HỒ CHÍ MINH VỚI VẤN ĐỀ DÂN TỘC DÂN CHỦ THỜI KỲ 1930-1945

        Nói đến phong trào giải phóng dân tộc ở TK XX, không thể không nói đến vai trò to lớn của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, danh nhân văn hóa thế giới. Đặc biệt đối với dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh là biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc. Người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Đầu TK XIX, thực dân Pháp bắt đầu thực hiện chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai đối với nước ta, làm cho xã hội Việt Nam có sự phân chia giai tầng sâu sắc. Mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ phong kiến, giữa toàn thể dân tộc với thực dân Pháp càng trở nên gắt hơn bao giờ hết. Đó là tiền đề cơ bản, khách quan thúc đẩy phong trào dân tộc ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhiều cuộc đấu tranh nổ ra, nhưng đều không giành được thắng lợi. Cách mạng Việt Nam đang đứng trước sự khủng hoảng về con đường cứu nước.

Lúc đó Hồ Chí Minh (Văn Ba) đã dấn thân nhận lấy trách nhiệm lịch sử, ra đi tìm đường cứu nước với mong muốn và khát vọng cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho tổ quốc tôi”(1). Trải qua một thập kỷ sống, hoạt động trong phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc của các châu lục, khảo sát những giá trị tư tưởng cách mạng ở phương Tây, của cách mạng tháng Mười Nga để cuối cùng Người đến với chủ nghĩa Mác Lênin, đứng về phía quốc tế cộng sản, tìm được chân lý giải phóng cho dân tộc: “Muốn cứu nước giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(2).

Trải qua quá trình nghiên cứu những giá trị của học thuyết Mác, thấm nhuần quan điểm phép biện chứng duy vật của Mác, Hồ Chí Minh đã vận dụng khéo léo vào thực tiễn cách mạng. Và ngay từ năm 1924, Người đã nêu một luận điểm vô cùng độc đáo, đó là cần phải “bổ sung cơ sở lịch sử của chủ nghĩa Mác bằng cách thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được” (3).

Như vậy, ngay từ những năm 20 của TK XX, Hồ Chí Minh đã có sự sáng tạo mới, Người đã bổ sung thêm chủ nghĩa Mác bằng chủ nghĩa dân tộc để từ đó xây dựng lý luận, hoạch định chiến lược, đường lối, chủ trương và phương thức cách mạng. Đó cũng là tiền đề để Người xây dựng cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này.

Người phân tích rõ và chỉ rõ: “Cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây”(4). Sự xung đột về quyền lợi của các giai cấp trong nội bộ dân tộc, đặc biệt là giữa nông dân và địa chủ được giảm thiểu. Đó là về vấn đề dân chủ, còn dân tộc là vấn đề lâu dài của mỗi quốc gia, là vấn đề hàng đầu của các nước thuộc địa. Do đó, nhân dân các nước thuộc địa phải chĩa mũi nhọn vào chủ nghĩa đế quốc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Người sớm xác định một cách đúng đắn tính chất cách mạng ở các nước thuộc địa là dân tộc cách mạng. Đặc biệt, trong tác phẩm Đường cách mệnh, Người nhấn mạnh tính chất của cách mạng Việt Nam cũng như các nước thuộc địa khác là dân tộc cách mạng, mà nhiệm vụ là đánh đổ đế quốc xâm lược, giành độc lập tự do cho dân tộc, Hồ Chí Minh cũng xác định rõ sự thống trị của thực dân Pháp, giành hết quyền lợi kinh tế, chính trị của người An Nam, biến họ trở thành nô lệ, làm cho họ không chịu được nữa. Do đó những người dân nô lệ ấy đã “tỉnh ngộ lên, đoàn kết lại, biết rằng thà chết tự do hơn sống làm nô lệ, đồng tâm hiệp lực đánh đuổi tụi áp bức ấy đi; ấy là dân tộc cách mệnh”(5).

Đến đây, quan điểm về vấn đề dân tộc và dân chủ của Hồ Chí Minh đã được thể hiện khá đầy đủ. Người xác định nhân dân Việt Nam sẽ đấu tranh giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, kết hợp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhưng trước hết là giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc thực dân giành lại độc lập cho tổ quốc, tự do cho nhân dân. Để thực hiện được điều đó thì “trước hết phải có Đảng cách mệnh... Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”(6). Chính vì vậy, tháng 11-1924, Người tới Quảng Châu - Trung Quốc, sau đó thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên nhằm tổ chức, đào tạo, huấn luyện cán bộ cách mạng để sau đó đưa họ về nước truyền bá lý luận giải phóng dân tộc và tổ chức lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Nhờ ảnh hưởng của Hội mà ý thức chính trị cách mạng của công nhân, nhân dân lao động đã được nâng lên rõ rệt. Phong trào dân tộc, dân chủ tăng cả về số lượng và chất lượng. Đầu năm 1929, Hội bị phân liệt tại Đại hội lần thứ nhất dẫn tới sự xuất hiện của ba tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng (6-1929), An Nam Cộng sản Đảng (8-1929), Đông Dương Cộng sản liên đoàn (9-1929). Ba tổ chức này hoạt động riêng rẽ, thậm chí công kích nhau ảnh hưởng không tốt đến phong trào. Do đó việc thống nhất các tổ chức cộng sản thành một chính đảng duy nhất ở Việt Nam là một nhu cầu bức thiết lúc bấy giờ. Sứ mệnh lịch sử đó chính do lãnh tụ Hồ Chí Minh thực hiện. Bằng trí tuệ, phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, Người đã tổ chức thành công Hội nghị hợp nhất đảng họp vào đầu năm 1930. Tại Hội nghị này với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, Người nói cho họ biết những sai lầm và họ phải làm gì. Họ đồng ý thống nhất vào một đảng. Tiếp đó ngày 24-2-1930, tại Sài Gòn, Đông Dương Cộng sản liên đoàn cũng đã được chấp nhận vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến đây việc hợp nhất các tổ chức cộng sản đảng đã hoàn tất.

Cùng với việc quyết định thống nhất các tổ chức cộng sản thành một chính đảng duy nhất, Hội nghị đã thảo luận và thông qua Chính cương, Sách lược vắn tắt, Chương trình, Điều lệ tóm tắt của Đảng. Đó là các văn kiện trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh soạn thảo, xác định những vấn đề cơ bản về chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam.

Ở cương lĩnh này, Hồ Chí Minh đã phân tích rõ tình hình kinh tế xã hội Việt Nam, trong đó nổi lên mâu thuẫn giữa toàn dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược, trên cơ sở đó, xác định phương hướng chiến lược của cách mạng là phải tiến hành: “Tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(7). Để thực hiện được nhiệm vụ đó, Cương lĩnh cũng chỉ rõ rằng về phương diện chính trị: đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập, dựng ra chính phủ công nông binh, tổ chức ra quân đội công nông; phương diện kinh tế: thủ tiêu hết các thứ quốc trái, thâu hết sản nghiệp lớn của tư bản đế quốc Pháp để giao cho chính phủ công nông binh quản lý, thâu hết ruộng đất của đế quốc Pháp làm của công chia cho dân cày nghèo; bỏ sưu thuế cho dân nghèo, mở mang công nghiệp và nông nghiệp, thi hành luật ngày làm 8 giờ; về phương diện xã hội: dân chúng được tự do tổ chức, nam nữ bình quyền, phổ thông giáo dục theo hướng công nông hóa.

Như vậy, nội dung Cương lĩnh đã kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn vấn đề dân tộc và dân chủ, quyền lợi dân tộc đi đôi với quyền lợi giai cấp, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp. Nhưng trong đó nổi bật lên là vấn đề dân tộc, chống đế quốc và tay sai phản động giành độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam. Điều đó là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn nước ta, phù hợp với nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân lao khổ đang rên xiết dưới sự thống trị tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc và thực dân.

Để thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc thì cần phải tập trung lực lượng, do đó Cương lĩnh đã đề cập tới vấn đề rất quan trọng của cách mạng Việt Nam, đó là liên minh giai cấp. Hồ Chí Minh đã đề ra chủ trương liên minh rộng rãi các tầng lớp giai cấp phù hợp với cách mạng Việt Nam. Trên cơ sở coi công - nông là gốc cách mạng, Người chủ trương: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông... để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp”, “còn đối với phú nông, trung tiểu địa chủ và tư sản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng thì phải đánh đổ”(8). Đây là chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Hồ Chí Minh, dựa trên cơ sở kết hợp những nguyên tắc cứng rắn và sách lược mềm dẻo nhằm tập hợp đông đảo lực lượng cách mạng, cô lập cao độ kẻ thù để giành độc lập dân tộc. Quan điểm đó vừa phù hợp với lý luận tập hợp lực lượng cách mạng của chủ nghĩa Mác Lênin, vừa phù hợp với tình hình chính trị và giai cấp ở Việt Nam lúc đó.

Một điểm sáng tạo nữa trong Cương lĩnh là đặt tên Đảng. Để phát huy tinh thần dân tộc trong cách mạng giải phóng dân tộc, Người quyết định lấy tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc đặt tên Đảng là phù hợp với lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam, thể hiện quan điểm đúng đắn về việc vận dụng tính quốc tế và tính dân tộc trong xây dựng đảng. Khi giải thích vấn đề này Người nhấn mạnh: “Cái từ Đông Dương rất rộng và theo nguyên lý của chủ nghĩa Lênin, vấn đề dân tộc là một vấn đề rất nghiêm túc, người ta không thể bắt buộc các dân tộc khác gia nhập đảng, làm như thế trái với nguyên lý chủ nghĩa Lênin...”(9).

Hồ Chí Minh đã nhận thấy rằng, nếu không đánh đổ ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập dân tộc thì những vấn đề về dân chủ mà Cương lĩnh nêu sẽ mãi không thực hiện được. Do đó, chỉ có giải phóng dân tộc thì các quyền lợi của người dân và vấn đề dân chủ mới có thể thực hiện được.

Mặt khác, đặt trong bối cảnh lịch sử nước ta lúc đó thì được đặt lên hàng đầu chính là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc với thực dân Pháp, cho nên yêu cầu cấp bách đối với mọi tầng lớp nhân dân là đánh đuổi đế quốc xâm lược giành độc lập dân tộc. Do đó, Cương lĩnh đề cao vấn đề dân tộc sẽ góp phần tập hợp đông đảo lực lượng cách mạng cùng đứng chung một trận tuyến đấu tranh chống đế quốc xâm lược. Còn nếu đề cao vấn đề dân chủ sẽ không lôi kéo, tập hợp được lực lượng trung gian ngả về phía cách mạng. Nếu như vậy cách mạng khó có thể thành công nhanh chóng được. Bởi vậy, dân chủ chỉ được đề ra ở mức độ thấp nhằm phục vụ cho vấn đề dân tộc. Quan điểm của Hồ Chí Minh về dân chủ là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với thực tiễn cách mạng nước ta, với nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân.

Tóm lại, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng là một cương lĩnh cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn, sáng tạo, “độc lập dân tộc là tư tưởng cốt lõi, là viên ngọc quý được khảm trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên”(10) này.

Tuy nhiên, những quan điểm đúng đắn, sáng tạo của Hồ Chí Minh đã không được những người cộng sản Việt Nam lúc đó chấp nhận ngay. Trong nhiều văn kiện của Đảng từ năm 1930 đến 1935, đặc biệt là trong Hội nghị lần thứ nhất BCHTƯ (10-1930) do Trần Phú chủ trì, đã phê phán gay gắt Hội nghị hợp nhất. Sở dĩ có điều đó là vì, Hội nghị lần thứ nhất chưa nhìn rõ được mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Việt Nam thuộc địa là gì; thứ hai, do nhận thức giáo điều, máy móc về vấn đề dân tộc và giai cấp trong cách mạng ở thuộc địa, và đặc biệt là chịu ảnh hưởng trực tiếp của khuynh hướng tả và biệt phái của Quốc tế Cộng sản lúc bấy giờ. Tuy nhiên, trải qua thời gian, tính đúng đắn sáng tạo trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng do Hồ Chí Minh soạn thảo đã được thực tiễn cách mạng Việt Nam chứng minh. Đồng thời qua thực tiễn đấu tranh, Đảng ta đã có những đổi mới trong chủ trương, đường lối cách mạng, những nhược điểm mang tính tả khuynh, giáo điều trước đây dần được các hội nghị BCHTƯ khắc phục.

Năm 1936, tình hình quốc tế và trong nước có nhiều biến động, đòi hỏi Đảng phải có sự chuyển hướng lãnh đạo về chính trị, tổ chức và đấu tranh. Thời gian này Đảng cũng đặt vấn đề nhận thức lại ảnh hưởng của yếu tố dân tộc trong cách mạng thuộc địa, quan hệ giữa nhiệm vụ dân tộc và dân chủ, phản đế và phản phong trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền. Trong văn kiện Chung quanh vấn đề chiến sách mới công bố tháng 10-1936, Đảng nêu rõ: “Cuộc dân tộc giải phóng không nhất định kết chặt với cuộc cách mạng điền địa. Nghĩa là không thể nói rằng: muốn đánh đổ đế quốc cần phải phát triển cách mạng điền địa, muốn giải quyết vấn đề điền địa cần phải đánh đổ đế quốc. Lý thuyết ấy có chỗ không xác đáng. Vì rằng tùy hoàn cảnh hiện thực bắt buộc, nếu việc tranh đấu chống đế quốc là cần kíp, còn vấn đề giải quyết điền địa tuy quan trọng nhưng chưa phải trực tiếp bắt buộc thì có thể trước đánh đổ đế quốc rồi sau giải quyết vấn đề điền địa...”(11).

Đến đây, Đảng đã có chuyển hướng, có nhận thức mới về cách mạng tư sản dân quyền, về nhiệm vụ chống đế quốc và phong kiến, biết đặt nhiệm vụ cấp bách lên hàng đầu. Đây là quan điểm đúng đắn, phù hợp với tư tưởng chiến lược trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng do Hồ Chí Minh soạn thảo.

Đầu tháng 9-1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Ở Đông Dương, thực dân Pháp thi hành chính sách hết sức phản động cả về kinh tế và chính trị. Mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc ta với đế quốc xâm lược và bọn tay sai đã phát triển đến đỉnh điểm, đòi hỏi phải được giải quyết. Vấn đề độc lập dân tộc được đặt ra một cách cấp bách. Trước tình hình đó, Đảng đã có sự thay đổi chiến lược. Tháng 11-1939, Hội nghị lần thứ VI quyết định thay đổi chiến lược cách mạng: “Cách mệnh phản đế và cách mệnh điền địa là hai cái mấu chốt của cách mệnh tư sản dân quyền. Không giải quyết được cách mệnh điền địa thì không giải quyết được cách mệnh phản đế. Trái lại, không giải quyết được cách mệnh phản đế thì không giải quyết được cách mệnh điền địa. Cái nguyên tắc chính ấy không bao giờ thay đổi được, nhưng nó phải ứng dụng một cách khôn khéo thế nào để thực hiện được nhiệm vụ cốt yếu của cách mệnh là đánh đổ đế quốc”(12).

Như vậy, thực chất của sự thay đổi chiến lược là nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Còn về dân chủ thì chủ trương tạm gác khẩu hiệu ruộng đất, chỉ đề ra chính sách chống địa tô cao, cho vay nặng lãi và tịch thu ruộng đất của đế quốc, địa chủ phản bội dân tộc chia cho dân cày.

Đặc biệt Hội nghị lần thứ VIII (5-1941) do Hồ Chí Minh chủ trì đã hoàn chỉnh quá trình thay đổi chiến lược cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương, nhấn mạnh: “Cuộc cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền..., mà là cuộc cách mạng chỉ giải quyết một vấn đề cần kíp: dân tộc giải phóng...”(13).

Hội nghị Trung ương VIII cũng tạm gác khẩu hiệu “đánh đổ địa chủ, chia ruộng đất cho dân cày” thay vào đó là “tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc Việt gian chia cho dân cày nghèo”, chia lại ruộng đất công cho công bằng, giảm địa tô, giảm tức. Quyết định này đánh dấu sự trưởng thành về tư duy chính trị, năng lực lãnh đạo và chỉ đạo chiến lược, là sự hoàn chỉnh đường lối cách mạng đã được xác định từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Hồ Chí Minh soạn thảo. Tư tưởng, đường lối, chủ trương giải phóng dân tộc đúng đắn của Đảng có ý nghĩa quyết định đến thành công của cách mạng tháng Tám năm 1945.

Từ quan điểm chiến lược ấy, Đảng ta và Hồ Chí Minh đã thành lập mặt trận Việt Minh với chủ trương tập hợp mọi lực lượng, giai cấp vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc, vì mục tiêu làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, nhân dân Việt Nam được sung sướng, tự do.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc Việt Nam từ Bắc chí Nam đã đồng loạt nổi dậy giành chính quyền trong cả nước. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, một kỷ nguyên độc lập tự do đã mở ra cho dân tộc Việt Nam.

_______________

1. Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Thanh niên giải phóng, Hà Nội, 1975, tr.66.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.314.

3, 4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.465-467.

5, 6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.265, 267.

7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.1.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.4.

9. Ban nghiên cứu lịch sử Đảng trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiểu sử sự nghiệp, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1960, tr.68.

10. Lê Mậu Hãn, Hồ Chí Minh với ngọn cờ độc lập dân tộc trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 33-1990.

11, 12. Ban nghiên cứu lịch sử Đảng trung ương, Văn kiện Đảng 1930- 1945, tập 2, 1977, tr.132, 58.

            13. Ban nghiên cứu lịch sử Đảng trung ương, Văn kiện Đảng 1930-1945, tập 3, 1977, tr.203.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 336, tháng 6-2012

Tác giả : Nguyễn Đoàn Phượng

;