Chiến tranh qua gương mặt phụ nữ

Kể từ khi ra đời trong cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ cho tới nay, điện ảnh Việt Nam (VN) luôn đồng hành cùng lịch sử của đất nước mà cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trải suốt 30 năm trong chặng đường 60 năm lịch sử điện ảnh Cách mạng đã để lại những dấu ấn không thể mờ phai bằng những tác phẩm điện ảnh kinh điển. Trong đó, nổi bật lên hình tượng người phụ nữ Việt Nam - những người con, người vợ, người mẹ và cũng là những người lính, mà thông qua số phận của họ, tái hiện nỗi đau mất mát và sự tàn khốc của chiến tranh.

Có lẽ bởi đặc thù của lịch sử dân tộc mà phim về đề tài chiến tranh chiếm một vị trí đặc biệt trong nền điện ảnh Cách mạng VN. Trong số những bộ phim chiến tranh thành công nhất của điện ảnh VN không thể không nhắc tới ba bộ phim tiêu biểu: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội Bao giờ cho đến tháng Mười.

Đều là những bộ phim được sáng tác trong thời điểm “chín muồi” cả về tài năng và cảm xúc của những đạo diễn tài danh, các tác phẩm này đã trở thành ba trong số những tác phẩm kinh điển của điện ảnh VN với nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Có một điểm chung giữa ba bộ phim, đó là cùng lấy người phụ nữ làm nhân vật trung tâm mà số phận của họ, với những hoàn cảnh vừa điển hình vừa riêng biệt, không chỉ là những đại diện tiêu biểu cho hình tượng người phụ nữ VN. Thông qua đó, cuộc chiến tranh của dân tộc VN hiện lên qua những lát cắt hiện thực.

Là bộ phim sử thi hoành tráng, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (đạo diễn, NSND Hải Ninh) đã ghi lại một giai đoạn lịch sử của dân tộc trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt ở một điểm nóng chia đôi hai miền thông qua cuộc đời chị Dịu. Điểm nổi bật nhất của phim là đạo diễn Hải Ninh đã xây dựng được hình tượng các nhân vật thật sâu sắc, đáng nhớ. Với nhiều tính cách phức tạp, cả phản diện lẫn chính diện, những nhân vật này cùng với số phận của họ đã khắc họa một bức tranh khái quát về cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của người dân ở bờ Nam con sông Bến Hải.

Chị Dịu - nhân vật chính của phim, cũng là nhân vật mang lại nhiều cảm xúc nhất cho khán giả bởi một số phận và tính cách vừa phổ quát vừa đặc biệt. Một phụ nữ trong tay không tấc sắt, chỉ có ảnh mắt nhìn thẳng không khuất phục, khuôn mặt cương nghị và ý chí mạnh mẽ đấu tranh với kẻ thù. “Vũ khí” của chị chính là tình yêu quê hương đất nước, tha thiết đấu tranh vì đồng bào của mình. Chính tình yêu quê hương là sức mạnh giúp một người phụ nữ với chiếc nón lá trong tay dám đứng lên chống lại kẻ thù được trang bị vũ khí tối tân. Lòng kiên định và sự dũng cảm của chị Dịu và những người phụ nữ cách mạng đã khiến kẻ thù phải kinh sợ. Chị Dịu, cũng là hiện thân của một đất nước Việt Nam nhỏ bé, đẹp đẽ, luôn yêu chuộng hòa bình, nhưng buộc phải đứng lên để chống lại những kẻ thù hung bạo, bảo vệ quê hương làng xóm của mình. Đó là cuộc đấu tranh vì phẩm giá con người.

Nếu trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, cuộc chiến được nhìn nhận qua số phận một người phụ nữ thì với Em bé Hà Nội, 12 ngày đêm khói lửa của chiến tranh lại được nhìn qua lăng kính trong trẻo của một cô bé 12 tuổi. Dù chỉ qua góc nhìn và câu chuyện của cô bé Ngọc Hà nhưng bộ phim đã cho thấy nhiều hình ảnh rộng hơn, lớn hơn về tình thương yêu và đoàn kết của quân và dân Hà Nội trong bom đạn bằng một thứ ngôn ngữ điện ảnh giản dị và nhiều cảm xúc.

Những ngày cuối năm 1972 khi Mỹ tập kích Hà Nội, nhân dân Hà Nội đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi cả B-52 và buộc Mỹ phải kí hiệp định Paris đem lại hòa bình cho miền Bắc Việt Nam. Dù chiến thắng, nhưng Hà Nội đã phải hứng chịu rất nhiều đau thương. Chuyện phim bắt đầu bằng hình ảnh đường phố Hà Nội trong cuộc sơ tán của người dân trên những chiếc xe đạp. Những gương mặt trẻ thơ với đôi mắt trong sáng và ngơ ngác lướt qua. Giữa dòng người, cô bé 12 tuổi Ngọc Hà với chiếc đàn Violon sau lưng, hét vang gọi bố. Một chiến sĩ cho em đi nhờ xe, và câu chuyện đau thương của em bắt đầu được kể.

Khi Ngọc Hà đang đi học ở nơi sơ tán, trận bom ở Khâm Thiên đã cướp đi người mẹ và em gái Thùy Dương của cô bé. Bố em đi công tác nơi xa. Em trở về nhà và tìm bố, người thân duy nhất còn lại. Bộ phim là những lát cắt xen kẽ giữa hiện tại với quá khứ và hành trình trở về của Ngọc Hà cũng chính là hành trình chiến đấu kiên cường với kẻ thù cùng tình người ấm áp bao bọc của những người dân thủ đô.

Nét ngây thơ trong ngần của Ngọc Hà là tấm gương phản chiếu rõ nét nhất sự vô lý của chiến tranh. Không có cách nào hiệu quả hơn khi thể hiện sự khốc liệt của chiến tranh qua góc nhìn một em bé. Không cần nhiều lời thoại mà dựa vào rất nhiều chi tiết mang tính biểu tượng, đạo diễn Hải Ninh đã làm bật lên nỗi đau chiến tranh thông qua số phận của một em bé.

Suốt hành trình tìm bố của mình, Ngọc Hà luôn được sự yêu thương đùm bọc của những người tốt bụng như anh chiến sĩ tên lửa, cô thủ kho đưa em về trường sơ tán, chính những con người em đã gặp, những sự việc mà em đã trải qua trong hành trình ấy đã cho thấy chân dung của những người Hà Nội luôn kiên cường, nhân hậu và lạc quan trong khói lửa. Đó cũng chính là những phẩm chất đáng quý đã giúp người dân Hà Nội mạnh mẽ vượt qua nỗi đau để chiến thắng. Hơn ai hết, khát vọng hòa bình của người Việt Nam thông qua số phận của Ngọc Hà và hình ảnh những người dân Hà Nội đã làm nên giá trị rất lớn cho bộ phim.

Nếu hai bộ phim trên nhìn chiến tranh một cách trực diện thì Bao giờ cho đến tháng Mười có thể xem là bộ phim tinh tế và giàu sức truyền cảm về đề tài hậu chiến. Từ nỗi xúc động, cảm thông, yêu mến và kính phục những người vợ, người mẹ từng gánh chịu biết bao mất mát, thiệt thòi suốt mấy chục năm chiến tranh cho đến thời hậu chiến, đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh đã xây dựng kịch bản Bao giờ cho đến tháng Mười. Bộ phim khắc họa hình ảnh rất cảm động và giàu sức thuyết phục về sự hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ Việt Nam.

Trở về nhà sau chuyến đi thăm chồng ở biên giới Tây Nam, Duyên giấu trong lòng nỗi đau khôn tả khi biết tin chồng chị đã hy sinh. Duyên giấu chuyện này với mọi người trong gia đình, đặc biệt là đối với người cha già đang ốm nặng. Để an ủi cha, Duyên nhờ Khang viết hộ những bức thư hỏi thăm gia đình như khi chồng chị còn sống. Những bức thư này đã mang lại niềm vui cho gia đình, nhưng nỗi đau thì một mình cô phải chịu đựng, nước mắt nuốt vào trong. Thế rồi, có nhiều tiếng đồn dị nghị rằng Duyên và thầy giáo Khang có tư tình. Đến khi cảm thấy mình yếu, không còn sống được bao lâu, người bố chồng bảo Duyên gọi điện cho con trai về để gặp lần cuối. Đến lúc này, Duyên không còn giấu được chuyện chồng đã mất được nữa...

Mảnh mai, dịu dàng nhưng cũng thật mạnh mẽ cứng cỏi, giản dị mà cũng thật đằm thắm với ánh mắt biết nói chứa đựng một thế giới nội tâm giàu có, Lê Vân đã có một vai diễn xuất thần. Với phong cách thể hiện dung dị và tinh tế, đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh đã khéo léo cho thấy sức mạnh giúp Duyên cất lên đôi vai bé nhỏ của mình mọi gánh nặng, từ những vất vả mệt nhọc thể xác đến nỗi đau tinh thần để mạnh mẽ sống và làm chỗ dựa cho người thân. Đó chính là vẻ đẹp thầm kín cao cả trong tâm hồn người phụ nữ Việt Nam bên cạnh sức mạnh tâm linh của người Việt.

Có thể nói, chính số phận đặc biệt của những người phụ nữ trong phim đã mang lại những cảm nhận riêng biệt về cuộc chiến tranh, từ đó không chỉ thuyết phục được khán giả VN mà còn cả những khán giả yêu hòa bình trên toàn thế giới. Giải thưởng của Hội đồng Hòa bình thế giới tại Liên hoan phim quốc tế Moscow 1975 cùng giải Diễn viên nữ xuất sắc nhất cho bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, giải Karlovy Vary cho phim Em bé Hà Nội và phim Bao giờ cho đến tháng Mười lọt vào danh sách 18 bộ phim kinh điển của châu Á trong thế kỷ XX do kênh CNN (Mỹ) bình chọn là minh chứng cho điều này.

NGÔ HỒNG VÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 478, tháng 10-2021

;