Liên hoan chèo toàn quốc 2019: Tín hiệu chuyển giao thời đại trong chèo Việt Nam

Dù cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, phương thức tự chủ và các nhà hát biến thành trung tâm đa thể loại đã thách thức ngành sân khấu thì cũng không làm nguội lạnh ngọn lửa tình yêu chèo của chúng ta. Vì thế, hơn 1.000 nghệ sĩ, nhạc công của 16 đơn vị toàn quốc đã xếp lại mọi lo toan bộn bề để cùng nhau hội tụ tham gia Liên hoan Chèo toàn quốc 2019, do Bộ VHTTDL phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang tổ chức. Ngọn lửa yêu chèo ấy đã rực sáng trên sân khấu của Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang suốt 14 ngày đêm, từ ngày 14 đến ngày 28-9-2019.

26 tác phẩm, tuy chủ yếu là đề tài quá khứ (24/26) và mỗi vở có chủ đề, phong cách, màu sắc khác nhau, nhưng đều đề cập những nội dung liên quan tới hiện thực, mang hơi thở của cuộc sống hôm nay, như vấn đề công danh với tình yêu, tình riêng với nghĩa nước, tình yêu với lời nguyền thù hận, tham vàng bỏ ngãi… Tất cả đều hướng tới chủ đề: ca ngợi tài năng, đức độ, liêm chính, trung thực của lẽ sống làm người; ca ngợi những phẩm chất cao đẹp, hy sinh hạnh phúc cá nhân cho non sông đất nước, đồng loại; phê phán những suy tính nhỏ nhen, ích kỷ hại nước, hại dân của thói hư, tật xấu ở đời…

Từ nội dung tư tưởng ấy, các tác giả đã thể hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng theo thể tài chính kịch tâm lý xã hội, chính kịch sinh hoạt tả thực, chính kịch anh hùng ca và cả bi kịch, bi hài kịch lẫn luận đề trong kết cấu tự sự - kịch tính - trữ tình - có hậu của truyền thống với những lớp trò nối tiếp lớp trò, thủ pháp ước lệ - cách điệu - tượng trưng theo mô hình nhân vật thiện ác phân minh, nghĩa tình rành mạch, tính cách đặc định… Thông qua 26 tác phẩm văn học, chúng ta có thể khẳng định chắc chắn, đây là 26 công trình mỹ học, đạo đức học và mang triết lý nhân sinh chân thực về cõi đời: Hãy sống lương thiện, sống chân tình, sống nhân nghĩa yêu thương, vì tình làng, tình non nước… Đó là bài học của quá khứ và cũng là lẽ sống cho mọi người ở cơ chế thị trường hôm nay. Nếu đối lập với triết lý này, sẽ bị thất bại đau đớn. Chủ đề đó, thấm sâu vào từng lớp, từng màn, từng hình tượng trong kết cấu sáng tạo và không ai có thể tìm thấy một thủ pháp nào nhuốm màu thương mại, câu khách, mang tính hàng hóa tầm thường.

Thành quả của 26 tác phẩm trên, là do bản lĩnh của các tác giả lão tướng: Hoàng Cầm, Hoàng Công Khanh, Hoài Giao, Trần Đình Ngôn, Bùi Đức Hạnh, Huy Cờ, Bùi Vũ Minh, Lê Duy Hạnh, Lê Chí Trung, Đăng Chương cùng những gương mặt trẻ: Lê Thế Song, Nguyễn Toàn Thắng, Mai Văn Lạng, Nguyễn Sĩ Sang, Nguyễn Văn Thịnh, Lê Mạnh Huấn, Vũ Huy Thành, Lê Ngọc Ánh… Đặc biệt, trong đó có nữ tác giả: Xuân Hồng, Trần Phương Hạnh, đã làm cho sân khấu liên hoan thêm nhiều giọng điệu, màu sắc, sinh động.

26 tác phẩm văn học được thăng hoa, hoàn mỹ trên sân khấu liên hoan dịp này bởi có bàn tay phù thủy của các đạo diễn. Đó là những nghệ sĩ đã có danh, có kinh nghiệm, có phong cách và có tâm huyết với nghiệp chèo như: NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng, NSND Trương Hải Thọ và các nghệ sĩ trẻ đang được giới chèo khẳng định: NSƯT Lê Tuấn Cường, NSƯT Thanh Tùng, NSƯT Đoàn Vinh, NSƯT Tạ Quang Lẫm, NSUT Nguyễn Quang Thập, NSND Hàn Hải… Đặc biệt, góp mặt tại liên hoan là sự xuất hiện của những nữ đạo diễn như: NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan, NSND Hoàng Quỳnh Mai, NSƯT Trần Thị Hoàng Mai…

Nhiều vở đã đạt hiệu quả trong việc xử lý tiết tấu, tốc độ hiện đại, phục trang, ánh sáng phù hợp theo cảm xúc của khán giả đương thời… Đạo diễn đã có ý thức chăm lo kỹ thuật mở màn, khép cảnh, lớp bi, đoạn hài cẩn thận, tạo nên những ấn tượng khó quên trong lòng khán giả, như: lớp thái giám đọc chiếu chỉ (trong vở Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư), lớp múa mở màn (Rồng phượng), trận chiến đầm lầy (Đất thiêng nơi mả dấu), nước cuốn lũ quan bạo tàn (Người con gái Kinh Bắc), những chiếc chiếu gon (Trọn nghĩa non sông), lấy dấu vân tay vua trong tối (Công lý không gục ngã), huyết lệ cứu dân của chúa Liễu (Thánh Mẫu), gia đình phú ông kéo đuôi trâu (Phú ông làm quan)…

Nghệ thuật sân khấu luôn luôn thuộc về diễn viên và được đề cao là ông hoàng, bà chúa. Ông hoàng, bà chúa của chúng ta ở liên hoan lần này là những con người được sinh ra và lớn lên trong cơ chế thị trường. Họ cũng như mọi người phải ăn, phải sống theo nhịp đời hội nhập quốc tế hiện đại ở TK XXI. Nhưng họ đã tạm thời biết quên đi, biết bỏ lại phía sau những vấn đề mưu sinh trong đời sống xô bồ hằng ngày để đến với hội chèo, để cháy hết mình với hình tượng chèo. Họ vẫn là “chiến sĩ – nghệ sĩ”, vẫn “phò chính trừ tà”, “soi đường cho quốc dân đi”, vẫn “thổ tận can tràng” theo hào khí Việt Nam tiến vào cách mạng công nghiệp 4.0. Cảm động biết bao khi chứng kiến những nghệ sĩ đã mời đạo diễn giỏi, tìm họa sĩ, nhạc sĩ tài năng để tạo ra tác phẩm có chất lượng đến với hội chèo cho bằng anh, bằng chị, xứng với tổ nghề, xứng với truyền thống. Có những nghệ sĩ vốn ở kịch nói, cải lương, ca múa nhạc… cũng diễn chèo, để chia lửa cùng các nghệ sĩ của Trung tâm nghệ thuật tỉnh Bắc Giang. Họ đã tỏa sáng dưới ánh đèn sân khấu và thắp lên những màu sắc huyền diệu của hình tượng chèo bằng tất cả thanh - sắc - thục - tinh - khí - thần của một đời tích lũy để hiến dâng cho khán giả.

Nghệ thuật sân khấu nói chung, không thể không có khán giả và chèo lại càng không thể thiếu họ. Vì khán giả và nghệ sĩ đã đồng hành làm nên nghệ thuật chèo. Nhiều năm qua, sân khấu chèo có hiện tượng vắng khán giả. Trước hiện tượng ấy, có người cho rằng, khán giả đang quay lưng lại với chèo, đã làm cho chèo thiếu đi một nửa linh hồn, cốt cách vốn có của mình. Thế nhưng, 14 ngày đêm qua, tại sân khấu Trung tâm hội nghị tỉnh Bắc Giang đã không còn hiện tượng đó. Khán giả đã đến với nghệ sĩ rất đông, khán phòng không còn chỗ đứng, chỗ ngồi. Có người đi xa tới hàng vài chục km, phải mang cơm nắm, bánh mì theo để giữ chỗ… Nghệ sĩ đã hòa mình vào khán giả, làm cho liên hoan được thăng hoa trong cảm xúc nồng nhiệt qua tiếng cười, tiếng vỗ tay cùng lời khen chân thành, những giọt nước mắt xúc động, vô tư của khán giả. Chúng ta cần lý giải khoa học, khách quan vì sao sân khấu chèo khi đông, khi vắng khán giả để cùng tìm ra bài học hữu ích cho chèo của chúng ta tồn tại với đời.

Bên cạnh những ưu điểm như đã phân tích trên, Hội đồng Nghệ thuật còn nhận thấy một số hạn chế ở Liên hoan Chèo toàn quốc 2019 như sau:

Thứ nhất, về tác giả: Tuy đã xuất hiện một số cây bút trẻ, nhưng đội ngũ này vẫn chưa đông, chưa mạnh và bản lĩnh nghề nghiệp chưa cao ngang tầm đòi hỏi của khán giả. Vì thế, 26 tác phẩm trên sân khấu liên hoan rất hiếm có “tích hay, trò lạ” làm say lòng, ngỡ ngàng khán giả, mà hầu hết đều mang xu hướng “hoài cổ”, đi tìm đề tài quá khứ và sử dụng những tác phẩm ở thời quá khứ. Qua 26 tác phẩm ở liên hoan, Hội đồng Nghệ thuật thấy chẳng có gì là khó khăn đến mức nghệ sĩ “chưa thể nói được” bằng hiện thực đương thời. Vẫn là chủ đề “ở hiền gặp lành, nhân nào quả ấy, ta thắng địch thua” vốn quen thuộc từ xa xưa.

Mặt khác, trong số 26 tác phẩm của liên hoan, đã có không ít vở kết cấu chưa lôgic, chặt chẽ: lớp dài, lớp ngắn, lớp thừa, lớp thiếu; mở đầu thắt nút ở tuyến này, cởi nút lại chạy sang tuyến khác. Có vở diễn hết cảnh 2 rồi mà người xem không biết tên nhân vật là gì; thậm chí có vở kịch đã hết, khán giả đứng lên ra về, nghệ sĩ vẫn say sưa hát múa quên mình. Đặc biệt, nhiều vở trên sân khấu rất đông người nhưng chỉ có 3-4 nhân vật là cùng. Tính văn chương ở một số vở còn hạn chế, chưa được chau chuốt công phu…

Thứ hai, về đạo diễn: Nghệ thuật chèo là kỹ thuật trò. Không có trò thì bất thành chèo. Nhưng ở liên hoan lần này rất ít trò hay, trò lạ, trò độc đáo mà hầu hết đều có xu hướng minh họa cốt truyện và lấy cốt truyện làm mục đích cho mọi thủ pháp đạo diễn bằng ca, múa, nhạc, ít quan tâm tới xây dựng hình tượng nhân vật. Nhiều nhân vật còn sơ sài, thiếu tính cách, thiếu số phận, tạo ra hình tượng mờ nhạt khiến nghệ sĩ tài năng cũng khó diễn được tròn vai, thể hiện bản lĩnh của mình. Chính vì thế, các đạo diễn thường bị lúng túng và rơi vào tình trạng mâu thuẫn trong xử lý, giữa tả ý với tả chân; giữa ước lệ, cách điệu, tượng trưng với sinh hoạt tả thực; giữa kịch nói với chèo truyền thống. Họ đã tạo ra những hình thức: hát cải biên, hát bè, hát đuổi rồi múa hiện đại, khói mù mịt lẫn sấm, chớp cùng nhiều trang trí tả thật như đời thực… Những hình thức này không mới, nhưng vẫn có hiệu ứng khán giả tích cực và nhiều lúc đã cản trở nghệ sĩ biểu diễn cùng khán giả xem chèo. Nhân đây, Hội đồng Nghệ thuật muốn nhắn nhủ tới đạo diễn rằng: các đạo diễn trẻ đã có nhiều cố gắng nhưng chưa sánh kịp các bậc thày và các bậc thày vẫn chưa thực sự đổi mới nên những sáng tạo thường bị lặp lại, cũ mòn. Chúng tôi thấy hướng giải quyết của các đạo diễn là: tư duy tả chân lấn át tư duy tả ý, phong cách hiện thực đã ngự trị sân khấu liên hoan trong tất cả các khâu biên kịch, biểu diễn, âm nhạc, trang trí, múa minh họa, ánh sáng, tiếng động… Xu hướng này, có mặt giúp chèo hoành tráng, sống động nhưng lại xa dần chèo truyền thống của chúng ta.

Thứ ba, về nghệ sĩ biểu diễn: Có thể mạnh dạn nói, lịch sử chèo cách mạng chưa bao giờ như thế ở liên hoan lần này. Tác phẩm thì lẫn lộn kịch nói hát chèo, kịch thơ hát chèo, kịch ca múa nhạc hát chèo, kịch lễ hội hát chèo và cả chèo cổ chỉnh lý cùng với bi - hài - hề - khói - trang trí bề bộn… thoải mái, tự do; diễn viên có các nghệ sĩ chèo, lẫn các nghệ sĩ kịch, ca, múa, nhạc, cải lương; âm nhạc “nửa tây nửa ta”. Mỹ thuật vừa ước lệ, tượng trưng, lại tả thực như thực. Múa có cả một đội hiện đại chuyên nghiệp biểu diễn ghép vào. Hội đồng Nghệ thuật mong muốn được thấy nhiều ngôi sao tài năng trẻ xuất hiện trong làng chèo dịp này!

Xuất phát từ thực tiễn của 14 ngày đêm Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2019 tại Bắc Giang, chúng tôi nhận ra một số vấn đề mang tính thông điệp với Đảng, Nhà nước và các nghệ sĩ như sau:

Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm đổi mới, có bao thành tựu của Chính phủ kiến tạo năng động, bao người khởi nghiệp hiệu quả, bao hiền tài Việt kiều về nước xây dựng đầy tâm huyết theo cách mạng công nghiệp 4.0. Chính trị xã hội ổn định, văn hóa, kinh tế phát triển, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao… Tất cả, đã khẳng định chân lý: đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo, con đường đi lên CNXH của Việt Nam là hợp quy luật với Việt Nam và xu thế phát triển thời đại. Nhưng 26 tác phẩm ở liên hoan chưa đề cập tới. Tất nhiên, đề tài quá khứ, những tác phẩm cũ vẫn còn giá trị, còn hấp dẫn khán giả đương thời, còn hữu ích xã hội. Nhưng, nếu chúng ta có thêm nhiều vở chèo phản ánh cuộc sống hôm nay đầy sôi động thì tuyệt vời biết bao. Vì thế, đã có người thốt lên rằng: Chèo đã cũ kỹ quá rồi. Bằng xu hướng hoài cổ, các nghệ sĩ đã tự làm cũ chèo, làm cũ mình! Đúng sai thế nào nhận định này, chúng ta đừng vội tự ái, tức giận mà bình tĩnh suy ngẫm để có những giải pháp hữu ích cho chèo phát triển hơn. Đặc biệt đối với các nhà quản lý chèo hiện nay, họ là người cầm cân nảy mực trong tìm kịch, dựng vở, phát triển chèo. Tất nhiên, chúng tôi hiểu rằng, chèo với đề tài đương thời là khó. Nhưng chính đề tài đương thời đã làm nên những trang sử vàng của chèo cách mạng đó sao? Và vở Điều còn lại ở liên hoan này đã làm chúng ta xúc động biết bao.

Nghệ thuật chèo là sản phẩm của nền văn hóa lúa nước đã có tuổi đời gần ngàn năm. Nó mang trong mình những đặc tính trọng âm, trọng tĩnh, trọng tình nguyên hợp của nông dân, nông thôn, nông nghiệp từ thời phong kiến Đại Việt. Bây giờ, nền văn hóa Đại Việt ấy đã có những đổi thay cùng với xu hướng quốc tế hóa. Do đó, hệ giá trị thẩm mỹ làm nên chèo xưa không còn hoàn toàn phù hợp với hệ giá trị thẩm mỹ của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế theo khuynh hướng XHCN được nữa. Chúng ta cần kế thừa, phát triển chèo truyền thống, chèo cách mạng để thành chèo của cách mạng công nghiệp 4.0. Chúng tôi nghĩ rằng: Liên hoan Chèo toàn quốc 2019 này, thông qua các tác phẩm thành công, đã như một tín hiệu cho cuộc chuyển giao thời đại trong chèo Việt Nam: từ chèo cách mạng - bao cấp sang chèo tự chủ - xã hội hóa. Chèo tự chủ - xã hội hóa là thế nào? Câu trả lời thuộc về làng chèo, còn chúng tôi nghĩ rằng, đó là chèo có hệ tư tưởng mới, hệ thẩm mỹ mới, phương pháp sáng tác mới, hình thức quản lý mới, nghệ thuật thể hiện mới và thước đo chuẩn mới để phù hợp với thế giới tinh thần của khán giả đương thời. Mọi sáng tạo của chèo phải hướng về khán giả, đáp ứng khát vọng của khán giả vì chèo là của nhân dân. Không có nhân dân thì chèo khó tồn tại, phát triển.

Chèo tự chủ - xã hội hóa là chèo tuân theo quy luật khách quan của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Chèo tự chủ - xã hội hóa đã xuất hiện trong liên hoan lần này và đã được Đảng, Nhà nước cho phép, ủng hộ bằng nhiều Nghị quyết, Nghị định cụ thể, chỉ chờ làng chèo dấn thân hành động với tinh thần không tụt hậu mà thôi…

Màn nhung sân khấu Liên hoan Chèo toàn quốc 2019 đã khép lại. Các nghệ sĩ chúng ta đã sáng tạo hết mình. Kết quả, chúng ta không có nỗi buồn, không có thất bại và chỉ có niềm vui trong tình nghĩa đồng nghiệp cao cả, thiêng liêng bất tận với ý thức chuyển giao thời đại tích cực cho chèo mà thôi!

Tác giả: Trần Trí Trắc

Nguồn: Tạp chí VHNT số 425, tháng 11-2019

 

;