GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VÀ ĐẠO ĐỨC CHO SINH VIÊN ĐẠI HỌC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Đạo đức là hệ thống những nguyên tắc, giá trị, chuẩn mực xã hội để điều chỉnh hành vi của con người trong mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với xã hội. Do đó, giáo dục đạo đức là hoạt động có tổ chức, tác động lên các đối tượng giáo dục nhằm điều chỉnh hành vi trong xã hội.

Pháp luật là hệ thống những quy tắc xử sự do nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội. Giáo dục pháp luật là hoạt động có tổ chức, tác động lên các đối tượng giáo dục nhằm hình thành ở họ tri thức, tình cảm, niềm tin và hành vi xử sự phù hợp với pháp luật hiện hành. Để tăng cường giáo dục pháp luật và đạo đức cho sinh viên trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (ĐH CNTTTT) cần thực hiện một số biện pháp:

Nâng cao nhận thức về vai trò của pháp luật và đạo đức trong giáo dục sinh viên

Nâng cao hiểu biết nhất định về các chuẩn mực đạo đức và pháp luật là điều kiện cần thiết đầu tiên để có hành vi văn hóa. Vì vậy, trường ĐH CNTTTT cần phối hợp với Hội Sinh viên, Đoàn thanh niên tổ chức nhiều buổi hội thảo, câu lạc bộ, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề... về nội dung liên quan đến giáo dục đạo đức, pháp luật. Trang bị cho sinh viên hệ thống tri thức đạo đức, pháp luật như: tổ chức cuộc thi, các buổi sinh hoạt chuyên đề, cuộc hội thảo tìm hiểu về đạo đức và pháp luật.

Để giáo dục pháp luật, đạo đức cho sinh viên, bên cạnh sự hiểu biết và thái độ tôn trọng pháp luật cần phải giáo dục họ ý thức đạo đức, phẩm chất, nhân cách để đảm bảo cho các hành vi hợp pháp được thực hiện. Nếu ý thức đạo đức xã hội và cá nhân xuống cấp sẽ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật gia tăng. Pháp luật cũng có sự tác động mạnh mẽ đến đạo đức, bởi lẽ, nếu pháp luật được xây dựng trên các quan niệm, quan điểm, chuẩn mực, truyền thống đạo đức của dân tộc thì pháp luật góp phần củng cố, phát huy các giá trị đó tốt đẹp đó. Giáo dục pháp luật tạo ra khả năng thiết lập những nguyên tắc đạo đức, củng cố tình cảm, nghĩa vụ cho mỗi người. Giáo dục đạo đức sẽ hình thành ở công dân sự tôn trọng sâu sắc đối với pháp luật. Văn kiện Đại hội VIII đã khẳng định: “Quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức”(1). Bởi vậy, trong giáo dục pháp luật và đạo đức cho sinh viên ở trường ĐH CNTTTT, cần phải nhận thức đúng vai trò, hạn chế hay mối quan hệ giữa chúng để kết hợp một cách có hiệu quả.

Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức giáo dục pháp luật và đạo đức

Để hoạt động giáo dục pháp luật và đạo đức thu được kết quả tích cực, cần thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục. Có thể tiến hành việc giáo dục pháp luật và đạo đức trong nhà trường, trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua hoạt động của cơ quan chuyên trách trong bộ máy nhà trường như Đoàn thanh niên, Hội sinh viên... Cần phải có nghiên cứu, đánh giá một cách đúng đắn ưu điểm, hạn chế của từng hình thức để sử dụng kết hợp giữa chúng một cách phù hợp. Cần thiết phải đổi mới phương pháp dạy và học để thu hút sinh viên, có như vậy hoạt động giáo dục pháp luật, đạo đức mới đạt được hiệu quả cao.

Trong nhà trường, cần phải đa dạng hóa các loại hình hoạt động ngoại khóa kết hợp giáo dục pháp luật với đạo đức cho sinh viên. Từ đó, gắn việc giảng dạy đạo đức, pháp luật với các hoạt động xã hội, hoạt động tập thể thiết thực, bổ ích.

Để thực hiện giải pháp này, trường ĐH CNTTTT cần tổ chức cho sinh viên tham gia các hoạt động phổ biến tuyên truyền pháp luật tại địa phương. Mục đích sâu xa của hình thức giáo dục này là định hướng sinh viên trở thành người đi tuyên truyền phổ biến những vấn đề xã hội đang quan tâm.

Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật và hành động bảo vệ pháp luật trong nhà trường từ đó hình thành hành vi đạo đức. Mục tiêu cần đạt được là tăng cường nhận thức về các vấn đề pháp luật, đạo đức thông qua hệ thống những chủ đề thi, việc này tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với hệ thống tri thức pháp luật, đạo đức. Thi tìm hiểu pháp luật và đạo đức được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhìn chung, có 4 loại hình thường được áp dụng nhiều là thi nói, thi viết, thi trên mạng và trắc nghiệm. Mỗi hình thức đều có ưu, nhược điểm khác nhau nên tùy thuộc vào đặc điểm tình hình sinh viên để có thể vận dụng cho phù hợp.

Tổ chức các hoạt động, sinh hoạt tập thể thu hút sinh viên tham gia. Các hoạt động như văn nghệ, thi đấu thể dục, thể thao, hùng biện với nội dung phòng chống tội phạm, nội quy nhà trường, xem triển lãm về kết quả cuộc đấu tranh phòng chống hiện tượng vi phạm pháp luật... để sinh viên có thêm hiểu biết và tham gia tích cực vào đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và vi phạm pháp luật xâm nhập học đường nói riêng.

Vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong việc kết hợp giáo dục đạo đức và pháp luật cho sinh viên

Để biến những nội dung kết hợp giáo dục pháp luật với đạo đức có hiệu quả, cần thực hiện một số biện pháp phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong việc giáo dục sinh viên.

Người giảng viên đại học cần “đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước phù hợp với từng đối tượng theo hướng thiết thực, hiệu quả” (2). Nhà giáo phải là tấm gương luôn phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, sẽ có hiệu quả thiết thực trong công tác giáo dục đạo đức kết hợp với pháp luật cho sinh viên.

Sinh viên trường ĐH CNTTTT cần được “tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật” (3). Giảng viên cần trang bị cho sinh viên những tri thức và kỹ năng nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức nói chung và đạo đức nghề nghiệp nói riêng, có hiểu biết pháp luật cho việc hành nghề về sau.

Người giảng viên cần trang bị những hiểu biết về nội dung và hình thức giáo dục đạo đức và pháp luật, cung cấp cho sinh viên các quan niệm, chuẩn mực đạo đức thường xuyên, thiết yếu liên quan đến đời sống hàng ngày.

Người giảng viên cần đổi mới phương pháp giáo dục pháp luật với đạo đức theo hướng đề cao việc phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của sinh viên. Việc đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục pháp luật và đạo đức cần tập trung vào hướng rèn luyện tư duy sáng tạo, bồi dưỡng ý chí vươn lên, năng lực tự học, tự nghiên cứu của sinh viên dưới sự tổ chức hướng dẫn của gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể (4).

_______________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996.

2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, VPTW Đảng, Hà Nội, 2016.

4. Bài viết là sản phẩm của đề tài mã số T 2016-07-17, được tài trợ kinh phí của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 392, tháng 2-2017

Tác giả : TRẦN THÙY LINH

;