Lịch sử hình thành khái niệm các ngành công nghiệp văn hóa và sự phát triển của các khái niệm liên quan

Từ cuối thập kỷ 90 của TK XX đến nay, công nghiệp văn hóa nói riêng và kinh tế sáng tạo nói chung đã trở thành một xu hướng phát triển trên thế giới. Từ năm 2000-2010, tốc độ tăng trưởng của các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo cao gấp 2 lần ngành dịch vụ, 4 lần ngành sản xuất ở các nước phát triển và đang phát triển. Hiện nay, lĩnh vực văn hóa chiếm tới 6,1% nền kinh tế toàn cầu, với doanh thu hằng năm lên tới 2.250 tỷ USD và gần 30 triệu việc làm trên toàn thế giới, trong đó lực lượng lao động trẻ từ 15-29 tuổi cao hơn bất kỳ lĩnh vực nào của nền kinh tế (1). Bên cạnh tác động tạo việc làm, gia tăng thu nhập, đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển kinh tế, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo còn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự gắn kết xã hội, đa dạng văn hóa, sự tiến bộ và phát triển con người.

Thuật ngữ công nghiệp văn hóa

Thuật ngữ công nghiệp văn hóa (số ít) lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1944 và mang nhiều hàm ý tiêu cực. Trường phái Frankfurt, đại diện là nhà nghiên cứu người Đức Theodor W. Adorno và đồng sự của ông là Max Horkheimer được cho là cha đẻ của thuật ngữ này đã mô tả công nghiệp văn hóa là công cụ của một bộ phận tư sản quý tộc, của tầng lớp cai trị và Nhà nước, tước đoạt của cả người nghệ sĩ lẫn tác phẩm giá trị nghệ thuật vốn có, đồng thời lấy đi của người tiêu dùng tính cá nhân. Công nghiệp văn hóa chính là hình thức mở rộng của các ngành công nghiệp sản xuất và phân phối hàng loạt xuất hiện vào cuối TK XIX như điện ảnh, ghi âm, in ấn, phát thanh. Theo Adorno, công nghiệp văn hóa không chỉ đơn thuần là biến văn hóa thành hàng hóa, mà đề cập đến cách tổ chức sản xuất mặt hàng này ở quy mô công nghiệp. Công nghiệp văn hóa hoàn thành mục tiêu khi trở thành một bộ phận của hệ thống tư bản độc quyền. Ngày nay, thuật ngữ công nghiệp văn hóa (số ít) hầu như đã biến mất trong các văn bản chính sách và nghiên cứu học thuật bằng ngôn ngữ tiếng Anh.

Thuật ngữ các ngành công nghiệp văn hóa

Thuật ngữ các ngành công nghiệp văn hóa (số nhiều) xuất hiện vào đầu những năm 70, mang nhiều hàm ý tích cực hơn. Kể từ năm 1972 trong lĩnh vực nghiên cứu, chính các nhà xã hội học người Pháp, đặc biệt là Girard trong báo cáo gửi UNESCO đã đưa ra thuật ngữ các ngành công nghiệp văn hóa (số nhiều). Tại Pháp, các ngành công nghiệp văn hóa được hiểu là hệ thống các hoạt động kinh tế kết hợp các chức năng nhận thức, sáng tạo, sản xuất văn hóa với các chức năng mang tính công nghiệp được sản xuất ở quy mô lớn và mang tính thương mại hóa sản phẩm văn hóa.

Khái niệm các ngành công nghiệp văn hóa phát triển dựa trên nền văn hóa của mỗi quốc gia dân tộc. Theo Cunningham (2001), thuật ngữ này gắn kết lý thuyết của nền kinh tế tân cổ điển vào lĩnh vực nghệ thuật để “tái dán nhãn” cho các ngành mang tính thương mại phổ biến như truyền hình, âm nhạc và điện ảnh trở thành các ngành công nghiệp văn hóa.

Với nhiều học giả, khái niệm các ngành công nghiệp văn hóa hàm chứa nhiều xung đột tiềm tàng giữa văn hóa phổ cập đại chúng và văn hóa của giới tinh hoa, giữa nghệ thuật mang tính định hướng về thẩm mỹ với giải trí thương mại. Nhìn chung, có sự thừa nhận khá rộng rãi quan điểm gắn các ngành công nghiệp văn hóa với các ngành sản xuất hàng hóa và dịch vụ văn hóa.

Khái niệm các ngành công nghiệp văn hóa của UNESCO

Trên bình diện chính sách, ở cấp độ quốc tế, UNESCO là tổ chức đầu tiên sử dụng thuật ngữ các ngành công nghiệp văn hóa (số nhiều) vào năm 1976 tại Đại hội đồng lần thứ 19 tổ chức tại Nairobi (2). Năm 2000, UNESCO coi các ngành công nghiệp văn hóa là các ngành “gắn sự sáng tạo, sản xuất và thương mại hóa các nội dung văn hóa phi vật thể. Những nội dung này được bảo vệ bởi luật bản quyền và có thể thể hiện dưới hình thức hàng hóa, dịch vụ văn hóa” (3). Một điểm thiết yếu trong quan điểm của UNESCO đó là coi các ngành công nghiệp văn hóa đóng vai trò trọng tâm trong việc phát huy và duy trì sự đa dạng văn hóa và đảm bảo quyền tiếp cận một cách dân chủ đối với văn hóa. Chính bản chất mang tính hai mặt kinh tế và văn hóa đã tạo ra cho các ngành công nghiệp văn hóa đặc trưng riêng đòi hỏi các Chính phủ phải có những chính sách đặc thù.

Đây cũng chính là tinh thần mà Công ước UNESCO 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa truyền tải. Trong công cụ pháp lý quốc tế này, UNESCO chính thức định nghĩa các ngành công nghiệp văn hóa là các ngành sản xuất và phân phối các “hàng hóa và dịch vụ văn hóa”. Đó là những hoạt động, hàng hóa, dịch vụ được xem là mang một ý nghĩa cụ thể hoặc được sử dụng, nhằm mục đích đại diện hoặc truyền tải những biểu đạt văn hóa, bất kể giá trị thương mại nào mà chúng có.

Khung Thống kê Văn hóa của UNESCO năm 2009 đưa ra một định nghĩa khá rộng về các ngành công nghiệp văn hóa: “đó là những lĩnh vực hoạt động có tổ chức mà mục tiêu chính là nhằm sản xuất và tái sản xuất, xúc tiến, phân phối hoặc thương mại hóa các hàng hóa, dịch vụ và hoạt động có nội dung bắt nguồn từ văn hóa, nghệ thuật và di sản”. Chính vì vậy, UNESCO coi di sản thiên nhiên và văn hóa, bao gồm cả bảo tàng, các địa điểm khảo cổ học, danh lam thắng cảnh, các lễ hội và nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, nghệ thuật thị giác, thủ công nghiệp, sách và xuất bản, thư viện, hội chợ sách, lĩnh vực nghe nhìn, gồm phim và video, truyền hình và phát thanh, Internet, trò chơi điện tử, thiết kế và các dịch vụ sáng tạo (thiết kế thời trang, thiết kế đồ họa, nội thất, các dịch vụ kiến trúc, quảng cáo)… đều thuộc các ngành công nghiệp văn hóa. Nhiều khi, tổ chức này sử dụng thuật ngữ “các ngành công nghiệp văn hóa” và “các ngành công nghiệp sáng tạo” với chung nội hàm ý nghĩa.

Công nghiệp văn hóa vượt ra ngoài giới hạn của quan niệm truyền thống phân biệt văn hóa tinh hoa, văn hóa bác học với văn hóa bình dân, văn hóa đại chúng. Trong công nghiệp văn hóa, chỉ có tính sáng tạo, tính đổi mới là động lực hàng đầu thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển. Đây chính là điểm khiến khái niệm các ngành công nghiệp văn hóa và các ngành công nghiệp sáng tạo nhiều khi được sử dụng song trùng.

Thuật ngữ các ngành công nghiệp bản quyền

Thuật ngữ các ngành công nghiệp bản quyền xuất hiện vào khoảng những năm 1945 (4), được UNESCO coi trọng và đóng vai trò dẫn dắt trong việc hình thành các công ước quốc tế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như Công ước Berne về bảo vệ các tác phẩm văn học, nghệ thuật (1979). So với UNESCO, Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới WIPO quan niệm về các lĩnh vực cấu thành các ngành công nghiệp văn hóa có giới hạn hẹp hơn, tập trung chủ yếu ở các hoạt động kinh tế liên quan đến các quyền sở hữu trí tuệ. WIPO gọi đó là các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên bản quyền.

Ngày nay, các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên bản quyền chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của các nước phát triển so với các ngành sản xuất hàng hóa truyền thống. Các nhà nghiên cứu xã hội học và kinh tế văn hóa thường mô tả các ngành công nghiệp bản quyền là các ngành công nghiệp văn hóa với trọng tâm nhấn mạnh vào tài sản trí tuệ. Về khía cạnh chính sách, Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Vương quốc Anh cũng coi bản quyền là cốt lõi cho sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo, là tiêu chí để xếp loại các phân ngành trực thuộc các ngành công nghiệp sáng tạo. WIPO xếp các ngành công nghiệp dựa trên bản quyền gồm quảng cáo, điện ảnh và video, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, xuất bản, phần mềm, truyền hình và phát thanh, nghệ thuật thị giác và đồ họa, các tổ chức quản lý quyền tập thể.

Các ngành như kiến trúc, may mặc, giày dép, thiết kế, thời trang, đồ nội thất, đồ chơi thuộc phạm vi các ngành công nghiệp một phần dựa trên bản quyền. Các sản phẩm như đĩa trắng, đồ điện gia dụng, nhạc cụ, thiết bị chụp ảnh, photocopy… được đưa vào các ngành liên quan đến bản quyền (5).

Thuật ngữ các ngành công nghiệp sáng tạo

Thế giới mất 50 năm để phát triển từ khái niệm công nghiệp văn hóa để đi đến các ngành công nghiệp sáng tạo. Người ta cho rằng khái niệm này xuất hiện đầu tiên ở Australia từ đầu thập kỷ 90. Tuy nhiên, chính nước Anh mới là nơi phát triển và lan tỏa thuật ngữ các ngành công nghiệp sáng tạo ra toàn cầu. Năm 1998, lần đầu tiên, Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Vương quốc Anh định nghĩa các ngành công nghiệp sáng tạo là “các ngành có nguồn gốc từ sự sáng tạo, kỹ năng và tài năng cá nhân, và có tiềm năng làm nên của cải và việc làm thông qua việc tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ” (6). Tại Hoa Kỳ, cuốn sách đầu tiên đề cập đến “các ngành công nghiệp sáng tạo” là của Richard Caves với tựa đề Các ngành công nghiệp sáng tạo: các hợp đồng giữa lĩnh vực nghệ thuật và thương mại - xuất bản năm 2000. Ngày nay, thuật ngữ các ngành công nghiệp sáng tạo được chấp nhận rộng rãi ở hầu hết các nước phát triển và đặc biệt tại các đô thị trung tâm nơi tập trung các ngành dịch vụ đa dạng.

UNCTAD (Diễn đàn Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển) đưa ra khái niệm “các ngành công nghiệp sáng tạo bao gồm các chu trình sáng tạo, sản xuất và phân phối các hàng hóa, dịch vụ sử dụng nguồn vốn trí tuệ và sự sáng tạo là yếu tố đầu vào căn bản. Các ngành công nghiệp sáng tạo bao gồm một tập hợp các hoạt động dựa trên tri thức, sản xuất ra các hàng hóa vật chất và các dịch vụ phi vật thể mang tính nghệ thuật và tri thức với các nội dung sáng tạo, giá trị kinh tế và các mục tiêu thị trường”. Định nghĩa về các ngành công nghiệp sáng tạo được áp dụng bởi UNCTAD có biên độ rộng, gồm nhiều hoạt động sáng tạo, đa dạng từ nghệ thuật truyền thống và thủ công, xuất bản, âm nhạc, nghệ thuật thị giác và biểu diễn cho đến những nhóm ngành tập trung nhiều công nghệ cao và có tính dịch vụ như điện ảnh, truyền hình, phát thanh, truyền thông mới và thiết kế. Ngành công nghiệp sáng tạo có cấu trúc thị trường linh hoạt từ cá nhân các nghệ sĩ độc lập và các doanh nghiệp nhỏ cho đến những tập đoàn tầm cỡ thế giới (7).

Cách tiếp cận của UNCTAD mở rộng khái niệm “sáng tạo” từ các hoạt động mang thành tố nghệ thuật sang hoạt động kinh tế sản xuất ra các sản phẩm mang tính biểu tượng dựa trên quyền sở hữu trí tuệ và hướng tới việc mở ra thị trường rộng lớn nhất có thể. Theo quan điểm này, các ngành công nghiệp văn hóa trở thành một bộ phận của các ngành công nghiệp sáng tạo. UNCTAD chia các ngành công nghiệp sáng tạo thành 4 nhóm lớn: di sản, nghệ thuật, truyền thông và các lĩnh vực sáng tạo mang tính chức năng. Tất cả các lĩnh vực này đều đòi hỏi kỹ năng sáng tạo và có khả năng tạo thu nhập thông qua thương mại và sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, bản thân khái niệm “các ngành công nghiệp sáng tạo” dường như cũng mang tính hai mặt và ẩn chứa mâu thuẫn nội tại. Trong khi thuật ngữ “sáng tạo” coi trọng yếu tố cá nhân thì “ngành công nghiệp” lại thể hiện quá trình sản xuất được tổ chức cao. Tâm điểm của khái niệm này chính là sự mâu thuẫn giữa “văn hóa” và “kinh tế”. Nhờ công nghệ sản xuất phát triển, và với sự bùng nổ của internet, thương mại điện tử,... sản xuất các hàng hóa văn hóa được đẩy mạnh với tốc độ chóng mặt. Chưa bao giờ việc chia sẻ, mua bán và tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ văn hóa lại trở nên dễ dàng đến vậy. Toàn cầu hóa và xu hướng số hóa có tác động sâu sắc đến các ngành công nghiệp sáng tạo. Văn hóa trở thành “nội dung” được phân phối xuyên biên giới, và khán giả trở thành người tiêu dùng.

Thuật ngữ nền kinh tế sáng tạo

Thuật ngữ kinh tế sáng tạo xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2001 trong cuốn sách Nền kinh tế sáng tạo: cách thức con người kiếm tiền từ ý tưởng (2001) của John Howkins. Theo tác giả, sáng tạo và kinh tế đều không phải là khái niệm mới, nhưng điểm mới chính là bản chất và quan hệ giữa hai khái niệm này cũng như cách thức kết hợp để tạo ra giá trị và của cải. Howkins đưa ra một định nghĩa rộng, gồm 15 phân ngành từ nghệ thuật đến khoa học công nghệ. Kinh tế sáng tạo là phép cộng của 4 lĩnh vực: bản quyền, sáng chế, nhãn hiệu và kiểu dáng. Howkins cho rằng hầu hết các quốc gia sẽ vận dụng định nghĩa này để liên kết tất cả các ngành công nghiệp có đầu vào sáng tạo với nhau, trong khi đó, Anh và Australia chỉ áp dụng đối với lĩnh vực nghệ thuật và các ngành công nghiệp văn hóa, loại trừ lĩnh vực sáng chế.

UNCTAD cho rằng “kinh tế sáng tạo” là khái niệm tiến bộ dựa trên các các tài sản sáng tạo có tiềm năng tạo ra tăng trưởng kinh tế và phát triển, mà tâm điểm là các ngành công nghiệp sáng tạo. Kinh tế sáng tạo bao gồm các khía cạnh kinh tế, văn hóa, xã hội trong mối tương tác với công nghệ, sở hữu trí tuệ và du lịch. Nó bao gồm tập hợp các hoạt động kinh tế dựa trên tri thức với khía cạnh phát triển và các mối quan hệ xuyên suốt ở cấp độ vĩ mô và vi mô trong tổng thể nền kinh tế.

Khái niệm kinh tế trải nghiệm

Từ giữa thập niên 60, Guy Debord đã đề cập đến các ngành công nghiệp trải nghiệm như tác động của các trình diễn đối với công chúng xã hội. Tuy nhiên, phải đến Gerhard Schulze mới là người phát triển “xã hội trình diễn” của Debord thành xã hội trải nghiệm. Các nhà kinh tế văn hóa đã coi việc sản xuất các trải nghiệm là loại hàng hóa kinh tế thứ tư và đưa đến việc hình thành khái niệm “nền kinh tế trải nghiệm” thay thế cho kinh tế dịch vụ (Gilmore và Pine, 1998; 1999). Bản chất của kinh tế trải nghiệm là sự tập trung ngày càng tăng của sự trải nghiệm đối với việc tiêu thụ trong hầu như mỗi ngành sản xuất. Trong một nền kinh tế trải nghiệm, các sản phẩm được mua sắm không chỉ do tính khả dụng của chúng mà còn vì những trải nghiệm khó tả nảy sinh trong quá trình tiêu thụ, một quá trình được làm giàu bởi sự tương tác chủ quan của người tiêu dùng với sản phẩm. Sản phẩm văn hóa được trải nghiệm hơn là được tiêu dùng. Người tiêu dùng tương tác với một sản phẩm văn hóa và rút ra từ sản phẩm một nghĩa hay một thú giải trí nào đó. Tất cả các khía cạnh của đời sống dần trở thành bộ phận của nền kinh tế trải nghiệm mà trung tâm là sự giải trí. Tất cả các hoạt động giải trí từ văn hóa, thể thao, du lịch đến giải trí đều hòa vào một “nền kinh tế trải nghiệm”.

Qua việc nghiên cứu các khái niệm ở trên, có thể thấy tất cả các khái niệm và cách tiếp cận dù đa dạng, nhưng vẫn có chung một điểm cốt lõi, đó là sự sáng tạo. Chính sự sáng tạo của con người là nguồn lực bất tận cho hàng hóa và dịch vụ văn hóa. Đó cũng là điểm gắn kết giữa văn hóa, thương mại và sở hữu trí tuệ.

Khái niệm các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Tại Việt Nam, thuật ngữ các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo cho đến nay không còn xa lạ. Chính các chuyên gia của Hội đồng Anh là người đầu tiên giới thiệu khái niệm các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo đến các nhà quản lý, lãnh đạo cấp Cục, Vụ của Bộ vào giữa những năm 2000.

Từ năm 2007, khi Việt Nam tiến hành đánh giá lại chính sách văn hóa trong khuôn khổ dự án do SIDA Thụy Điển tài trợ và đặc biệt, sau khi phê chuẩn Công ước 2005 của UNESCO về Bảo vệ và Phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, nhiều hội thảo quốc tế về chủ đề này đã được tổ chức để nâng cao nhận thức cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, giới nghiên cứu và đào tạo, các tổ chức và những người hoạt động văn hóa, nghệ thuật, các nghệ sĩ độc lập và các doanh nghiệp. Những hội thảo do Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL tổ chức đã góp phần đưa khái niệm các ngành công nghiệp văn hóa tới gần hơn với các nhà quản lý, giới nghiên cứu, và những người thực hành văn hóa.

Trong giới nghiên cứu ở Việt Nam, có nhiều nhà nghiên cứu đã đi theo hướng tiếp cận mới, đổi mới về tư duy, thay đổi quan niệm truyền thống coi văn hóa là kiến trúc thượng tầng đảm đương chức năng hình thái ý thức và chỉ phát huy cao độ trong lĩnh vực tinh thần, xác lập nhận thức trong thời đại kinh tế tri thức: văn hóa là nhân tố mấu chốt của tăng trưởng kinh tế, trực tiếp thúc đẩy sức sản xuất phát triển, phát triển công nghiệp văn hóa là một biến đổi quan trọng đối với phương thức phát triển văn hóa, xây dựng công nghiệp văn hóa là tiến hành xây dựng văn hóa trong tình hình mới, sử dụng điều kiện thuận lợi của cơ chế thị trường và kỹ thuật cao để tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp văn hóa - nghệ thuật, là tiền đề hết sức quan trọng để xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Các kết quả của dự án do Quỹ Ford tài trợ nhằm “Phát triển giáo trình quản lý văn hóa nghệ thuật trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam” được tiếp nối với dự án “Biên soạn giáo trình Quản lý Văn hóa Nghệ thuật (bậc cử nhân) và các khóa học chuyên sâu ngắn hạn và phát triển khung chương trình đào tạo quản lý văn hóa nghệ thuật (bậc thạc sĩ)” 2005-2009 đã có sản phẩm cụ thể là giáo trình Các ngành công nghiệp văn hóa năm 2009. Đây là giáo trình cho sinh viên đại học và cao đẳng các trường Văn hóa - Nghệ thuật.

Trong bài Công nghiệp văn hóa đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12/2014, PGS.TS Đoàn Minh Huấn và PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà đã đề xuất định nghĩa riêng về công nghiệp văn hóa: “là ngành công nghiệp sáng tạo, sản xuất, tái sản xuất, phổ biến, tiêu dùng các sản phẩm và các dịch vụ văn hóa bằng phương thức công nghiệp hóa, tin học hóa, thương phẩm hóa, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng của xã hội, các hoạt động đó được bảo vệ bởi bản quyền”.

Trong nghiên cứu Công nghiệp sáng tạo và văn hóa (2015), Trần Nho Thìn đã làm rõ hơn các khái niệm công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, kinh tế sáng tạo, tìm hiểu khía cạnh kinh tế của văn hóa qua công nghiệp văn hóa hiện đại và kinh nghiệm thành công của một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh quốc… để đổi mới cách nhìn đối với văn hóa dân tộc, không chỉ tự giới hạn tầm nhìn văn hóa dân tộc trong phạm vi bảo tồn, giữ gìn bản sắc mà gia nhập tích cực vào hệ thống công nghiệp văn hóa toàn cầu, biến văn hóa thành nguồn lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Các nghiên cứu của TS. Đỗ Thị Thanh Thủy “Để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam” (2014), và “Một số biện pháp để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa - bài học từ các nước trên thế giới” (2015) đã làm sáng tỏ hơn về mặt lý thuyết đối với khái niệm “các ngành công nghiệp văn hóa” và các khái niệm liên quan, đưa ra khái niệm về công nghiệp văn hóa mà Việt Nam lựa chọn, đồng thời thông qua việc đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của hiện trạng Việt Nam, đề xuất một hệ thống các biện pháp khá toàn diện trong việc huy động nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.

Đặc biệt cuốn sách Phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam do PGS.TS. Từ Thị Loan chủ biên (2017) đã hệ thống hóa những vấn đề lý luận cơ bản về công nghiệp văn hóa, làm rõ các khái niệm công cụ, đặc điểm, cơ cấu phân ngành, vai trò của công nghiệp văn hóa và các yếu tố tác động đến sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Tác giả đã tổng quan tình hình nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước về công nghiệp văn hóa, giới thiệu các kinh nghiệm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở một số nền kinh tế phát triển như Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore để đúc rút các bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam. Công trình còn tiến hành khảo sát, phân tích, đánh giá thực trạng phát triển một số phân ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam, nhận diện thế mạnh, tiềm năng cũng như hạn chế, thách thức để đề xuất một số định hướng chính sách, nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình hành động nhằm phát triển công nghiệp văn hóa tại nước ta.

Công trình nghiên cứu của cố PGS. TS Lương Hồng Quang Các ngành công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam: Môi trường thể chế, thị trường và sự tham gia (2018) đã tổng kết từ các đánh giá chính sách và định hình mô hình tổ chức gắn với hội nhập và phát triển, cho đến các báo cáo đánh giá Thực trạng các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam để đề ra các định hướng phát triển từ 2011 đến 2020, tầm nhìn 2030. Cuốn sách đã đi sâu phân tích các ngành công nghiệp sáng tạo - văn hóa với tư cách là một hiện tượng kinh tế - văn hóa ra đời trong điều kiện của nền kinh tế tri thức, dựa vào các tiềm năng văn hóa - con người cùng các yếu tố về công nghệ và phát triển thị trường. Xác định Việt Nam đang trong giai đoạn đầu tiên - “giai đoạn mới hình thành” của quá trình phát triển gồm 3 giai đoạn của các ngành công nghiệp sáng tạo, tác giả nhấn mạnh vai trò “bà đỡ” của chính sách và đưa ra những bộ công cụ và đề xuất cụ thể để bổ sung cho “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào năm 2016.

Gần một thập kỷ sau khi khái niệm “các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo” được giới thiệu chính thức vào nước ta, cùng với nỗ lực của các nhà nghiên cứu, đặc biệt là các cơ quan tham mưu về chính sách đã góp phần làm nên sự chín muồi trong nhận thức về vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam. Sự ra đời của Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước được ban hành ngày 9-6-2014 là bước chuyển biến về nhận thức mang tính đột phá về “công nghiệp văn hóa” khi xác định việc “đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa” là một trong năm mục tiêu của việc xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới. “Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa” đồng thời cũng là một nhiệm vụ quan trọng trong sáu nhiệm vụ mà Nghị quyết mới của Đảng về văn hóa đã đặt ra nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. “Phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới”.

Đồng thời, thể chế hóa chủ trương chủ động hội nhập quốc tế toàn diện của Đảng được đề ra tại Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10-4-2013, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động (8) trong đó xác định nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và giao Bộ VHTTDL là đơn vị chủ trì xây dựng. Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cơ quan tư vấn chính sách của Bộ là nòng cốt tham gia quá trình dự thảo Chiến lược, đã nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia UNESCO và Hội đồng Anh. Trên cơ sở hệ thống hóa lịch sử khái niệm công nghiệp văn hóa trên thế giới và xuất phát từ thực tiễn phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam, các chuyên gia của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã đề xuất sử dụng khái niệm sau khi xây dựng Chiến lược: “Công nghiệp văn hóa là các ngành sáng tạo dựa trên nguồn lực văn hóa, ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa bằng phương thức sản xuất công nghiệp, được phân phối, trao đổi, tiêu dùng trên thị trường” (9). Có thể nói khái niệm này đã tổng hợp được những thành tố cốt lõi của công nghiệp văn hóa chính là: sự sáng tạo, nguồn vốn văn hóa là “đầu vào” sử dụng phương thức sản xuất công nghiệp, ứng dụng những tiến bộ khoa học - công nghệ để tạo ra các sản phẩm “đầu ra” là sản phẩm và dịch vụ văn hóa, đồng thời đặt chúng trong bối cảnh thị trường và gắn với chu trình sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị của UNESCO.

Ngày 8-9-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1755/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” trong đó xác định rõ 12 phân ngành bao gồm: 1. quảng cáo; 2. kiến trúc; 3. phần mềm và các trò chơi giải trí; 4. thủ công mỹ nghệ; 5. thiết kế; 6. điện ảnh; 7. xuất bản; 8. thời trang; 9. nghệ thuật biểu diễn; 10. mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; 11. truyền hình và phát thanh; 12. du lịch văn hóa; và đặt mục tiêu phát triển các ngành này “trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao,... xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa”. Đây là văn bản chính sách thể hiện nhận thức của Chính phủ về vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phấn cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, đồng thời đưa ra định hướng về việc Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Rất tiếc, vì thể thức văn bản, Chiến lược chưa đưa ra định nghĩa chính thức của Việt Nam về “các ngành công nghiệp văn hóa”, mặc dù đã xác định 3 yếu tố trọng yếu để phát triển công nghiệp văn hóa là sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền tác giả. Đồng thời, mặc dù đã xác định được 12 ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam, trong đó một số ngành sẵn có lợi thế, tiềm năng để phát triển trong giai đoạn đến năm 2020 như phần mềm và các trò chơi giải trí, truyền hình và phát thanh hay thời trang, Chiến lược đã chưa đưa ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các ngành này. Một trong những nguyên nhân là Chiến lược này được Bộ VHTTDL chủ trì xây dựng, trong khi đó, các ngành khác như phát thanh, truyền hình, phần mềm và các trò chơi giải trí lại thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Thông tin - Truyền thông, thời trang, thủ công nghiệp thuộc Bộ Công Thương, kiến trúc thuộc Bộ Xây dựng... Một Chiến lược quốc gia ở cấp Chính phủ ban hành nhưng vẫn chưa hình thành được cơ chế điều phối tổng thể liên Bộ ngành báo trước nhiều khó khăn trong việc triển khai Chiến lược trên thực tế, nhất là trong bối cảnh phải thực hiện chủ trương chung về tinh giản bộ máy, không được thành lập thêm cơ quan, tổ chức mới làm phát sinh biên chế. Thêm vào đó, Chiến lược cũng không có công cụ tài chính để thực hiện những chương trình, dự án thí điểm làm cú huých cho các ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm phát triển. Trước những thách thức đó, có thể nói, sự ra đời của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã thể hiện những nỗ lực bước đầu, đạt được bước tiến về mặt nhận thức trong hoạch định chính sách và quản lý cấp cao. Tuy nhiên, để các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam có được những bước phát triển thực sự, xác lập được chỗ đứng tại thị trường trong nước, khu vực và quốc tế, đòi hòi phải có những đột phá mang tính tiên phong và toàn diện về mặt chính sách để huy động nguồn lực đầu tư mạnh mẽ cho các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.

_______________

1. Theo CISAC, Cultural times: the first global map of cultural and creative industries (Thời đại văn hóa: bản đồ toàn cầu đầu tiên về các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo),12-2015.

2. UNESCO, Records of the General Conference nineteenth session, Nairobi, Vol. 1 - Resolutions, Paris: UNESCO, (Biên bản kỳ họp 19 Đại hội đồng UNESCO tại Nairobi), 1976, tr.36.

3. UNESCO, Culture, trade and globalization: Questions and answers, (Hỏi đáp về Văn hóa, thương mại và toàn cầu hóa) 2000, en.unesco.org.

4. Theo Katia Segers và Ellen Huigh, Clarifying the complexity and ambivalence of the cultural industries (Làm rõ sự phức tạp và mâu thuẫn của các ngành công nghiệp văn hóa) Trung tâm Xã hội học truyền thông, Đại học Vrije, Vương quốc Bỉ, 2007.

5. UNDP, UNESCO, Creative Economy Report 2013 Special Edition, (Báo cáo Kinh tế sáng tạo, phiên bản đặc biệt 2013), tr.22.

6. Tài liệu lập bản đồ các ngành công nghiệp sáng tạo được xuất bản năm 1998 và năm 2001, gov.uk.

7.XemUNDP,UNCTAD, CreativeEconomyReport 2008: The challenge of assessing the creative economy towards informed policy-making, (Báo cáo Kinh tế sáng tạo 2008: Tháchthức đánhgiánềnkinhtế sáng tạo:hướng tới quy trình hoạch định chính sách được thông tin đầy đủ, 2008).

8. Nghị quyết 31/NQ-CP ngày 13-5-2014 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị BCH TW Đảng Cộng sản Việt Nam về hội nhập quốc tế.

9. Từ Thị Loan (chủ biên), Phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, 2017.

Tác giả: Nguyễn Phương Hòa

Nguồn: Tạp chí VHNT số 446, tháng 12-2020

;