ĐỌC SÁCH, MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU

Cho tới nay chưa có một định nghĩa chung nhất cho khái niệm nhu cầu. Các sách giáo khoa chuyên ngành hay các công trình nghiên cứu khoa học thường có những định nghĩa mang tính riêng biệt. Còn theo quan điểm của tác giả bài viết thì nhu cầu được hiểu là sự cần thiết về một cái gì đó và nhu cầu là vô hạn.

Vậy nhu cầu đọc sách cũng không nằm ngoài nhận định trên. Nhu cầu đọc sách của mỗi cá nhân là khác nhau và mục đích đọc sách cũng khác nhau. Mặc dù sách là đối tượng của nhu cầu tinh thần đối với mỗi con người. Sách được hiểu là vật mang tin hữu ích, hàm chứa trong đó tri thức của nhân loại. Chính vì thế, nhu cầu đọc sách trở thành một nhu cầu thiết yếu của cuộc sống con người và luôn luôn đồng hành cùng sự phát triển của xã hội. Đến với sách là đến với nền tri thức to lớn của nhân loại, con người sẽ có những hiểu biết sâu rộng về thế giới xung quanh, về tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Có thể khẳng định rằng sách chính là người bạn tin cậy, hỗ trợ đắc lực cho bước đường tiến tới thành công của mỗi chúng ta.

Với xu hướng toàn cầu hóa về thông tin và truyền thông, việc bùng nổ thông tin trên các phương tiện truyền thông hiện đại lần lượt ra đời đã tác động không nhỏ đến nhu cầu đọc sách của hầu hết các lứa tuổi. Tuy nhiên, cho dù khái niệm sách thời nay đã phong phú hơn rất nhiều, dù các phương thức chuyển tải thông tin hấp dẫn khác dường như đang lấn át, nhấn chìm sách, bởi các ưu thế mới của khoa học kỹ thuật… thì sách vẫn không mất chỗ đứng trong tâm hồn và tư tưởng của mỗi con người chúng ta.

Vì sách là một loại hàng hóa đặc biệt, có sức lan tỏa trong không gian và thời gian. Giá trị của sách được khẳng định qua thời gian khi người sử dụng ứng dụng nó vào thực tiễn. Sách là công cụ chuyển tải tri thức, đường lối chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước... Giá trị của sách đối với con người và xã hội là vô cùng lớn lao.

Việc sản xuất, kinh doanh loại hàng hóa đặc biệt này cần xác định rõ tính mục đích để đáp ứng có hiệu quả nhu cầu đọc cho từng đối tượng và từng lứa tuổi.

 Đọc sách cũng là một nhu cầu đa dạng, không chỉ đơn thuần là đọc cho biết, cho hay mà còn là quá trình diễn ra những giao tiếp trực tiếp giữa người đọc với nội dung chứa đựng trong sách, được phản ảnh, thu nhận vào bộ óc người đọc. Vì vậy, người đọc sách phải biết lựa chọn cho mình các loại sách có nội dung tốt, lành mạnh, bổ ích thậm chí phải có đủ một số yêu cầu nhằm đáp ứng nhu cầu người đọc mới có thể khai thác hết và đúng ý nghĩa của việc đọc sách.

Hiện nay các chuyên mục giới thiệu về sách, điểm sách trên các phương tiện truyền thông đã là cầu nối thông tin để người đọc dễ dàng biết thị trường sách và nó đã trở thành nơi tư vấn hữu hiệu bên cạnh các thư viện truyền thống. Sự xuất hiện chuyên mục mỗi ngày 1 cuốn sách trên VTV1 đã được dư luận đặc biệt chú ý. Bên cạnh đó, chuyên mục điểm sách trên các tờ báo cũng giúp cho những người yêu thích sách dễ dàng hơn trong việc lực chọn các tác giả, tác phẩm mà mình yêu thích.

Cần có định hướng cho nhu cầu đọc cũng như hoạt động xuất bản thông qua sự gắn kết hệ thống người sáng tác - nhà xuất bản và nhu cầu đọc của công chúng trong mối quan hệ giao lưu chặt chẽ. Người sáng tác - nhà xuất bản cần phải nắm bắt được thực tế nhu cầu tâm lý của người đọc để đáp ứng thị trường nhu cầu đọc và có sự tương ứng giữa cung và cầu.

Ở một khía cạnh khác, thực tế hiện nay ở nước ta, số người sống bằng nghề nông là rất lớn. Vậy nhưng, trong những năm qua thị trường sách cho nông thôn chưa thật sự được chú trọng. Sách tới vùng nông thôn còn gặp không ít khó khăn. Một số nhà xuất bản ít đầu tư vào lĩnh vực này, chưa kể chủng loại sách chưa phù hợp với nông dân, mạng lưới phát hành thưa thớt, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Giá sách còn cao so với thu nhập của người nông dân, vì thế họ không mua được sách, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phổ biến và truyền bá các kiến thức như trồng trọt, chăn nuôi, gia công sản phẩm... phục vụ quá trình sản xuất và canh tác của bà con...

Có rất ít người lao động nông nghiệp quan tâm đến sách, báo. Tại các tỉnh miền núi, tỷ lệ bạn đọc đến thư viện thấp hơn nhiều so với vùng đồng bằng, thành thị. Độc giả lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng có thiên hướng ham mê đọc truyện tranh, nhất là thể loại truyện tranh có nội dung bạo lực...

Mới đây, Vụ Thư viện và Cục Xuất bản vừa tổ chức một cuộc Hội thảo khoa học nhằm tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả xuất bản, phát hành, nâng cao tỷ lệ độc giả được tiếp cận với nhiều loại hình sách, báo...., nhất là đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số. Tại hội thảo, ông Trần Tấn Ngô, Tổng giám đốc Công ty Phát hành sách Việt Nam cho rằng: “Hoạt động của ngành xuất bản và phát hành trong nền kinh tế thị trường hiện nay, luôn phải xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là: Phải xây dựng được một thị trường sách thực sự lành mạnh, ổn định, đảm bảo chất lượng. Sách xuất bản phải đến đúng đối tượng và đông đảo bạn đọc có yêu cầu. Có như vậy, việc định hướng và tạo ra một nền văn hóa đọc cho công chúng của ngành xuất bản mới phát huy được hiệu quả xã hội cũng như hiệu quả kinh doanh”. Tuy nhiên, làm cách nào để xây dựng được một thị trường sách ổn định, đảm bảo chất lượng và phát triển văn hóa đọc hiệu quả cho vùng dân tộc và miền núi thì vẫn đang là một câu hỏi khó tìm lời giải. Ông Lưu Xuân Lý, Giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc (NXBVHDT) cho biết: “Hiện nay, nước ta có khá nhiều nhà xuất bản nhưng chủ yếu phục vụ nhu cầu đọc cho 20% dân số vùng thành thị, 80% dân số vùng nông thôn, miền núi rất ít có cơ hội được tiếp cận với các loại hình sách, ấn phẩm văn hóa do có nhiều nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là đồng bào không có tiền mua sách, không có thời gian và thói quen đọc sách, hoặc không biết chữ. Mặc dù, tiềm năng di sản văn hóa của 54 dân tộc nước ta còn rất lớn để các nhà khoa học, văn nghệ sĩ thỏa sức tìm hiểu, khám phá, khai thác..., song, trên thực tế thì đội ngũ làm công việc này chưa nhiều, những ấn phẩm có nội dung phù hợp với văn hóa đọc của đồng bào còn ít”. 

Đầu tiên, đó chính là việc khẳng định rằng, bất chấp những sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ giải trí nghe nhìn, đọc sách vẫn được xem là một kênh tiếp nhận thông tin quan trọng của mọi người. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành xuất bản trong nước chính là minh chứng cụ thể nhất của việc phát triển nhu cầu đọc của đông đảo quần chúng nhân dân.

Theo thống kê của Cục Xuất bản, trong năm 2009, bất chấp tình hình suy thoái kinh tế chung, ngành xuất bản vẫn cho ra mắt gần 21.000 nhan đề sách mới với số bản in gần 500 triệu bản, cao hơn 111% so với năm 2008.

         Để xây dựng một thói quen, một nhu cầu đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, rất cần xây dựng và duy trì thói quen đọc sách đồng thời giúp họ biết chọn loại sách để đọc theo nhu cầu. Nhà xuất bản phải biết tránh chạy theo thị hiếu tầm thường, không có tính nhân văn, để tránh đưa ra thị trường những ấn phẩm yếu kém về nội dung, không mạng lại hiệu quả lợi ích cho xã hội, không góp phần vào việc xây dựng, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn tình cảm và tri thức cho con người.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 313, tháng 7-2010

Tác giả : Đoàn Tiến Lộc

;