MẤY NÉT VỀ MÚA HIỆN ĐẠI VIỆT NAM

Balê cổ điển là một loại hình nghệ thuật múa độc đáo và đặc sắc. Nó đã lên đến đỉnh cao vinh quang và tạo dựng được một hệ thống những nguyên tắc chặt chẽ với các chuẩn mực, quy cách rất điển hình. Tuy vậy, đến cuối TK XIX, đầu TK XX, một số người lại không chấp nhận hệ thống luật động cổ điển. Không phủ nhận vẻ đẹp, sự tinh tế của balê cổ điển nhưng họ thấy nó quá xa rời cuộc sống, bởi có nhiều luật động phi hiện thực. Muốn nghệ thuật múa phải có những luật động gần hiện thực hơn, họ đã đi tìm hệ thống biểu đạt mới thay thế tư duy hình tượng truyền thống. Tôn thờ vẻ đẹp tự nhiên, mộc mạc, giản dị đời thường, họ đã sáng tạo ra một loại hình nghệ thuật mới mà giới nghiên cứu gọi là múa hiện đại.

Balê cổ điển đã có được những thành công vĩ đại, nhiều tác phẩm trở thành mẫu mực để lại cho muôn đời như Giden, Người đẹp ngủ, Kẹp hạt dẻ..., song đối tượng phản ánh và cả khán giả của nó chỉ dừng lại ở tầng lớp quý tộc, còn người dân lao động dường như bị đẩy sang bên lề. Balê là món ăn tinh thần của tầng lớp quý tộc, có lúc họ còn mượn balê để phô trương thanh thế. Hầu hết các tác phẩm balê cổ điển đều khai thác cuộc sống, tình yêu lãng mạn, đầy chất thơ của những nàng công chúa, chàng hoàng tử...

Bánh xe lịch sử cứ quay, mang đến bao đổi thay cho cuộc sống. Sau những cuộc cách mạng công nghiệp, vai trò cũng như nhận thức của người dân dần được nâng cao, họ đòi hỏi nghệ thuật nói chung, nghệ thuật múa nói riêng phải hướng tới, lấy họ làm đối tượng và phản ánh cuộc sống của họ. Đó là cuộc sống mới với những hối hả, gấp gáp trên đường đời. Balê cổ điển với những quy tắc khắt khe riêng không thể làm được điều này. Nhu cầu khách quan cần có một hệ thống ngôn ngữ thể hiện mới, và thế là múa hiện đại ra đời.

Thực chất đây là một bước đi của lịch sử. Xã hội thay đổi, công cuộc công nghiệp hóa làm đổi thay nhịp sống, lối sống, tốc độ sống và quan điểm thẩm mỹ thay đổi là điều dễ hiểu. Giờ đây khi quá trình công nghiệp hóa mang đến bao sự mới mẻ, cuộc sống gấp gáp hơn, con người sống thực tế hơn, nên không thể cứ mãi bay bổng với những mối tình lãng mạn, với những nàng công chúa ngủ trong rừng... Họ cũng không có nhiều thì giờ để ngồi tưởng tượng, suy ngẫm, trầm ngâm với những triết lý... khi giải trí bây giờ đã trở thành một trong những chức năng của nghệ thuật. Mặt khác, trên phương diện về nội dung và hình thức thì rõ ràng tâm hồn, tình cảm của con người thời nay không thể diễn đạt hết trong cái hình thức của thời xưa được.

Trên nguyên lý chung, múa hiện đại khai thác cuộc sống với cách cảm, cách nghĩ của người đương thời, sử dụng những luật động gần gũi với cuộc sống... nhưng ngay từ buổi đầu mỗi người lại có một hướng đi riêng. Nếu Đuncan theo trường phái balê chân đất, hoàn toàn chống lại những quy cách cứng đờ của balê cổ điển, lấy cảm xúc từ âm nhạc và diễn đạt lại bằng các động tác, tôn thờ sự biến đổi của âm nhạc, thì Đancrôt lại không nhằm để diễn đạt một nội dung gì cả, mà chỉ là những chuyển động đội hình mang tính hoành tráng. Dẫu là cách thể hiện khác nhau, nhưng vẫn có một số đặc trưng cơ bản giống nhau là: phản ánh trực tiếp cuộc sống con người đương đại. Những tâm tư, tình cảm, những ước muốn, khát vọng rất đỗi đời thường được đưa lên sân khấu bằng một thứ ngôn ngữ vừa lạ lại vừa quen (bởi múa hiện đại, vừa cải tạo ngôn ngữ múa cổ điển vừa tiếp thu những hành động đời thường rồi múa hóa nó). Cũng chính từ sự múa hóa này mà ngôn ngữ múa hiện đại dường như sần sùi, gai góc chứ không mượt mà, chải chuốt như balê cổ điển. Múa hiện đại ít khi xoáy sâu vào từng vấn đề cụ thể mà xây dựng theo mảng miếng, màu sắc tâm trạng..., tuy cấu trúc đơn giản, không nhiều tuyến nhưng lại đa sắc màu, đa góc cạnh. Và đặc biệt, múa hiện đại đã mở rộng khán giả đến tất cả mọi thành viên trong xã hội, nhất là người dân thường.

Khuynh hướng tìm tòi cái mới trong ngôn ngữ múa nhanh chóng xuất hiện ở nhiều nước: Cuba, Mỹ, Pháp, Úc, Nga, Nhật... Và gần đây là Việt Nam. Múa hiện đại du nhập vào Việt Nam chủ yếu qua hai con đường: từ những đoàn, những người nước ngoài tới Việt Nam biểu diễn; và từ những người đi du học nước ngoài về.

Song múa hiện đại ở Việt Nam hiện nay, không hoàn toàn giống với múa hiện đại của thời Đuncan, Đancrôt... Sở dĩ người ta gọi là múa hiện đại vì nó phản ánh tâm hồn, tình cảm, lối sống của những con người đương đại bằng một hình thức không giống với balê cổ điển, cũng không giống múa dân gian hay một hình thức múa nào khác. Cũng cần lưu ý, thời hiện đại của Đuncan khác hoàn toàn so với thời hiện đại của múa hiện đại Việt Nam. Một điều dễ nhận thấy, múa hiện đại từ khi ra đời đến nay, chưa có một định nghĩa nào đầy đủ và xác đáng về nó, và cũng chưa ai xây dựng ra những hệ thống, quy tắc chung. Vì thế, cho tới nay múa hiện đại vẫn đang phát triển rất nhiều hướng khác nhau.

Gần đây, ở Việt Nam múa hiện đại đã phát triển trở thành một trào lưu, một khuynh hướng sáng tác của các biên đạo. Có thể lấy ví dụ trong cuộc thi Tài năng biểu diễn nghệ thuật múa, tuy là cuộc thi của các diễn viên chuyên nghiệp, nhưng trên thực tế nó trở thành sàn diễn để các biên đạo, đặc biệt là biên đạo trẻ thi thố tài năng, từ đó xuất hiện nhiều tác phẩm múa hiện đại: Sự sống, Khoảnh khắc, Lẽ đời, Ước mơ... Ngoài ra phải kể tới một số biên đạo đi du học ở nước ngoài về, như Lê Vũ Long, Bùi Thục Anh, Nguyễn Ngọc Anh..., cũng tham gia sáng tác múa hiện đại. Giữa những tác phẩm này có sự khác biệt rất lớn, từ cách cảm đến cách thể hiện, bộc lộ nét riêng của từng biên đạo. Dẫu vậy các tác phẩm vẫn gặp nhau ở một điểm, đó là không đi vào kể hay diễn giải một câu chuyện, mà chỉ là những cảm xúc, những suy tư được bộc lộ hết sức tự nhiên. Chính vì thế, có người nhận xét: múa hiện đại có một đặc điểm rất chung đó là tính ước lệ, khái quát chứ không đi vào kể lể cụ thể. Do đó tác phẩm múa đương đại được làm ra để người xem cảm nhận chứ không thiên về giải thích.

Múa hiện đại du nhập vào Việt Nam làm cho sân khấu múa thêm phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, nó mới chỉ đến được với sàn diễn của các thành phố lớn, còn với những nơi không phải là trung tâm văn hóa lớn thì múa hiện đại vẫn còn là một thuật ngữ xa lạ, hoặc trong tình trạng mới nghe mà chưa được nhìn. Nguyên nhân do đâu? Phải thừa nhận rằng, nghệ thuật múa ngày nay chưa phát triển. Đoàn ca múa của các tỉnh hầu như không có nhiều diễn viên múa chuyên nghiệp. Số đông diễn viên múa không được đào tạo chuyên nghiệp, họ chủ yếu biểu diễn những điệu múa dân gian, nên xảy ra tình trạng không có đất dụng võ. Nói vậy sẽ có người phản bác: Ea Sola đâu cần đến diễn viên chuyên nghiệp, diễn viên của bà là những người nông dân mà tác phẩm vẫn được biểu diễn không những ở Việt Nam mà còn ở một số nước khác. Hay Lê Vũ Long cũng đâu cần thả tâm hồn mình cùng các diễn viên đã được đào tạo lâu năm, anh đưa những người khiếm thính lên sân khấu, định hướng cảm xúc của họ không phải bằng âm nhạc mà bằng ánh sáng, vẫn được hoan nghênh đấy thôi. Thật không dễ gì lý giải được ngọn ngành vấn đề này, song cũng có thể nhận thấy một số hiện tượng sau: nghệ thuật múa cũng như nhiều bộ môn nghệ thuật khác không được phát triển đồng đều trên khắp cả nước; cái mới thường du nhập vào các trung tâm văn hóa lớn trước và sau một thời gian thử nghiệm mới đi đến sàn diễn ở các tỉnh; khán giả ở các tỉnh có vẻ khắt khe hơn trong việc tiếp thu cái mới. Hơn nữa, múa hiện đại đang tồn tại ở Việt Nam thường gợi những cảm xúc khó nắm bắt, không dễ gì hiểu được nó, bởi biên đạo không muốn định hướng cảm xúc cho khán giả mà chạy theo cái lạ, cái mới, tăng cường phần kỹ thuật mà ít hoặc không chú ý đến tính biểu hiện của ngôn ngữ.

Tuy chưa đến với sân khấu của các tỉnh, song múa hiện đại lại đang rất phổ biến ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, bởi ở đây có những con người tôn thờ múa hiện đại. Họ cho rằng: với múa hiện đại, bằng múa hiện đại, con người có thể tự do, phóng khoáng trong việc thể hiện cảm xúc, tình cảm. Đúng với tên gọi của nó, múa hiện đại là sản phẩm của cuộc sống mới, của con người mới, giúp người ta tự do, thoải mái bộc lộ cảm xúc cá nhân, không cần phải gò bó trong những khuôn mẫu khắt khe của balê cổ điển. Trong tác phẩm Khoảnh khắc của biên đạo Thanh Phong và nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn, những rung động, những tình cảm của con người đồng cảnh được diễn tả rất tinh tế bằng chất liệu múa hiện đại. Vẫn là những cảm xúc của những người cùng hội, cùng thuyền, nhưng sao những động tác vừa mềm mại, vừa quằn quại, trữ tình dưới nền nhạc lúc êm ả khi sôi sục, có chỗ tác giả còn sử dụng cả tiếng đạn bom, vẫn không làm người xem liên tưởng đến thời chiến tranh mà lại thấy phảng phất đâu đây hơi thở cuộc sống mới. Hiệu quả khơi gợi cảm xúc của múa hiện đại rất lớn, trên nền những động tác, chuyển động hình thể và âm nhạc đó mỗi người có thể tùy ý cảm nhận điệu múa theo một cách riêng. Biên đạo không áp đặt, cũng không cần định hướng cảm xúc mà cứ diễn tả nội tâm như nó vốn có, như nó muốn vậy.

Bên cạnh sự mới mẻ trong cách thể hiện, một số tác phẩm múa hiện đại sử dụng những động tác quằn quại, uốn éo, nhiều khi có những hành động phản cảm. Ngôn ngữ pha tạp hổ lốn, khiến ta có cảm giác họ đánh mất đặc trưng cơ bản của nghệ thuật múa là tính ước lệ, tượng trưng. Khi xem tác phẩm múa đương đại, NSƯT Hoàng Hà thốt lên: múa hiện đại là cái này ư, chẳng lẽ cứ lăn lê bò toài trên sân khấu, cứ tạo hình ôm nhau lắt léo, hết xoay dọc lại xoay ngang, cưỡi lên đầu lên cổ nhau, đè trườn lên nhau thì đó là ngôn ngữ múa hiện đại, còn nội dung chỉ là cái cớ để phơi bày ngôn ngữ múa hiện đại thôi sao? Tuy nhận xét này có phần khắt khe và phiến diện, song nó đã chỉ ra được một số điểm còn tồn tại trong vài tác phẩm múa hiện đại là nhiều biên đạo quá thiên về phô diễn hình thể diễn viên mà quên đi tính biểu đạt của hình tượng. Một số khác lại cố tình kéo xa khoảng cách giữa khán giả và tác phẩm đến nỗi xem xong không ai hiểu biên đạo muốn nói gì, như trường hợp tác phẩm Màu thời gian của biên đạo Trần Xuân Thanh, âm nhạc Đỗ Hồng Quân. Xem tác phẩm này có người hài hước nói: thời gian màu gì vậy?. NSƯT Hoàng Hà thì cho rằng nếu ngôn ngữ múa hiện đại chỉ là sự vay mượn một cách thô thiển, chắp vá của các loại hình nghệ thuật khác; một ít kỹ thuật ở ballet cổ điển, một số động tác nhảy pâng của kinh kịch Trung Quốc, một số kỹ xảo tạo hình uốn dẻo, nhào lộn của xiếc... thì đâu là ngôn ngữ múa; chẳng lẽ múa hiện đại chỉ là sự lắp ghép vậy sao? Nhận xét này có lẽ hơi cực đoan, bởi ông mới chỉ nhìn hiện tượng mà đã suy ra bản chất. Thử hỏi, cho đến nay có bộ môn nghệ thuật nào lại không tiếp thu học hỏi ngôn ngữ của các bộ môn nghệ thuật khác. Thiết nghĩ, vay mượn ngôn ngữ của các loại hình nghệ thuật khác để làm giàu thêm ngôn ngữ của nghệ thuật múa thì đó là việc nên làm. Nhưng trong quá trình vay mượn, tiếp thu, điều quan trọng là phải biết chọn lọc, biết chế biến sao cho phù hợp với đặc trưng của nghệ thuật múa. Ví như biên đạo Nguyễn Hữu Từ sử dụng yếu tố xiếc trong Vòng đời, nhưng không thấy sự thô thiển, bởi nó phù hợp, hài hòa với tính cách nhân vật - chàng thanh niên đang tuổi sung sức muốn chứng tỏ bản lĩnh, tài năng của mình. Tuy vậy, có một số biên đạo đã không biết gọt giũa, múa hóa ngôn ngữ của bộ môn nghệ thuật khác mà bê nguyên nó vào đầy thô thiển và phản cảm. Chính việc làm thiếu trách nhiệm, non kém trong tư duy nghệ thuật đó đã tạo cớ để một số người công kích múa hiện đại. Những người yêu mến múa hiện đại, sáng tác múa hiện đại cũng nên suy nghĩ về những ý kiến đó để tìm ra hướng đi đúng đắn cho mình cũng như cho loại hình nghệ thuật này.

Múa hiện đại tuy đã xuất hiện khá lâu trên thế giới, nhưng còn rất mới mẻ trên sân khấu Việt Nam. Nó chỉ đang bước những bước chập chững đầu tiên, hay nói cách khác, múa hiện đại Việt Nam vẫn trong giai đoạn thử nghiệm. Chính sự non nớt này đòi hỏi phải có có sự quan tâm đúng mức, nên khuyến khích, dìu dắt nó phát triển, đồng thời cũng cần có những định hướng để múa hiện đại đi đúng đường, phản ánh được tâm hồn người Việt Nam mới. Bên cạnh đó, cần có cái nhìn đúng đắn để múa hiện đại không phát triển thái quá. Vậy con người Việt Nam mới là con người như thế nào, có giống các chàng hoàng tử trong Người đẹp ngủ, hay Hồ thiên nga không. Câu trả lời chắc chắn là không, bởi người Việt Nam hôm nay đang sống trong TK XXI giữa một thế giới phát triển nhanh, mạnh, đầy sôi động. Họ rất năng động, sống hết mình cho công việc, cho xã hội và cho chính bản thân. Mỗi người có một cách sống, một mục đích riêng, nhưng tất cả đều gặp nhau ở chỗ muốn vươn lên khẳng định bản thân, cải thiện cuộc sống, tiếp cận và tiếp thu nền tri thức nhân loại... Vậy cho đến nay, múa hiện đại đã xây dựng được hình mẫu nhân vật mang tính thời đại hay chưa? Điểm qua một loạt các tác phẩm múa hiện đại thì thấy: múa hiện đại mới chỉ dừng lại ở việc miêu tả đời sống tình cảm của con người mới, chứ chưa khai thác nhiều mặt, nhiều góc độ của cuộc sống. Riêng trong việc miêu tả đời sống tình cảm, múa hiện đại tỏ ra rất sung sức với những Ước mơ (Nguyễn Ngọc Anh) của chàng thanh niên ham hiểu biết, những khát vọng của người dị tật (Nơi đến - Lê Vũ Long), những Khoảnh khắc chợt đến trong cuộc sống, và cả những ước muốn hạnh phúc đơn sơ trong Sự sống hàng ngày... Tiếc là nó lại chưa đi sâu vào xây dựng hình tượng con người mới mang tư tưởng, hoài bão... của thanh niên như muốn vươn lên cải tạo cuộc sống, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, khát vọng tìm tòi, khám phá cuộc sống...

Vẫn biết không phải cái gì cũng có thể diễn đạt bằng nghệ thuật múa, nhưng cha anh ta đã từng diễn tả đầy tinh tế và sâu sắc khát vọng tự do, khát vọng được làm bá chủ đại ngàn... (Cánh chim ánh sáng mặt trời, Thái Ly - Xuân Hòa, Tiếng gọi nơi hoang dã, Công Nhạc - Bá Quế), những khát vọng của con người thời đó. Vậy cớ sao lớp hậu sinh lại không có được những tác phẩm mang hơi thở thời đại mình. Câu hỏi lớn đang đè nặng lên vai các nhà biên đạo, đặc biệt là những biên đạo trẻ: làm sao, làm thế nào đưa được con người mới lên sân khấu. Hy vọng với tài năng và sự mẫn cảm của người nghệ sĩ, họ sẽ tìm ra câu trả lời cho bản thân và cho khán giả yêu nghệ thuật múa.

        Công việc của những người mở đường thật gian nan, nhưng nếu có sự quyết tâm và lòng tin, chắc chắn họ sẽ vượt qua. Múa hiện đại Việt Nam cũng vậy, sau những bước đầu chập chững sẽ cứng cỏi, tự tin, phản ánh cuộc sống, tâm hồn của con người mới sắc nét và tinh tế hơn. Chúng ta có quyền tin vào một ngày mai tươi sáng cho múa hiện đại Việt Nam, ngày mà nó tạo dựng được một hệ thống ngôn ngữ đẹp hơn, hoàn thiện hơn và sẽ được nhiều người yêu mến hơn.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 314, tháng 8-2010

Tác giả : Nguyễn Thị Thu Hiền

;