng Mạnh, góp phần thúc đẩy quá trình hiện đại hóa xã hội Việt Nam trong những năm 1930.

Theo quan niệm của Nhất Linh, tiểu thuyết luận đề là loại tác phẩm văn học “viết để đả đảo một sự bất công, để tán dương một cái gì tốt đẹp, để nêu lên một lý thuyết và đặt ra một câu chuyện để thực hiện ý đó”(3).

Trong tiểu thuyết luận đề, Nhất Linh dễ dàng thể hiện ý thức cá nhân thông qua mối xung đột mới - cũ. Trong các cuốn tiểu thuyết Lạnh lùng, Đoạn tuyệt, sau khi phơi bày những mặt trái, lạc hậu, vô nhân đạo của gia đình, đạo lý phong kiến, nhà văn lên tiếng bênh vực quyền sống của con người, đồng thời phê phán thái độ nước đôi, lưỡng lự của những con người yếu đuối, nhu nhược. Khi viết Đoạn tuyệt, Nhất Linh có lời đề tặng “các thanh niên nam nữ đã từng chịu những nỗi khắt khe của cuộc đời xung đột mới, cũ”. Mối xung đột ấy được diễn ra chủ yếu trong các trong gia đình phong kiến, tập trung ở mối quan hệ mẹ chồng- nàng dâu. Trong cuộc xung đột cam go, không khoan nhượng ấy, Nhất Linh đứng về phía mới, hô hào, cổ vũ cho tự do yêu đương, tự do hôn nhân và vận mệnh cá nhân.

Nhân vật trong tiểu thuyết luận đề Nhất Linh vì thế được chia thành hai chiến tuyến: một bên là những cô gái mới và bên kia là các bà mẹ chồng và họ hàng nhà chồng. Những con người đại diện cho thế lực phong kiến, là phái bảo tồn gia phong ra sức níu kéo, duy trì nền luân lý, phong tục, tập quán, nếp nghĩ cũ đang bị lung lay bởi những biến đổi của xã hội. Quyết liệt không kém là những cô gái tân thời đang vận động, bứt phá và tìm cách khẳng định quyền làm người, quyền tự do hôn nhân, tự do định đoạt số phận. Trong cuộc đấu tranh cam go ấy, Nhất Linh đã dùng lối đánh trực diện, giúp người đọc ghét cũ, yêu mới, căm hờn chế độ đại gia đình với những lề thói cổ hủ. “Nhất Linh cho rằng cái khí giới ôn hòa của Khái Hưng chưa đủ hiệu lực để đánh đổ kẻ thù còn đang mạnh lắm. Ông chủ trương phải tuyên chiến và đánh thẳng vào địch, hạ cho nó nằm xuống thì mới hòng cứu vãn được”(4).

Trong sự nghiệp sáng tác của Nhất Linh, có 2 cuốn tiểu thuyết luận đề đã đưa nhà văn lên bục vinh quang: Lạnh lùngĐoạn tuyệt. Viết lên một câu chuyện để minh họa cho chủ đích có sẵn, Nhất Linh đã đưa nhân vật vào những bối cảnh cụ thể: đưa Loan vào làm dâu trong một gia đình gia trưởng với bà mẹ chồng, cô em chồng, bà cô chồng nanh ác, bảo thủ, bên cạnh một ông chồng nhu nhược, hèn kém; đưa Nhung vào làm cô con dâu góa trong gia đình bà Án gia thế mà thâm thúy, cổ hủ và trọng danh hão. Trong hoàn cảnh ấy, những cô gái mới xinh đẹp, giỏi giang bị va đập trong các mối quan hệ gia đình, xã hội với chồng, mẹ chồng, em chồng và một tình yêu trong sáng, đầy hoài bão, đích thực mà họ đã tìm thấy, đã gìn giữ bấy lâu. Nhất Linh để cho nhân vật xung đột trong các mối quan hệ, đẩy mâu thuẫn lên cao trào và tung ra những nhân tố bổ trợ cho nhân vật trong cuộc đấu tranh cho luận đề của mình.

Chính vì sử dụng luận đề một cách có chủ đích, nên sự xuất hiện của các nhân vật như trạng sư với những thuyết giảng hùng hồn trong Đoạn tuyệt có vẻ thiếu đi sự tự nhiên. Tuy nhiên, ở góc độ biểu đạt tư tưởng của tác giả về ý thức cá nhân, về cuộc đấu tranh không khoan nhượng cho tự do yêu đương, tự do hôn nhân, thì đây lại là công cụ hữu hiệu, có tác dụng tức thì.

Với xu hướng thiên về tiểu thuyết luận đề, các tác phẩm của Nhất Linh giai đoạn 1932-1936 đã xây dựng nên những cá nhân cô đơn xung đột với hoàn cảnh, môi trường xung quanh. Liên (Gánh hàng hoa), Trâm (Nắng thu) với những mối tình không kể sang hèn, không tính môn đăng hộ đối có thể coi là những tín hiệu phá rào sắp diễn ra mạnh mẽ. Đến như như Nhung, Loan thì luận đề đấu tranh đã rõ rệt hơn, qua đó thể hiện những khát vọng tự do, muốn tách biệt hoàn toàn xã hội, với tình cảm mạnh mẽ và những vận động bí ẩn của tâm hồn, hướng tới một thế giới mà con người được làm chủ vận mệnh của mình, được yêu và sống hạnh phúc.

2. Tiểu thuyết tâm lý Nhất Linh

Khái niệm tiểu thuyết tâm lý dù được sử dụng khá phổ biến trong các công trình nghiên cứu về tiểu thuyết hiện đại nhưng hoàn toàn vắng bóng trong các cuốn từ điển văn học hay từ điển thuật ngữ văn học. Theo tác giả Trần Đăng Suyền, “Tiểu thuyết tâm lý là loại tiểu thuyết tìm cách gợi lên thế giới tâm linh, bản chất của nhân vật được xem xét theo sự phát triển nội tại chứ không theo sự áp đặt của thế giới bên ngoài… Nó đơn giản chỉ ra rằng những động cơ điều khiển tổ chức của cốt truyện, trật tự của các hành động và của các nhân vật về cơ bản được qui về sự phân tích những phản ứng tâm lý của nhân vật”(5). Dù chưa có khái niệm chính thống về tiểu thuyết tâm lý, song có thể hiểu đó là loại tiểu thuyết lấy tâm lý nhân vật là đối tượng chính để phản ánh, bộc lộ, đồng thời là cứu cánh cho việc ra đời cũng như thước đo giá trị của tác phẩm.

Tâm lý là một biểu hiện quan trọng trong đời sống tinh thần con người, vì vậy, yếu tố tâm lý không thể thiếu trong nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật ở mọi tác phẩm văn học. Tiểu thuyết tâm lý manh nha xuất hiện từ Đời mưa gió, phát triển mạnh mẽ ở giai đoạn 1936-1939 với Đôi bạn, Bướm trắng. Vũ Ngọc Phan đã khẳng định con đường phát triển của tiểu thuyết Nhất Linh: “Ông viết từ tiểu thuyết ái tình, tiểu thuyết tình cảm, qua những tiểu thuyết luận đề, đến tiểu thuyết tâm lý, sự tiến hóa ấy chứng ra rằng mỗi ngày ông càng muốn đi sâu vào tâm hồn người ta”(6). Kiểu kết cấu tâm lý đảo lộn thi pháp văn học trước, chi phối tất cả các khâu trong quá trình sáng tạo.

Ở tiểu thuyết tâm lý, Nhất Linh đi sâu khám phá thế giới tâm lý trong con người, con người được nhìn nhận đa chiều trong sự vận động và phát triển của ý thức cá nhân với chính đời sống nội tâm. Thay vì miêu tả một số biểu hiện tâm lý, Nhất Linh đã coi tâm lý của Dũng (Đôi bạn), Trương (Bướm trắng) là đối tượng trực tiếp, bao trùm và duy nhất của tác phẩm. Thay cho động cơ tâm lý nhất quán một chiều là những biểu hiện đa dạng hơn, có cả phần mơ hồ của tiềm thức, vô thức, cá nhân nhiều khi không kiểm soát được hành vi của mình. Quá trình tâm lý được quan tâm thay cho các trạng thái tâm lý trước đây, với những biểu hiện của sự vận động, qua những mâu thuẫn nội tại phức tạp. Hành vi bên ngoài và mâu thuẫn bên trong của nhân vật không thống nhất, một chiều, nhân vật độc thoại nhiều hơn, hiện tượng người trần thuật nhập vào ý nghĩ của nhân vật với cái nhìn từ bên trong xuất hiện nhiều hơn. Nhân vật không ở trạng thái động, nhập thế như nhân vật của tiểu thuyết luận đề mà ở trạng thái tĩnh với những cuộc vật lộn bão giông trong nội tâm.

Tâm lý của nhân vật không mở ra những vấn đề xã hội mà thu hẹp trong vấn đề cá nhân, phạm vi hoạt động của nó thu dần vào những vòng tròn tâm lý hướng tâm (chữ dùng của Phan Cự Đệ). Với những thủ pháp nghệ thuật hiện đại trong miêu tả tâm lý như: đối thoại tâm lý; độc thoại nội tâm kết hợp với kể và miêu tả; phân tích tâm lý… tiểu thuyết tâm lý Nhất Linh có tham vọng tìm hiểu đời sống tâm hồn, tình cảm của con người theo một con đường riêng, góp phần giải tỏa một số bế tắc, bất cập của tính chất ước lệ, công thức trong văn học truyền thống, văn học buổi giao thời và trong cả một số tác phẩm được coi là từng tạo nên tiếng vang không nhỏ bấy giờ.

Truyện Đôi bạn gần như không có truyện, rất ít sự việc, hoạt động của nhân vật không nhiều: mấy lần Dũng và Trúc đi gặp bạn bè, hai lần sang nhà Loan chơi, một lần hai người cùng đi Hà Nội, buổi đi chơi ấp Quỳnh Nê trước ngày lên đường. Tác giả chỉ chú trọng diễn tả cuộc vận động trữ tình trong tâm hồn nhân vật, tạo nên hai dòng khát vọng tuôn chảy miên man bằng những đoạn mô tả suy nghĩ, cảm xúc, liên tưởng. Tác phẩm phát triển theo dòng tâm lý. Nhất Linh khai thác những mâu thuẫn tình cảm, mâu thuẫn nội tâm, để mặc cho hoàn cảnh nhòe mờ đi. Truyện không có tình tiết ly kỳ, nảy lửa, gay cấn, ác liệt. Cuộc xung đột giữa Dũng và ông Tuần cũng không căng thẳng, các nhân vật đối thoại ít lời, ông Tuần nghiêm trách Dũng mấy câu, còn Dũng im lặng. Cuộc xô xát giữa hai anh trai và Dũng cũng vậy- không nhiều lời. Nhờ dòng hồi ức nhân vật, không gian truyện được mở rộng. Đó là không gian đồng áng, phố phường, bệnh viện… Không gian vươn tới những vùng đất xa lạ: “Dũng nhìn lên mặt trăng cao và tròn khuất sau lá cây. Ở thành phố nên Dũng thấy mặt trăng có vẻ buồn bã như cát bay lên trắng mờ mờ như làn sương, nhớ những con đom đóm bay qua ao bèo, lúc tắt lúc sáng như những ngôi sao lạc biết thổn thức”.

Bướm trắng lại là một cuộc phiêu lưu của Nhất Linh trong thế giới bí ẩn của con người. Nhà văn đã sử dụng những kỹ thuật viết tiểu thuyết hiện đại như không gian, thời gian, những hình thức trần thuật, kết cấu… để thể hiện một cuộc hành trình đầy tính bi kịch của thế giới bên trong đa dạng và đầy mâu thuẫn của con người. Bướm trắng không những đã đạt đến cái mức trong sáng, lý tưởng của nghệ thuật phân tích tâm lý thời đại mà còn phản ánh sâu sắc tâm trạng thắc mắc băn khoăn của một tầng lớp thanh niên lạc lõng trong một khung cảnh xã hội phân hóa triệt để đến rã rời.

Do kết cấu tâm lý nên mạch truyện không tuân theo trật tự thời gian mà theo tâm lý nhân vật, nhờ đó dòng chảy ý thức cá nhân trở nên liền mạch, sinh động, cuốn hút. Hành động nhớ lại, hồi tưởng lại, nghĩ lại được lặp với tần số cao có tác dụng mở rộng không gian câu chuyện, chiếu ánh sáng mới vào quá khứ xa xôi của nhân vật. Quá khứ, hiện tại, tương lai cùng đồng hiện trong tác phẩm tạo nên thời gian bi kịch cao và sâu hơn. Cuộc gặp gỡ giữa Trương và Mùi trong Bướm trắng đã làm hai người sống lại cuộc đời trong sách ngày xưa, của cậu sinh viên và cô hàng xén. Nhân vật tiếc quá khứ để rồi cùng khóc cho hiện đại và thấy tương lai mờ mịt phía trước. “Trương như thấy trên nét mặt mếu máo và gầy gò của Mùi tất cả cái đau khổ của đời chàng”. Ảnh hưởng của dòng chảy tâm lý nhân vật nên thời gian cũng mang màu sắc tâm lý được co giãn.

Với sự vận động và phát triển của tiểu thuyết luận đề và tiểu thuyết tình cảm, Nhất Linh ngày càng tỏ ra chắc tay trong nghệ thuật viết tiểu thuyết, đưa tác phẩm của ông tiệm cận dần đến phong cách tiểu thuyết hiện đại. Về mặt tư tưởng, Nhất Linh đã đi từ tư tưởng nhập thế đến thoát ly, từ hăng hái cải tạo xã hội theo hướng dân chủ tư sản đến xu hướng bi quan, bế tắc. Mạch ngầm chảy suốt trong tư tưởng của Nhất Linh từ 1932 đến 1939 chính là ý thức cá nhân. Càng ngày, Nhất Linh càng tỏ ra tài năng trong việc lách sâu ngòi bút vào những tầng, những lớp của dòng chảy ấy, chỉ ra những mâu thuẫn, biến động, trắc trở trong con người cá nhân. Và như vậy, có thể khẳng định, việc lựa chọn kết cấu tiểu thuyết hợp lý đã góp phần thể hiện diện mạo của ý thức cá nhân trong tiểu thuyết của Nhất Linh một cách sinh động và sâu sắc.

_______________

1. Nhiều tác giả, Từ điển văn học, tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1984, tr.390.

2. Nguyễn Thị Tuyến, Mô hình tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, Luận án tiến sĩ ngữ văn, Thư viện quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.114.

3. Nhất Linh, Viết và đọc tiểu thuyết, Nxb Đời nay, 1972, tr.10.

4. Thạch Lam, Tuyển tập, Nxb Văn học, Hà Nội, 1988, tr.723.

5. Trần Đăng Suyền, Chủ nghĩa tâm lý trong sáng tác của Nam Cao, Tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam, số 9-1991.

6. Mai Hương, Nhất Linh - cây bút trụ cột của Tự lực văn đoàn, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2000, tr.333.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 361, tháng 7-2014

Tác giả : Nguyễn Thị Thanh Thủy

;